April 19, 2024, 11:03 am

NHỮNG ĐẶC SẮC CỦA THIÊN KÍ SỰ CHÍNH TRỊ NIÊN PHẢ LỤC TRONG VĂN XUÔI TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

                                                                        

Niên phả lục là tác phẩm rất đặc sắc của Trần Tiến (1709-1770). Ông người làng Điền Trì, phủ Nam Sách, lộ Hải Dương, là con Tham tụng Lễ bộ Thượng thư, Hùng Quận công Trần Cảnh, cháu Tham tụng, Hình bộ Thượng thư, Phương Trì hầu Trần Thọ, chắt Hàn Lâm viện Thừa chỉ, Dụ Phái hầu Trần Phúc.

Trần Tiến, tự Khiêm Đường, hiệu Cát Xuyên, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748) làm quan Phó đô Ngự sử, tước Sách Huân Bá, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, sau thăng Lễ bộ thượng thư, tác giả các bộ sách: Đăng khoa lục sưu giảng, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Cát Xuyên tiệp bút, Cát Xuyên thi tập, Niên phả lục… Sách giáo khoa phổ thông Ngữ văn lớp 10 nâng cao, của Bộ Giáo dục – Đạo tạo vài chục năm nay, vinh danh Trần Tiến là một trong 5 nhà viết ký xuất sắc nhất của nền văn học trung đại Việt Nam, gồm Vũ Phương Đề, Trần Tiến, Lê Hữu Trác và Phạm Đình Hổ, Lý Văn Phức.

Không rõ Trần Tiến khởi thảo Niên phả lục từ năm nào, nhưng hoàn thành vào mùa đông năm Giáp Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 25 (1764), như chính ông đã ghi ở cuối bài Tựa. Đây là tập thứ 2 của thể loại ký trong văn xuôi Việt Nam, sau tập đầu tiên của Vũ Phương Đề 9 năm (1755-1764). Hiện trong lưu trữ của dòng họ Trần Điền Trì, cùng với 35 đạo sắc phong, hoàn toàn của thời Lê, còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn, tập bản thảo chép tay Niên phả lục, được cho là chữ của chính Trần Tiến. Đầu thế kỷ XX, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật đã từng dịch và giới thiệu Niên phả lục trong nhiều số Tạp chí Nam Phong.

Niên phả lục là tên chung cho cả hai tập ký sự như chính trong bản thảo được Nguyễn Đăng Na dịch và giới thiệu rất công phu. Tập 1 là Tiên Tướng công niên phả lục, Trần Tiến viết về người cha của ông là Diệu Quận công (hiện còn một đạo sắc phong, lưu giữ tại Nhà thờ dòng họ, ghi là Hùng Quận công) Tham tụng Thượng thư Trần Cảnh. Về văn chương, tập này được viết rất thâm hậu.

Theo Nguyễn Đăng Na, đây là lần đầu tiên trong văn học Việt Nam có một người dám đứng ra bộc lộ cái tôi của mình. Đây là một tập ký, dùng nhiều thể văn đan xen: ký sự, tùy bút, trữ tình, tự sự, bình luận. Vì thế, nó không giống bất cứ một ai trước đó, đồng thời đặt nền móng cho những người đi sau như Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ noi theo. Tiếp theo là 8 văn bản, vừa như minh họa vừa như bổ sung, vì thế, kết cấu vẫn chặt chẽ trong sự nhất quán của một tác phẩm, trong đó có những văn bản rất có giá trị về lịch sử và văn hóa ở thời Lê. Đặc biệt là bài Tựa sách Minh nông chiêm phả, do chính Trần Cảnh viết, cho thấy dung lượng, bố cục và nội dung bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam (dâng vua Lê năm 1749) là như thế nào. Sau đó là phần Phụ lục, trong đó có bài Văn bia thờ từ khi Trần Cảnh còn sống,  tại chùa Khương, huyện Siêu Loại, nay là chùa Dâu, Bắc Ninh, bài Văn điếu của vua Lê Hiển Tông đọc trong lễ quốc tang Trần Cảnh và đặc biệt là Thơ của 58 nhà thơ thời Lê họa thơ Trần Cảnh, trong đó có nhiều người rất nổi tiếng như Nguyễn Nghiễm, Lê Hữu Kiều, Nguyễn Kiều, Lê Trọng Thứ, Vũ Khâm Lân, Nhữ Đình Toản…

Tập 2 là Trần Khiêm Đường niên phả lục, Trần Tiến tự viết về mình, từ thuở bé, đi học, đi thi, đỗ đạt rồi ra làm quan. Với tác phẩm này, từ năm 1764, Trần Tiến đã khai sinh ra một thể loại ký mới trong văn xuôi trung đại Việt Nam là ký tự thuật. Nguyễn Đăng Na nhận xét: “Và điều quan trọng nhất chính là, lần đầu tiên trong văn xuôi tự sự Việt Nam, có một tác phẩm ký tự thuật. Chỉ khi con người ý thức được về mình, ý thức được về vai trò và vị trí của mình thì, loại hình tự thuật mới ra đời. Ở thời trung đại, mấy ai dám làm vậy?”.

Khác với các tập ký khác, lấy sự việc làm trung tâm, hoặc các truyền thuyết hoang đường, ma quái, các chuyện dân gian, các khảo sát phong tục, phong cảnh du lãm hay ẩm thực,… để làm nên nhiều trang văn đặc sắc, Niên phả lục là tập ký đầu tiên không có những điều này. Nói như Nguyễn Đăng Na, nó dựng lại được “không khí thời đại” với những lòng người chia lìa, đồng liêu đố kị, vua thì tăm tối, tiền hậu bất nhất, quan lại thì tham lam tàn bạo, lợi dụng đục nước béo cò,… Đi thẳng vào các vấn đề chính trị sôi bỏng và gay gắt nhất của đất nước ở thời đó, đây là tập ký sự chính trị. Nó lại lấy con người hoạt động chính trị làm trung tâm, và đặc biệt, con người này lại ở phía bên kia - tạm gọi như thế - nghĩa là bên đi đánh dẹp nông dân khởi nghĩa, với những cảm xúc, những băn khoăn, trăn trở, ưu thời mẫn thế, khắc họa nhiều tâm trạng, các tình huống và cả số phận. Điều chưa từng có trong ký trung đại Việt Nam.

Về xã hội chính trị, nó nói rõ nông dân bị cường hào ở các làng xã cướp ruộng đất, đàn áp bức bách và bần cùng, đến mức họ chỉ còn một con đường cuối cùng là “gửi thân cho giặc” chống lại triều đình. Nó trực tiếp mô tả quân giặc rất mạnh và qua làng xã nào cũng “tuyệt đối không tơ hào đến cái kim sợi chỉ của dân” (Trong văn xuôi trung đại Việt Nam, chưa hề thấy nhà văn nào đã mô tả những việc làm như thế của nông dân khởi nghĩa), trong khi quan quân của triều đình, về danh nghĩa là đi đánh giặc, nhưng thực chất là đi cướp của dân. Thảy đều như vậy”. Bọn này “tung hoành bạo ngược, dung túng bọn tướng sĩ cướp đoạt tài vật của dân gian, vơ vét từ chủi cùn rế rách” của dân. Chúng đến đâu là “đục khoét ăn nhậu, vui say tửu sắc, cờ bạc thâu đêm suốt sáng, khi giặc đến thì bỏ cả ấn tín mà chạy”,... Nó mô tả các cuộc họp trong triều, các quan lớn chỉ đưa mắt nhìn nhau, chờ đón ý chỉ của nhà vua rồi mới nói đưa đà, ve vuốt, nịnh bợ, “không ai dám nói một câu nào theo ý mình”. Nó mô tả ngay cả bậc hoàng thượng cũng sáng nói một đằng, chiều làm một nẻo. Sáng “thì khen là có công khai quốc, khen ngợi không tiếc lời”, chiều lại “thăng có một tư, lòng dạ không biết thế nào mà lường. Chỉ trong một khoảng khắc đã đổi thay như vậy, huống chi là lâu dài?”... Khi điều hành việc nước, vua thường “bày ra nhiều việc tạp dịch, trưng dân, ngày càng phiền nhiễu, gây nhiều khổ sở cho dân”. Trong việc quan, vua “thường dùng lũ bẻm mép, cho họ là hiền tài”. Đất nước vì thế mà suy vong. Có lẽ đây là tác phẩm duy nhất trong các ký trung đại mô tả trực tiếp nhà vua (vua Lê Hiển Tông) bằng những đường nét khách quan, không mấy sáng sủa… Vua Lê đã vậy. Còn chúa Trịnh thì sao? Cuối tác phẩm, Niên phả lục ghi: “Gần đây, chúa thượng chỉ nằm một chỗ mà điều khiển triều đình, bên trong thì mê muội vì một người đàn bà nhan sắc, bên ngoài thì bị bọn tà thần lừa dối, cái thế của non sông đang chuyển dời, dần dần khó mà kéo lại được”… Đây có lẽ là một đoạn văn kì lạ và rất hiếm hoi, được Trần Trợ (Viên ngoại lang bộ Lại, Trợ giáo Thái tử, con Trần Tiến) ghi ở phần Tục phả của Niên phả lục năm 1767 (sau ba năm tác phẩm hoàn thành, 1764, và trước ba năm Trần Tiến mất, 1770), ở cuối tập 2 - Trần Khiêm Đường niên phả lục, báo hiệu rất sớm, trước đến hơn 20 năm, sự sụp đổ tất yếu của triều đình Lê - Trịnh, khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc.

