April 26, 2024, 5:18 am

Nhớ ngày Giỗ Tổ

Con người có tổ có tông

Như cây có cội như sông có nguồn

Câu ca thấm đượm nghĩa tình ấy thể hiện đạo lý truyền thống của người Việt, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành tín ngưỡng riêng, tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

 

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Ảnh Intrenet

 

Mở những trang sử trong Đại Việt sử lược có ghi: “Thời Trang Vương nhà Chu (năm 696-682 trước công nguyên) ở Bộ Gia Ninh có dị nhân dùng yêu thuật áp phục được các bộ lạc tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang. Truyền 18 chi đời đều gọi là Hùng Vương”. Ngọc phả Hùng Vương soạn năm Hồng Đức nguyên niên (1470) nói về Hùng Vương chọn đất đóng đô như sau: “Ngàn núi cúi chầu về, vạn sông quy tụ lại, thảy đều quay chầu về Nghĩa Lĩnh. Vương nhận ra đất này là đất tốt bèn lập chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh. Ngoại vi Nghĩa Lĩnh lập đô thành Phong Châu”. Trong Đại Nam nhất thống chí - Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chép rằng: “Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu nay là huyện Bạch Hạc”. 

Đền Hùng thờ cả 18 vị Vua Hùng. Long ngai bài vị có ở 3 đền Thượng, Trung, Hạ đều ghi “Thập bát thế thành vương Thánh vị”. Trong Ngọc phả chép rõ 18 bài vị là: Kinh Dương vương, Lạc Long Quân (hiệu là Hùng Hiền Vương), Hùng Quốc Vương, Hùng Diệp Vương, Hùng Hy Vương, Hùng Huy Vương, Hùng Chiêu Vương, Hùng Vi Vương, Hùng Định Vương, Hùng Uy Vương, Hùng Chinh Vương, Hùng Vũ Vương, Hùng Việt Vương, Hùng Anh Vương, Hùng Triều Vương, Hùng Tạo Vương, Hùng Nghị Vương, Hùng Duệ Vương. Ngoài bản Ngọc phả Đền Hùng, còn có hai bản Ngọc phả nội dung như bản Đền Hùng của hai làng Vi Cương và Vân Luông thờ 18 đời Vua Hùng, nhưng còn có dòng chữ ghi năm Thiên Phúc nguyên niên đời Vua Lê Đại Hành.

Trong các truyền thuyết của người Việt cũng có rất nhiều câu chuyện về thời đại của các vua Hùng gắn với tên các vùng đất được truyền miệng đến ngày nay: Chuyện Hùng Vương kén rể và thiên tình sử mối tình tay ba Sơn Tinh - Thủy Tinh với nàng Ngọc Hoa công chúa; chuyện công chúa Tiên Dung với Chử Đồng Tử; sự tích bánh Chưng, bánh Dày gắn với tích Hùng vương chọn người truyền ngôi báu và Hoàng tử Lang Liêu với lòng hiếu thảo dâng vua cha cặp bánh trời tròn đất vuông đã được lên ngôi báu… Những tên làng quê trên dải đất từ Việt Trì tới Đền Hùng và phụ cận có tên gọi như: Minh Nông, Tiên Cát, Thậm Thình, Lâu Thượng, Lâu Hạ (Lầu Thượng, Lầu Hạ), Quýt Hạ, Mộ Xy, An Thái, Phượng Lâu, Cẩm Đội… mỗi tên gọi đều gắn với một tích cổ thời Hùng Vương. Ở Minh Nông có tích Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Nơi đây đã được dựng đàn tịch điền, hàng năm vào dịp giỗ Tổ diễn ra lễ hội tưng bừng. Đất Dữu Lâu có vườn trầu của nhà Vua; Hương Trầm nơi có cánh đồng mà Hoàng tử Lang Liêu trồng thứ lúa thơm làm bánh Chưng, bánh Dày… Không có một quốc gia nào trên thế giới lại có một khu di tích chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về cội nguồn dân tộc thiêng liêng như Đền Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên bền vững và sống mãi trong tâm thức của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt truyền từ đời này sang đời khác đã làm nên sức mạnh phi thường, tinh hoa của dân tộc Việt suốt chiều dài lịch sử dựng nước và đấu tranh bảo vệ đất nước. Những năm 40, Hai Bà Trưng đã làm lễ tế Tổ thề đền nợ nước trả thù nhà ở Đền Hùng. Đến thời nhà Lý, Trần đã cho xây dựng mở mang các đền chùa. Thời nhà Đinh, mặc dù đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) song Đinh Bộ Lĩnh khi lên ngôi vẫn không quên cho viết thần tích Đền Hùng. Thời nhà Lê, Vua Lê đã cử Lễ Bộ Thượng Thư từ Kinh thành Thăng Long đi thị sát tới Đền Hùng trong dịp mở hội, phong cho làng Cổ Tích xã Hy Cương làm “con trưởng tạo lệ”, cho miễn các thứ thuế khóa để đầu tư cho trông nom thờ cúng Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm. 

Trải qua nhiều thế hệ, kế tục các triều đại phong kiến, ngày nay giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm tỉnh Phú Thọ và Khu di tích lịch sử Đền Hùng. “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, đó là câu nói bất hủ của Người khi nói chuyện với cán bộ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Hùng tháng 9/1954 trên đường về tiếp quản thủ đô đã thêm sự khẳng định đạo lý truyền thống, “uống nước nhớ nguồn” và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc mãi sẽ được lưu truyền trong các thế hệ người Việt Nam. Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng trở thành khát vọng tâm linh của mỗi người Việt Nam. Thấy rõ tầm vóc và ý nghĩa của khu di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng, Nhà nước đã xếp hạng đặc biệt và triển khai dự án xây dựng tôn tạo khu di tích từ năm 1990. Đặc biệt, ngày 30 tháng 4 năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2015. Qua hàng chục năm, đến nay nhiều hạng mục của dự án đã được hoàn thiện. Các đền chùa, lăng tẩm trên núi đã được trùng tu đảm bảo nguyên tắc bảo tồn nguyên bản của di sản. Tại khu di tích đã xây dựng khu vực trung tâm lễ hội có sức chứa tới hàng vạn người. Hệ thống các tuyến đường được từng bước hoàn thiện đảm bảo cho xe đi một chiều, các bãi đỗ xe, khu vực tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao. Hệ sinh thái rừng Đền Hùng đã sớm được quan tâm bảo vệ, khôi phục tạo nên sự phong phú cả về thực vật và động vật. Các hồ nước như hồ Gò Cong, hồ Khuôn Muồi, hồ Lạc Long, được đầu tư xây dựng, tạo thế “sơn chầu thủy tụ’’ vốn có. Đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ được xây dựng trên núi Vặn. Trên núi Sim xây dựng đền thờ Lạc Long Quân. Ý tưởng xây dựng tòa tháp tưởng niệm các Vua Hùng để từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và cả nước hướng về Đền Hùng, như ý nguyện của cố Tổng Bí Thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn và đồng bào cả nước đang được xúc tiến tích cực. Mỗi công trình thực sự là một tác phẩm nghệ thuật có sự kết hợp chặt chẽ tính khoa học, lịch sử và yếu tố tâm linh, chứa đựng giá trị thẩm mỹ, giáo dục truyền thống, mang đến cho đồng bào cả nước sự ngưỡng vọng sâu sắc về Tổ tông cội nguồn. 

