April 25, 2024, 11:22 am

Covid-19 sẽ là “kênh đào Suez” của Mỹ?

Đại dịch Covid-19 đang làm mối quan hệ Trump – Tập ngày càng tồi tệ hơn. Rõ ràng đây không phải là thời gian thuận lợi cho thế giới và cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ mọi ý kiến cho rằng Bắc Kinh không minh bạch về những gì đang liên quan đến đại dịch. Đấy là chưa kể, mạng xã hội ở Trung Quốc còn lan truyền câu chuyện đại dịch được gây ra bởi một chương trình chiến tranh virus của quân đội Hoa Kỳ. Tin đồn này không phải không đạt được sự chú ý. Trong khi các nhà khoa học chứng minh rằng cấu trúc của virus này có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên. Nhưng đây không chỉ là một cuộc chiến ngôn từ. Có một điều gì đó sâu sắc hơn nhiều đang diễn ra. Đầu tháng này, khi Mỹ tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với khách du lịch từ nhiều quốc gia EU, bao gồm cả Ý, thì chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng họ đang gửi các đội ngũ y tế và thiết bị đến Italy, quốc gia hiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Trung Quốc cũng đã gửi trợ giúp cho cả Iran lẫn Serbia.

Nếu Hoa Kỳ không vượt lên trước Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh ở mùa đại dịch này, Covid-19 có thể đánh dấu một “khoảnh khắc Suez” khác. Kế hoạch “thuộc địa hoá Biển Đông” của Bắc Kinh hiện đang đe doạ vai trò của Mỹ giống như vụ “kênh đào Suez” năm 1956 đã kết thúc triều đại Vương quốc Anh như một cường quốc toàn cầu.

Các tàu nạo vét của Trung Quốc ở vùng nước gần Đá Chữ Thập   Ảnh Internet

Thời khắc mang tính biểu tượng

Giai đoạn hiện nay là thời điểm của biểu tượng. Và đó cũng là dấu hiệu của cuộc chiến thông tin đang diễn ra ở hậu trường, với Trung Quốc háo hức nổi lên từ cuộc khủng hoảng này với tư cách là một lãnh đạo toàn cầu. Cả Trung Quốc và Mỹ đang bước vào một trận chiến mà Mỹ đang ở vào thế bất lợi. Việc Mỹ muộn màng gửi một trạm y tế di động nhỏ của Không quân Hoa Kỳ đến Italy hầu như không cải thiện được gì cho tình hình của Rome cả. Đây cũng là thời điểm mà hệ thống hành chính và chính trị của tất cả các quốc gia đang bị thử thách căng thẳng hơn bao giờ hết. Các nhà lãnh đạo là những người sẽ bị thử thách đầu tiên. Họ được đánh giá thông qua khả năng nắm bắt thời điểm, sự minh bạch và khả tín trong đối thoại và chính sách, đặc biệt là trình độ bố trí hiệu quả các nguồn lực của đất nước để đối phó với đại dịch.

Covid-19 xảy ra vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đã đi xuống. Một thỏa thuận thương mại giai đoạn một không đủ để hàn gắn căng thẳng thương mại giữa hai đại cường. Cả Trung Quốc và Mỹ đang tái vũ trang, công khai chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm năng trong tương lai ở Ấn Thái Dương. Trung Quốc đã nổi lên, ít nhất là về mặt khu vực, với tư cách là một siêu cường quân sự theo đúng nghĩa. Và Trung Quốc hiện đang mong muốn vị thế rộng lớn hơn mà họ tin rằng vị thế quốc tế của mình đòi hỏi. Thể hiện tham vọng ấy, gần đây Trung Quốc lắp đặt hai trạm nghiên cứu tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Su Bi (Subi Reef) thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc thiết lập các trạm nghiên cứu mới này cho phép các khoa học gia nghiên cứu thực địa trong các lĩnh vực sinh thái, địa lý và môi trường. Trung Quốc tin rằng các trạm này cũng đóng vai trò trong việc theo dõi các thay đổi sinh thái và địa chấn trong các vùng then chốt trên Biển Đông. Hành động vô luân vô pháp ấy là bằng chứng mới cho thấy Bắc Kinh vừa khuếch trương vai trò giúp thế giới chống dịch, vừa đẩy mạnh thuộc địa hoá Biển Đông.