Về quân sự, nó mô tả các cuộc giao tranh của quân triều đình và quân khởi nghĩa, như một quyển nhật ký chiến tranh. Nó mô tả rất trung thực khách quan hai trận tuyến, nhưng chủ yếu là từ phía quân triều đình, với nhiều cuộc thắng to và cũng không ít cuộc thất bại thật thảm hại. Có hải đội ra quân, cuối cùng “bị thua và bị giết, toàn quân bị lật chìm, tướng sĩ thì không một ai chạy thoát”. Viết về nông dân khởi nghĩa, gọi họ là giặc, tâu vua là họ làm càn, nhưng trong cả bộ sách, tuyệt không có một chữ nào xúc phạm, khinh miệt hay lên án họ, kể cả khi họ tàn phá gia đình mình, khai quật mộ bà nội mình, đốt cả làng mình để trả thù,… Đó cũng là một điều hiếm thấy trong các tác phẩm chiến tranh từ xưa đến nay.

Theo Nguyễn Đăng Na, nhân vật do tác giả xây dựng thành nhân vật trung tâm trong Niên phả lục, “để từ đấy, mọi sự kiện được quan sát, đánh giá, miêu tả dưới điểm nhìn trực diện của anh ta. Điều này, tất cả các tác giả trước đấy chưa một ai làm được”. Chỉ xin nói về nhân vật Trần Cảnh. Đây là những chi tiết Trần Tiến ghi về người cha của mình trong đời thường, không phải là hư cấu theo phương pháp xây dựng nhân vật của tiểu thuyết. Có lẽ vì thế chăng mà nhân vật hiện lên rất sống động, từ những việc nhỏ bé hằng ngày với những phẩm chất mà đến nay vẫn có thể còn làm cho chúng ta ngạc nhiên.

Trần Cảnh hai lần làm Tể tướng. Lần thứ nhất năm 1741, lần thứ hai năm 1749... Khi lên đường về Thăng Long, kiểm tra tiền nong của cả gia đình chỉ còn có 30 quan tiền lẻ. Ông thường dặn vợ con: “Nhà mình vốn xuất thân là người dân cày, nên ăn mặc phải như những người tá điền. Phải tiết kiệm, nấu ăn không được để thừa”. Làm Tể tướng mà ông vẫn ở trong nhà tranh vách đất… Khi đang làm Tế tửu Quốc tử giám, 1740, vua cử ông làm Đốc đồng (nghĩa là tham gia cùng các tướng khác) tiễu trừ Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ nổi dậy ở bản huyện từ năm 1739. Lúc ấy, nghĩa quân đã rất mạnh, đánh chiếm nhiều vùng từ Hải Dương, Hưng Yên, An Quảng, đến Lạng Sơn... Ông xin vua cử người khác, vì cùng quê, nhưng vua dứt khoát không nghe. Do đó quân của Nguyễn Tuyển đã tràn vào làng, đốt cả làng, phá đình làng, san phẳng nhà ông, nhà thờ dòng họ ông, đào mộ mẹ ông, rồi chém chết cả gia đình họ Nguyễn Xuân, người trông coi nhà ông, vì không khai mộ cha ông, mộ ông nội ông và mộ tổ họ Trần ở chỗ nào để cho nghĩa quân khai quật… Vậy mà đến khi cuộc khởi nghĩa tan, bắt được rất nhiều quân sĩ, vua cho xử tử hết, Trần Cảnh xin vua chỉ chém chủ tướng là Cừ, các phó tướng hay tiểu tướng thì chặt 1 chân để khó bề làm giặc lần sau, còn lại xin tha hết, bởi họ cũng là “dân đen của triều đình”, chỉ muốn làm ăn yên ổn, vì bức bách quá mà phải “gửi thân cho giặc”. Vì Trần Cảnh là một trong các tướng, gia đình và làng quê lại bị hại, mà xin cho, nên vua nghe, còn các quan tướng khác thì rất tức giận…

Cũng tương tự như thế, 10 năm sau, khi nhậm chức Tham tụng lần thứ 2, trong trận “hộ giá Nhà vua thân chinh đi đánh giặc Canh Ngọ ở Sơn Tây”, cuối năm 1750, đầu năm 1751, quân triều đình bắt được “800 người, lệnh đem ra hành quyết, Ngài (Trần Cảnh) nghe vậy, đang đêm sợ hãi, dậy viết khải xin mở đường hiếu sinh… Các tướng có người vô cùng phẫn nộ”. Lời lẽ trong tờ khải rất thống thiết: “làm sống lại một phương người dân lầm khổ, an ủi trăm họ ngày đêm trông ngóng vân nghê, lòng chí nhân vô địch, gian nan vượt qua”... Trong quãng đời 40 năm làm quan của mình, Trần Cảnh nói với con (Trần Tiến): kết quả của 2 lần dâng khải xin vua khoan dung… là điều làm Ngài vui lòng hơn cả…

Có lẽ vì lòng thương dân như thế, nên khi Trần Cảnh xin nghỉ việc quan lúc đang ở ngôi Tể tướng đầu triều để chiêu mộ dân li tán sau những năm loạn lạc vì các cuộc khởi nghĩa, nhân dân đã hưởng ứng lời ông, cùng nhau khai hoang lập ấp ở một số làng xã, dọc triền sông Kinh Thày, từ Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn (Hải Dương) đến Đông Triều (Quảng Ninh) và Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) hiện nay, thời ấy đều thuộc đạo Hải Dương, được vua Lê phong chức “Hải Dương khuyến nông sứ”.

Trên cơ sở hướng dẫn dân trồng cấy, Trần Cảnh đã soạn bộ sách Minh nông chiêm phả, như đã nêu ở trên. Và ông được xem là nhà nông học đầu tiên của Việt Nam. Khi làm Điền chánh sứ, ông xin vua cho “chia lại ruộng đất một cách chính thức, tước ruộng của kẻ mạnh, chia cho người yếu”. Do đó “những kẻ cùng đinh được thân oan đội ơn, còn bọn cường hào quyền quý thì phần nhiều không bằng lòng”. Cũng vì thế, trong triều, ông rất cô độc. Có lần trái ý vua, ông bị hạ xuống đến 6 bậc, phải giúp việc cho người hầu cũ của mình. Thời gian sau, chính vua Lê Hiển Tông phục chức cho ông, đã nói trước triều đình: “Ông Trần bị giáng đến thế, mà không hề ca thán gì, cũng không nhờ vả ai xin xỏ cho”…

        Khi mới nhậm chức Tể tướng lần thứ hai, được hai ba năm (1749-1752), ngày 20 tháng 9, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752), ông đã xin vua cho nghỉ việc để dành chỗ cho người hiền tài và viết thư cho người được vua rất tin cậy, là quan đốc xuất Hải Quận công Phạm Đình Trọng, có câu “Mong ngài giúp đỡ vài lời, khải tấu (với vua/ chúa) nói đầy đủ những điều kém cỏi của tôi, không thể đảm đương được việc, tốt nhất là cho về hưu. Được thế, xin khắc cốt ghi xương, ơn cao coi bằng núi Thái”. Nếu cái thư đó không còn lưu trong Niên phả lục, thì ngày nay chúng ta khó mà tin được.

Trên đây, mới chỉ nói về tập 1 của bộ Niên phả lục. Tập 2 là ký tự thuật, chủ yếu thuật lại việc đi thi rồi đi chấm thi của tác giả và ta được biết, lúc đó đi thi, thi đỗ, nhiều trường hợp đã là kết quả của hối lộ và mua bán bằng cấp rồi. Tập 2 này là ký dân sự, nên giá trị riêng biệt của nó, xin phép được nêu vào một dịp khác.

       ___________________

(*) Trần Tiến: Niên phả lục (Nguyễn Đăng Na dịch). Nxb. Văn học, H., 2003, 302 trang. Các trích dẫn tác phẩm trong bài đều theo sách này.

Nguồn Văn nghệ số 50/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm