April 24, 2024, 2:11 am

Đầu ra cho các tác phẩm đoạt giải: công diễn hay… “lưu kho”?

Tính đến thời điểm hiện tại, cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước với chủ đề Mãi mãi một tình yêu do Sở Văn hóa, Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố tổ chức, đã thu hút hơn 100 tác phẩm tham gia. Ban Tổ chức dự kiến sẽ trao 11 giải thưởng các loại với giá trị giải thưởng lên đến gần 600 triệu đồng vào tháng 10/2020. Đón nhận thông tin trên, hầu hết những người hoạt động và quan tâm đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đều phấn khởi, lạc quan về một đời sống nghệ thuật không bị đại dịch Covid-19 nhấn chìm. Nhưng, dù là vậy thì vẫn còn không ít trăn trở về sức sống của những tác phẩm nghệ thuật sau mỗi kỳ vinh danh…

Một cảnh trong vở múa “Khoảnh khắc bất tử”

HẬU VINH DANH

Mỗi năm, đời sống văn hóa, nghệ thuật cả nước ghi nhận hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các hoạt động nghệ thuật như hội diễn, liên hoan, trại viết... diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực ngành chuyên môn. Và lẽ dĩ nhiên, ở những kỳ liên hoan, hội diễn, trại viết phục vụ cho các cuộc thi sáng tác... đều có tác phẩm, tiết mục được vinh danh. Đây có thể được xem là lần ra mắt đầu tiên, quy mô nhất, hoành tráng nhất của tác phẩm dự giải và đạt giải. Sau hội diễn, kỳ liên hoan hay đêm trao giải, người ta ít thấy tác phẩm được giải bước ra đời sống, thực hiện chức năng phục vụ công chúng yêu nghệ thuật, mà thay vào đó là nằm im trong các ngăn kéo, tủ kính theo đúng nghĩa là làm dầy thêm thành tích của đoàn nghệ thuật, nhà hát hay cá nhân một ai đó. Thực tế này là tình trạng chung của không ít các ngành nghề không thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như: nghiên cứu khoa học, chế tạo... nhưng đáng buồn là kéo dài trong suốt nhiều năm mà không có giải pháp khắc phục, khiến dư luận hoài nghi về chất lượng giải thưởng, về kinh phí đầu tư đa phần từ ngân sách Nhà nước đang bị lãng phí.

Lý giải cho sức sống ngắn ngủi của các công trình nghệ thuật, khoa học đoạt giải, nhiều nhà khoa học lĩnh vực ngành cho rằng, do tâm lý chạy theo thành tích, sức ép tồn tại hay không tồn tại nếu không có công trình khoa học, nghệ thuật đoạt giải tại các cuộc thi... đã khiến cho tập lý “ăn xổi” nảy sinh chính trong những người đứng đầu tại không ít lĩnh vực ngành, nghề của nền kinh tế chứ không chỉ riêng lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng để tìm ra liều thuốc đặc trị vẫn còn là “đường xa vạn dặm”. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: “Vấn đề cốt lõi vẫn là kinh phí. Nếu không có kinh phí thì tác phẩm chỉ biểu diễn trên sân khấu và cố gắng lắm cũng chỉ được 1đến 2 lần diễn ngoài đời sống. Do đó, cần phải có sự nỗ lực phối hợp giữa tác giả với các đơn vị nghệ thuật, đơn vị biểu diễn... Còn để quảng bá cho các tác phẩm này đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật hoặc các đơn vị theo dõi, nghiên cứu các tác phẩm mới phải đặc biệt quan tâm.”

Nhạc sĩ Phú Quang khi nói về giá trị của những tác phẩm nghệ thuật được giải đã thẳng thắn: “Nếu chỉ được giải rồi cất trong ngăn kéo thì chẳng có giá trị gì. Vấn đề là ca khúc phải đến với công chúng”... Ở lĩnh vực sân khấu, vấn đề kinh phí cũng trở thành rào cản với không ít đơn vị nghệ thuật. Theo tính toán của các đoàn nghệ thuật, để dựng một vở diễn mới, nguồn kinh phí có thể dao động từ 500 triệu, thậm chí lên đến cả tỷ đồng. Số tiền này được chi cho trang phục, thiết kế sân khấu, ghi hình và trả thù lao cho diễn viên, biên kịch, nhạc công, ca sĩ... Nếu đoạt giải, vở diễn sẽ mang về cho đơn vị nghệ thuật giải thưởng từ 30 đến 100 triệu đồng/ giải. Số tiền này quả thật không thể đem so sánh với vốn ban đầu dựng vở. Còn để tác phẩm đến với công chúng, việc đầu tư nói trên vẫn chưa dừng lại. Những khoản kinh phí phục vụ cho thuê địa điểm diễn, nhạc công, ca sĩ, quảng cáo... cũng không hề nhỏ, chưa kể với những tác phẩm nghệ thuật liên quan đến đề tài chiến tranh cách mạng, thì những đạo cụ hỗ trợ như khói lửa, vũ khí... cũng ngốn không ít kinh phí, gây áp lực cho đơn vị nghệ thuật. Chính vì vậy, có một thực tế, xuất diễn thử nghiệm để lấy ý kiến chuyên gia trước khi tác phẩm nghệ thuật tham dự liên hoan, hội diễn trở thành đêm diễn thu hút đông đảo khán giả nhất.

 

TĂNG “TUỔI THỌ” CHO TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT

Đối với tác phẩm văn học, chuyển thể thành phim, và với tác phẩm sân khấu thì cần phải được tiếp tục đầu tư để có thêm các xuất diễn tại các nhà hát. Đồng thời xây dựng tốt mối quan hệ cung - cầu giữa đơn vị nghệ thuật và công chúng yêu nghệ thuật để tránh tình trạng vở diễn nằm trong ngăn kéo. Nhưng lý thuyết là vậy, thực hiện lại không dễ. Chưa kể, thực tế để nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư, nhiều đơn vị nghệ thuật đã chọn giải pháp, thu gọn vở diễn, bớt xuất đầu tư khi phục vụ công chúng như: cắt phần ca khúc, múa và hệ thống đèn chiếu sáng... vô hình chung không chỉ làm giảm sức hấp dẫn của vở kịch mà còn làm tổn thương lòng tin của công chúng yêu nghệ thuật. Có thể điểm tên các vở diễn như Khoảnh khắc bất tử ngoài nhận được khoản đầu tư lên đến hơn 1 tỷ đồng từ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, vở kịch múa còn nhận được hỗ trợ cả về nhân lực, vật lực từ Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam… để liên tiếp giành các giải thưởng như 2 giải A và B trong Hội diễn học tập theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo tổ chức; Giải đặc biệt về thể loại Kịch múa trong Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2015; 2 giải A của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trao tặng; và giải A trong Cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930-1975 do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức… Nhưng ngoài được vinh danh tại các cuộc thi, hội diễn thì đến thời điểm hiện tại, vở diễn mới phục vụ công chúng 3 suất diễn. Được biết, tới đây Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ có một đợt biểu diễn vở Khoảnh khắc bất tử tại Nhà hát Lớn với kinh phí thực hiện nằm trong nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của Nhà hát. Phương thức bán vé có thể là  50% vé mời và 50% vé bán.

Với nhiều nhà viết kịch, đạo diễn, giải thưởng không phải là đích đến cuối cùng mà phần thưởng ý nghĩa và giá trị hơn với họ là khi tác phẩm được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Nhưng để gỡ nút thắt về kinh phí, về sự khan hiếm kịch bản hay sát với thực tiễn đời sống vẫn còn là bài toán khó. Trên thực tế, những gợi ý về đề tài, phát động cuộc thi theo một chủ đề nhất định đang là xu hướng khởi nguồn cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nhưng làm thế nào để tác phẩm dù là đặt hàng hay tham dự những cuộc thi, vận động sáng tác có thể đến được với công chúng và thoát khỏi nghịch cảnh: “Hay nhưng tuổi thọ ngắn” lại không dễ. Bởi gỡ “nút thắt” không phải chỉ là tìm nhà tài trợ, có kịch bản hay mà chính là phải thay đổi tư duy từ chính những người làm nghệ thuật. Dù trong bất kì một kỳ liên hoan, hội diễn Ban Tổ chức đã đưa ra được những định hướng về đề tài, yêu cầu cho mỗi đoàn tham dự, nhưng tính chính trị, yêu cầu tuyên truyền vẫn được xem trọng... dẫn đến sự khô cứng trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, khiến công chúng kém mặn mà.

Để vở diễn đi vào lòng công chúng, nghĩa là bước ra khỏi tháp ngà hội diễn, liên hoan đến với đời sống dân dã của người dân lao động, hơn lúc nào hết các đoàn nghệ thuật phải hài hòa giữa tính chính trị và nghệ thuật. Nghĩa là ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội thì tính giải trí, yếu tố nghệ thuật cũng cần được coi trọng. Chính yếu tố giải trí nếu làm tốt sẽ góp phần mềm hóa nội dung chính trị, để có thể phù hợp với nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Đồng thời đề cao tính giải trí theo đúng chuẩn mực, cũng sẽ tạo ra cơ hội để các nhà viết kịch bản có thể tự do sáng tạo, dựa trên cách tiếp cận đa dạng thông qua mạng xã hội để có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, đáp ứng thị hiếu của công chúng cũng như làm tốt vai trò giáo dục: Chân - Thiện - Mỹ cho công chúng yêu nghệ thuật hiện nay. Bên cạnh đó, mối quan hệ hài hòa giữa giá trị nghệ thuật cũng như tính giải trí cũng sẽ góp phần củng cố sâu sắc hơn quan hệ cung - cầu giữa các đơn vị nghệ thuật với công chúng, từ đó tận dụng nguồn lực xã hội hóa sẽ giúp phát huy giá trị tác phẩm, kéo dài tuổi thọ của tác phẩm, từng bước hạn chế tối đa sự đầu tư của Nhà nước.

Quay trở lại với cuộc thi Mãi mãi một tình yêu, với chưa đầy hai tháng nữa là kết thúc, Ban Tổ chức đã liên tục cập nhật những diễn biến mới của cuộc thi với kỳ vọng sẽ xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Hy vọng rằng, những tác phẩm được vinh danh tại cuộc thi sẽ không làm công chúng yêu nghệ thuật thất vọng về tuổi thọ của những tác phẩm  “hậu vinh danh”.

Nguồn Văn nghệ số 32/2020


Có thể bạn quan tâm