March 29, 2024, 2:27 pm

Bảo tàng Hoàng Sa – Đà Nẵng tiếp nhận thêm tư liệu, hiện vật quý

Phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa và đón nhận 648 bản sách liên quan đến chủ quyền biển đảo

Chiều nay 18/1/2020, UBND huyện Hoàng Sa đã tổ chức lễ “Tiếp nhận tư liệu, hiện vật và phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa”. Tại buổi lễ , UBND huyện Hoàng Sa đã tiếp nhận các tư liệu, hiện vật mới gồm:

19 Châu bản triều Nguyễn nói về việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt trong lần này có một Châu bản lần đầu tiên công bố. Đó là Bản tấu của Bộ Hộ ngày 22/12 Tự Đức 22 (1869) về việc tỉnh thần Quảng Nam tư trình căn cứ lời bẩm của Tấn thủ Đà Nẵng Nguyễn Văn Tư trích tiền gạo cấp phát cứu tế cho 540 người tỉnh Phúc Kiến nước Thanh trên một chiếc thuyền sam bị nạn trôi dạt đến Vạn lý Trường Sa thuộc Đại Nam (Việt Nam). Các hiện vật này do ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trao tặng.

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trao tặng 1 trong 19 Châu bản triều Nguyễn nói về việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Người tiếp nhận hiện vật là ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND Huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng.

“Trong một chuyển công tác sang Nga, chúng tôi may mắn được tiếp cận với Thư viện Leenin và tham khảo công trình nghiên cứu của một nhà bác học Nga. Công trình nghiên cứu này có từ thế kỷ XVII, trong đó, một bản đồ thuộc công trình thể hiện rất rõ “cực Nam của Trung quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam”…Hiện bản đồ này được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia và trở thành một trong những bằng chứng có giá trị pháp lý, có giá trị lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa” - ông Đặng Thanh Tùng cho biết thêm.

Hiện vật quý thứ hai là “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ - một văn bản giấy dó còn nguyên vẹn, khổ 30x17cm, gồm 40 trang, chữ Hán được viết theo thể chữ Khải.

Văn bản này được ông sưu tầm từ thư viện Đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản. Trong đó, trang 31b của “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ” mô tả về Bãi Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) kéo dài ngoài biển, tương ứng với khu vực từ cửa Đại cho đến khoảng giữa núi Sa Huỳnh trong đất liền. Hiện vật được  Phó GS.TS. Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiến tặng.  

Phó GS.TS. Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiến tặng.  Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ.

Một hiện vật độc đáo nữa là bản đồ Archipel des Paracels d'après les allemands (1881-1883) et les travaux anglais et francais les plus récents (Tạm dịch: Quần đảo Hoàng Sa sau những khảo sát của người Đức (1881-1883) và những công trình của người Anh và người Pháp gần đây nhất). Bản đồ này do “Service hydrographique de la marine” (Sở Địa lý thủy văn Hải quân Pháp xuất bản năm 1885, in lại năm 1940). TS. Võ Công Trí - Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng tặng.

TS. Võ Công Trí - Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng tặng bản đồ được Sở Địa lý thủy văn Hải quân Pháp xuất bản năm 1885

Thêm một bản đồ tư liệu quý góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, đó là tặng vật của TS. Dương Thanh Mừng - Giảng viên Học viện Chính trị Khu vực III: Bản đồ Tourane (Đà Nẵng) được Sở Địa dư Đông Dương phát hành vào tháng 11/1898, tại Hà Nội. Đây là tấm bản đồ thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng.

TS. Dương Thanh Mừng - Giảng viên Học viện Chính trị Khu vực III tặng Bản đồ Tourane.

Đặc biệt trong lần trao tặng này, Họa sỹ Hồ Đình Nam Kha - Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng đã tặng Bảo tàng Hoàng Sa, tác phẩm “Trường Sa Đông”, các bức ký họa về Trường Sa và tranh cổ động về tuyên truyền chủ quyền biển đảo.

Cũng tại buổi lễ UBND huyện Hoàng Sa đã chính thức phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa và Báo Tuổi trẻ đã đồng hành, nhận lời tài trợ một số hạng mục.

