April 24, 2024, 6:36 pm

Frankfurt - hội chợ sách và những người bạn Đức

 

Trong năm ngày mở cửa, từ 16 đến 20/10, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2019 thu hút 302.267 khách tham dự từ 104 quốc gia, với 7450 gian trưng bày. Nhìn vào những con số tổng kết, càng khẳng định một điều đã được chứng thực từ lâu: đây là hội chợ sách lớn nhất hành tinh.

Tôi từng dự những hội chợ sách bề thế không kém như hội chợ Gothenburg ở Thụy Điển, hội chợ Kolkata ở tiểu lục địa Ấn Độ. Đến những nơi như thế để thấy dù ai nói ngả nói nghiêng thì sách vẫn là một thứ bùa mê của rất nhiều người trên cái hành tinh không chỉ cần có sách này.

 

Ảnh Internet

Mong ước Việt Nam làm khách danh dự tại Frankfurt

Trong cuộc họp báo khai mạc hội sách Frankfurt 2019, nữ văn sĩ Ba Lan vừa đoạt giải Nobel văn chương Olga Tokarczuk nói: “Tôi tin vào thứ văn chương tập hợp được mọi người và làm nổi bật những điểm chung của con người”.

Hội chợ Frankfurt hàng năm đều mở cửa năm ngày: ba ngày đầu dành cho giới xuất bản và làm sách chuyên nghiệp mua bán bản quyền, các tác giả giới thiệu tác phẩm mới, các nhà kinh doanh giao dịch sách và những sản phẩm phụ trợ, phái sinh từ sách. Hai ngày cuối tuần dành cho công chúng, người nườm nượp kéo vào hội chợ, các cầu thang trôi hoạt động liên tục. Để tránh quá tải, đầu cầu thang luôn có nhân viên bảo vệ ngăn một dòng khách lại, chỉ cho hàng người đi tiếp sau khi dòng khách đi trước lên được tầng trên. Chen chân trong đám công chúng ấy một lúc thì dường như ai cũng ngạt thở, đầu óc váng vất, phải tản ra những sân khấu giao lưu tác giả hoặc các quán cà phê mà ngồi thư giãn. Mà giá vé vào cửa cho công chúng đâu có mềm: 75 euro/ngày (khoảng 1,9 triệu đồng). Giá vé cho giới kinh doanh sách trong mấy ngày giao dịch còn cao hơn.

Nhắc lại một chút lịch sử: hội chợ sách Frankfurt thời hiện đại được lấy mốc từ năm 1949, tức là vừa tròn bảy mươi năm. Nhưng khởi thủy của hội chợ là từ gần 600 năm trước: ngay sau khi Johannes Gutenberg phát minh ra kỹ thuật in bằng cách sắp chữ, các nhà kinh doanh sách đã tổ chức hội chợ sách đầu tiên vào năm 1454. Ban đầu đấy là nơi mua bán bản thảo, dần dần thành chỗ quảng bá cho những cuốn sách mới in ra, rồi thành nơi giao dịch bản quyền, tìm kiếm nguồn tài trợ…

Gặp một nhà làm sách những năm gần đây đã mua được bản quyền nhiều cuốn sách văn chương có giá trị, tưởng đâu việc giao dịch bản quyền thời đại kỹ thuật số chỉ cần ngồi ở Việt Nam và sử dụng văn phòng ảo, nhưng anh bảo sự gặp gỡ trực tiếp tại hội chợ thế này mới tăng cường tình thân và sự tin cậy. Có khi vừa nhìn thấy một gương mặt thân quen, tay bắt mặt mừng, phía đối tác đã thông báo ngay có tác phẩm mới nào đáng chú ý, và bản quyền đã được dành sẵn cho ta. Mỗi kỳ hội chợ, với người này là chỗ đến chơi và uống bia Đức, với người khác lại là nỗ lực để giành được quyền dịch và in những tác phẩm giá trị.

Gian trưng bày của Hà Nội năm nay vào loại bề thế trong tương quan hội chợ: 140m2 với hình ảnh Khuê Văn Các cao rộng và thiết kế tạo ấn tượng những cánh cửa từ Văn Miếu mở vào cõi văn chương. Nhớ lại năm đầu Hà Nội chỉ thuê được 24m2 (và cả bây giờ, nhiều nước vẫn chỉ thuê bằng ấy diện tích) thì mới thấy nỗ lực của thành phố qua bốn năm tham gia hội chợ Frankfurt. Năm nay bên cạnh việc trưng bày sách, các nhà xuất bản tổ chức hội thảo, còn có các nghệ sĩ Xuân Long, Lan Anh trình diễn nhạc dân tộc và nghệ thuật múa rối, công ty sách Thái Hà trình diễn quy trình làm tranh Đông Hồ, nghệ nhân Đào Giáng Hương của khách sạn Metropole giới thiệu món bún thang và bánh cốm… Chiều ngày 16/10/2019, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội, ông Ngô Văn Quý, đã ký với ông Juergen Boos, chủ tịch hội chợ sách Frankfurt, một biên bản ghi nhớ MoU về hợp tác tổ chức các hoạt động tại hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Mong ước của lãnh đạo Hà Nội, của sở Thông tin và truyền thông, giới văn chương và xuất bản là một ngày không xa Việt Nam sẽ được mời làm khách danh dự Guest of Honour tại hội chợ sách lớn nhất hành tinh. Ông chủ tịch và bà phó chủ tịch hội sách Frankfurt đều đánh giá cao sự tham gia của đoàn Hà Nội năm nay, đặc biệt lần đầu tiên có diễn giả từ Việt Nam là nhà văn Hồ Anh Thái có thể tham gia tọa đàm trực tiếp bằng tiếng Anh với các nhà văn nước ngoài. Lãnh đạo hội sách cho đó là sự khởi đầu tích cực để hình ảnh Việt Nam và sách Việt Nam được ghi nhận tại Frankfurt, một trong những điều kiện cần thiết cho sự tiếp tục hợp tác những năm tới.

Có thể nhìn lại danh sách những nước được mời làm khách chính tại hội sách Frankfurt hơn mười năm qua: 2003 - Nga, 2004 - các nước Arab, 2005 - Hàn Quốc, 2006 - Ấn Độ, 2007 - Catalan, 2008 - Thổ Nhĩ Kỳ, 2009 - Trung Quốc, 2010 - Argentina, 2011 - Iceland, 2012 - New Zealand, 2013 - Brazil, 2014 - Phần Lan, 2015 - Indonesia, 2016 - Flanders và Hà Lan, 2017 - Pháp, 2018 - Georgia.

Năm 2019 này, Na Uy là khách mời danh dự. Ban tổ chức đưa ra lý do: Na Uy là xứ sở của một nền văn chương đầy ấn tượng, bắt đầu từ nhà soạn kịch kinh điển Henrik Ibsen cho đến nhà văn viết truyện trinh thám mới nổi gần đây là Jo Nesbo (tác giả những cuốn sách đã dịch ra tiếng Việt: Chim cổ đỏ, Người con trai, Kẻ báo thù). Đi cùng Jo Nesbo đến các diễn đàn của Frankfurt là những nhà văn kiệt xuất của Na Uy: Karl Ove Knausgård, Maja Lunde. Như thể làm tăng ấn tượng về Na Uy, hoàng thái tử và công chúa Na Uy cũng xuất hiện cùng các nhà văn của đất nước mình.

Ban tổ chức cũng đã quyết định chọn khách danh dự cho năm 2020: Canada. Lần đầu tiên khách danh dự sẽ sử dụng hai thứ tiếng Anh và Pháp để trình bày về nền văn chương nước mình. Một đội ngũ hùng hậu sẽ xuất hiện tại hội sách: Alice Munro (giải Nobel văn chương), Margaret Atwood (nhiều năm được đề cử Nobel, tác giả Sát thủ mù, Chuyện người tùy nữ), Yann Martel (Cuộc đời của Pi, Miền non cao xứ Bồ Đào), Michael Ondaatje (Bệnh nhân người Anh), Douglas Coupland, Dany Laferrière…

Bốn năm trước, láng giềng ASEAN của ta là Indonesia được mời làm khách danh dự Frankfurt 2015. Bạn đã gửi sang hội sách những nhà văn xuất sắc thuộc các thế hệ. Việt Nam mong được làm khách danh dự tại hội sách Frankfurt, vậy thì có lẽ nên học hỏi kinh nghiệm của nước láng giềng Đông Nam Á. Năm ấy các nhà văn Indonesia đã khuấy động nhiều diễn đàn của hội sách: họ dùng tiếng Anh thành thạo trong những cuộc luận bàn chuyên môn về văn học, về chính trị, xã hội, bằng tư duy sắc sảo, bao quát mà cụ thể. Họ gửi sang hội sách những nghệ nhân ẩm thực, làm tưng bừng khói lửa cả khu vực dành cho người sành ăn Gourmet Gallery, vừa thao diễn nấu nướng vừa giới thiệu sách ẩm thực xứ vạn đảo bằng tiếng Anh. Và rất nhiều nghệ sĩ ca múa nhạc dân tộc biểu diễn để minh họa cho những cuốn sách về nghệ thuật dân gian Indonesia.

Ta cần nỗ lực trong một tương lai gần, trước mắt là trong một kế hoạch năm năm, vậy ít nhất cần nâng cao khả năng tổ chức và khả năng vận động như nước láng giềng. Và quan trọng nhất: thực lực của giới văn chương Việt, thực lực của giới xuất bản Việt trong việc dịch và xuất khẩu văn chương. Hãy hình dung: ta có thể đưa sang Frankfurt dăm bảy nhà văn mà lâu nay phương Tây đã biết và vẫn dịch, nhưng vấn đề là hội sách vẫn chưa chấp nhận mời vào tọa đàm những nhà văn không thể trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh… Như vậy, để được mời làm khách danh dự của hội chợ sách chắc là còn cả một chặng đường ở phía trước.

 

Văn chương – chính trị và viết về lịch sử theo cách của mình

 Những đề tài chiếm lĩnh các diễn đàn năm nay bao gồm: sự đa dạng về văn hóa, tính bền vững và những cam kết chính trị… Tôi vào diễn đàn Văn chương và chính trị ngay ngày đầu tiên của hội sách 16/10/2019. Cùng tọa đàm có ba nữ nhà văn Hon Lai-Chu (Hồng Kông), Chuah Guat Eng (Malaysia) và đã đã trao đổi những vấn đề mà chủ tọa Claudia Kaiser nêu trực tiếp cho mình:

Những vấn đề hiện tại có ảnh hưởng như thế nào đến tác phẩm của ông?

- Trong lịch sử, Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến đấu chống quân xâm lược: 1000 năm chống quân bá quyền Trung Quốc, 100 năm chống Pháp, 21 năm chống Mỹ và nhiều cuộc chiến tranh nhỏ lẻ trên biên giới phía Bắc. Thời trước năm 1975, đất nước có chiến tranh, nhà văn Việt Nam chỉ viết bằng cảm hứng anh hùng ca để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân. Sau chiến tranh, kể từ Đổi Mới 1986, họ được khích lệ viết về những mặt trái của xã hội. Không chỉ viết về chiến thắng và thành tựu mà cả những non yếu trong tổ chức quản lý xã hội cũng như những mất mát trong tình cảm riêng tư. Thời kỳ này, nhà văn nhầm tưởng rằng cứ viết về cái xấu, cái ác, và tệ nạn xã hội là có tác phẩm hay. Dần dần, cho đến nay, họ đã bình tĩnh hơn trong việc đánh giá giá trị thực của tác phẩm, đang dần lấy lại sự cân bằng, bình ổn tinh thần để nhìn nhận đúng đắn hơn về văn chương.  

Liệu văn học có thể thay đổi con đường chính trị hay không?

- Văn chương chủ yếu ảnh hưởng đến tâm hồn và nhận thức của con người. Con người ấy sẽ trưởng thành để khi làm chính trị có thể điều tiết mình một cách hợp lý, có ích cho cộng đồng. Đấy là kiểu tác động của văn học đến chính trị.

Văn chương có ý nghĩa như thế nào đối với nhà văn?

- Nhà văn viết vì yêu văn chương. Nhà văn viết vì đấy là công việc mà họ có thể làm được một cách tốt nhất.

Điều gì thúc đẩy ông viết văn?

- Đối với tôi tiểu thuyết là một giấc mơ dài. Khi tỉnh dậy, ta có thể tiếc nuối một giấc mơ đẹp nhưng cũng có khi ta cảm thấy may mắn vì đã chấm dứt ác mộng. Và nhà văn muốn kể lại cho mọi người biết giấc mơ ấy trong trang viết của mình…

Cuộc tọa đàm thứ hai mà ban tổ chức sắp xếp cho tôi tham gia diễn ra ngày 19/10/2019, chủ đề: Viết về lịch sử. Trên sân khấu ASEAN, lần này xuất hiện các nhà văn Đông Nam Á: Soe Tjen người Indonesia, GS Gerardo Los Banos người Philippines, Chuah Guat Eng người Malaysia và tôi. Dẫn chương trình là dịch giả kiêm nhà xuất bản người Mỹ John McGlynn.

Trong quá trình tọa đàm, trao đổi qua lại, tôi trình bày quan điểm của mình:

Tất cả nhà văn đều viết về lịch sử theo cách của họ, bởi vì nhà văn là thư ký của thời đại mình. Thế hệ sau đọc sách của họ có thể cảm nhận được không khí thời đại ngày trước, hiểu được tâm lý và tình cảm của con người thời ấy, cảm nhận được xu hướng nào đang suy tàn hoặc đang phát triển. Đấy là vì các nhà văn luôn viết về lịch sử, một lịch sử sống.

Ít nhất có hai quan niệm viết về lịch sử:

Quan niệm thứ nhất: nhà văn đặt mình vào thời đại đã qua và viết đúng như những gì đã xảy ra, bằng tâm lý của con người thời đại đó.

Kiểu viết này có ích cho những độc giả muốn sống lại một cách chính xác thời đại đã qua. Kiểu tiểu thuyết lịch sử này cũng thuộc loại khó viết, vì tác giả không dễ vượt qua được những nhược điểm và định kiến của thời đại mình.

Quan điểm thứ hai: nhà văn chỉ coi lịch sử là cái mắc áo, và mắc lên đó những bộ trang phục của thời đại hôm nay. Kiểu viết này thỏa mãn những người đọc muốn sử dụng lịch sử cho những mục tiêu của thời đại mà họ đang sống.

Leo Tolstoy ra đời năm 1828, mười sáu năm sau cuộc chiến tranh 1812, rồi ông viết Chiến tranh và hòa bình năm 1869, tức là 57 năm sau cuộc chiến tranh. Stephen Crane là tác giả viết hay về nội chiến Mỹ 1861-1865, nhưng ông ra đời 6 năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh này.

Viết hay về lịch sử không nhất thiết phải là người trực tiếp tham chiến, trong những trường hợp kể trên. Viết hay về lịch sử cần một tài năng lớn, với sức tưởng tượng phi thường, với sự nhạy bén và am hiểu sâu sắc về nhân loại và thế giới. Vậy mà vẫn có những nhà văn thiếu tự tin khi tự khẳng định rằng mình đã từng trải qua chiến tranh cho nên mình viết về cuộc chiến đó hay hơn người chưa từng trải.

