April 24, 2024, 7:34 pm

Sân khấu Việt trước những đòi hỏi mới

Thừa hưởng di sản quí báu sân khấu của cha ông, sân khấu đương đại Việt Nam hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện nhất trong lịch sử sân khấu Việt Nam kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay. Cùng với toàn bộ sức sống của một dân tộc, sân khấu đã tạo dựng nên một diện mạo đầy hiệu quả và bản lĩnh với các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước, kịch nói, dân ca kịch, xiếc... Và trong suốt những thập kỷ 60-70-80 đến nay, nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của nhân dân ta. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước ta đi vào con đường đổi mới và mở cửa về mặt kinh tế thị trường, sân khấu cũng như tất cả các loại hình nghệ thuật khác nói chung, thực sự phải đối diện một cách khốc liệt với thực tế là sự tràn ngập không ít các dòng văn hóa nghệ thuật mang tính thương mại… Nghệ thuật sân khấu gặp không ít những khó khăn, thách thức trong sự tồn tại của mình. Cho đến hai mươi năm đầu thế kỷ XXI, sân khấu đã lại bắt đầu khởi sắc và đang cố gắng trở lại là mình với tất cả vẻ đẹp vốn có, bước đầu lấy lại niềm tin và tình yêu đích thực của khán giả. Tuy nhiên, sau một giai đoạn bừng lên của các đợt hội diễn, sau những thành công đáng kể, khi tự nhìn lại mình một cách bình tâm, khách quan và khoa học, chúng ta thấy sân khấu đương đại vẫn còn nổi cộm nhiều vấn đề cần quan tâm, bàn bạc và giải quyết để cùng tìm ra những hướng đi mới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tặng hoa BCH Hội Nghệ sĩ Sân khấu nhiệm kỳ 2019-2024

Trước hết là vấn đề kịch bản. Một vấn đề mà giới sân khấu hay nói vui: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng rõ ràng, đây là vấn đề cần quan tâm nhất, bởi, có bột, mới gột nên hồ, và hiện nay thiếu kịch bản hay, là điều ai cũng nhìn thấy. Thời gian qua, kịch bản không có gì mới mẻ, cả về nội dung và hình thức, chưa đặt ra những vấn đề bức xúc của cuộc sống đương đại đầy biến động và phức tạp, đa chiều, cả những mặt tốt và mặt xấu trong công cuộc đổi mới. Và vì thế, hình ảnh con người bằng xương, bằng thịt với những suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt, tình yêu, danh lợi, ước mơ, khát vọng... nghĩa là những gì cao thượng hay thấp hèn của các tính cách nhân vật đều mờ nhạt, đơn điệu, không để lại những ấn tượng sâu đậm trong trí nhớ khán giả. Đề tài dã sử, dân gian, huyền thoại, lịch sử còn ít những tìm tòi độc đáo, mới lạ và hấp dẫn nên chưa vượt ra khỏi những đường mòn cũ, khuôn sáo. Không ít những vở diễn về các anh hùng dân tộc còn trùng lặp, khô cứng với nhiều môtíp cũ kỹ, thậm chí không trung thực với sự thực lịch sử, điều mà các nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận sân khấu đã và đang có ý kiến đề cập đến. Một vấn đề mà giới sân khấu cũng rất quan tâm, đó là việc dàn dựng tiết mục hàng năm của các đơn vị nghệ thuật, từ các nhà hát Trung ương cho đến địa phương. Đây không chỉ là trách nhiệm riêng của các đoàn nghệ thuật, mà Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng cần có các cách tiếp cận, trao đổi, bàn bạc cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm có các biện pháp cụ thể hơn để tìm ra những kịch bản đạt chất lượng nghệ thuật; nhất là những tác phẩm tham dự Hội diễn, Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.  

