April 25, 2024, 1:34 pm

Một góc nhìn về kỹ thuật truyện ngắn

 

Gần đây, trong nhiều hội thảo, tọa đàm về truyện ngắn, khi quy mô, lúc mini kiểu kết hợp ở một trại sáng tác… đã từng có ý kiến cho rằng văn chương hàng ngàn năm qua, mọi vấn đề thuộc về nhân sinh làm gì còn phát hiện mới mà chủ yếu là cách thể hiện mới, khác, gắn với bối cảnh hiện đại. Tức là những đóng góp ở mảng hình thức thế nào, cho vấn đề ấy…

Tôi đọc tập truyện Thần thức dưới rêu phong của Văn Chinh với góc nhìn này. Và thú vị. Bởi cách kể chuyện, cách xử lý thông tin, tình huống, cách tung tẩy tự tin và đầy hứng khởi, tạo thành dấu ấn riêng, độc đáo...

 

1.

22 thiên truyện trong tập sách, thoạt nhìn có thể thấy nhiều đề tài khác nhau. Đề tài lịch sử, huyền sử với rất nhiều nhân vật văn hóa, sử ta, sử Tàu: Tần Thủy Hoàng, Lã Bất Vi, Trang Tử, vợ Trang Tử, Khổng, Mạnh, vua Đinh, thái hậu Dương Vân Nga, Thi Nại Am, La Quán Trung, Scritt Varo, Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ, Bảo Đại… Đề tài xã hội hiện đại với những tâm trạng riêng biệt trong chiến tranh, những tấm tình người cựu binh thời hậu chiến, chuyện phần mộ liệt sĩ, những nhà văn, những nhân vật nối dài trong văn chương, thế giới quan liêu của quan chức, những bi kịch con người trong vấn đề ý thức hệ, chuyện dân mất đất khiếu kiện… Cả niềm tin tôn giáo méo mó bệnh hoạn: những mê lú đám đông, nạn nhân của kiểu tu tập sai cách… Nói thoạt nhìn là bởi, những nhân vật lịch sử hay hư cấu hiện diện trong câu chuyện, bối cảnh, dù được dàn dựng công phu với quan sát sắc sảo, lý giải thấu đáo, cũng chỉ là cái bề nổi hấp dẫn, nhiều khi ly kỳ, huyền hoặc lôi cuốn bạn đọc, cốt nhằm tới một chủ đích khác của nhà văn, đôi khi như một giải mã các bí ẩn lịch sử, một phản biện, hay chỉ ra cái lỗ hổng một chủ thuyết, độ vênh của đường mòn tín niệm có khi trải cả ngàn năm. Và bóng dáng nhân sinh hiện ra, xóa nhòa thời gian, không gian, xa hút trong tịch mịch sử sách mà cũng đâu đó hôm qua, hôm nay, Đông - Tây tương liên.

Như seri truyện Thị, Puellae, Gái chẳng hạn. Trong ma trận: cuộc đời và chủ thuyết “Tề vật luận” của Trang Tử, trong số phận lịch sử của “thiên thu nhất đế” Tần Thủy Hoàng, bóng dáng của Thị hiển hiện như một yếu tố nghệ thuật độc đáo, không phải xâu chuỗi các sự kiện, các nhân vật mà là làm cho các nhân vật lịch sử nhảy tưng lên sinh động. Từ Thị đến cô gái digan Aigyptoi, tức Peullae, đến Gái, có liên quan nhau qua nhân vật cầu nối GS.TS Scritt Varo, một xâu chuỗi trên 2.200 năm đến bối cảnh Việt với việc dẫn dắt, xử lý thông tin cực kỳ biến hóa: Thị chết nhưng biết hối lộ quỷ đầu trâu mặt ngựa mấy đồng tiền bồm, hết tiền, hối lộ Phán quan “vốn tự có”, để đầu thai làm con rắn quyền lực nhập vào Tần Thủy Hoàng tiếp tục hưởng thụ; nàng Puellae có shop Tâm linh nhìn thấy quá khứ, vị lai; cái quan tài bằng gỗ mộc trôi trên Địa Trung Hải chứa thân phận người chết sang quý và xác rắn dài bằng người (Tần Thủy Hoàng), 174cm, cũng là chiều dài của Thị, của nhà Varo, của Gái; cái chết bí ẩn của trung tá Spartacus Varo - sĩ quan tùy tùng của tướng Charles de Gaulle, cha Gái - phần nào được giải mã trong bữa ăn có… “Tề vật luận” của Trang Tử. Nhà văn lập cả bảng so sánh giữa Tần Thủy Hoảng và Trang Tử. Miên man ma trận để có những đúc kết: sách báo đời sau “là vũ khí, không phải thông tin và còn lâu mới là khoa học” (Tr.39). Nhưng kết luận này không chỉ dành riêng cho Trang Tử: “Hóa ra, con người dù ở bất cứ đâu, bất cứ thời nào đều từ hồn nhiên mà xuất phát. Ông ta đã lấy triết học từ cuộc sống, nhưng lại dùng chính nó để mưu toan cai trị và dạy dỗ cuộc sống” (Tr. 58). Con rắn quyền lực, khát thèm hưởng thụ muôn đời không thể chết: “kiếp rắn của Thị là rắn đực, phủ thoải mái, còn được phủ cả mèo. Lại không phải chết, cứ lúc nào đưng đứng tuổi thì lại lột xác” (Tr.20)…