Đại dịch cũng đe dọa đẩy mối quan hệ Mỹ – Trung vào giai đoạn thậm chí còn khó khăn hơn. Điều này có thể có một ý nghĩa quan trọng đối với bản thân cuộc khủng hoảng này và đối với một thế giới mới sinh ra sau khủng hoảng. Trung Quốc nuôi tham vọng, khi đại dịch qua đi, sự hồi sinh kinh tế của mình sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp xây dựng lại nền kinh tế toàn cầu đang tan vỡ. Ông Tập Cận Bình rất muốn bảo đảm danh tiếng của Trung Quốc trên sân chơi toàn cầu. Ngay vào thời điểm hiện nay, sự trợ giúp của Trung Quốc là rất cần thiết trong việc chống lại Covid-19. Dữ liệu y tế và kinh nghiệm cần phải tiếp tục được chia sẻ. Trung Quốc cũng là nhà sản xuất thiết bị y tế khổng lồ và các mặt hàng dùng một lần như mặt nạ và đồ bảo hộ, rất cần thiết trong điều trị.

Trung Quốc trên nhiều phương diện là xưởng sản xuất y tế của thế giới, có khả năng mở rộng sản xuất theo cách mà ít quốc gia khác có thể. Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội, còn theo nhiều nhà chỉ trích của ông Trump thì chính ông là người đang làm tuột mất cơ hội. Chính quyền Trump ban đầu đã không thừa nhận mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này, coi đây là một cơ hội khác để khẳng định “Nước Mỹ trước tiên” và cái được cho là hệ thống ưu việt của Whashington. Nhưng những gì đang bị đe dọa bây giờ là vị thế lãnh đạo toàn cầu. Chuyên gia cap cấp về châu Á Kurt M Campbell – người từng làm trợ lý bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Obama – đã công khai lưu ý trong một báo cáo gần đây gửi Bộ Ngoại giao Mỹ về nguy cơ vai trò toàn cẩu của Mỹ đang bị xói mòn và xuống dốc.

 

Covid-19 thách thức Mỹ nhiều mặt

Vị thế của Hoa Kỳ như một nhà lãnh đạo toàn cầu trong bảy thập kỷ qua đã được xây dựng không chỉ dựa trên sự giàu có và sức mạnh quân sự, mà điều quan trọng hơn, đó là tính hợp pháp trong quản trị đất nước, cung cấp hàng hóa cho toàn cầu, khả năng và tính sẵn sàng để điều phối và phối hợp một phản ứng toàn cầu đối với khủng hoảng. Đại dịch Covid-19 dường như đang thách thức tất cả các yếu tố này của lãnh đạo Hoa Kỳ. Nhiều dư luận cho rằng, tính đến thời điểm hiện nay, Washington đang thất bại trong việc thể hiện vai trò dẫn dắt. Khi Washington chùn bước, Bắc Kinh lại nhanh chóng tiến lên và khéo léo tận dụng cơ hội do những sai lầm của Mỹ tạo ra, lấp đầy khoảng trống để thể hiện mình là nhà lãnh đạo toàn cầu trong ứng phó với đại dịch.

Hẳn nhiên cũng có xu hướng hoài nghi. Nhiều người đang tự hỏi làm thế nào Trung Quốc có thể tìm kiếm lợi thế vào thời điểm hiện nay, dựa trên thực tế là đại dịch Covid-19 dường như đã bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng ở Vũ Hán vẫn là dấu nhẹm các thông tin. Nhưng sau đó, Trung Quốc đã nhanh chóng điều chỉnh và sắp xếp các nguồn lực khổng lồ một cách hiệu quả và ấn tượng. Như Suzanne Nossel, Giám đốc điều hành của tổ chức tự do báo chí PEN America, viết trong một bài báo trên trang web của Foreign Policy: “Sợ rằng sự chối bỏ và cách quản lý sai lầm thời kỳ đầu đại dịch có thể gây ra bất ổn xã hội, Bắc Kinh hiện đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền trong nước và toàn cầu để thúc đẩy cách tiếp cận hà khắc của mình đối với dịch bệnh, làm nhẹ đi nguồn gốc Vũ Hán của Viruscorona trong việc gây ra dịch bệnh toàn cầu và đi ngược lại những nỗ lực của phương Tây, đặc biệt là của Hoa Kỳ”.

