April 20, 2024, 1:16 pm

Thiếu hụt tài năng trẻ trong sáng tạo văn học nghệ thuật

 

Có một thực tế hiển nhiên là các tài năng văn học, nghệ thuật thường phát lộ rất sớm. Trước Cách mạng tháng Tám, những cây bút chủ lực của Phong trào Thơ mới và Tự lực Văn đoàn chỉ trên dưới 20 tuổi. Chế Lan Viên và Nguyên Hồng sáng tác những tác phẩm để đời khi mới 16-17 tuổi. Sau này trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, lực lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật chủ lực của đất nước cũng chỉ trên dưới 30 tuổi. 

Sang thời kỳ đất nước đổi mới tình hình có khác: sự thiếu hụt lực lượng sáng tạo trẻ bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên trầm trọng. Không phải ngẫu nhiên mà những bức xúc, những yêu cầu phải thay đổi trong sáng tạo văn học, nghệ thuật lại bắt đầu bằng những cây bút đã nổi tiếng trên văn đàn, như Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Khải… và cũng không phải ngẫu nhiên, bộ ba tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm của thời kỳ đầu đổi mới: “Bến không chồng” (Dương Hướng), “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường), “Thân phận tình yêu” (Bảo Ninh) lại của những tác giả trên 30 tuổi. Mới đây nhất, trong cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 4 của Hội Nhà văn Việt Nam (2011-2016) số lượng tác phẩm dự thi của các tác giả trẻ còn khiêm tốn, và các giải thưởng chủ chốt của cuộc thi phần lớn lại thuộc về các tác giả lớn tuổi.

Điều này chứng tỏ các tác giả trẻ chưa chiếm lĩnh được văn đàn, chưa tạo được niềm tin yêu của độc giả?... Có người cho rằng, bây giờ tự do xuất bản, sách in ra quá nhiều, vàng thau lẫn lộn, người viết trẻ khó khẳng định được vị trí của mình. Trước đây sách vở ít, báo chí ít… chỉ cần in vài truyện ngắn, dăm bài thơ là đã trở thành tác giả, được xã hội chú ý. Điều này đúng, nhưng không phải cơ bản. Điều cốt lõi là các tác phẩm của các tác giả trẻ chưa đủ sức, chưa có phẩm chất cần phải có để nổi nang trên văn đàn. Hãy để ý đến Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư… chỉ mới xuất hiện vài tác phẩm, nhưng đã được bạn đọc chú ý, bởi đã có những chỉ dấu của những cây bút tài năng.

Tình hình thiếu hụt những gương mặt trẻ trong nghệ thuật cũng tương tự như trong lĩnh vực văn học, thậm chí còn gay gắt hơn và để lại những trống vắng, những hậu quả lâu dài trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Sở dĩ nói như vậy, vì trong khi văn hóa đọc giảm sút, độc giả hôm nay nếu không tìm được những tác giả đương đại như ý, người ta có thể đọc tác phẩm của các tác giả nổi danh trước đó, hoặc các tác phẩm tiêu biểu của nước ngoài đã dịch sang tiếng Việt. Thứ hai là nhà văn sáng tạo độc lập, đơn chiếc (chỉ phụ thuộc vào nhà xuất bản), trong khi ở lĩnh vực nghệ thuật là sáng tạo tập thể (thậm chí là công nghiệp như điện ảnh, truyền hình…), chỉ một khâu, một mắt xích thiếu hụt là cả công trình nghệ thuật sẽ đổ bể. Điều nữa là trong nghệ thuật, khán giả ít có điều kiện lựa chọn, họ phải phụ thuộc vào các đơn vị nghệ thuật, các đài truyền hình. Nếu không thỏa mãn thị hiếu, họ sẽ tìm những tác phẩm ngoài luồng và tình hình sẽ trở nên khó kiểm soát. Chẳng hạn trong lĩnh vực âm nhạc, khi ai cũng có thể là nhạc sĩ, người hát nào cũng có thể là ca sĩ, rồi các tụ điểm âm nhạc, nhà hàng khách sạn mọc lên như nấm, tạo điều kiện cho các tác phẩm phi âm nhạc xuất hiện tràn lan, nhiều người viết nhạc và hát sống khỏe! Trong khi đó các nghệ sĩ thực thụ, học tập bài bản thì không có đất diễn, đời sống khó khăn, phải làm đủ nghề để sống. Nhiều người đã “nhảy” từ lĩnh vực âm nhạc bác học, sang âm nhạc thị trường một cách bất đắc dĩ vì miếng cơm manh áo… Chính điều này đã khiến cho các tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật đã ít lại càng thui chột, teo tóp. Các khoa nghệ thuật dân tộc (trong các Học viện âm nhạc), khoa sân khấu dân tộc như tuồng, chèo, cải lương… (trong các Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh) hầu như không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu – có năm còn không tuyển được chỉ tiêu nào! Không chỉ thiếu hụt các tài năng biểu diễn trẻ (vì ít đất diễn) mà lực lượng biên kịch và đạo diễn trẻ cũng thiếu hụt trầm trọng. Chỉ nhìn qua chương trình nghệ thuật của các nhà hát đã thấy sự thiếu hụt này nghiêm trọng đến mức nào. Hầu như rất ít tác giả biên kịch dưới 40 tuổi. Ở lĩnh vực đạo diễn tình hình cũng tương tự như vậy. Rất nhiều công trình nghệ thuật, phim điện ảnh và truyền hình biên kịch, đạo diễn đều trên 50 tuổi, thậm chí còn cao tuổi hơn.

