April 25, 2024, 11:55 pm

MỘT HÀNH ĐỘNG ĐÁNG LÊN ÁN NGAY TRONG MÙA DỊCH COVID-19

  Lợi dụng mùa dịch Covid-19, Trung Quốc không chỉ chủ động xây thêm các cơ sở và triển khai nhiều loại vũ khí trên hai đảo đá Chữ Thập và đá Subi thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, mà còn tăng cường tổ chức tập trận trên Biển Đông với quân đội nước ngoài, dẫn đến tình hình trên Biển Đông căng thẳng suốt mấy tuần qua. Không chỉ đẩy mạnh quân sự hoá và tập trận trên biển, các tàu hải cảnh Trung Quốc còn đẩy mạnh các hành động vũ lực đối với ngư dân Việt Nam ngay tại ngư trường truyền thống của mình.

 

Đâm tàu cá lẫn tàu cứu hộ

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo ngày 3/4/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc vừa mới đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Cụ thể theo lời Người phát ngôn, tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân trên đó khi đang hoạt động bình thường tại vùng biển của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn chận và đâm chìm. Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết thêm, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam. Cũng vào ngày 3/4, Hội Nghề Cá Việt Nam đã gửi công văn đến Văn Phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thông báo sự việc tàu cá Quảng Ngãi QNg 90617 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng     Ảnh Internet

Vụ việc xảy ra vào lúc khoảng 3 giờ sáng ngày 2/4/2020. Tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 cố tình đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS tại khu vực biển gần đảo Phú Lâm. Tàu cá Quảng Ngãi do ông Trần Hồng Thọ, 33 tuổi ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm chủ tàu. Ba tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi khi hay tin đã đến để cứu nạn. Ba tàu cứu hộ ấy gồm chiếc QNg 90045 do ông Đặng Tằm làm chủ, chiếc QNg 90399 do ông Đặng Dũng làm chủ và chiếc QNg 90929 do ngư dân Nguyễn Thành Linh làm chủ. Tuy nhiên đến khoảng 6 giờ sáng ngày 2/4/202020, phía Trung Quốc lại điều thêm 2 tàu hải cảnh 4001 và 4002 đến để vây bắt các tàu cứu hộ của hai ngư dân Đặng Dũng và Nguyễn Thành Linh, sau đó đưa vào đảo Phú Lâm. Trong cuộc vây bắt vô luân vô pháp ấy, lính Trung Quốc đã lục soát và đập phá, cướp đi các trang thiết bị trên tàu.

Trong khi tiến hành các hành động vũ lực đối với hai tàu của ông Dũng và ông Linh, các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng truy đuổi làm hư hỏng nhiều tài sản trên tàu cá của ngư dân Đặng Tằm, buộc tàu này phải quay vào bờ. Mãi đến chiều cùng ngày phía Trung Quốc mới chịu thả 8 ngư dân trên hai tàu bị đâm chìm và buộc các ngư dân phải rời khu vực Hoàng Sa. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có hành động đơn phương dùng vũ lực đối với ngư dân Việt Nam. Ngay từ năm 2014, chúng ta đã ghi nhận nhiều tàu cá của Việt Nam từng bị các tàu Trung Quốc liên tục khống chế, uy hiếp bằng vũ khí. Điển hình ngày 7/5/2014, tại khu vực có tọa độ 16o50'N-112o49'E (cách Bắc Tây Bắc đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa khoảng 10 hải lý), tàu cá của Quảng Ngãi số hiệu QNg 96416 TS cùng 16 ngư dân, đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 1241 bắn đạn lửa, dùng vòi rồng phun nước, dùng câu liêm cắt đứt dây và hệ thống liên lạc, định vị.

 

Không thể “chạy tội'”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhắc lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của UNCLOS-1982. Lịch sử thuộc về chúng ta, lẽ phải thuộc chúng ta, chúng ta phải có hành động kiên quyết hơn. Việt Nam không chủ trương đối đầu nhưng chúng ta có thể tận dụng sức mạnh của công pháp quốc tế để tự bảo vệ và lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ.

Mới đây, một đơn vị nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh vừa nguỵ tạo ra một báo cáo về tình hình Biển Đông, với nội dung gần như đổ lỗi cho các nước khác gây nên căng thẳng trên Biển Đông. Ngày 30/3/2020, tờ South China Morning Post (SCMP), thuộc Tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma, đăng bài phân tích “Tổ chức tham vấn đánh giá các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ”. Bài viết trên tổng hợp từ báo cáo về hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông, vừa được công bố vào ngày 28/3 trước đó bởi “Sáng kiến Minh bạch Chiến lược Biển Đông” (SCSPI), một tổ chức chân rết của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).

Toàn bộ báo cáo vừa nêu dài 47 trang, thực tế chỉ cung cấp thông tin một chiều là Mỹ, với các nội dung như Washington năm 2019 đã đẩy mạnh điều tàu chiến các loại từ tàu khu trục, tàu ngầm, tàu sân bay… hoạt động ở Biển Đông, thực thi tự do hàng hải (FONOP), tăng cường hợp tác quân sự và viện trợ quân sự cho nhiều nước trong khu vực… Báo cáo cũng cho rằng phía Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động như thế, đồng thời công khai việc Trung Quốc tăng cường triển khai vũ khí để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc tại các rạn san hô, thực thể nhân tạo ở Biển Đông”. Rõ ràng, báo cáo trên đã quá phiến diện, thiếu khách quan, cố tình giải thích sai lạc bản chất tình hình Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Tạm bỏ qua động lực của Washington khi tăng cường hoạt động quân sự trên Biển Đông theo quy định của LPQT, thì rõ ràng chính Bắc Kinh mới là nguồn cội của những động thái khiến thế giới cũng như các nước trong khu vực phải lo ngại.

Gần đây, SCSPI (Không được nhầm với “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á”, tức là AMTI) đã nổi lên như một think-tank chuyên công bố các báo cáo nhằm đổ lỗi cho các nước khác liên quan đến tình hình Biển Đông. Ngoài báo cáo ngày 28/3 về hoạt động quân sự của Mỹ, SCSPI vừa qua cũng đã tung ra một báo cáo vô căn cứ khác, khi cho rằng đội tàu cá Việt Nam “vây hãm” đảo Hải Nam của Trung Quốc. Trong khi đó, chính Trung Quốc là bên xây dựng nhiều hạ tầng trên bãi đá Chữ Thập, đồng thời triển khai các loại vũ khí. Trong khi SCSPI (Sáng kiến Minh bạch Chiến lược Biển Đông) chuyên “sản xuất” các báo cáo một chiều, có lợi cho Trung Quốc, thì Viện Nghiên cứu Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) của nước này lại có một nhóm chuyên gia ra sức đăng tải các bài viết phụ hoạ, theo kiểu đánh tráo khái niệm, nhằm đổ lỗi cho các nước khác. Điển hình trong số này là các chuyên gia như Ts. Mark Valencia, học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Nam Hải, và ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải. Rất nhiều lần, Ts. Valencia đã dùng báo cáo của SCSPI làm “bằng chứng” cho các lập luận thiên lệch khi nhận xét về Biển Đông.

Một trong những lần tàu Trung Quốc bám sát và đâm thẳng vào tàu Việt Nam hồi đầu năm 2015   

Ảnh Internet

Đẩy mạnh quân sự hoá

Dự luận đều biết rằng, nhiều năm trước đây, Trung Quốc đã cấp tập xây dựng hạ tầng, quân sự hóa, bố trí vũ khí với hỏa lực hạng nặng trên các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2016, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã xây dựng xong đường băng dài 3.000m, nhà chứa máy bay cỡ lớn ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng năm 2016, các hình ảnh khác cũng chỉ ra hiện trạng tương tự trên hai bãi đá Subi và Vành Khăn mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép. Chỉ thời gian ngắn sau khi hoàn thành các cơ sở hạ tầng, Trung Quốc lại tiến thêm một bước là điều động nhiều loại máy bay quân sự đến khu vực này. Đến năm 2018, ngoài dấu vết máy bay quân sự tại các bãi đá này, những loại vũ khí như hệ thống tên lửa đối hạm YJ-12B, tên lửa đối không HQ-9B cũng đã được triển khai đến các bãi đá ở Trường Sa, theo hình ảnh vệ tinh được công bố bởi “Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á” (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ). Đó là chưa kể các loại radar và nhiều phương tiện quân sự khác cũng được Trung Quốc đưa đến khu vực trên. Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên điều động các chiến hạm tuần tra trên Biển Đông, tăng cường tập trận. Chuyên gia mà bài báo dẫn trích là nhà phân tích Zhou Chenming từ Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có thể xem các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông như “động lực” để tăng cường tập trận nhằm nâng cao khả năng tác chiến. Thực tế, trong 3 tháng vừa qua, Bắc Kinh cũng đã tiết lộ việc hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông, một diễn biến mà giới chuyên gia quốc tế nhận xét là nhằm đe dọa an ninh và ổn định khu vực.

Báo Phil Star của Philippines hôm 23/3/2020 tố cáo Trung Quốc đã lợi dụng thời cơ khi mà các nước đang tập trung dập dịch Covid-19 để xây dựng thêm các cơ sở mới trên Biển Đông. Một bản tin của Tân Hoa Xã tuần trước tường thuật rằng, Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã khánh thành hai “Trạm nghiên cứu” trên Đá Chữ Thập và Đá Subi, nơi Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Nguồn tin cho biết hai trạm nghiên cứu Yongshu (Đá Chữ Thập) và Zhubi (Đá Subi) có trang bị các phòng thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học và môi trường, sẽ hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học trên quần đảo "Nam Sa", tên Bắc Kinh gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi là 3 trong số 7 đảo đá của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp./.


Có thể bạn quan tâm