April 19, 2024, 11:43 pm

Nghệ thuật tạo hình Huế

Tôn giáo và tín ngưỡng là nơi lưu giữ nhiều giá trị và loại hình nghệ thuật, qua đó phản ánh nét tinh tế trong chế tác sản phẩm mỹ thuật như đồ sơn, đồ sơn son thếp vàng, khảm sành sứ, đồ thêu, chạm gỗ, đồ mây tre đan, tranh thờ cúng… Những yếu tố lịch sử và tổ chức xã hội, tư tưởng thẩm mỹ, lối sống… đã có ảnh hưởng quyết định tạo nên mỹ cảm, phong cách sống đặc trưng, tạo nên sức hút trong quá trình phát triển du lịch văn hóa – tâm linh đương đại của các nước Tiểu vùng văn hóa Mekong, trong đó Huế – Việt Nam là một điểm đến đầy thuyết phục.

 

Tranh kính Huế thể hiện rõ đặc trưng mỹ thuật cung đình

 

DẤU ẤN TÂM LINH, THẨM MỸ TRONG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH HUẾ

Dẫu có nhiều góc nhìn và cách đánh giá khác nhau về nghệ thuật tạo hình cung đình Huế, nhưng rõ ràng thấy tính mỹ cảm và những dấu ấn Á Đông trong đó rất đậm nét. Nổi bật trong ứng xử không gian nghệ thuật tạo hình cung đình Huế là sự dung hòa với thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc với những tác phẩm tạo hình, trang trí giầu sắc thái phương Đông, làm nổi bật yếu tố biểu hiện văn hóa của cư dân vùng lúa nước, một sự tương đồng của văn hóa Tiểu vùng sông Mekong.

Nổi bật trong hàng loạt thủ pháp nghệ thuật tạo hình cung đình Huế là bố cục hướng đến sự cân xứng hài hòa, bền vững và nhất quán của các yếu tố điêu khắc, hội họa trên bình diện trang trí trong kiến trúc. Sự cân xứng dễ tạo nên cảm giác ổn định, bền vững trong các công trình cung điện, lăng tẩm, đền miếu. Nhìn nhận tạo hình trong nghệ thuật tạo hình dân gian và cung đình Huế không chỉ từ cảm quan thị giác mà đằng sau nó chứa đựng những yếu tố liên tưởng khác, đó chính là một yếu tố có sức lôi cuốn, chế ngự và làm cho sự cảm nhận nghệ thuật tạo hình cung đình Huế luôn mới mẻ, có tính nhịp điệu mở liên tục, kỹ năng sáng tạo tinh tế, trọn vẹn.

Sự hài hòa giữa chức năng thẩm mỹ và thực dụng là một trong những dấu ấn của nghệ thuật tạo hình cung đình Huế, nó phản ánh sự hài hòa giữa chức năng trang trí và chức năng kiến trúc; được xét trên các yếu tố tạo hình trực tiếp lên khối thể kiến trúc. Các nghệ nhân thời Nguyễn đã đặc biệt quan tâm đến hiệu quả trang trí, tạo hình ở các khối thể, không chỉ bảo đảm tính xác thực của chức năng công trình mà còn tạo được cảm giác thống nhất của công trình trong sự tiếp thu và kế thừa kiến trúc của các thời đại trước. Khá nhiều kiểu thức nghệ thuật tạo hình cung đình giống nhau ở tính tạo hình, nhưng do vị trí trang trí, chức năng khác nhau nên hiệu quả nghệ thuật khá đa dạng. Mặt khác mỗi kiểu thức nghệ thuật tạo hình cung đình lại có thể tạo ra những nét độc đáo, nhiều khi không lặp lại, với sự thay đổi của ánh sáng, tạo ra những hiệu quả nghệ thuật bất ngờ và đầy ấn tượng. Nghệ thuật tạo hình đã làm biến đổi nét hình kiến trúc, thay đổi cảm quan thực dụng của chúng thành sự cảm nhận đậm tính thẩm mỹ. Những hình con cá, đầu lân, long ngư, hoa lá… Đã làm khuất đi nét thực dụng, thô nhám của một máng nước, để làm nổi rõ tính thẩm mỹ của kiến trúc và ngay cả chức năng thực dụng của máng xối cũng dường như không còn nhận thấy nữa, chúng đã trở nên hài hòa và huyền ảo khi dòng nước chảy qua từ trong miệng con thú.

Trong sinh hoạt đời thường, người Huế luôn dành chỗ trang trọng cho không gian tâm linh, nơi đây luôn có những thuộc tính nghệ thuật như tranh chữ, tranh tường vẽ ở bàn thờ, gian thờ, treo các nhạc cụ… Đó cũng là một phần khá quan trọng về văn hóa ứng xử với thiên nhiên trong không gian cư trú, từ đó hình thành một số đặc trưng về tính cách, phong tục, tập quán của người Huế xưa và có một sự gần gũi với nghệ thuật dệt, đan lát, tạo tác gốm truyền thống của các nước Tiểu vùng sông Mekong là Lào, Thái Lan, Campuchia.

 

NGHỆ THUẬT DÂN GIAN VÀ CỐT LÕI TÂM LINH

Tính dân gian, phẩm chất nghệ thuật dân gian được thể hiện từ khâu vật liệu, như trong nghệ thuật khảm sành sứ thì sử dụng các mảnh sành sứ từ bát, đĩa, lọ, bình… Mầu sắc trong tranh nề họa, tranh tường chiết xuất từ cây cỏ, hoa lá. Hay chất kết dính là vôi hàu, bột rơm, nhựa cây bời lời… rất quen thuộc và dung dị trong mọi làng quê. Sự phối hợp và chế tác các chất liệu cho đến cả tinh thần biểu hiện của mỗi tác phẩm đều sâu nặng tình cảm mà nghệ nhân gửi gắm qua chúng.

Sức sống dân gian được thể hiện rất rõ qua nội dung, phương pháp xây dựng những họa tiết trang trí. Những con rồng khảm sành sứ thì mang vẻ đẹp bình dị hơn, cho dù đó là con rồng ở đỉnh mái điện Thái Hòa hay ở các cột giả Trường An Môn của cung Trường Sanh, bình phong Thái Miếu. Phẩm chất dân gian luôn được thể hiện, có khi táo bạo trong các chất liệu. Khi yếu tố thẩm mỹ dân gian được chấp nhận và kết hợp hài hòa với khuynh hướng cung đình thì sẽ có cơ hội tạo nên những hiệu quả và giá trị mới cho nghệ thuật.
Những sự đối lập về chất, về tính biểu hiện của nghệ thuật, phong cách tạo hình dân gian không làm mất đi sự biểu cảm nghệ thuật cung đình chính thống. Nghệ thuật cung đình phảng phất âm hưởng dân gian, giữa hai thuộc tính thẩm mỹ này không đối lập nhau, ngược lại, các yếu tố dân gian lại được tôn vinh. Điều này cũng là sự phản ánh về vai trò và tài năng của các nghệ nhân thời Nguyễn, chính bằng tài năng và sự tâm huyết, họ đã làm cho các hình tượng nghệ thuật ban đầu xuất phát từ dân gian có vị trí xứng đáng trong mỹ thuật cung đình.

Phẩm chất dân gian trong sự hài hòa với khuynh hướng thẩm mỹ cung đình còn thể hiện sâu sắc ở cách thức xử lý đề tài. Trong bài Vài suy nghĩ về tính dân gian trong trang trí Nguyễn (Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật), tác giả Trần Lan Anh đánh giá về trang trí tại điện Khải Thành (lăng Khải Định): “Các mô-típ dân gian xuất hiện ngày một nhiều hơn trong trang trí bằng sành sứ ghép nổi ở cung Thiên Định trong lăng Khải Định… Các con vật trong 12 con giáp của người Á Đông góp mặt hầu như đầy đủ ở đây, chỉ trừ con rắn”. Đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ tại lăng Khải Định cũng là đỉnh cao của sự kết hợp hài hòa và hiệu quả của khuynh hướng cung đình trong sự chi phối các yếu tố dân gian thích ứng.

Bên cạnh việc thờ cúng gia tiên, tín ngưỡng dân gian của người Việt nói chung và người Huế nói riêng, sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người trong quan hệ hài hòa với quan niệm, triết lý vũ trụ, nhân sinh qua những ý nghĩa tượng trưng nhất định. Ý nghĩa tượng trưng về nhân sinh, vũ trụ thể hiện sâu sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Hầu hết du khách quốc tế nói chung và du khách các nước Tiểu vùng sông Mekong nói riêng đều rất ngạc nhiên, bất ngờ khi được giải thích về chức năng tâm linh của tranh thế mạng làng Sình – Huế (ở Nam bộ có tranh Đồ Thế có chức năng tương đồng). Tín ngưỡng dân gian gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần, tâm linh của người dân Huế với triết lý sống đạo hiếu, lễ nghĩa, sống tôn trọng luật tục, tôn ti trật tự, tín ngưỡng, tôn thờ, chiêm bái tổ tiên.

Tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt nói chung và đặc biệt ở Huế nói riêng thể hiện rõ sự kết hợp giữa ba tôn giáo, tín ngưỡng: Nho, Phật, Đạo giáo và các yếu tố tín ngưỡng bản địa đặc trưng của từng nơi, với tín ngưỡng thờ vật linh và tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước, thờ tổ tiên… Tâm thức, triết lý Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đã có ảnh hưởng sâu rộng đến mỹ thuật ở Huế, là những hệ tư tưởng tôn giáo tạo nên dấu ấn đặc trưng trong nghệ thuật tạo hình Huế. Sự ảnh hưởng của Phật giáo với những triết lý, nhân sinh sâu sắc trở thành một phẩm chất tạo hình mang tính đặc trưng trong mỹ thuật thế kỷ 19 và tác động vào cả trang trí cung đình-nơi tư tưởng Nho giáo ngự trị và cùng với Đạo giáo hình thành nên những nét đặc sắc của mỹ thuật Huế. Có thể nhận ra điều này qua những đường diềm khảm sành sứ về hoa sen, cột bông sen, hoa văn biến thể từ chữ Vạn, cấu trúc cung điện tĩnh lặng, cành tùng, con hươu đắp ở các ô hộc điểm xuyết sành sứ ở Đại Nội, những hình tượng bát bửu từ Đạo giáo là sự biểu lộ những ý tưởng tâm linh giáo lý đã được kết tinh trong tâm thức con người. Các biểu tượng chủ đạo trong nghệ thuật trang trí cung đình có sắc thái tam giáo đã trở thành những hình ảnh quen thuộc gắn liền cùng người dân và văn hóa xứ sở qua những ý nghĩa thẩm mỹ và nhân văn biểu tượng của chúng. Tinh thần Phật giáo đã tạo cho Huế là thành phố của tín niệm sâu sắc, hàng trăm chùa lớn nhỏ cổ kính, luôn được du khách phương xa về chiêm bái.

Xứ Huế là vùng đất mà đời sống văn hóa bị chi phối bởi tổ chức làng xã, khép nhiều hơn mở, thế nên cũng như bao cư dân Việt, lối sống thường kiếm tìm sự hòa hợp với những gì vốn có hơn là vươn tầm nhìn ra bên ngoài. Vì vậy những thành quả sáng tạo văn hóa nghệ thuật và trong quá trình lao động, xây dựng xứ sở, nhằm thỏa mãn những khát vọng, những yêu cầu của mọi mặt trong cuộc sống đều hình thành trên những hệ quả của sự hòa hợp. Cùng với các tôn giáo đã thấm đượm trong tư duy, hành vi của con người, còn có những sự hòa hợp không chỉ đối với thiên nhiên, môi trường mà cả những ứng xử văn hóa nghệ thuật với chính mình và cộng đồng. Đó là những giá trị mới bền vững trong đời sống tinh thần của người Huế xưa và vẫn được nuôi dưỡng đến ngày nay; tạo nên sức truyền cảm và khác biệt của một đất nước thuộc Tiểu vùng sông Mêkông, thuận lợi cho việc phát triển kết nối du lịch văn hóa tâm linh.

Nguồn Văn nghệ số 13/2020


Có thể bạn quan tâm