Thể theo nguyện vọng của nhân dân cả nước kiều bào ta ở nước ngoài, Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Đảng, Nhà nước ta công nhận là quốc lễ. Ngày 10/3 âm lịch trở thành ngày Quốc giỗ Tổ, tri ân công đức Hùng Vương. Kể từ đây, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức theo quy định, thường niên, tỉnh Phú Thọ trong vai trò con trưởng tạo lệ làm chủ lễ. Ngày quốc Giỗ Tổ đã được tổ chức bài bản với nghi thức trang trọng với phần lễ linh thiêng và phần hội tưng bừng náo nhiệt. Phần lễ bao gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ rước kiệu về Đền Hùng. Đồng thời với thời gian tổ chức lễ dâng hương tại Đền Thượng, tại các địa phương có di tích Hùng Vương đều đồng loạt tổ chức dâng hương. Quốc giỗ Tổ hàng năm đều có từ 4-5 tỉnh thành phố tham gia góp giỗ. Thời gian tổ chức từ 5-7 ngày… Đền Hùng trở thành tâm điểm thu hút hàng triệu con tim khối óc, già, trẻ, gái, trai khắp các vùng miền trong cả nước và Kiều bào ta ở nước ngoài tìm về. Đây cũng là dịp củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong lao động, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. 

*

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định công nhận thành phố Việt Trì là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Thọ. Khu di tích lịch sử đền Hùng nằm trong quy hoạch tổng thể thành phố du lịch lễ hội về với cội nguồn dân tộc như quyết định phê duyệt của Chính phủ. Nhờ có sự gắn kết với các di tích về thời đại Hùng Vương tại Việt Trì và vùng phụ cận, Khu di tích lịch sử đền Hùng được nâng tầm thời đại, trở thành tâm điểm hội tụ cho ý chí đoàn kết toàn dân tộc Việt, góp phần làm cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương “hiện tượng lịch sử độc nhất vô nhị” trên thế giới bền vững mãi ngàn đời. Cũng trong năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và tiếp đó một năm “Hát xoan Phú Thọ” khúc hát môn đình đã được UNESCO vinh danh là văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Với những nỗ lực của nhân dân Phú Thọ đại diện con cháu Lạc Hồng trong việc bảo tồn, hát Xoan đã ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, trở thành văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được UNESCO cấp bằng công nhận năm 2018.

Cách thức tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng mỗi năm thêm đổi mới. Các hoạt động trong dịp này ngày càng thu hút đông đảo các lực lượng xã hội tham gia. Tinh hoa văn hóa dân tộc ngày càng được bảo tồn phát huy. Suốt những ngày hội mở, diễn ra nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể thao, vui chơi mang đậm bản sắc dân tộc phong phú: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố tại Việt Trì; Trưng bày tư liệu, hiện vật về văn hóa phi vật thể Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Tổ chức hội thi bơi Chải Việt Trì mở rộng trên hồ công viên Văn Lang, rước kiệu, đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; Hội trại văn hóa; Triển lãm ảnh nghệ thuật “quê hương con người Phú Thọ”, ảnh đẹp du lịch; Liên hoan nghệ thuật quần chúng; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày, kéo lửa thổi cơm thi, vật dân tộc, bóng đá, giải bóng chuyền Hùng Vương với sự tham gia của các đội mạnh toàn quốc... tạo không khí sôi động, hấp dẫn, tạo ấn tượng sâu sắc với du khách thập phương.

Năm nay, năm Canh Tý 2020, là năm chẵn, theo thông lệ Giỗ Tổ Hùng vương - Lễ hội Đền Hùng sẽ được tổ chức trọng thể cấp Nhà nước do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh nên chỉ tổ chức phần Lễ. Song không vì vậy mà làm giảm ý nghĩa Giỗ Tổ Hùng vương - Lễ hội Đền Hùng. Tại các đình chùa nơi có thờ các vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương trong tỉnh Phú Thọ và cả nước vẫn sẽ diễn ra các nghi lễ truyền thống quốc Giỗ Tổ. Đặc biệt tại các gia đình trong tỉnh Phú Thọ duy trì nghi lễ thờ cúng tưởng niệm các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nguồn Văn nghệ số 14/2020  


Có thể bạn quan tâm