April 20, 2024, 12:11 pm

Một sự hội tụ lợi ích chiến lược trong 25 năm qua

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/8/2020 phát biểu tại nhà máy của Tập đoàn Whirlpool ở Clyde, bang Ohio, đã lên tiếng nói rằng, các nhà lãnh đạo Việt Nam “rất tốt với chúng ta” (tức là Mỹ). Tổng thống nhấn mạnh, ông “rất thích các nhà lãnh đạo” Việt Nam, vì “họ rất tốt với chúng ta”.

Ông Trump không đi sâu vào chi tiết vì sao ông thích các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng như họ tốt với nước Mỹ như thế nào trong bài phát biểu dài khoảng một giờ đồng hồ ở nhà máy của Whirlpool. Trong bài dễn văn này, ông đề cập đến việc các đối thủ cạnh tranh nước ngoài của tập đoàn này, như Samsung và LG, đã chuyển nhà máy của họ để ngăn chặn một sân chơi bình đẳng và để tránh trách nhiệm pháp lý, chuyển sản xuất sang Thái Lan và Việt Nam.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại nhà máy của tập đoàn Whirlpool ở Clyde, Ohio, hôm 6/8 trong đó ông nói các lãnh đạo Việt Nam rất tốt với chúng ta

 

Thay đổi cách nhìn

Dư luận còn nhớ năm ngoái, ông Trump từng phê phán Việt Nam “lạm dụng thương mại” giữa lúc cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam lúc đó có lợi dụng thương chiến để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ. Tuy nhiên, kể từ đấy, chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu thặng dư thương mại với Mỹ, ước tính hơn 40 tỷ USD, bằng cách nhập khẩu nhiều mặt hàng của Mỹ hơn. Trong hai chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm 2017 và đầu năm 2019, ông Trump đều nhắc tới vấn đề thương mại giữa hai nước. Các chuyến thăm hồi bấy giờ mang lại cho các doanh nghiệp Mỹ những thoả thuận mua hàng trị giá hàng chục tỷ USD ký với các đối tác Việt Nam. Hơn 20 tỷ USD hợp đồng được ký kết trong chuyến thăm của vị tổng thống Mỹ hồi tháng 2 năm ngoái tới Hà Nội để dự cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un.

Chính phủ Việt Nam cũng “quyết tâm và hành động quyết liệt” hơn trong việc chống gian lận xuất xứ hàng hoá và gian lận thương mại, một động thái được Tổng thống Trump hoan nghênh. “Thái Lan và Việt Nam, hai nơi mà tôi rất thích các nhà lãnh đạo”, ông Trump nói trong bài phát biểu tại Ohio, được đăng toàn văn trên trang web của Nhà Trắng. “Họ rất tốt với chúng ta”. Tháng 6/2019, trước khi đề cập đến quan hệ thương mại với Việt Nam, ông Trump gọi Việt Nam là đối tác thương mại “thứ dữ” khi đưa ra những lời bình luận dường như là khen ngợi rằng “Việt Nam đàm phán rất tốt. Họ làm ăn kinh doanh rất tốt”. “Họ có lợi dụng Hoa Kỳ không?”. Trả lời câu hỏi này, ông Trump nói hôm 6/8 khi tới thăm nhà máy Whirlpool: “Không nhiều lắm nữa đâu!”. Chuyến thăm và phát biểu tại Ohio là một phần trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump, trong đó ông tập trung vào các chính sách mang việc làm trở lại nước Mỹ và giảm thiểu thặng dư thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới có quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Nhà máy của Whirlpool là biểu tượng của những hy vọng về sản xuất trong nước mà ông Trump đưa ra kể từ khi chiến dịch tranh cử tổng thống lần đầu tiên năm 2016. Trong bài phát biểu tại Ohio, ông Trump hứa hẹn rằng 9 nhà máy của tập đoàn Whirlpool trên toàn Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng lớn mạnh chưa từng thấy.

Chặng đường 25 năm qua

Sau một phần tư thế kỷ bình thường hoá quan hệ, hai quốc gia cựu thù Hoa Kỳ và Việt Nam đang có một mối quan hệ được đánh giá là “mạnh mẽ”. Tuy nhiên, hai nước vẫn chưa nâng tầm quan hệ lên “đối tác chiến lược” trong thời điểm hiện nay, vì còn những quan niệm khác nhau, mà theo GS. Carl Thayer của Đại học New South Wales, là do còn có những “vênh nhau” về lợi ích chiến lược. Mỹ chính thức công bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11/7/1995. Một ngày sau đó tại Hà Nội, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra tuyên bố thành lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, mà theo truyền thông trong nước, đã mở ra một chương mới trong lịch sử hàn gắn và phát triển giữa hai nước. Giờ đây, theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam mạnh hơn bao giờ hết, khi hai quốc gia đi từ không có bất kỳ quan hệ thương mại nào tới chỗ có dòng chảy thương mại hai chiều trị giá hơn 77 tỷ USD.

Những xung đột hàng hải trên Biển Đông là một trong số bốn yếu tố chính – gồm cả giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh Việt Nam, thương mại, đầu tư và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khối ASEAN, đã tác động đến quỹ đạo phát triển mạnh của mối quan hệ song phương giữa hai nước. Theo nhận định của GS Thayer, người thường xuyên theo dõi quan hệ Việt - Mỹ trong nhiều năm qua, đã có một sự hội tụ về lợi ích chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ trong 25 năm qua về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, như Biển Đông và việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Sự hội tụ này càng trở nên rõ rệt trong những năm gần đây khi Trung Quốc tăng cường quân sự hoá trên vùng biển mà Việt Nam và quốc gia trong khu vực đều có tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Mỹ nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc khi đưa tàu vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông để cản trở hoạt động thăm dò dầu khí hay đâm chìm tàu cá như Việt Nam cáo buộc. Hai hàng không mẫu hạm của Mỹ lần đầu tiên cập cảng Đà Nẵng sau chiến tranh được coi là một dấu hiệu tăng cường sự hiện diện và hỗ trợ của Mỹ đối với Việt Nam và khu vực trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển mà các chuyên gia đánh giá là Mỹ cũng có nhiều lợi ích.

Với một thoả thuận đạt được vào năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành những đối tác toàn diện và 3 năm sau đó, lần đầu tiên sau hơn 40 năm kể từ khi kết thúc chiến tranh, Mỹ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Sự phát triển mạnh mẽ trong mối quan hệ và sự hội tụ to lớn về lợi ích trong khu vực thể hiện trong đánh giá của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thư chúc mừng gửi Tổng thống Mỹ nhân 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Bức thư có đoạn viết: “Việt Nam tin rằng với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho an ninh, hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới”.

Cũng nhân dịp này, chiều 10/7 (giờ địa phương) tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, đại sứ Hà Kim Ngọc đã tham dự cuộc gặp mặt thân mật kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ do trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell chủ trì. Tại buổi kỷ niệm, trợ lý ngoại trưởng Stilwell khẳng định chính sách của Mỹ coi trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam và sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ cho rằng những kết quả cụ thể trong tất cả các lĩnh vực hợp tác trong 25 năm qua sẽ tạo đà cho việc phát triển quan hệ đối tác tin cậy giữa hai nước. Trợ lý ngoại trưởng chia sẻ ấn tượng với sự phát triển năng động của Việt Nam, quá trình và kết quả Chính phủ và nhân dân Việt Nam ứng phó với dịch Covid-19 và đang dần từng bước mở cửa nền kinh tế.

Chiến lược trong 25 năm tới

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từng có chuyến thăm tới Nhà Trắng tại Washington DC vào tháng 5/2017, chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Donald Trump nhận chức. Hai nhà lãnh đạo tiếp tục khẳng định “tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện”. Như vậy là từng có 4 kỳ Tổng thống Mỹ trong 25 năm qua kể từ khi mối quan hệ giữa hai nước cựu thù được bình thường hoá, gồm hai tổng thống của đảng Dân chủ – Bill Clinton (1993-2000) và Barack Obama (2009-2016) – và hai tổng thống của đảng Cộng hoà – George W. Bush (2001-2008) và Donald Trump (2017-nay) từng sang thăm Việt Nam. Theo nhận định của GS Thayer, kể từ khi bình thường hoá quan hệ vào năm 1995, các chính quyền Mỹ, dù là đảng Dân chủ hay Cộng hoà, đều phát triển mối quan hệ với Việt Nam được thiết lập từ những chính quyền tiền nhiệm. Theo ông Thayer, những phát triển chính trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam diễn ra trong các chính quyền của Đảng Dân chủ, như việc bình thường hoá năm 1995 dưới thời Tổng thống Clinton, và việc thành lập đối tác toàn diện năm 2013 và dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam năm 2016 đều dưới thời Tổng thống Obama.

GS Thayer nhận định: “Nhưng dù ai tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021, ông Trump hay ông Biden, cũng đều sẽ tiếp tục trân trọng những thoả thuận và những tuyên bố chung trong đó xác định mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam”. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, các vấn đề thương mại sẽ tiếp tục là một vấn đề tồn đọng trong quan hệ nếu ông Trump tái đắc cử. “Dù ai trở thành tổng thống cũng sẽ theo đuổi một (mối quan hệ) đối tác chiến lược với Việt Nam”. Tổng thống Trump, trong bức thư gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ hôm 11/7, cho biết Mỹ sẽ “tiếp tục những cam kết của mình trong việc tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ song phương trên cơ sở tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoà bình và thịnh vượng cũng như sự tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền và luật lệ quốc tế”.

Trước đó hôm 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Mỹ cam kết “làm cho 25 năm tiếp theo của mối quan hệ song phương (giữa Hoa Kỳ và Việt Nam) trở thành một mô hình của hợp tác và đối tác quốc tế.” Dù đó là những lời nói mang nhiều tính ngoại giao nhưng theo GS Thayer có một sự thật trong đó là sự hội tụ những lợi ích chiến lược giữa Washington và Hà Nội sẽ tăng cao trong 1/4 thế kỷ tới. “Trong 25 năm tới, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ cuối cùng sẽ dẫn đến một sự cân bằng quyền lực mới”, GS Thayer nhận định. “Trung Quốc sẽ đóng một vai trò chi phối nhiều hơn ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương nói chung. Việt Nam cũng sẽ hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc”. Theo nhận định của một nhà ngoại giao cao cấp của Việt Nam với GS Thayer, “Việt Nam có lợi nhất khi quan hệ Trung - Mỹ không quá nóng nhưng cũng không quá lạnh”.

Nguồn Văn nghệ số 33/2020


Có thể bạn quan tâm