Theo quan niệm của tôi, các nhà văn Việt Nam đều đang viết về lịch sử mà họ đang sống và đã có một số thành tựu. Còn theo quan niệm lịch sử là cái đã qua, một số nhà văn Việt Nam cũng viết về các triều đại, các cuộc chiến tranh, những cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong lịch sử… và đã có những thành công đáng khích lệ. Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đã đề cập nhiều vấn đề quan trọng của lịch sử, chẳng hạn viết về một triều đại ở thế kỷ XIV đã có công cải cách kinh tế đất nước và chống giặc ngoại xâm phương Bắc… Những tiểu thuyết này được đón đọc rộng rãi và là sự gợi ý cho những ý tưởng tiếp theo, ở những thế hệ nhà văn tiếp theo…

 

Bạn quý và kho báu

Giáo sư văn học Günter Giesenfeld và bà Marianne Ngo từng dịch một tập truyện ngắn của tôi ra tiếng Đức. Trong lần hội sách này, hai ông bà tổ chức một cuộc giới thiệu sách của tôi, ông dẫn chương trình bằng tiếng Đức, bà đọc bản dịch truyện Món tái dê (Delikates ziegenfleisch).

Nhiều năm qua, hai người đã miệt mài dịch văn chương Việt Nam và đã cho xuất bản những tác phẩm đáng kể: hai tập thơ Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi, Những bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, các tập truyện ngắn của Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Hiện tại họ đang dịch Bến không chồng của Dương Hướng và Tranh Van Gogh mua để đốt của Hồ Anh Thái.

Sau nhiều năm tháng nỗ lực, Günter Giesenfeld và Marianne Ngo đã tìm được nhà xuất bản Miền Trung nước Đức (Mitteldeutscher verlag), nơi chấp nhận in các tác phẩm văn chương Việt Nam. Nhờ hai con người cần mẫn và nhiệt tình, nhờ một nhà xuất bản phi lợi nhuận, mà những tác phẩm văn chương đầu tiên của Việt Nam được hiện diện trên đất Đức. Sau này biết đâu Việt Nam có tên trên bản đồ văn chương thế giới, thì những thế hệ nhà văn trong tương lai chắc sẽ coi đây như những viên gạch xây móng ban đầu.

Tối 19/10, chúng tôi dự chiêu đãi của Litprom, Tổ chức thúc đẩy văn chương Á, Phi, Mỹ Latinh. Một quán ăn bên sông Main, vốn là một câu lạc bộ chèo thuyền, trên trần nhà còn treo trang trí những chiếc thuyền độc mộc, những mái chèo và những bánh lái tàu thủy. Cuộc vui kéo dài đến hơn mười một giờ đêm, lúc ấy bà Marianne mới lái xe đưa tôi về thăm thành phố Marburg, cách Frankfurt hơn một giờ xe hơi. Hơn một trăm cây số, Marianne bảy mươi hai tuổi lái xe như không, anh hùng xa lộ đưa chúng tôi về đến nơi khi đã sang ngày mới. Nửa đêm về sáng ấy tôi vào nghỉ trong nhà giáo sư Günter Giesenfeld. Các nhà văn Việt Nam trước đây sang đến Đức đều như vậy, đàn ông nghỉ trong nhà Günter, phụ nữ ở bên nhà Marianne. Lần này hai người đã thu xếp trước: sau mấy ngày hội chợ, họ sẽ đưa tôi đi giới thiệu sách ở năm thành phố trong mười ngày tiếp theo. Nhưng vì lý do sức khỏe, từ Hà Nội tôi đã viết thư xin hủy chuyến đi đó. Hai người đành bằng lòng chỉ đưa tôi về thăm Marburg một ngày, chủ nhật 20/10.

Căn nhà của Günter là cả một kho báu. Những người sưu tầm sách cổ mà lạc vào đây sẽ coi như lạc giữa kho vàng. Ông có cả một bộ sách của Voltaire từ thế kỷ XVII cùng rất nhiều sách cổ của những thế kỷ sau đó. Riêng phần sách Việt Nam, có hẳn một giá sách lưu giữ bộ sưu tập của một nhà ngoại giao người Anh từng làm việc ở Hà Nội rồi đem tặng lại cho Günter. Những cuốn sách của Hoàng Xuân Hãn in từ những năm 1940 và nhiều sách khác in ở Việt Nam gần một thế kỷ trước.