Không có tên cụ thể, chỉ Thị, Peullae, Gái, Văn Chinh đầy chủ ý viết hẳn về nguồn cội, sự thụ hưởng và sinh sôi. Nó mới thực bất tử, đứng trên mọi chủ thuyết, quyền lực. Sử dụng thuyết “tự nhiên nhi nhiên” của Lão- Trang, thị “đói ăn khát uống” nên cũng thoải mái nói với Trang: “Tướng công xong rồi ư? Bọn trẻ chăn dê với thiếp nó dai sức lắm”. Hay kiểu cô digan tận hưởng cổ điển, mạnh mẽ, đằm thắm: “Ôi anh, chớ nghe xui dại Trang Tử cấm dục đấy, thuyết của ông ta diệt dục phải không? Ối anh ơi là anh ơi /…/ Ối anh ơi lúc nào thèm thì gọi cho em nhé, nhé thế, thế ối giời ơi khỏe thế. Ông tổ của anh còn xuyên thủng xilip sắt của bà, em có biết cái nhà tù khốn nạn ấy không? Có, có. Nó có từ thời chiến tranh cổ đại, là sáng kiến của những người sử dụng con người như một công cụ” (Tr.43). Dù thuyết “diệt dục”, hay “tự nhiên nhi nhiên” hay thời xilip sắt, vấn đề là nguồn thụ hưởng và khởi sinh này luôn chứng tỏ sức cuốn hút, độ trường tồn, dù quyền lực hay chủ thuyết thất bại.

Không riêng seri truyện này, về căn bản Văn Chinh không dụng công xây dựng nhân vật theo truyền thống: khắc họa hình dong, tính cách, cuộc đời, số phận, kiểu “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Họ chỉ hiện lên, khoa chân múa tay chút, từ Nhất Húy vương, Trịnh Sâm, Lê Duy Kỳ…, đến Appin, con ngựa hãn huyết, Thi Nại Am, Lão Khúng, sư Thích Nhất Đàm, chị Mỵ, thầy Ban, bà M…, chỉ để nhà văn diễn trình những đúc kết cốt lõi. Ví như, một đời khiếu kiện từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp của chị Mỵ ở làng có cái tên Minh Quang nhưng đầy cảnh bức hiếp dân, người cán bộ tiếp dân đến già cũng chỉ cẩn trọng ghi vào hồ sơ chữ “phiếu chuyển”, và đến lần thứ mười khiếu kiện, cũng đủ hết đời chị, mọi thứ chẳng sáng đẹp như tên làng (Chị Mỵ làng Minh Quang). Hoặc, cuộc hùng biện tuyệt vời uyên bác của hồn Thi Nại Am về lịch sử, thời cuộc, cuối cùng sởn tóc gáy thú nhận: “Ngổ cũng chả nhớ sinh năm nào mất năm nào, hai mươi năm cuối đời ngổ chỉ chuyên nghĩ về húy kị, rồi thì nhớ nhớ quên quên, chỉ nhớ mình hưởng dương được 75 tuổi” (Tr.306). “Định soạn mấy pho sách để đời, mỗi pho ba mươi vạn chữ. Ngụ ý lớn lắm, chuyện cũng đã đặt, đại đoạn tiểu tiết chương hồi đã xong mọi nhẽ. Nhưng hễ cứ bắt đầu mài mực là phải nghĩ ngay đến việc kiêng kỵ húy…” (Tr.307, Văn tự án liệt truyện). Hay cảm hứng để Văn Chinh viết Ghi chép của ngài Appin về con ngựa hãn huyết là từ Tô tem sói của Khương Nhung, một khơi gợi sùng bái tinh thần sói hung bạo, mưu trí, kiên nhẫn để đạt mục tiêu chinh phục, thống trị dân tộc khác. Cuộc trò chuyện của nhà văn Appin với con ngựa hãn huyết số 054, ngựa giống truyền đời từ Tổ, phục vụ Hốt Tất Liệt, Thoát Hoan khá ly kỳ. Con 054 từng được nước bạn Mông Cổ gửi qua Việt Nam hỗ trợ cuộc chiến chống Mỹ, đã nghe lời Tổ nó đào ngũ, “Mông Cổ quay” để sống sót. Hành trình đi, về qua bao vùng miền Trung Quốc, đi qua phong trào “Đại nhảy vọt”, rồi “Cách mạng văn hóa”… và nhờ sự trợ giúp của Tổ, nó về được bổn quán. Nói chung cuộc phiêu lưu của 054 rất hấp dẫn, nhưng cái chính là lời của Tổ, cũng là lý do Tổ khuyên 054 đào ngũ: “Với ta thì quãng đời tòng chinh hơn một tháng ở Đại Việt còn hãi đến bây giờ…/…/Ta phụng sự chủ soái, cả trăm người Hồ Nam xe cỏ, xe yến mạch, đại mạch từ cố hương sang hầu ta, chứ nếu không thì thành ma ở xứ ấy rồi, lấy đâu ra cháu hôm nay?.../…/Nhưng cái ám ảnh ta để thành tiềm thức lại ở chỗ khác. Khi bại trận, Thái tử từ lưng ta nhảy sang ống đồng mà trốn, không hề nói nửa nhời bảo ai cưỡi ta theo” (Tr.100,101). Đấy, tinh thần sói, niềm kiêu hãnh chinh phục! Không cần to tát về niềm tự hào dân tộc, tôi hình dung nhà văn chỉ cười mỉm thú vị ghi dòng “Gửi tác giả Tô tem sói” đầu truyện. V.v…

 

2.

Đề tài, nhân vật cũng chỉ như những cái mắc áo treo bày ý tưởng, chiêm nghiệm. Nhưng không gượng ép, khiêng cưỡng, nói lấy được… Ví dụ, đám cưới con Lão Khúng được gã Tổng giám đốc dàn dựng: “Tôi nhận Lão Khúng là anh kết nghĩa, vậy thì con lão cũng là con tôi. Bây giờ thằng Bốn cưới vợ, cơ quan ta phải tổ chức linh đình như là cách chúng ta báo đáp nhân dân, uống nước nhớ nguồn. /Nhờ vậy, đám cưới báo đáp nhân dân có 3.000 thực khách, thu phong bì một tỉ rưỡi. Vụ này, Mao Tôn Cương có lời bàn như sau:…” (Tr.272, Lão Khúng và đứa con hoang của vợ). Sao lại nhảy độp vào đây Mao Tôn Cương? Cũng như trong Dưới rêu phong, đang kể chuyện lập trưởng lập thứ, mưu toan rối ren, Đích giết Thứ thời vua Đinh, tự dưng có trung tá hình sự Nhất Tằng Tôn bước vào truyện phân xử: “Sử cũ nói Đích giết Thứ là điều đáng ngờ. Động chủ bé như bàn tay, một vụ án lớn như thế mà không bị phát giác (nếu bị phát giác, Đích chắc đã bị đem nuôi hổ đói!) đây hẳn là gian kế của bè lũ hai tên Đỗ tướng quân rồi đổ vấy cho Đích. Nhưng Đích có chứng cứ ngoại phạm nên mọi quyền chức vẫn được giữ nguyên” (Tr.78). Hay trong truyện Văn tự án liệt truyện, người kể chuyện phải nhờ Phan Bích Hằng gọi hồn Thi Nại Am lên để văn giới Việt giải mã án văn tự thời Minh hay Nguyên? Trò chuyện với hồn Thi tiên sinh là một cách kể chuyện. Đối thoại với con ngựa hãn huyết là một cách khác. Tất nhiên không mới, những thủ pháp này. Nhưng vận dụng đúng, hiệu quả. Và chuyện các nhân vật Mao Tôn Cương, trung tá hình sự, Phan Bích Hằng xuất hiện cốt để nhại giọng cho sinh động hoặc như một thủ thuật kể chuyện.

Văn Chinh viết rất đa thanh: kể, tả, bình luận, chú giải, lập bảng thống kê, tranh biện, cả chapeau đầu truyện…, thoải mái, chẳng có bất kỳ cấm kỵ, khuôn mẫu nào. Rất nhiều trang văn như một nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Nhiều trang văn tác giả bước ra ngoài bản thảo. Thời gian, không gian bị xóa nhòa mà không câu nệ cách viết hồi ức, đồng hiện, không cần kỹ thuật “truyện trong truyện” cứng nhắc. Tất cả diễn biến, sự việc, nhân vật ùa vào trang viết tự nhiên nhất như nó cần phải thế. Lật xới, tung tẩy tùy hứng trên nền tảng tứ truyện rất chắc, chừng như ông chỉ tin vào cảm giác của mình chứ không cần bất kỳ lý luận, lý thuyết sáng tác nào. Có thể thấy cách viết này đã có những truyện ngắn hay: Thị, Peullae, Gái, Ghi chép của ngài Appin và con ngựa hãn huyết, Ngôi chùa cổ dưới chân núi Lĩnh Nam, Văn tự án liệt truyện, Dưới rêu phong, Mùi trần… Kỹ thuật ở đây là vượt thoát mọi khuôn mẫu xơ cứng. Văn Chinh đã tạo nên giọng văn riêng của mình, chi chát, hóm hỉnh, bừa bộn và cũng không thiếu những sắc sảo, tinh tế.

Đôi khi truyện ngắn hay ở một chi tiết nhiều dồn nén và khơi gợi, Nhờ cậy trước giao thừa chẳng hạn. Đó là mối tình tay 3 giữa họa sĩ Phạm Thăng, thiếu úy lính Pháp và nhà văn SM của Việt Minh với nàng Băng Tâm. Chuyện bình thường mọi diễn biến, dàn dựng, đến phút cuối, phòng tranh của người họa sĩ cõng bộ xương vợ trên lưng đi khắp nơi như một niềm sám hối, thật bất ngờ: phòng vẽ người khỏa thân thì đẹp nét đẹp không gợi dục, phi tuyến tính, còn phòng tranh vẽ hài cốt lại khác: “Hài cốt nằm, hài cốt ngồi, hài cốt đứng, bước đi, hài cốt tắm… Lạ lùng nhất là chỉ những cốt là cốt mà tranh thì gợi dục kinh khủng. Xương tay như ân ái vuốt ve xương chân, xương sườn oằn mình hoan lạc với xương đùi… Tất cả sự hoan lạc ấy lại toát ra tinh thần của sự sống vĩnh hằng, của tình yêu, tình nhân ái, sự hoan ca như một nhịp điệu sống của các khớp xương” (Tr.142). Truyện vụt sáng ở chi tiết kỳ dị cảm thấu này!

Và thật nhiều những đúc kết có tính minh định: “Mắt Minh hậu mở to khác thường, như có ngọn lửa cứ âm u ngún khói, tôi mới hiểu lời mẹ tôi. Vâng, bà là một niềm đam mê, một khát vọng sống lạ lùng. Người ta thờ Chúa, thờ Phật là thờ một khát vọng” (Tr.84, Dưới rêu phong). “Người ta cứ bảo đói kém lạc hậu thì sùng mộ thần thánh chứ tôi thấy không phải. Khi bị đói kém kinh niên, con người lấy cái ăn làm đầu” (Tr.315, Mùi trần). “Hơn 60 năm nay tôi nghiệm lời bà, thấy quả nhiên mỗi bước cho qua chuyện thị phi hay mỗi việc làm phúc dẫu chỉ nhỏ nhặt, người ta vẫn phải huy động toàn bộ công lực hiện tồn. Các ông đọc sách như ăn cơm tẻ mỗi ngày hẳn nhớ câu, sư tử vồ thỏ cũng phải bằng công lực của nó” (Tr. 319, Mùi trần)…

 

3.

Rõ ràng với cách viết đa thanh, tung tẩy, đào xới trên ngồn ngộn chất liệu lịch sử, văn hóa, những truyện ngắn đề tài hiện đại kiểu Vựa người, Mất trí nhớ, Bệnh xá Dốc Đót, Thần thức Mister Quên, Ai biết mộ liệt sĩ ở đâu, Mừng nỗi buồn qua, Con tàu tuổi thơ… ở một kênh khác. Những vấn đề xã hội đặt ra cũng nhức nhối, những dàn dựng, phân tích cũng tinh tế, sắc sảo, nhưng không để lại dấu ấn lớn hay in đậm chất riêng Văn Chinh.

Theo kịp những trường phái sáng tác mới là cần thiết chứ không nên bảo thủ nhưng, không tín điều một trường phái, phong cách nào; xét cho cùng, phương thức cũng là công cụ. Biết vận dụng phù hợp sẽ tạo ra cái riêng cho mình. Văn chương là vô vàn những con đường trên cánh đồng, dù nhỏ hẹp nhất.

Văn Chinh đã có cho mình con đường, bằng mảng kỹ thuật riêng, khác trong truyện ngắn.

Nguồn Văn nghệ số 49/2019


Có thể bạn quan tâm