April 26, 2024, 3:00 am

Kiến trúc bản địa thời 4.0

 

Năm 2006, tại Hội nghị triển khai công tác năm của ngành xây dựng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nhận xét: "Từ trên máy bay nhìn xuống, tôi có cảm tưởng như ông trời vô tình ném xuống một nắm đá vụn và đống đất đá ấy trở thành Hà Nội của chúng ta". Còn kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng thì miêu tả: "Thành phố Hồ Chí Minh là hình ảnh của một đống hộp quẹt nằm lung tung không theo đường lối rõ ràng". Đến năm 2019, nghĩa là đã 13 năm trôi qua, diện mạo kiến trúc của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn không có nhiều thay đổi, thậm chí xuất hiện nhiều hơn những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo khiến cho bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, đòi hỏi phải có những quy hoạch phù hợp, dài hơi…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo không xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô Hà Nội và TP HCM. Ảnh Internet

SỰ PHÁ CÁCH HAY MẤT PHƯƠNG HƯỚNG

Từ thập niên 1990 trở lại đây, trào lưu kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc thân thiện với môi trường… được ví như luồng gió mới tràn vào Việt Nam. Bên cạnh mặt tích cực, góp phần định hình tổ chức không gian quy hoạch đô thị hiện đại, còn để lại không ít tác động tiêu cực, đe doạ làm mất đi những giá trị di sản kiến trúc mang hồn cốt dân tộc. Thế nhưng, dù biết trước bộ mặt kiến trúc của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều thay đổi trước áp lực của sự phát triển theo xu hướng hiện đại và quá trình đô thị hóa, nhưng để ra đời một Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hỗn độn, thậm chí không bản sắc như hiện nay lại ít ai có thể nghĩ đến. 

Quay trở lại những năm 50–60, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được biết đến với những khu tập thể được xây dựng bằng những khối bê tông lắp ghép, những khu biệt thự được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu Pháp thì nay đã nhanh chóng nhường chỗ cho những toà chung cư, trung tâm thương mại hỗn hợp lên đến hàng chục tầng. Những lộn xộn, những hình khối đang có xu hướng tăng lên, bên cạnh những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên trên hầu hết các tuyến phố sau quy hoạch, kéo theo sự quá tải về cơ sở hạ tầng. Tình trạng ngập lụt, tắc đường trở nên thường xuyên hơn ở nhiều tuyến phố với những xung đột giao thông thường không lối thoát chỉ vì những quy hoạch chồng chéo.

Chưa kể, nhiều tuyến phố mới và bất đắc dĩ được ra đời từ những quy hoạch “nóng” làng lên phố có đặc thù không vỉa hè, không phân định ranh giới các làn xe do không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật kể cả quy định về độ rộng, chiều dài tối thiểu .v..v…. Chưa hết, ở khu vực nông thôn, không khó để nhận thấy những ngôi nhà có kiến trúc được xem là “độc và lạ” mọc lên giữa bức tranh làng quê thơ mộng vùng đồng bằng Bắc bộ, hay miền Trung thậm chí miền Nam. Đó là những ngôi nhà được mô phòng kiến trúc của châu Âu, thậm chí có mái vòm như Ai Cập cổ đại. Và giữa những quanh co của đường làng, đường thôn, xóm là những con đường dãn vào khu biệt thự được lát gạch, đá hết sức hoành tráng, khiến cho không ít người lầm tưởng lạc vào phố hay một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nào đó. Không còn những ngôi nhà rêu phong cổ kính được lợp ngói âm dương hay những cổng làng nhuốm màu thời gian mang đạm bản sắc vùng miền. Nhiều làng quê đã khoác lên mình chiếc áo mới, hiện đại trong sự tiếc nuối về những giá trị xưa cũ.

Theo PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường – Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng thì nguy cơ mất đi các giá trị truyền thống của các làng xã truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng đang diễn ra hết sức nhanh chóng do sự hạn chế của phương thức bảo tồn hiện nay với nguyên tắc “Giữ nguyên các vật thể hiện có, chỉ tôn tạo, phục dựng khi có đầy đủ các cơ sở khoa học”. Do đó, ông đề nghị cần một phương pháp bảo tồn mới – Bảo tồn thích ứng theo quan điểm giá trị vật thể và giá trị tinh thần của di sản, được xem xét trong sự kế thừa và hoàn thiện trong quá trình phát triển, với sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn và cộng đồng.

Không khác nhiều với kiến trúc nông thôn, kiến trúc đô thị cũng đang phát triển một cách mất kiểm soát. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng có lẽ chủ yếu và chi phối mạnh mẽ nhất phải kể đến tư duy nhiệm kỳ (tức trong nhiệm kỳ lãnh đạo địa phương A, B, C thì vị lãnh đạo đó phải tạo ra dấu ấn khác biệt), và cái cách tạo dấu ấn chính là đánh đổi giá trị truyền thống lấy sự phát triển.

 

VÀ CÂU CHUYỆN BẢN SẮC VIỆT

Kiến trúc Việt Nam có truyền thống lâu đời. Đó không chỉ là kho tàng chứa đựng văn hóa, tâm linh và tâm hồn Việt, Mà còn là bản sắc, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam cho dù sinh sống ở mọi miền đất nước hay ở những quốc gia phát triển.

Hiện Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước đang tập trung nguồn lực xây dựng thành phố thông minh. Điều này cho thấy Việt Nam đang có những chuyển động tích cực nhằm theo kịp xu hướng chung của thể giới. Tuy nhiên, để hiện thực hoá được giấc mơ hình thành chuỗi đô thị hay thành phố thông minh, ngoài quyết tâm thôi chưa đủ, Việt Nam còn cần giai quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển và bản sắc văn hoá. Trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội kiến trúc sư Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chức mừng, đồng thời cũng gửi gắm những mong muốn có thực từ Thủ tướng: “Kiến trúc là văn hóa, là kiến tạo. Vì thế, kiến trúc sư phải là con người văn hóa, con người kiến tạo”.Thủ tướng đề nghị Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cần tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quy hoạch phát triển đô thị trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; nắm bắt những xu hướng hiện đại trong quy hoạch phát triển đô thị của thế giới, ứng dụng phù hợp thực tiễn đất nước. Đặc biệt, Hội cũng cần tư vấn, phản biện, nhất là đóng góp ý kiến trực tiếp, có cơ sở khoa học, thuyết phục để phát triển đô thị Việt Nam xứng tầm. 

Thế nhưng, với những diễn biến gần đây trong đời sống kiến trúc đô thị, thậm chí ở nông thôn đều cho thấy đã và đang nảy sinh những bất cập rất đáng lo ngại. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều cổng chào, đài tưởng niệm mọc lên như nấm tại hầu hết các địa phương, nhiều trung tâm thương mại lấy đất từ việc xoá sổ di tích đã trở nên thường xuyên hơn. Và cũng chính việc “bức tử” di sản, năm 2018, lần đầu tiên Hội thảo quốc tế về “Bảo tồn cảnh quan đô thị lịch sử trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển công nghệ thông tin” đã được tổ chức tại Việt Nam. Và cũng tại hội thảo này, lần đầu tiên khái niệm “Historic Urban Landscape”(Cảnh quan đô thị lịch sử) được UNESCO đưa ra đã được Hội kiến trúc sư Việt Nam và thế giới bàn thảo. Đây là khái niệm nhằm nhấn mạnh sự không thay thế cách tiếp cận bảo tồn truyền thống, mà thực chất, cung cấp công cụ bổ sung để ứng xử với môi trường xây dựng trong bối cảnh phát triển đô thị nhưng vẫn tôn trọng các giá trị kế thừa được tạo dựng trong bối cảnh khác biệt về văn hóa. Thuật ngữ này đã được sử dụng rộng rãi tại các nước, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, chứng minh vai trò quan trọng của nó trong bối cảnh thế giới chuyển mình mạnh mẽ, và trước những thách thức do sự hội nhập toàn cầu và tham gia cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn hoàn toàn mới mẻ. Dẫn đến, bằng chứng là có quá nhiều những cuộc “cách mạng” phá cũ- xây mới trong khoảng mươi mười năm năm trở lại đây. Đơn cử, thương xá Tax là công trình kiến trúc lâu đời tại TP.HCM, được xây dựng từ năm 1922 và hoàn thành năm 1924 với diện tích 9.200 m2, nằm tiếp giáp đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi – Pasteur. Những năm đầu được gọi là trung tâm thương mại GMC (Grands Magasins Channers). Đến những năm 1960 thì được đổi tên thành thương xá Tax và chính thức bị phá bỏ vào cuối 2014 đầu 2018. Ngoài thương xá Tax, TP.HCM còn có nhiều công trình kiến trúc thời Pháp như: Chợ Bến Thành, Bưu Điện Thành Phố, Nhà hát Lớn Thành phố, Hội trường Thống Nhất (Dinh Toàn Quyền xưa), UBND TP.HCM (Dinh Xã Tây), nhà thờ Đức Bà… không ít trong số đó đã nhanh chóng bị phá dỡ để nhường chỗ cho những công trình thương mại. Và tại Hà Nội, hay mới đây nhất là Đà Lạt, những công trình gắn với dấu ấn của những thế hệ người Hà Nội, Đà Lạt, như: Cung Văn hoá thiếu nhi Hà Nội, Dinh tỉnh trưởng, Rạp Hoà Bình … đã bị can thiệp, phá dỡ.. Theo TS Ngô Viết Nam Sơn, trong quá trình phát triển mạnh mẽ tại các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt từ thập niên 1990 đến nay, số lượng các di sản quy hoạch kiến trúc bị tổn hại, hư hao, bị phá bỏ để làm dự án là rất lớn, thậm chí còn cao hơn mức độ bị tàn phá bởi chiến tranh.

Đứng trên góc độ người làm nghề, GS-TS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh: "Không chỉ bảo tồn một mình công trình mà phải bảo tồn khung cảnh, vì một công trình tồn tại mà không có khung cảnh thì rất là không đầy đủ, nhất là thể loại công trình này có một cụm, thì mình bảo tồn cả cụm công trình đó hơn là đơn lẻ, vì tất cả những cái đó tạo ra hình ảnh đô thị, tạo ra ký ức đô thị được gìn giữ. Và đô thị nhờ nó mà có sự đa dạng về kiến trúc và lịch sử, chứ nếu xóa đi thì xóa hết dấu vết rất là tiếc".

Chúng ta đang sống trong môi trường công nghệ với  mục tiêu hướng đến là thành phố thông minh, đô thị thông minh, nhưng cứ hình dung thế này, nếu mọi thứ đều được số hoá theo một lập trình có sẵn, con người sẽ giống như những cỗ máy biết ăn, ngủ nghỉ và thụ hưởng những giá trị sống hiện đại. Đổi lại, tâm hồn sẽ nghèo nàn và quên dần bản sắc văn hoá dân tộc do chúng ta đã sai khi chọn phát triển thay cho bảo tồn những giá trị truyền thống. Kiến trúc bản địa không chỉ là vốn quý mà còn là dấu ấn khác biệt giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới khi thực sự hoà nhập trong một thế giới phẳng.

Nguồn Văn nghệ số 38/2019

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm