April 23, 2024, 11:16 pm

Cần cơ chế đặc thù cho đào tạo năng khiếu nghệ thuật

 

 Mùa tuyển sinh năm nay, một số trường năng khiếu nghệ thuật (NKNT) lo lắng về số lượng thí sinh đầu vào, bởi theo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) và Luật Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) có những quy định đang dẫn đến xáo trộn rất lớn trong hệ thống các trường này.

Bất cập từ luật

Những ngày này, các trường đào tạo văn hóa-nghệ thuật (VHNT) như đang “ngồi trên chảo lửa”. Ông Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân biết, nếu như những năm trước, tháng 7 và tháng 8 là thời gian hầu hết các trường đào tạo NKNT bước vào mùa tuyển sinh. Tuy nhiên mùa tuyển sinh năm nay, kế hoạch này đang phải dừng lại. Tất cả các trường đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng NKNT đang chờ quyết định từ Thủ tướng Chính phủ, cho phép hay không cho phép các trường tiếp tục tuyển sinh đào tạo theo hình thức đặc thù này.

Cảnh trong vở " Hồ thiên nga". Ảnh internet

Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho hay: “Bộ VH,TT&DL đã có tờ trình gửi Thủ tướng. Văn bản này tiếp tục đề nghị cho phép các trường đào tạo VHNT được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong năm nay. Ngoài ra, xin cơ chế cho các trường tiếp tục duy trì mô hình đào tạo từ sơ cấp lên đến đại học như hơn 60 năm qua đã thực hiện”.

Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, các trường đại học, học viện chỉ được đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Ba trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng sẽ do Tổng cục GDNN thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phụ trách. Điều này gây ra nhiều bất cập cho những trường đào tạo VHNT.

Cần cơ chế đặc thù cho đào tạo năng khiếu nghệ thuật
Để trở thành nghệ sĩ múa chuyên nghiệp, học viên phải học tập và rèn luyện từ 6 đến 9 năm qua các bậc sơ cấp, trung cấp.

Trước mùa tuyển sinh 2020-2021, Học viện Múa Việt Nam nhận được công văn của Tổng cục GDNN gửi học viện, khẳng định, học viện không được phép đào tạo trình độ trung cấp. Ông Trần Văn Hải cho biết: “Trường Cao đẳng Múa Việt Nam mới chính thức trở thành Học viện Múa Việt Nam từ năm 2019. Hơn 60 năm qua, trường chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, vậy mà bây giờ không được phép đào tạo trình độ trung cấp, các học viên và phụ huynh rất hoang mang. Nếu chỉ dành đào tạo biên đạo và huấn luyện múa (bậc đại học), không đào tạo trung cấp thì không ai muốn lên học viện làm gì cả, như vậy cũng xóa sổ luôn trường đầu ngành cung cấp diễn viên cho toàn quốc”. 

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng trong tình thế tương tự. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc học viện cho biết: “Hệ trung cấp của trường là hệ đào tạo năng khiếu kéo dài 6-9 năm, không phải là giáo dục nghề (từ 6 đến 12 tháng) theo Luật GDNN. Để có một cử nhân ngành nghệ thuật thì cần phải có 13 năm đào tạo liên tục từ trung cấp. Không thể có chuyện một học sinh học xong lớp 12 mới thi vào học viện để học đàn, học hát”.

Với các trường đào tạo lĩnh vực VHNT, “đứt” mất khâu đào tạo trung cấp là cả vấn đề. Theo ông Trần Văn Hải, không học đại học thì vào GDNN là đúng, nhưng xếp âm nhạc, múa và các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp đào tạo 6-9 năm với người học sửa xe máy, điện lạnh... vài tháng vào chung một nhóm là GDNN thì không ổn.

Cần cơ chế đặc thù phù hợp

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL cho biết: “Khi Luật GDNN được ban hành đã gây ra những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đào tạo nhân lực lĩnh vực nghệ thuật. Cụ thể, quy định về thời gian tổ chức đào tạo đối với các lĩnh vực đào tạo năng khiếu lại cào bằng như các lĩnh vực khác là bất hợp lý. Việc yêu cầu các trường đại học, học viện bỏ đào tạo trung cấp, cao đẳng đang gây ra xáo trộn rất lớn, nhất là khi các trường này đều đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo tài năng lĩnh vực VHNT do Chính phủ giao”.

Bộ VH,TT&DL hiện quản lý trực tiếp 28 cơ sở đào tạo, các cơ sở đào tạo trình độ đại học thực hiện theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp thực hiện theo các quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Như vậy, một trường đại học có đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp sẽ phải thực hiện theo quy định của 3 bộ, dễ dẫn tới sự chồng chéo về thực hiện chính sách và các quy định về quy trình đào tạo.

Được biết, đại diện các cơ sở đào tạo thuộc Bộ VH,TT&DL đã nêu những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện Luật GDNN thời gian qua và đề nghị xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo NKNT, thể thao, như: Giao các trường chủ động xây dựng thời gian đào tạo; xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong lĩnh vực nghệ thuật; chính sách cho từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể thao... Cách đây 3 năm (ngày 23-3-2017), Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 154/TB-VPVP kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nêu rõ đào tạo trong lĩnh vực VHNT có nhiều nét đặc thù về tuyển sinh, tuyển chọn năng khiếu; quy mô, thời gian và quá trình đào tạo; kiểm tra đánh giá chất lượng... Đồng ý cho cơ chế để các cơ sở đào tạo đại học VHNT tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Đồng thời giao Bộ VH,TT&DL phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị các nội dung nêu trên trong quá trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH và Luật GDNN để tháo gỡ “nút thắt” cho các cơ sở đào tạo này.

Trong khi các bộ, ngành có liên quan tiến hành họp bàn, đưa ra giải pháp sửa đổi những bất cập trong quy định hiện hành đối với công tác đào tạo NKNT, thì các trường đào tạo VHNT cũng đang nóng lòng chờ đợi những quyết sách phù hợp, kịp thời, giúp học sinh và các bậc phụ huynh yên tâm gắn bó với con đường làm nghệ thuật. 

 CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm