April 20, 2024, 2:32 pm

VĂN CHƯƠNG VÀ CUỘC ĐỜI

Nhà văn Bùi Nguyên Khiết sinh năm 1943, quê tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Tốt nghiệp khoa xã hội trường sư phạm tỉnh Hòa Bình năm 1960 đến 1962, thầy giáo trẻ Bùi Nguyên Khiết xung phong lên Lao Cai gây dựng sự nghiệp. Ông từng tham gia dạy học ở thị trấn Sa Pa, xã Bảo Nhai - huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát, cuối cùng là trường cấp II tiểu khu Duyên Hải, thị xã Lao Cai. Cuối năm 1974, Bùi Nguyên Khiết theo học khóa 7 trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ tại Quảng Bá. Sau đó chuyển sang công tác tại báo Lao Cai. Khi tỉnh Lao Cai sáp nhập với tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, tờ báo của Đảng bộ đổi tiên thành báo Hoàng Liên Sơn, Bùi Nguyên Khiết trở thành phóng viên chủ lực của tờ báo bao quát khắp vùng biên giới này, tích cực “đánh địch” trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Khi bọn phản động gây rối ở biên giới Hoàng Liên Sơn, dùng người Hoa làm con bài chính trị vu cáo Việt Nam “Bài xích khủng bố, tước đoạt tài sản người Hoa” gây ra sự kiện “Nạn kiều”, nhà báo Bùi Nguyên Khiết đã dồn trí tuệ, thông minh và lòng căm thù của mình vào ngòi bút, đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, thâm độc và lừa bịp của chúng.

Vừa viết báo, vừa sáng tác, ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Chân dung liệt sĩ - nhà văn - nhà báo Bùi Nguyên Khiết (1945-1979)      Ảnh TL

Chiến tranh biên giới nổ ra, Bùi Nguyên Khiết là người có mặt ngay những giờ phút đầu tiên, và ông đã anh dũng hy sinh trong tư thế của một người lính bảo vệ tổ quốc vào đúng ngày 17 tháng 2 năm 1979 tại điểm chốt Lao Páo Chải, xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lao Cai. Anh ngã xuống khi cùng bộ đội địa phương chống trả quân địch suốt hơn sáu giờ đồng hồ.

“… Ba mươi sáu năm, khoảng mười ba nghìn ngày có mặt trên đời này, thấm nhuần tư tưởng và lối sống hừng hực khí thế cách mạng của thế hệ thanh niên thời đại mới, một lòng nguyện ước đóng góp thật nhiều công sức cho xã hội mới, làm giáo viên là trực tiếp đứng trên bục giảng ở những nơi còn nhiều khó khăn gian khổ, làm nhà báo là xông xáo tới những nơi đang đầy ắp sự kiện, vấn đề đang nóng bỏng, và làm nhà văn là xả thân hết mình bênh vực cho đức tính hy sinh, lối sống lăn xả vì việc thiện, việc nghĩa, việc công, Bùi Nguyên Khiết viết hăng, viết kỹ, chỉn chu câu chữ, đi - nhìn - đọc - nghĩ - viết, không chấp vặt những điều nhỏ nhen, không mất thì giờ bàn luận, đàm tiếu, không la cà lông bông, không có thì giờ ngồi uống trà theo lối các cụ Đồ Nho, từ chối rượu và mọi sự cám dỗ, không lên mặt phát biểu, diễn thuyết, không ngồi yên đút chân gầm bàn, cặm cụi viết xong lại hối hả đi, không trầm tư mặc tưởng rầu rĩ, cười loe miệng khi có chuyện vui hoặc khi lâu ngày gặp bạn, cười bụm miệng khi bắt gặp sự trớ trêu, thi thoảng khỏa lấp tình huống bằng lời tếu táo đáng yêu... Đó là hình ảnh một Bùi Nguyên Khiết thân yêu với biết bao suy tư trăn trở, rất Người mà cũng rất Đời…” – Nhà văn Mã A Lềnh đã phác thảo một chân dung Bùi Nguyên Khiết như vậy  

Sớm biết tạo dựng cho mình một sự nghiệp, ba mươi sáu tuổi đời, Bùi Nguyên Khiết để lại sáu cuốn sách (ba cuốn Nxb Kim Đồng, hai cuốn Nxb Phụ Nữ, một cuốn Nxb Tác Phẩm Mới) và một bản thảo truyện dài ghi tên đề Pháo đài trên núi thẳm đang viết dở dang tập I đến trang 104, cùng hàng loạt bài lẻ đăng rải rác trên báo Văn nghệ, Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, Báo Lao Cai đổi mới, Báo Hoàng Liên Sơn...  Những tác phẩm của ông, và trong đó tác phẩm lớn nhất chính là cuộc đời và sự hy sinh của ông, sẽ mãi là một tấm gương cho lớp thanh niên, lớp nhà văn hậu thế soi rọi, bởi ông đã viết thêm dấu luyến ngân vang trong bản anh hùng ca của dân tộc suốt mấy ngàn năm, cùng biết bao thế hệ, bao người con người ưu tú, để cho đến bây giờ dân tộc và nhân dân Việt Nam đang thật sự được sống trong hòa bình với niềm tự hào và vị thế như ngày hôm nay

Bùi Nguyên Khiết - Văn chương và cuộc đời là cuốn sách tương đối trọn vẹn về di cảo của Nhà giáo - Nhà văn - Nhà báo - Liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết, do Nhà văn Mã A Lềnh sưu tập, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Trong cuốn sách có bài viết Bố ơi của cô giáo Bùi Nguyên Khánh, con gái duy nhất của Nhà văn - Liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết. Đây không chỉ là tình cảm thân thương của một người con với người cha liệt sỹ, mà còn là tình cảm và nhận thức của một thế hệ

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc

Văn nghệ

 

BỐ ƠI!

Bùi Nguyên Khánh

Mới hơn hai tuổi, con đã không còn được bố vỗ về, nâng niu, ôm ấp. Bố ở đâu giữa thế gian bao la, giữa bầu trời lồng lộng này?

Qua những câu chuyện của những người ruột thịt, của những người bạn tâm giao của bố, con mới biết bố đã hy sinh hiên ngang trên chốt biên cương phía Bắc ngày ấy, tay cầm súng của người chiến sĩ, tay cầm máy ảnh của một nhà báo, nhà văn. Ánh chớp lóe lên trước ống kính máy ảnh không phải là tia hồng quang điện, mà là lửa đạn từ phía quân thù! Giây phút cuối cùng, bố ôm ghì chiếc máy ảnh vào ngực đầm đìa máu, cuộn phim đã lên đến nấc cuối cùng. Dòng máu của bố hòa cùng với những cánh hoa đào núi đỏ thắm trên mảnh đất mà bè bạn yêu dấu không phải chỉ là lời hô hào suông…, để bây giờ trẻ em người dân tộc vùng cao nơi ấy, bố đã từng yêu thương, từng làm bạn với các em, từng dạy dỗ các em được tung tăng đến trường như bao trẻ khác trên đất nước Việt Nam. Ai đó có thể gọi bố là nhà này nhà nọ, thậm chí coi bố như một Anh Hùng; còn con, con luôn gọi, luôn khắc ghi bố là người cha duy nhất của con, và con cũng là đứa con duy nhất của bố. Bố vẫn luôn là “Đám mây màu xà cừ viền quanh mặt trời trên đỉnh núi Pa Kha trong những ngày nắng đẹp”; Bố luôn là ánh sáng dẫn đường con đi, bố ơi!...

Mẹ kể mọi khi đi công tác về, bố bế bổng con lên cao và nói: “Mầm non đất nước của tôi đây!”. Con chưa biết gì, được bố cưng nựng thì cười nắc nẻ ôm ghì lấy cổ không muốn cho bố đi đâu xa, chỉ muốn được ở trong lòng bố lâu hơn, mãi mãi. Nghe tin sét đánh, mẹ gục xuống, người rung lên thổn thức tưởng không gượng dậy được nữa. Nhưng còn con, là nguồn an ủi mẹ, và theo ước nguyện của bố, mẹ đã dạy dỗ con, cho con nối nghiệp bố để đến nay con đã có 18 năm trong ngành giáo dục. Tâm niệm của bố đã thành hiện thực. Bố, Bùi Nguyên Khiết, Nhà giáo - Nhà báo - Nhà văn mãi là niềm tự hào của con, niềm kiêu hãnh của các cháu.

Song để bố sống mãi với thời gian, một phần không nhỏ phải nhờ vào cuốn sách này, do các bác, các chú nhà văn, nhà báo giúp ấn hành, xuất bản; Và con chịu ơn sâu nặng của cô Bùi Thị Mỵ, người đã thay cha dìu dắt con từng bước đi trong cuộc đời. Cô còn lưu giữ từng bức thư, từng trang bản thảo, từng trang viết cùng với kỷ vật ít ỏi nhưng lại có giá trị lớn lao để có tư liệu cho cuốn sách này; Và bác Nhà văn - Nhà báo Mã A Lềnh, người bạn tri âm, tri kỷ của bố, tuy cao tuổi nhưng đã dành tâm huyết dựng lại hình ảnh của bố - Bùi Nguyên Khiết hồi sinh vào trang sách, để bố sống mãi với người và đất biên cương Lào Cai, cho con nhìn thấy Bác là thấy bóng dáng phảng phất người Cha kính yêu của con.

Thời gian trôi qua, vết sẹo biên giới phía Bắc vẫn còn đó thì biển Đông lại dậy sóng, hành động dũng cảm phi thường của bố, một Bí thư chi đoàn trong đội ngũ cùng các anh hùng, liệt sĩ luôn thôi thúc các thế hệ đoàn viên thanh niên xông pha trên mọi lĩnh vực học tập, công tác và chiến đấu bảo vệ vẹn toàn Tổ quốc thân yêu!

 Bố ơi!...

Nhà báo Bùi Nguyên Khiết (Người đứng bên phải), trên chốt Lao Páo Chải chiều tối ngày 16/2/1979 trước lúc hy sinh mấy tiếng đồng hồ    Ảnh TL

 


Có thể bạn quan tâm