Trở lại với so sánh của ông Campbell về hai thời điểm. Năm 1956, kế hoạch chiếm kênh đào Suez của Anh thất bại đã làm suy yếu quyền lực của Anh và đánh dấu sự kết thúc của triều đại Vương quốc Anh như một cường quốc toàn cầu. Còn giờ đây, nếu Hoa Kỳ không vươn lên để đáp ứng các đòi hỏi hiện tại trong mùa đại dịch, Covid-19 có thể đánh dấu một “khoảnh khắc Suez” thứ hai. Một chuyên gia an ninh hàng hải khác là Gs. Collin Koh được trang Global Nation Inquirer của Philippines trích lời, lại cho biết thêm việc Trung Quốc xây cất hai trạm nghiên cứu mới trên Đá Subi và Đá Chữ Thập vào thời điểm hiện nay là một động thái nguy hiểm. Bước vào mùa đại dịch, một số đánh giá cho rằng Covid-19 có thể khiến Bắc Kinh lơ là những hoạt động trên Biển Đông. Sự thực là không hề như vậy. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) luôn trong tư thế sẵn sàng tác chiến.

 

Thuộc địa hoá Biển Đông trong mùa dịch

Tuyên bố của Trung Quốc cuối tuần qua về việc lắp đặt hai trạm nghiên cứu nói trên tại Đá Chữ Thập và Đá Su Bi thuộc Quần đảo Trường Sa là bằng chứng mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang ra sức đẩy mạnh tiến trình thuộc địa hoá Biển Đông đúng vào lúc Mỹ và cả thế giới đang lo phòng chống đại dịch Covid-19. Cùng với việc lắp đặt các cơ sở mới này, Trung Quốc tiếp tục sử dụng tối đa căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam nhằm khai thác tối đa vị trí tiền đồn của PLA nói chung, đặc biệt là của các lực lượng không quân và hải quân nói. Có một điểm rất quan trọng là tất cả những gì liên quan đến kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, Hải Nam từng là một tỉnh đầu tầu trong chương trình cải cách của Đặng Tiểu Bình. Năm 2018, nhân dịp 30 năm thành lập tỉnh Hải Nam, ông Tập Cận Bình thông báo xây dựng một vùng tự do thương mại hướng đến lĩnh vực biển. Ông thậm chí còn nói là Hải Nam sẽ trở thành viên ngọc trai của Trung Quốc.

Hình ảnh Đá Su Bi chụp từ 2017, nay Trung Quốc vừa xây thêm trạm nghiên cứu mới   Ảnh Internet

Như vậy, ông Tập biến Hải Nam thành biểu tượng của chính sách mở cửa của Trung Quốc và đặc biệt nhấn mạnh vào lĩnh vực du lịch. Người ta nhận thấy có sự tăng tốc trong tiến trình mở cửa ở Hải Nam.  Cũng cần chú ý là tất cả những gì liên quan đến kinh tế biển như vận tải hàng hải, chuyên chở container, du lịch biển, đánh bắt hải sản, tất cả những gì liên quan đến sinh vật biển, sử dụng sản vật biển để bào chế thuốc… đang phát triển rất mạnh. Đó là những lĩnh vực mà Trung Quốc chú trọng và đảo Hải Nam đóng một vai trò thực sự quan trọng. Đây cũng là một thách thức chính trị, cạnh tranh giữa các tỉnh miền nam Trung Quốc để trở thành tỉnh dẫn đầu về ngành kinh tế biển. Ở điểm này, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thật sự lựa chọn Hải Nam làm tiền đồn để phát triển một nền kinh tế hướng đến tự do trao đổi nhiều hơn, mở cửa hơn với những chính sách ưu đãi để phục vụ tiến trình quốc tế hóa của đảo. Những chính sách này rất có lợi cho sự phát triển của Hải Nam.

Chính Gs. Koh đã nhận xét: “Dùng những thứ được cho là 'khoa học phục vụ đời sống dân sự' này để xác quyết các tuyên bố chủ quyền là một cách thức hoạt động mà chúng ta không thể dễ lơ là bỏ qua”. Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ trong việc xác quyết chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, bất chấp các phản đối quốc tế. Nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, coi đây như bước đi của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc trở thành một sức mạnh quan trọng trên thế giới. Hoa Kỳ đã tăng hiện diện của mình tại Biển Đông trong những năm gần đây, và hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Quân đội Mỹ cũng tăng các hoạt động mà Hoa Kỳ gọi là nhằm “thực thi quyền tự do đi lại trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế”, với việc nhiều lần đưa tàu chiến vào sát phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo Đá Su Bi, Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập./.


Có thể bạn quan tâm