Có một điều chúng tôi cho là vừa được vừa chưa được, ấy là hầu hết các nghệ sỹ biểu diễn tài năng khi lớn tuổi đều đi đào tạo và trở thành đạo diễn. Điều được là các nghệ sĩ này đều có nhiều năm làm nghề, khi chuyển sang làm đạo diễn hầu như không bỡ ngỡ, bắt nhịp được ngay với đội ngũ diễn viên vẫn là bạn diễn lâu nay của mình. Điều chưa được là đạo diễn và diễn viên có những phẩm chất khác nhau, không phải cứ là diễn viên giỏi thì sẽ là đạo diễn giỏi (đã từng có người đi học đạo diễn, nhưng cả đời chỉ làm diễn viên – mà là diễn viên giỏi!). Cho nên bên cạnh việc đào tạo đạo diễn từ những nghệ sĩ biểu diễn giỏi thì cần đào tạo những người có năng khiếu đạo diễn ngay từ đầu, như thế mới giúp cho việc trẻ hóa đạo diễn và tạo sân chơi sáng tạo cho những người trẻ có tài năng.

Điều chúng tôi băn khoăn nhất là trong khi sân khấu và điện ảnh không có đất cho tài năng trẻ thi thố tài năng, thì phim truyền hình đang phát triển rất mạnh, nhưng cũng thiếu những gương mặt trẻ (biên kịch, đạo diễn, diễn viên…). Ít đạo diễn trẻ được trao làm những bộ phim truyền hình dài tập. Rồi diễn viên thì thiếu hụt trầm trọng, phải lấy từ sân khấu, người mẫu và kể cả những diễn viên nghiệp dư. Rồi thiếu biên kịch, thiếu những kịch bản hay, đến nỗi những phim “làm lại” (remake) ngày càng phổ biến trên truyền hình. Chúng ta đang thiếu những biên kịch giỏi nói chung – biên kịch trẻ nói riêng hay là khâu đào tạo, sử dụng đang có vấn đề. Điều này chỉ những người làm nghề và những người có trách nhiệm mới có thể xử lý được. Điều quan trọng hiện nay là ứng xử với những phim “làm lại” này như thế nào?

Theo chúng tôi cần đánh giá đây là biện pháp tình thế, cực chẳng đã, chứ không nên khuyến khích, tự hào khi phải đi vay mượn như thế này. Điều chúng tôi cho là đáng trách nhất khi Đài Truyền hình có vẻ khuyến khích cách làm này, khi trao giải, khi suốt ngày tuyên truyền, đề cao những phim “làm lại” này. Chúng tôi cho cách ứng xử của Hội Điện ảnh Việt Nam trong khi đánh giá nền điện ảnh qua giải Cánh diều hàng năng là hợp lý. Trước đây những phim “làm lại” Hội không trao giải cho phim, mà chỉ trao giải cho các nghệ sĩ, bởi với phim “làm lại” họ vẫn có thể có những sáng tạo nhất đinh.

Vấn đề cốt tử hiện nay là phải đánh giá đúng nhất thực trạng đội ngũ hiện nay và có giải pháp cơ bản nhất để khắc phục. Đừng coi những giải pháp tình thế là căn cơ bởi như thế sẽ không bao giờ giải quyết được sự thiếu hụt trầm trọng tài năng trẻ trong sáng tạo nghệ thuật ./.


Có thể bạn quan tâm