Ngay ở buổi đầu phát động xây dựng, Thư viện Hoàng Sa đã nhận được 648 cuốn sách liên quan đến chủ quyền biển đảo của Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng và 4 Nhà xuất bản trao tặng gồm: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (400 cuốn sách), Nhà xuất bản Đà Nẵng (100 cuốn sách), Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng (100 cuốn sách), Nhà Xuất bản Trẻ (36 cuốn sách), và Nhà Xuất bản Thông tin Truyền thông (12 cuốn sách).

Ngoài ra, TS. Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cũng cho biết sẽ gửi tặng bản thảo công trình nghiên cứu của cá nhân “Những trận chiến bảo vệ Tổ quốc của Thủy quân Việt Nam”, đến Thư viện Hoàng Sa phục vụ độc giả tham khảo.

Những hiện vật, tư liệu, cơ sở dữ liệu này là tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm của người dân cả nước, của mỗi tổ chức và sự góp sức của bạn bè quốc tế, của kiều bào, sát cánh với hành trình bảo vệ công lý, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam với Quần đảo Hoàng Sa.

Ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND Huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Đây là hoạt động vô cùng có ý nghĩa, hướng đến hệ thống hóa tài liệu pháp lý, xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu hướng tới xây dựng Thư viện Hoàng Sa thành một “Trung tâm nghiên cứu về Biển Đông, về Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền biển đảo của Việt Nam”. Thư viện Hoàng Sa sẽ phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu học tập, tham khảo, nghiên cứu, tuyên truyền, phục vụ chung cho mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là học sinh, sinh viên, đội ngũ nghiên cứu trẻ. Đồng thời nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND Huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng trao chứng nhận đến các tổ chức, đơn vị đồng hành xây dựng, Thư viện Hoàng Sa.

Được biết, kể từ khi đi vào hoạt động (28/3/2018), đến nay, Bảo tàng Hoàng Sa đã đón gần 51 vạn lượt khách trong và ngoài nước (của 831 đoàn) đến tham quan. Bảo tàng Hoàng Sa ngày càng trở thành địa chỉ quen thuộc, điểm đến thu hút các đoàn đại biểu quốc tế (trong đó có Đoàn tư lệnh, đô đốc Hải quân Nhật bản; đoàn Thư ký các Nghị sỹ Hoa Kỳ,…) và du khách muôn nơi. Nhiều công ty lữ hành, dịch vụ du lịch đã chính thức đưa tour tham quan Bảo tàng Hoàng Sa vào lịch trình phục vụ khách khi đến Đà Nẵng. UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có quyết định công nhận  Bảo tàng Hoàng Sa là điểm đến của Du lịch Đà Nẵng.

Ông Võ Ngọc Đồng cũng cho biết thêm: Từ khi phát động vào năm 2016 đến nay, UBND huyện Hoàng Sa đã tiếp nhận được 212 hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao từ các tổ chức, cá nhân sưu tầm, hiến tặng như  Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng trao tặng “Bản đồ xã Hòa Long, quận Hòa Vang (lúc đó Hòa Vang thuộc Quảng Nam và ngày nay Hòa Vang thuộc Đà Nẵng), thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc quận Hòa Vang từ năm 1969; Bà Nguyễn Thị Lựa và anh Nguyễn Hoàng Sa, là vợ và con của cố Trung sĩ trọng pháo Nguyễn Thành Trọng, người đã tử trận trên Chiến hạm Nhật Tảo HQ 10 trong trận Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/01/1974, đã trao tặng 10 kỷ vật quý giá của chồng, cha mình cho huyện Hoàng Sa…

 Không chỉ ở trong nước, cuộc phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật về quần đảo Hoàng Sa của UBND huyện Hoàng Sa còn lan tỏa đến người dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài và bạn bè quốc tế như ông Trần Thắng - Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ tặng 134 bản đồ về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; Ông Noel Rousset công dân từ nước Cộng hòa Pháp đến Nhà Trưng bày Hoàng Sa để hiến tặng quyển sách viết về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mang tên “La Souveraineté Sur Les Archipels Paracels et Spratleys”(Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa)…

Đây là những nghĩa cử hết sức cao đẹp của nhân dân, của bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Cũng nhân dịp này, UBND Huyện đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng đã tặng quà tri ân đến những “Nhân chứng Hoàng Sa”, trong nhiều năm qua đã có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền thiêng liêng.

 

 


Có thể bạn quan tâm