April 19, 2024, 1:40 pm

Trở về với dân tộc là đến với thế giới

 

Gần đây trong các hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở một số nước châu Âu, Tổng cục Du lịch Việt Nam đều “khoe”: Thiên nhiên, cảnh quan Việt Nam phong phú, đa dạng; truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, các lễ hội của Việt Nam độc đáo, văn hóa ẩm thực của Việt Nam vừa khác lạ, vừa đặc biệt… Điều này rất đúng, vì người ta chỉ có thể giới thiệu với khách du lịch những gì mà mình có, chứ không thể “khoe khoang” những điều mình còn kém người ta (như nhà hàng, khách sạn, hạ tầng du lịch…) và những điều khách không cần (đa phần người ta đi du lịch để trải nghiệm, chứ không phải để ăn nghỉ, do vậy cảnh quan, môi trường càng khác lạ, càng hấp dẫn họ).

 

Lễ hội Đền Hùng. Ảnh Internet

Đây là tâm lý phổ biến của dân tộc ta ngày xưa và tâm lý của các quan chức Việt Nam ngày nay (đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”) và cũng thể hiện tư tưởng tự ti (cái ta có không bằng người) và “sính” đánh giá theo bảng giá trị của phương Tây, của nước ngoài. Sở dĩ nói như vậy, vì cũng những quan chức của Tổng cục Du lịch nhưng khi khởi động giải thưởng du lịch nội dung văn hóa, cảnh quan, môi trường, ẩm thực… hoàn toàn biến mất, mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, các dịch vụ vận chuyển hành khách v.v…Điều này là cần nhưng chưa đầy đủ.

Thực ra bệnh tự ti, a dua, học tập nước ngoài không phải lối, đã có từ lâu và không phải là căn bệnh riêng của ngành du lịch, mà rất nhiều ngành đều mắc – đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa. Còn nhớ, sau Cách mạng tháng Tám và trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, do tư tưởng giáo điều và non kém chúng ta đã cấm tuồng, chèo, cải lương… với “lý luận”: đây là sản phẩm của phong kiến, đế quốc. Tư tưởng cực đoan, giáo điều và ấu trĩ ấy còn tồn tại rất lâu. Chỉ cách đây vài chục năm, hát ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu… còn bị coi là mê tín dị đoan, hoặc có nội dung không phù hợp với thời đại mới. Hiện nay tư tưởng này đã bị loại bỏ trong quan niệm chính thống, nhưng sự rơi rớt của nó vẫn tồn tại dai dẳng và gây nên những hệ lụy khó lường. Hiện nay không ai dám công khai “chê bai” nghệ thuật dân tộc, bởi nghệ thuật dân tộc không chỉ là niềm vẻ vang mà còn là thứ duy nhất mỗi khi chúng ta “đem chuông đi đánh xứ người”. Đó là các đoàn nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước… luôn luôn được cử đi biểu diễn giao lưu văn hóa, hoặc đi thi trên đấu trường quốc tế… và cũng là “đặc sản” duy nhất chúng ta chiêu đãi từ các đoàn khách quốc tế quan trọng đến thăm nước ta.

Nhưng chỉ những khi đó nghệ thuật dân tộc mới quan trong, còn thì gần như bị bỏ quên. Không biết những người hoạch định chính sách có ưu tiên gì đặc biệt không, nhưng trong ứng xử xã hội và trong cuộc sống hàng ngày nghệ thuật dân tộc, các đoàn nghệ thuật dân tộc vẫn đứng cuối bảng. Từ kinh phí, biên chế, địa điểm tập luyện, nhà hát biểu diễn… nghệ thuật dân tộc chưa bao giờ được xếp ở vị trí ưu tiên. Các khoa nghệ thuật truyền thống ở các trường đại học, các viện nghiên cứu… cũng trong tình trạng tương tự.

