April 20, 2024, 9:22 pm

Ludwig Renn, người mở đường cho dòng văn học cách mạng

 

Giáo sư tiến sĩ, nhà văn Ludwig Renn (1889-1979), với cuộc đời tròn 90 năm, trải dài từ cuối thế kỷ 19 đến tận thập kỷ 80 của thế kỷ 20, được coi là nhân chứng quan trọng của một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở nước Đức và châu Âu.

 

Ảnh Internet

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc dòng dõi đại quý tộc, từng là sĩ quan ở cấp đại úy của Quân đội Hoàng gia, có mặt trong suốt chiến tranh thế giới thứ nhất. Cũng từ đó, ông có khuynh hướng cách mạng, dần dần từ bỏ giai cấp mình. “Lương tâm tôi không cho phép mình cầm súng bắn vào giai cấp công nhân!”, ông đã nói vậy khi ở tuổi 30 và say sưa đọc tác phẩm của Marx, trở thành đảng viên cộng sản năm 1928. Ông bỏ tên thật là Amold Friedrich Vieth von Golssenau, lấy tên mới: Ludwig Renn. Ông học tiếng Nga, luật kinh tế quốc dân tại các trường Đại học Muenchen, Goettingen; nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, khảo cố và lịch sử phương Đông ở Áo. Trong hai năm 1925-1926, ông đi bộ từ Đức qua các nước: Italia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, sang tận phương Đông; hai lần đi thăm Liên Xô (1929-1930). Trải nghiệm từ cuộc sống và những chuyến đi này, ông có cái nhìn tiến bộ và sáng tác những tác phẩm văn học có tiếng vang lớn, mang tầm quốc tế, đặc biệt là: Chiến tranh (1925), Hậu chiến (1930) và Quý tộc suy tàn (1944) cùng hàng loạt bút ký, phóng sự, tiểu thuyết mang tính tự truyện và sách cho trẻ em thấm đượm tình đoàn kết hữu nghị với các dân tộc, chống lại đầu óc phân biệt chủng tộc, ủng hộ phong trào giải phóng vì độc lập, tự do - mà tiêu biểu nhất là Trini (1954) về một chú bé da đỏ. Nobi (1955) về một chú bé da đen và Camilo. Một câu chuyện không bình thường về chú bé dũng cảm ở Cuba. Mảng sách cho trẻ em của Ludwig Renn cũng được đánh giá rất cao, bởi vì ngoài giá trị về nội dung tư tưởng, mỗi quyển sách của ông mang đến cho tuổi thơ những chân trời mới lạ, vô cùng hấp dẫn, đầy vẻ cổ tích, do những trang miêu tả sinh động về đất nước và con người ở các miền đất xa xôi, với những phong tục, tập quán và những ngôi nhà, trang phục, dòng sông, rừng núi, kể cả đồ ăn, thức uống, vũ khí của từng dân tộc, những cuộc đi săn, lễ hội, phương ngôn đặc sắc, với một văn phong sáng rõ, tế nhị, uyển chuyển, đầy tài năng. Khá nhiều nhà phê bình văn học chuyên tâm nghiên cứu về đặc điểm văn phong của Ludwig Renn ở những tác phẩm khác nhau, thể loại khác nhau, đối tượng độc giả khác nhau.

Vốn sống chủ yếu của ông đầy ắp từ hai quãng đời: Sống trong xã hội quý tộc và chuyển hướng hoạt động trên tư cách một chiến sĩ cộng sản, người lãnh đạo một số tạp chí cách mạng của Liên đoàn chiến sĩ Mặt trận đó. Thư ký Liên đoàn các nhà văn cách mạng vô sản trong bốn năm liền. Bị phát xít bắt giam 30 tháng ở Bautzen, lánh nạn sang Thụy Sĩ - rồi trở thành Chỉ huy Tiểu đoàn nổi tiếng mang tên Thaemann (tên vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đức), Tham mưu trưởng Lữ đoàn quốc tế số 11 trong Nội chiến Tây Ban Nha. Từ một trại giam ở Pháp, ông tị nạn và sống lưu vong ở Mêhicô từ 1939 đến 1947. Tại đó, ông là Giáo sư bộ môn lịch sử, đồng thời làm nhiệm vụ Chủ tịch Phong trào “Nước Đức tự do” do Đảng Cộng sản Đức đề xướng. 1947, trở về nước, lúc đầu làm Giáo sư ở Đại học kỹ thuật, đồng thời lãnh đạo Viện nghiên cứu Văn hóa ở Tp. Dresden, tiếp tục sáng tác văn học và được cử làm Chủ tịch danh dự Viện Hàn lâm nghệ thuật Đức. Nước Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời (1949) ông là một trong những người sáng lập Hội nhà văn và Liên hiệp các nhà hoạt động văn hóa của Nhà nước công nông này. Với kiến thức và nhiệt tình đặc biệt, Ludwig Renn có công lớn trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, được coi là người mở đường cho nền văn học CHDC Đức.