Hiện nay, cứ 2 năm một lần, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức các Liên hoan và Hội diễn. Đây là một công việc định kỳ, “đến hẹn lại lên”, để tổ chức nên một sân chơi nghệ thuật hết sức hào hứng cho các nghệ sĩ sân khấu. Nhưng một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm, đó chính là chất lượng nghệ thuật của các vở diễn, vì thời gian không thể gọi là đủ dài để tìm ra kịch bản và cả kinh phí cho các đơn vị. Vì thế, không thể tránh khỏi có những vở diễn đã dàn dựng một cách vội vã, sơ sài cả về tổng thể nghệ thuật, từ nội dung tư tưởng cho đến chất lượng diễn xuất non kém của các nghệ sĩ, cũng như thiết kế mỹ thuật sân khấu, âm nhạc, múa, ánh sáng… Qua một số Liên hoan trong hai năm 2018-2019, rõ ràng đã nảy sinh một số vấn đề bất cập mà báo chí, công luận, cũng như chính các nghệ sĩ đã phản ánh về các giải thưởng: từ giải cho vở diễn, đến các giải thưởng cá nhân, tạo nên những làn sóng ngược chiều trong dư luận xã hội, gây nên những bức xúc trong cả giới nghệ sĩ…

Về đội ngũ đạo diễn, không thể nói là không đông đảo, bởi hàng năm chúng ta vẫn đào tạo được không phải là ít, nhưng những người thực sự có tài và những gương mặt đạo diễn mới chưa xuất hiện một cách chói sáng. Đếm đi đếm lại cũng chỉ có vài đạo diễn có tên tuổi thì đã bắt đầu lặp lại mình, bởi một lúc dàn dựng quá nhiều vở diễn, không thể nói là họ có đủ thời gian để tập trung cho sự tìm tòi, sáng tạo hiệu quả nhất. Nếu nói kịch bản là khâu mở đầu quan trọng nhất, đạo diễn là người tổng chỉ huy và quyết định lớn đến thành công, thất bại một vở diễn, thì khâu diễn viên - nghệ sĩ biểu diễn là trung tâm của nghệ thuật sân khấu, và suốt  trên 60 năm qua, không biết bao nhiêu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú thuộc nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn đã để lại nhiều vai diễn nổi tiếng, đóng những dấu ấn lớn trong nghệ thuật sân khấu đương đại Việt Nam. Vậy mà hôm nay, mặc dù số lượng nghệ sĩ kế cận tỏ ra rất nhiều cố gắng, các diễn viên trẻ được đào tạo hàng năm ra trường đều đặn cho đủ các loại hình nghệ thuật, nhưng rõ ràng “tay nghề” của các nghệ sĩ trẻ hôm nay vẫn cần được nâng cao thêm rất nhiều. Với mỹ thuật, âm nhạc, mặc dù đã có những họa sĩ, nhạc sĩ tài năng, nhưng nói chung nhiều vở diễn vẫn còn ở dạng minh họa cho kịch bản và ý đồ đạo diễn. Nhất là thiết kế mỹ thuật, trong điều kiện kỹ thuật và chất liệu cho sân khấu thiếu thốn, cũ kỹ, lạc hậu cả âm thanh và ánh sáng, càng khó có thể phát huy được hết những hiệu quả của nghệ thuật tạo hình trong việc tìm tòi, sáng tạo trên sân khấu...

Cũng trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng một bộ phận khá lớn khán giả có thị hiếu tầm thường, thấp kém. Tuy nhiên đó chỉ là một cách nói và chúng ta không có quyền đổ lỗi cho khán giả. Trong bối cảnh ấy, lâu nay công tác lý luận và phê bình sân khấu hình như im hơi, lặng tiếng hoặc né tránh chung chung cả khen lẫn chê mà không đi sâu vào tìm hiểu và phân tích những tồn tại của sân khấu với tất cả sự bộn bề của nó, để từng bước định hướng cho sự thưởng thức của công chúng, nhất là trong tình hình sân khấu gặp nhiều khó khăn, thử thách trong cơ chế thị trường, và đang bắt đầu tiến tới việc xã hội hóa sân khấu. Bước vào trước thềm năm thứ 21 của một thế kỷ mới, và nhất là sau cơn khủng hoảng toàn cầu của đại dịch Covid-19, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, sân khấu đang cố gắng trở lại là mình với tất cả vẻ đẹp vốn có, để xây dựng nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng những đòi hỏi mới của công chúng, nhất là lớp khán giả trẻ hôm nay.

Nguồn Văn nghệ số 27/2020


Có thể bạn quan tâm