April 24, 2024, 12:30 pm

Giá trị lịch sử đang bị lãng quên?

 

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch có Công văn gửi bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng hoạt động bảo tàng. Trong đó, 4 định hướng chính đối với các dự án xây dựng bảo tàng mới cần đầu tư kinh phí hợp lý và triển khai trước việc chuẩn bị nội dung, thiết kế mĩ thuật trưng bày để có cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc triển khai xây dựng công trình kiến trúc và thực hiện trưng bày bảo tàng; chi tiết, nhằm hướng đến thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”.

Bảo tàng KHKT .Ảnh Internet

Từ thực tiễn đến đề án

Theo số liệu thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, hiện Việt Nam có gần 200 bảo tàng với hơn 3 triệu tài liệu, hiện vật cùng 164 bảo vật quốc gia. Đây được xem là những báu vật chuyên chở ký ức, kết nối lịch sử, văn hóa của quá khứ tới con người, xã hội hiện đại. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, những tiềm năng, thế mạnh này chưa được khai thác hiệu quả. Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch” đã được ra đời.  Song hiệu quả của đề án đến đâu, vẫn cần thời gian để có một câu trả lời đúng.

Tại Hội nghị triển khai đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”, diễn ra tại thành phố Hà Nội vào những ngày cuối tháng 7/2019, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Lê Thị Thu Hiền chia sẻ: trong gần 200 bảo tàng công lập và tư nhân đang hoạt động trên cả nước hiện nay, số bảo tàng hoạt động thật sự hiệu quả còn rất hạn chế. Ngoài các bảo tàng: Phụ nữ Việt Nam, Dân tộc học Việt Nam, Lịch sử Quân sự Việt Nam, Chứng tích chiến tranh, Thiên nhiên Việt Nam… hoạt động tốt, còn phần lớn trong tình trạng hoạt động cầm chừng, rất ít khách, kể cả những nơi không thu phí tham quan. Điều này phần nào cho thấy giá trị thực tiễn của bảo tàng chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, nội dung trưng bày chưa thực sự được quan tâm, đầu tư. Nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học chưa được khai thác, phát huy, để đến gần hơn với công chúng.

Nói rõ hơn về cảnh “chợ chiều” của hoạt động bảo tàng hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng thẳng thắn chia sẻ về hoạt động bảo tàng do ông quản lý. Theo ông,  lượng khách trung bình mỗi năm của bảo tàng xấp xỉ 60.000 lượt người, trong đó hầu hết là khách quốc tế (chiếm tới 90% số lượng khách). Việc khách tham quan tới bảo tàng có số lượng thấp ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bảo tàng. Trong đó có việc đầu tư, nâng cấp và đổi mới cách sắp xếp hiện vật trong bảo tàng. Do đó, đề án gắn bảo tàng với phát triển du lịch, nên được coi là cuộc cách mạng có thể làm thay đổi về chất đối với hầu hết các bảo tàng hiện nay.

Câu chuyện thực tế của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ngay lập tức nhận được sự đồng cảm của hầu hết lãnh đạo bảo tàng tham dự hội nghị. Đứng ở góc độ quản lý, điều dễ nhận thấy, các bảo tàng có sức hút kém, không nằm ở hiện vật bảo tàng đó thế nào mà ở nội dung trưng bày của bảo tàng. Những hiện vật hiện có chưa đa dạng, chưa toát lên được câu chuyện hấp dẫn, cuốn hút người xem. Còn đứng ở góc độ khách tham quan, việc thụ hưởng văn hoá không còn đơn thuần là đến xem hiện vật, đọc lời giới thiệu hay nghe nhân viên bảo tàng thuyết trình mà còn mong muốn được tận hưởng những công nghệ tiến tiến được thiết kế phục vụ riêng cho công tác bảo tàng. Thế nhưng, mong muốn này vẫn còn xa so với thực lực của hệ thống bảo tàng hiện nay. Bởi theo ông Nguyễn Hải Ninh - Phó trưởng phòng Quản lý bảo tàng (Cục di sản văn hóa), công nghệ số trong bảo tàng không đơn thuần chỉ là việc tạo ra các bản sao điện tử của các hiện vật để đưa lên mạng Internet, mà đó là việc tạo ra các kênh thông tin nhằm giúp sự giao tiếp hai chiều giữa khách tham quan và hiện vật được thông suốt hơn, thông điệp của việc trưng bày hiện vật đến được với công chúng hiệu quả hơn. Bảo tàng  cấp “Trung ương” đã khó, cấp địa phương lại càng khó hơn.

Dù được đầu tư tiền tỷ, bảo tàng Nghệ An tỉnh Nghệ An, tiền thân là Bảo tàng Tổng hợp Nghệ Tĩnh cũng luôn trong tình trạng “ cửa đóng, then cài”. Được thành lập từ năm 1979, có chức năng nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày tư liệu, hiện vật của tỉnh. Những ngày đầu thành lập, bảo tàng chỉ là mái nhà tranh đơn sơ. Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, tỉnh Nghệ An bắt đầu cho chủ trương xây dựng nhà trưng bày. Năm 2005, tòa nhà đồ sộ với tổng kinh phí đầu tư hơn 11 tỷ đồng được hoàn thành. Song từ đó đến nay, mỗi năm bảo tàng chỉ đón 20.000 lượt khách. Tương tự bảo tàng tỉnh Nghệ An, bảo tàng Hà Nội cũng được thành phố Hà Nội đầu tư tiền tỷ, thế nhưng hiệu quả hoạt động thì vẫn đang ở “vạch xuất phát”, do lượng khách tham quan thấp, số hiện vật trưng bày trong bảo tàng sơ sài, giá trị hiện vật thấp. Chính vì vậy, đề bảo tàng trở thành điểm kết nối văn hoá trong chuỗi du lịch cộng đồng vần còn là bài toán chưa có lời giải.

 

Làm mới bảo tàng

Chỉ ra những nguyên nhân khiến cho bảo tàng thiếu hấp dẫn, chưa thu hút khách tham quan, ông Triệu Văn Hiển, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính là tư duy quản lý bảo tàng chưa kíp thích ứng với xu thế hiện đại. Nghĩa là chưa chủ động đổi mới trong các hoạt động bảo tàng để phù hợp với đời sống hiện đại cũng như kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng. Điều này có thể đến từ tâm lý ỷ lại do được bao cấp, cũng có thể là không có kinh phí và cả hạn chế từ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên, dẫn tới tình trạng nhiều bảo tàng hoạt động thiếu định hướng, kém hiệu quả. Thậm chí, nhiều nơi vẫn giữ quan niệm cho rằng bảo tàng đơn thuần chỉ là nơi trưng bày, lưu giữ hiện vật. Do vậy, việc phát huy hiệu quả các di sản văn hóa chưa được quan tâm đúng mức.

Trên thực tế, trong khoảng mươi mười lăm năm trở lại đây, công tác bảo tồn, bảo tàng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Bằng chứng là ngân sách được rót về địa phương phục vụ công tác tu sửa, xây mới và bổ sung hiện vật diễn ra thường xuyên trên hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên, những việc làm có tính chất bề nổi ấy vẫn không tạo nên sức mạnh cho bảo tàng, không kéo được khách tham quan đến với bảo tàng. Vì sao vậy?

 Câu trả lời không khó, khi chúng ta đang hướng đến một thế giới phẳng mà ở đó, nhu cầu tiếp cận thông tin của con người được thoả mãn một cách tối đa nhờ khoa học kỹ thuật. Sẽ không có rào cản về ngôn ngữ, không có biên giới cho những giá trị truyền thống. Và khi ấy, bảo tàng không thể chỉ hoạt động đơn thuần là đóng - mở khi có khách tới tham quan, mà phải mở cửa tự do trên không gian mạng. Muốn vậy, công tác quản lý, đầu tư và trưng bày hiện vật phải được số hoá, được sắp xếp bài bản khoa học làm sao để có thể làm nổi bật những hồn cốt, những vỉa tầng văn hoá mà thế hệ cha ông đã gửi gắm trong mỗi hiện vật.

Việt Nam có trên 200 bảo tàng, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hiện vật quý hiếm đại diện cho muôn mặt đời sống tinh thần, đời sống chính trị, xã hội, và mỗi hiện vật là một câu chuyện về một thời đoạn lịch sử đã làm nên hiện vật đó, vì thế sự ra đời mô hình “bảo tàng thông minh” với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ là cần thiết và đó cũng là hướng đi mới của nhiều bảo tàng trên thế giới.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho rằng: “Bảo tàng cần có những sản phẩm kết nối ấn tượng, tận dụng hiệu quả 3 “trụ cột” là khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Việc lồng ghép, tương tác, trải nghiệm trong trưng bày giúp công chúng thu nhận thông tin hiện vật một cách chủ động và hiệu quả. Với những bảo tàng có các hoạt động tương tác, trải nghiệm độc đáo, mới lạ sẽ thu hút đông đảo công chúng đến tham quan...

Được biết, hiện trên thế giới có hai xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong quản lý bảo tàng. Một nhóm gồm những bảo tàng đông khách, cho rằng khách tham quan quá đông sẽ đem đến chất lượng không khí không tốt tại bảo tàng, mồ hôi, nhiệt độ và các loại vi khuẩn có thể sẽ dẫn đến việc mất kiểm soát môi trường tại đó, gây hại trực tiếp đến các hiện vật nhạy cảm.  Vì vậy các bảo tàng này sử dụng công nghệ như một cách để hạn chế bớt sự tương tác trực tiếp của khách tham quan đối với hiện vật trưng bày, thậm chí giảm bớt lượng khách đến tham quan bảo tàng một cách trực tiếp. Còn lại phần lớn các bảo tàng khác đều coi việc ứng dụng công nghệ mới như một nỗ lực thu hút để có nhiều hơn khách tham quan đến trải nghiệm, thư giãn và giải trí một cách thường xuyên.

Đối với Việt Nam, dù chọn công nghệ ở góc độ nào để có được hiệu quả cao nhất, thiết nghĩ còn phụ thuộc rất nhiều vào những người làm công tác trưng bày bảo tàng. Trong đó, việc thay đổi nội dung, lập kế hoạch trưng bày ngắn hạn, dài hạn, thậm chí tạm thời cũng phải được lên kế hoạch bài bản, tránh tình trạng phải mượn hiện vật của đơn vị khác thực hiện các triển lãm chuyên đề. Đồng thời, tiếp cận với các phương pháp, cách thức trưng bày mới từ các bảo tàng hiện đại và thay đổi từ cách thức trưng bày từ tĩnh sang động, kết hợp với công nghệ số, lồng ghép với tương tác, trải nghiệm để thu hút khách tham quan đến và trở lại bảo tàng nhiều lần hơn. Và nếu làm được điều này đề án kết nối bảo tàng với phát triển du lịch may ra có cơ hội thành công.

Nguồn Văn nghệ số 41/2019


Có thể bạn quan tâm