Ludwig Renn đã trải qua một cuộc đời và sự nghiệp sáng tác đặc biệt. Có người nói: “Đó là một con đường đời vĩ đại”. Kể ra, cũng không quá lời. Bởi vì, là một thanh niên trí thức, một sĩ quan quý tộc, lẽ ra ông trở thành một quan chức cao cấp hoặc một tướng lĩnh của chế độ thống trị, nhưng ông, bằng nhãn quan và tâm hồn tiến bộ, đã trở thành một cán bộ và nhà văn cách mạng. Ở tuổi ngoài 30, ông cắm một mốc lớn trên cánh đồng văn học mới với tiểu thuyết Chiến tranh, rồi Hậu chiên. Chiến tranh được xếp ngang hàng với Phía tây không có gì lạ của E.M.Remarque và Cuộc tranh cãi về chuẩn úy Grischa của A.Zweig. Đó là ba tác phẩm ưu tú nhất viết về chiến tranh 1914-1918, tạo nên một đỉnh cao trong nền văn học Đức thế kỷ 20. Không nổi tiếng bằng Phía Tây không có gì lạ, nhưng về mức độ sâu sắc và tầm vóc nhân đạo thì Chiến tranh được đánh giá cao hơn. Ludwig Renn nhìn chiến tranh với con mắt một người lính bình thường, vốn làm nghề thợ mộc, kể lại sự việc trần truồng dã man, không phê phán, hiện thực được trút bỏ lớp vỏ tô vẽ hoa mỹ. Tiếp theo Chiến tranh, hai năm sau tiểu thuyết Hậu chiến ra đời, tập trung miêu tả những diễn biến trong khoảng thời gian từ 1918 đến 1920 ở các thành phố Dresden, Riesa và Chemnitz.

Quý tộc suy tàn được sáng tác ở Mêhicô, ban đầu lấy tên là Trong cung đình Sachsen, đả kích đẳng cấp quý tộc quân phiệt sau Chiến tranh 1914-1918. Lịch sử văn học Đức đánh giá đây là một trong rất ít tiểu thuyết tự truyện có tầm vóc lớn lao của thế kỷ 20. Dựa vào tiểu thuyết này, năm 1981, nhà điện ảnh lớn Wolf-Dieter Pance hoàn thành bộ phim hai tập, nhân vật chính do Erwin Berner thủ vai, gây xúc động mạnh mẽ trong công chúng yêu nghệ thuật.

Tác phẩm của ông trước hết là một bài ca dành cho những người anh hùng trong các lực lượng dân chủ ở Tây Ban Nha, cho những người lao động bình thường mà quả cảm, tràn đầy tình yêu cuộc sống. Văn phong của ông đậm chất sử thi và cũng giàu chất lãng mạn, cho dù - như đã nói - hiện thực chiến tranh được trút bỏ lớp vỏ tô vẽ hoa mỹ. Đọc tiểu thuyết cũng như bút ký, phóng sự của ông (ví dụ: Những chuyển đi Nga (1932), Morelia, một thành phố đại học ở Mêhicô (1950), Về đất nước Rumani cũ và mới (1952), Cuộc chiến tranh Tây Ban Nha (1955), Cuộc chiến không có trận đánh (1957), Tuổi thơ và thời thanh xuân của tôi (1957), Trên những đống tro tàn của Hoàng gia (1961), Lạm phát (1963), Cuốc bộ tới phương Đông (1966), Lối thoát (1967), Trở về quê hương với những chướng ngại vật (1977), Những va chạm trong đời tôi (1980) và nhiều tác phẩm khác, không thể kể hết, người đọc thấy hiển hiện trước mắt mình những bước đường đời kỳ diệu của một nhà văn - chiến sĩ đầy nhiệt huyết, đầy trí tuệ, càng cảm phục ông đã cống hiến cho kho tàng văn học tiến bộ và cách mạng của Đức cũng như nhân loại cả một di sản đồ sộ.