Các lễ hội văn hóa truyền thống có một thời bị cấm đoán nghiêm ngặt. Ở nhiều địa phương, đình, đền, chùa bị phá bỏ hoặc biến thành lớp học, nhà kho của các hợp tác xã… Bây giờ các lễ hội được khôi phục thì lại có phần tràn lan, thiếu chọn lọc, bị biến tướng, thương mại hóa do các địa phương thiếu hiểu biết, hoặc biết nhưng quyết chiếm dụng để tận thu cho ngân sách địa phương hoặc nhóm lợi ích. Các đình, chùa… cũng được xây dựng lại, nhưng “hiện đại hóa”, lai căng nước ngoài… Không ít nơi đã biến thành “cỗ máy in tiền”, chứ không còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh.

Sự đứt gãy văn hóa do cố ý hay vô tình ấy đã gây nên những hậu quả khôn lường trong đời sống văn hóa, đặc biệt là trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng hôm nay. Một bộ phận người lớn tuổi và đặc biệt là thế hệ trẻ đã không được sinh hoạt, chứng kiến những lễ hội, những sinh hoạt văn hóa truyền thống đúng nghĩa, lại bị những quan niệm lệch lạc của kinh tế thị trường hiện nay chi phối… đã đem những xô bồ, tiêu cực của xã hội vào sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng (như hối lộ thần thánh và nhiều hành động phản cảm khác). Sự đứt gãy văn hóa, thói tự ti, không coi trọng truyền thống của ông cha, đã khiến một bộ phận khá lớn trong công chúng bị lai căng, học tập nước ngoài thiếu chọn lọc. Một bộ phận không nhỏ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, hầu như không hiểu biết gì về sinh hoạt văn hóa truyền thống của đất nước, nhưng các lễ hội của phương Tây như: ngày lễ tình nhân, ngày của mẹ, ngày của cha, lễ Nô en… họ lại rất sành sỏi và trở thành nhũng tín đồ mê say.

Cũng rất may là xu hướng tìm về dân tộc đang phát triển mạnh mẽ (cả ở Việt Nam và thế giới). Đặc biệt là phương Tây ngày càng ưa chuộng, ngưỡng mộ văn hóa phương Đông, chữa bệnh theo phương pháp Đông Y, võ thuật phương Đông (trong đó có Việt Nam)… đã khiến cho truyền thống văn hóa dân tộc dần dần được coi trọng. Du lịch trải nghiệm văn hóa, tập làm nông dân, ngư dân… không chỉ hấp dẫn du khách phương Tây mà còn hấp dẫn cả thế hệ trẻ Việt Nam. Rồi những món ăn dân dã như: rau muống, rau lang, tôm, cua, ốc, ếch… truyền thống nay đã trở thành đặc sản. Rồi đã qua các thời tăng sản lượng bằng mọi giá, bây giờ người ta trở lại với trồng trọt, chăn nuôi sinh học. Thực ra đây là truyền thống lâu đời của ông cha ta (vì ngày xưa đâu có phân hóa học, thuốc trừ sâu, thức ăn công nghiệp…) nhưng được nâng lên tầm cao mới với những kiến thức  khoa học mới của thời đại. Rất tiếc là còn không ít người cứ nghĩ nuôi trồng sinh học là “đặc sản” của phương Tây.

Đi hết tầm cao của dân tộc ta sẽ gặp thế giới. Nguyên lý này ngày càng được nhiều người chấp nhận và ngày càng được soi sáng trong thực tế. Hãy xem các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận, rất nhiều di sản trước đây chúng ta coi thường (như ví dặm Nghệ Tĩnh, hô bài chòi miền Trung…) hoặc từng bị kỳ thị (như ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu…) lại được thế giới đề cao và vinh danh. Cần lấp chỗ trống văn hóa truyền thống của ông cha… trong hành trang của thế hệ trẻ hôm nay. Đó là cách tốt nhất để chúng ta hòa nhập mà không hòa tan.


Có thể bạn quan tâm