Một kho báu nữa là bộ sưu tập máy quay phim, máy chiếu phim, máy ảnh, nhiều cái có tuổi đời hơn một trăm năm. Günter thuê địa điểm trong phố cổ, làm một bảo tàng các loại camera cổ, mỗi tuần mở một ngày, đúng chủ nhật, cho nên tôi được ghé thăm. Trong bảo tàng có một người đàn ông khoảng trên bảy mươi làm hướng dẫn viên. Tôi ghé tai Günter hỏi: Ông thuê ông này coi bảo tàng à? Không, ông ấy là bạn, ông ấy tình nguyện chủ nhật hàng tuần đến đây mở cửa bảo tàng và giới thiệu cho khách.

Tôi nhìn khắp bảo tàng camera, một kho báu như thế này, Günter thì đã tám mươi mốt tuổi và không có người thừa kế. Nhưng ông lúc nào cũng nhanh nhẹn và hài hước, kiểu sống của người luôn hài lòng với tất cả, họ biết hưởng thụ từng giờ từng phút lúc này, và không hề nghĩ chuyện mai sau để lại cho ai, số sách cổ ấy, số camera cổ ấy.

Tôi được một ngày đi dạo trong phố cổ Marburg. Một nhà thờ kiến trúc cổ, nhưng lại chủ ý đặt vào đấy một dàn đàn organ hiện đại, không làm vênh cảnh quan mà trái lại rất hài hòa. Một trường đại học có cái thư viện vài triệu cuốn sách, không gian sáng sủa và ấm áp đến mức ai đi qua cũng muốn vào trong ấy mà ngồi đọc. Những đường phố lát đá dốc dần lên theo sườn núi, chỗ này trang trí mấy cái đầu dê nhô ra trên tường, truyện cổ Grim đấy, chỗ kia Hoàng Tử Ếch ngồi trên gờ tường ôm cuốn sách, chỗ kia nữa bảy con ruồi to tướng bẹp dí trên mặt tiền một tòa nhà – một đòn chết bảy của chú thợ may.

Sáng sớm, ngoài trời bảy độ C, ông già Günter dậy đi mua bánh mì rồi về luộc trứng cho tôi ăn sáng. Ông hỏi thích trứng luộc ba phút hay năm phút, tức là trứng lòng đào hay trứng chín hẳn. Tôi nói tôi thích trứng năm phút. Ông bảo tao thích trứng ba phút, nhưng tao sẽ luộc cho mày quả trứng năm phút. Ông mang ra cả bacon là thịt ba chỉ muối xông khói rồi đem rán cháy cạnh. Cánh cửa bên phải cái xe của Marianne khó mở, ông thường xuống xe trước và mở cửa xe cho tôi ra. Lúc đi dạo trong phố cổ, thỉnh thoảng mưa nặng hạt, ông lại xòe ô ra che cho cả hai người. Tôi đòi cầm cái ô thì ông không chịu. Tôi hơi ngượng, mình đã làm được gì mà để cho một ông già tám mốt và một bà bảy hai phải chu đáo ân cần với mình như thế này.

Tối hôm ấy, bà bảy hai lại làm anh hùng xa lộ, phóng xe vèo vèo hơn trăm cây số đưa tôi trở về Offenbach để dự chiêu đãi của hội hữu nghị Đức - Việt. Günter Giesenfeld là người sáng lập ra cái hội tập hợp hơn bốn trăm hội viên khắp đất Đức này. Tôi lại ngồi giữa những người bạn dường như không bao giờ cạn kiệt tình cảm và năng lượng sống. Lại tự hỏi mình đã làm gì cho các bạn mà nhận được sự tiếp đón nồng hậu như thế này.

Nguồn Văn nghệ số 46/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm