March 29, 2024, 1:10 pm

Ghi nhận từ Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học - Đài Loan học

 

Nhận lời mời của Ban tổ chức Hội thảo quốc tế về Việt Nam học - Đài Loan học lần thứ IV, diễn ra trong hai ngày, 23-24/11/2019 tại Đại học Quốc gia Thành Công, Đài Nam, Đài Loan; đoàn 8 nhà văn Việt Nam, do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn tham gia hội thảo.

 

Ảnh Internet

Đây là cuộc Hội thảo lần thứ IV, gồm 220 đại biểu là các học giả, các nhà văn… đến từ 13 quốc gia trên thế giới: Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Singapore, Bỉ, Indonesia, Thái lan, Pháp, Anh, Hồng Kông và Đài Loan. Hội thảo lần thứ nhất về Việt Nam học và Đài Loan học vào năm 2010, kể từ đó, cứ 3 năm một lần, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Thành Công tổ chức định kỳ hội thảo, và quy mô những lần hội thảo sau luôn lớn hơn những lần trước.

Các đại biểu đến từ Việt Nam là các nhà khoa học, các giáo sư, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Hán nôm, Trường Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh… được tổ chức theo các nhóm chuyên đề nghiên cứu, diễn ra ở 5 hội trường Đại học Quốc gia Thành Công. Đây cũng là Trường đại học quy mô lớn, trong trường có nhiều viện, trung tâm nghiên cứu, có cả bệnh viện vừa làm đào tạo cán bộ ngành y, vừa làm công tác khám chữa bệnh, điều dưỡng (bệnh viện này tự hạch toán).

Chủ đề của hội thảo là: Hợp tác quốc tế và phát triển bền vững. Các tham luận chủ yếu của Hội thảo trên các vấn đề về lịch sử, văn hóa, hợp tác quốc tế (ngôn ngữ, văn học, tộc người, phong tục tập quán, mối tương quan về văn hóa, dạy tiếng Việt…) như sau: Hợp tác quốc tế mới thúc đẩy hòa bình thế giới và sự phát triển bền vững (Tiến sĩ Tưởng Vi Văn); Nhận diện và so sánh mô hình DESAKOTA ở Việt Nam và Đài Loan trong bối cảnh đô thị hóa ở châu Á; Quan hệ giữa phát triển bền vững và thành phố thông minh - cơ hội hợp tác mới của Việt Nam - Đài Loan; Hợp tác giáo dục đại học Việt Nam - Đài Loan trong giai đoạn 2020-2025; Tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển ngành Việt Nam học và tiếng Việt cho người nước ngoài tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế; Quan hệ kinh tế Việt Nam - Đài Loan từ năm 2016 đến nay: Thành tựu, vấn đề và triển vọng; Văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam qua truyền thuyết thời Hùng Vương; So sánh phong tục trầu cau trong văn hóa Việt Nam - Đài Loan; Điện ảnh Đài Loan ở Việt Nam; Những nét tương đồng giữa văn học Việt Nam và Đài Loan (nhân đọc cuốn Lược sử văn học Đài Loan của Diệp Thạch Đào, Nxb Đại học Sư phạm, 2018); Sự định hình của loại hình tác giả nhà nho trong văn học Việt Nam giai đoạn thế kỷ XIII-XIV; Nhận thức đúng các giải pháp cơ bản, chiến lược nhằm đào tạo đội ngũ giảng viên tiếng Việt chất lượng tại Đài Loan; Phương pháp dạy tiếng Việt theo chủ đề…

Các đơn vị phối hợp tổ chức cho cuộc hội thảo được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay và mang lại nhiều thành công này là: Trung tâm Trắc nghiệm Ngữ văn Đài Loan, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, Khoa Văn học Đài Loan (Đại học Quốc gia Thành Công); Hiệp hội Văn hóa Đài Loan; Quỹ giao lưu Châu Á - Đài Loan; Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Quốc lập Chi Nan. Và các đơn vị hỗ trợ: Hiệp hội chữ La tinh Đài Loan, Hội Nhà văn Đài Loan, Bệnh viện Lok-an, Bộ Khoa học công nghệ Đài Loan, Bộ Văn hóa Đài Loan, Sở Di dân và Xuất nhập cảnh Đài Loan.

Trong cuốn Kỷ yếu của Hội thảo, Tiến sĩ Tưởng Vi Văn, Giáo sư Khoa Văn học Đài Loan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Quốc gia Thành Công, Trưởng ban tổ chức Hội thảo viết: “Mặc dù Đài Loan và Việt Nam hiện vẫn chưa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, song mối quan hệ giao lưu thực chất đã đạt tới độ chín muồi. Ví như sự hợp tác lâu dài giữa Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Quốc gia Thành Công với các trường đại học nổi tiếng của Việt Nam trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt, tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Việt quốc tế và nghiên cứu Việt Nam học. Chính bởi có mối quan hệ giao lưu, hợp tác bền chặt này mà tiếng Việt và việc nghiên cứu Việt Nam học ở Đài Loan mới được phát triển mạnh mẽ đến vậy. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam để cùng hợp tác và xuất bản “Đi ngang thế gian - Tuyển tập thơ Trần Nhuận Minh” và “Sông núi trên vai - Tuyển tập thơ Việt Nam” (bản tiếng Đài và tiếng Trung) đem đến cho bạn đọc Đài Loan một cái nhìn cụ thể hơn về cái đẹp của kho tàng văn học Việt Nam. Mặt khác, chúng tôi cũng đã tiến hành dịch và xuất bản tại Việt Nam một số tác phẩm văn học Đài Loan như “Truyện các anh hùng Đài Loan: Quyết chiến Siraya” và Lược sử văn học Đài Loan”… Từ đó, có thể thấy rằng, chỉ thông qua con đường hợp tác quốc tế mới đưa chúng ta đến gần nhau hơn và mới có thể thúc đẩy nền hòa bình thế giới và sự phát triển bền vững”.

Trong không gian Hội thảo với nhiều chủ đề khác nhau, Ban tổ chức cũng dành hơn hai giờ tổ chức ra mắt Tuyển thơ Sông núi trên vai với 3 thứ tiếng Việt - Đài - Trung dưới sự chủ trì của Giáo sư Tưởng Vi Văn; nhà thơ Trần Minh Nhân, Chủ tịch Hội Nhà văn Đài Loan; nhà thơ Trần Đăng Khoa. Nhân sự kiện ra mắt sách, các ý kiến phát biểu, trao đổi của hai bên cũng xoay quanh nhu cầu trao đổi văn hóa, tiếp cận những giá trị văn học, nhân văn và tìm hướng hợp tác về dịch và xuất bản các tác phẩm văn học của nhau, giữa Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan liên quan phía Đài Loan. Ban tổ chức cũng trao tặng kỷ vật và 50 bản sách Sông núi trên vai cho Hội Nhà văn Việt Nam.

Cuộc hội thảo không chỉ để lại nhiều dấu ấn về nội dung hữu ích, có ý nghĩa mà nó đặt ra trong thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, nó còn để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong giao lưu, quan hệ giữa hai phía Việt Nam - Đài Loan. Đặc biệt là vai trò tích cực của Giáo sư, Tiến sĩ Tưởng Vi Văn, người có công góp phần đưa tiếng Việt vào dạy trong các trường đại học, người có sáng kiến tổ chức các kỳ thi năng lực tiếng Việt quốc tế… Chính phủ Đài Loan cũng rất ủng hộ đưa tiếng Việt, là một ngoại ngữ được giảng dạy trong các trường học ở Đài Loan.

 

 


Có thể bạn quan tâm