March 29, 2024, 5:50 am

Dịch bệnh và sức đề kháng của toàn xã hội

Dịch viêm phổi cấp Corona 2019 ban đầu được gọi là bệnh viêm phổi cấp Vũ Hán vì nó xẩy ra từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc, sau đó tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên là nCoV do virus Corona mới có họ hàng gần với virus từng gây ra đại dịch SARS (giống đến 85%) với tốc độ lây lan cực nhanh thông qua đường hô hấp, bắt nguồn từ loài dơi... Vì chưa có vắc xin, chưa có thuốc đặc trị nên số người lây bệnh tăng rất nhanh tại Trung Quốc và số người chết trong hơn một tháng qua theo thống kê của chính quyền Trung Quốc đã cao hơn số người chết trong đại dịch SARS năm 2002-2003 (1.112 người đã chết vì Corona tính đến ngày 12/2/2020). Đáng chú ý là đã có trên 44.000 người bị nhiễm virus Corona mới tại Trung Quốc, nhưng số lây nhiễm ra 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới chỉ có 330 người, đều đã được chữa khỏi, hoặc đang phục hồi nhờ tăng sức đề kháng, chỉ có 2 người chết ở Hong Kong và Philipines và đều là người Trung Quốc đến từ vùng dịch. Nhờ những nỗ lực toàn diện của Chính phủ và nhân dân cả nước, Trung Quốc đã cứu chữa thành công cho gần 4.000 người bị nhiễm bệnh (khoảng 10%) đang phong tỏa trên 50 triệu người từ Hồ Bắc và có biện pháp cách ly triệt để tại các thành phố lớn.

Tại Việt Nam đến nay đã có 15 người bị nhiễm bệnh đều được điều trị kịp thời nên sức khỏe đã dần hồi phục, có 6 người đã được chữa khỏi, trong đó có hai cha con người Trung Quốc với người cha còn bị nhiều bệnh khác. Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chỉ đạo quyết liệt “Chống dịch bệnh như chống giặc, chấp nhận những hạn chế tăng trưởng để phòng chống dịch bệnh kịp thời, ngăn chặn triệt để sự lây lan với nhiều biện pháp hữu hiệu từ các ngành đến tận phường xã. Các bệnh viện đã áp dụng phương pháp điều trị có nhiều sáng tạo, nâng cao sức đề kháng mạnh cho người bệnh và xử lý môi trường rộng lớn, kể cả trong mọi nhà…

Sau những ngày ồn ào quá đáng về sự lây lan nguy hiểm của nCoV trên mạng xã hội, với sự đầu cơ trục lợi từ khẩu trang, nước sát trùng…, hệ thống truyền thông chính thống đã cùng ngành y tế, khoa học Việt Nam thực sự trấn an được toàn dân, chặn đứng được “virus sợ hãi” bằng chiến dịch tuyên truyền sâu rộng, liên tục trên khắp đất nước, cùng với việc tổ chức nhiều bệnh viện dã chiến, đáp ứng việc cách ly hàng ngàn người… với phương châm bốn tại chỗ, tăng sức đề kháng của toàn xã hội, sẵn sàng những kịch bản phù hợp với những diễn biến phức tạp nhất của dịch bệnh. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng đã có những đóng góp giúp Trung Quốc về trang thiết bị y tế để chống lại bệnh dịch. Các Viện y học Việt Nam đã nỗ lực cải tiến phương pháp xét nghiệm nhanh và cùng các bệnh viện xây dựng phác đồ điều trị chung và cho từng đối tượng, liên hệ với thế giới để sớm chế tạo được vắc xin Corona mới, đặc biệt là Vương quốc Anh đã tạo được vắc xin chỉ sau 14 ngày (thông thường phải mất 2 năm), hiện đang thử nghiệm trên động vật. Trước những thách thức mới từ dịch bệnh, người Việt Nam một lần nữa lại thể hiện bản lĩnh và sức mạnh đoàn kết đầy trách nhiệm của toàn dân. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đóng góp nhiều công sức, tiền bạc, phát khẩu trang, nước sát trùng cho hàng chục vạn người… Đặc biệt các y bác sĩ, các nhà khoa học đã làm việc suốt ngày đêm để tìm ra những phương thức điều trị hiệu quả, chế tạo những thiết bị xét nghiệm nhanh, rẻ tiền, phù hợp với điều kiện nông thôn như bộ kít xét nghiệm nhanh của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vừa được Bộ Khoa học & Công nghệ thẩm định kịp thời, cấp phép nhanh cho sản xuất với giá vào khoảng 350.000 VNĐ mỗi mẫu xét nghiệm. Theo bộ này, cuối tháng 2 sẽ có 3 loại kít của Việt Nam được đưa vào sử dụng và cũng có thể xuất khẩu khi có yêu cầu. Đây là lần đầu tiên ở nước ta, các công trình khoa học mới được bỏ qua mọi thủ tục hành chính rườm rà, được nhiều ngành hỗ trợ tức thì theo chỉ đạo của Thủ tướng. Chưa bao giờ dịch vụ điện tử được tận dụng tối đa như hiện nay, nhất là mua bán, làm việc và học tại nhà mở ra nhiều lợi ích hơn cả mong muốn, rất cần được tiếp tục phát triển trong cuộc sống bình thường. Sau khi biết tin tình hình thiếu máu nghiêm trọng tại các bệnh viện, hàng ngàn người khắp các địa phương đã vượt đường xa về Viện Huyết học Trung ương cho máu, bình quân mỗi ngày trên 1.000 người, chỉ sau hơn một tuần Viện đã nhận được trên 10.000 đơn vị máu, chắc chắn sẽ đáp ứng đủ 15.000 đơn vị máu dự trữ cần thiết, một hành động đẹp đầu xuân 2020 thiết thực góp phần tiêu diệt dịch nCoV. - “Quả là trong nguy nan mới thấy hết tầm vóc lòng nhân ái của người Việt Nam”. Đó là phát ngôn của một nhà báo Việt kiều từng bị cách ly được chăm sóc tốt, lại còn được tư vấn chữa những bệnh anh đang mắc mà không hề biết với những chi phí thấp nhất thế giới… 

Nhờ có sự nỗ lực thần tốc của nhiều nhà khoa học, nhiều tập đoàn y tế lớn trên thế giới, nCoV đang dần được giải mã, sắp có thuốc đặc trị và vắc xin mà theo các nhà khoa học Anh – Mỹ thì người có sức khỏe tốt, sức đề kháng mạnh, dù có bị nCoV xâm nhập cũng không đáng ngại, nếu biết cách ly, tự tin lạc quan tự điều trị tại nhà với môi trường trong sạch, nóng ấm. Họ khuyến nghị không nên lãng phí khẩu trang khi không mắc bệnh và nhất là ở những vùng an toàn, không có dịch. Nhiều khu di tích, du lịch, nhiều trường học ở Việt Nam có đủ điều kiện đã được phép khai trương.

Nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã phê phán sự chậm trễ của WTO, quá chủ quan, tin vào những báo cáo của hệ thống Y tế Trung Quốc nên đã để cho bệnh dịch tràn lan nhanh, quá nguy hiểm mà số người đã chết tại Hồ Bắc thực tế đã lên tới mức khó kiểm soát. Chính phủ Trung Quốc đã xử lý kỷ luật gần 500 quan chức “vô trách nhiệm, dấu dịch bệnh, báo cáo sai và chậm trễ trong khắc phục”. Tại Việt Nam cũng có một giám đốc bệnh viện bị mất chức.

Hãng BBC vừa công bố một đơn kiến nghị với trên 300.000 chữ ký, lên án người đứng đầu tổ chức Y tế thế giới WHO vì ngày 23/1 đã từ chối công bố tình trạng khẩn cấp của dịch Corona mới, kêu gọi ông này “từ chức ngay lập tức”. Nhiều hãng truyền thông thế giới đã phản ánh làn sóng phẫn nộ về việc bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên ở Vũ Hán cảnh báo sớm dịch Corona mới, từng bị vu cho tội phao tin đồn nhảm vừa qua đời vì đã liên tục chữa bệnh đến kiệt sức, nhiễm bệnh, để lại mẹ già, con thơ. Dù Chính phủ Trung Quốc đã có lời xin lỗi và bồi thường cho gia đình bác sĩ Lượng, nhưng công luận vẫn đòi hỏi có một sự xét xử công minh để chấm dứt những hành động độc đoán, bảo thủ, vô cảm và ngu dốt trong bộ máy công quyền nước này.

Tuy chưa có sự thẩm định nào về mối liên quan giữa dịch bệnh và biến đổi khí hậu, nhưng cả nhân loại đang thực sự lo lắng khi trái đất ngày càng nóng lên, cháy rừng triền miên, không khí ô nhiễm khắp các thành phố và cả trên những đồng cỏ đang úa vàng. Hãy coi đây là cuộc thử thách cần thiết với những bài học quý báu cho sức đề kháng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc với sự chuẩn bị sẵn sàng đối phó của toàn xã hội với nhiều thiên tai dịch bệnh khác trong tương lai gần.

Nguồn Văn nghệ số 07/2020

 


Có thể bạn quan tâm