Tác phẩm của ông nhiều lần được xuất bản thành TOÀN TẬP, mỗi bộ từ 10 đến 15 quyển. Công lớn trong việc biên tập và in ấn này thuộc về Nhà xuất bản Xây dựng ở Berlin. Bước vào thế kỷ 21, nhóm xuất bản Eulenspiegel cho in lại toàn tập tác phẩm của Ludwig Renn. Hai tác phẩm TriniNobi nhiều năm được đưa vào chương trình giảng dạy cho cấp tiểu học, đem đến cho các em nhỏ những trang sách hấp dẫn về các nhân vật sống ở những phương trời xa nhưng cũng xiết bao mến yêu, gần gũi. Tiến sĩ Dieter Knape, nguyên cán bộ giảng dạy bộ môn văn học tại khoa Đức, Đại học ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) từng có bài viết súc tích giới thiệu sự nghiệp sáng tác của Ludwig Renn trên báo Văn hóa - Thể thao giúp bạn đọc nước ta bước đầu làm quen với tác giả văn học xuất sắc này.

Tên tuổi Ludwig Renn được đặt cho một số đường phố và đại lộ ở Berlin và Dresden, cho Thư viện trẻ em ở Leipzig, trường tiểu học ở Potsdam… Đã hai lần được trao tặng Giải thưởng Nhà nước của Cộng hòa Dân chủ Đức và nhiều giải thưởng văn học cao quí, ông không hề thỏa mãn với những gì ông đã cống hiến. Năm ông tròn 60 tuổi, lễ kỷ niệm mừng sinh nhật ông, do Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức tổ chức, đã diễn ra hết sức trọng thị. L.Renn xúc động nói: “Mọi sự tôn vinh dành cho tôi, tôi xin được trao lại cho nhân dân Đức mà tôi mến yêu”. Cho đến tận tuổi 90, ông vẫn viết, vẫn khát khao thực hiện những dự định sáng tác của mình. Đằng sau ông là những năm tháng vô cùng sôi động: đấu tranh cách mạng, tù đầy, chiến tranh, lưu vong, những diễn biến tư tưởng khi nhìn ra bản chất giai cấp quý tộc, nhận thức về vẻ đẹp, tính cách mạng của giai cấp công nhân, cảm giác ngày càng sâu sắc về danh dự con người, về lẽ công bằng, về tinh thần dân chủ đưa ông tới vị trí một nhà văn cách mạng, tạo ra những tác phẩm với những đề tài mới mẻ, được đông đảo độc giả hâm mộ. Tác phẩm của ông tràn đầy “kỷ niệm riêng tư, kiến thức và kinh nghiệm sống phong phú, trong đó phản chiếu những bước ngoặt lịch sử, làm nổi bật chống chiến tranh phát xít và ca ngợi cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc. Trong hối ức Những va chạm trong đời tôi (xuất bản một năm sau khi ông qua đời), Ludwig Renn viết rằng: “Có nhiều điều mà tôi trải qua, lúc đầu cũng làm tôi nhức nhối, khổ đau. Song, nếu nhìn toàn bộ cuộc đời mình, từ những nhầm lẫn, thử thách, vô dụng, tôi lại thấy cần thiết về sau. Cuộc đời riêng từ ấy có một ý nghĩa xã hội. Tôi thực sự không hối tiếc về bất cứ điều gì”.

Nguồn Văn nghệ số 45/2019

* Tên bài viết do Vannghe Online đặt


Có thể bạn quan tâm