March 29, 2024, 7:33 pm

Hiểu đúng về con người để xây dựng và phát triển văn hóa

                                        

1. Con người và văn hóa trong phát triển bền vững

Từ tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh đã đề xuất một tư tưởng lớn về văn hóa là: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Tầm vóc của tư tưởng ấy rất lớn và nó trở thành những định hướng, những nhiệm vụ cụ thể cho một Chính phủ, một dân tộc trong điều hành những nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc và giải quyết nhiều bài toán của thực tiễn trong những lĩnh vực cụ thể.

Không phải bây giờ người ta mới nghĩ đến những vấn đề văn hóa trong chính trị, kinh tế, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ... trong nền hành chính đang có quá nhiều méo mó như hiện nay, mà chính từ những ngày đầu tiên của chính quyền công nông và trong những năm kháng chiến cho đến hết cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đều kiên trì tư tưởng: Phải dựa trên nền tảng văn hóa, phải xây dựng một nền văn hóa chứ không phải là văn hóa nói chung. Tiếc rằng do những điều kiện bất cập của chiến tranh, do những yếu kém và nhận thức sai về nhiều khâu quan trọng của tư tưởng này mà người ta đã xa rời dần tư tưởng Hồ Chí Minh dù luôn nhắc đến ông.

Trong văn kiện của các kỳ đại hội, chưa bao giờ vấn đề con người và văn hóa không được coi trọng, không được coi là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự vận động của xã hội và phát triển của con người. Câu nói mang ý nghĩa bao trùm nhất của tư tưởng này là “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa” mà Hồ Chí Minh đã nêu ra đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Từ bấy cho đến nay, chưa có kỳ đại hội nào, vấn đề này không được nhắc lại, kỳ sau kỹ hơn kỳ trước. Nhưng tại sao, đến giai đoạn này, chúng ta không thể không nhận thấy một thực tế là chiến lược xây dựng con người và phát triển văn hóa của nước nhà đã bộc lộ nhiều sai lầm, khuyết điểm; tình trạng tham nhũng, tha hóa về đạo đức của đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng trầm trọng đến mức người đứng đầu của Đảng đã phải cảnh báo nếu không chặn đứng được điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của một thể chế, đến tiền đồ của dân tộc.

 

2. Con người, anh là ai?

Nhận thức về con người luôn luôn là một trong những vấn đề cơ bản của triết học. Chính K.Marx đã tiến một bước rất dài trong nhận thức về con người khi ông đứng trên góc nhìn biện chứng về xã hội và con người, nhìn nhận con người như một sản phẩm của tự nhiên và lịch sử khi khẳng định “Bản chất của con người không phải là một cái gì trừu tượng. Trong tính hiện thực của nó bản chất con người là tổng hòa của toàn bộ các quan hệ xã hội” (Luận cương về L.Fơbach). Ở luận điểm nổi tiếng này K. Marx đã nói tới tính xã hội của con người, nhấn mạnh con người sống trong cộng đồng sẽ chịu những ảnh hưởng, tác động của hoàn cảnh, điều này không thể tránh khỏi và con người bao giờ cũng là sản phẩm của những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Cốt lõi của tính xã hội ở con người, theo tư tưởng của K. Marx, là tư tưởng chính trị mà cá nhân ấy là đại diện, là nguồn gốc giai cấp của cá nhân và địa vị kinh tế mà cá nhân ấy đang sở hữu. Nhưng sau này chính K. Marx đã thừa nhận, ông hơi nhấn mạnh vai trò kinh tế và điều đó cũng đồng nghĩa với việc xem nhẹ vai trò của những yếu tố khác góp phần tạo nên con người. Điều đáng nói là nhiều người nghiên cứu về con người đã không chú ý tới cảnh báo này của K.Marx, cứ coi những gì ông viết hàng thế kỷ trước là chân lý vĩnh cửu; trong khi từ những ngày mới bắt gặp tư tưởng của K.Marx, V. Lênin, Hồ Chí Minh đã cho rằng những gì K.Marx viết đã là tư tưởng của một thiên tài nhưng K.Marx tổng kết những vấn đề nghiên cứu của mình dựa trên những tư liệu của xã hội phương Tây, có cơ sở lịch sử, xã hội và con người hoàn toàn khác với tổ chức xã hội của phương Đông nên nó là chân lý nếu áp vào xã hội phương Tây còn nếu muốn đảm bảo cho sự trọn vẹn của tư tưởng này cần bổ sung những tư liệu về dân tộc học phương Đông. Ở đây tôi chưa nói đến những yếu tố mà Hồ Chí Minh đã nói, tôi chỉ nói đến việc K.Marx “bỏ quên” một số khía cạnh cũng không kém phần quan trọng góp phần làm nên một con người-xã hội-cá nhân trọn vẹn mà nếu thiếu những yếu tố ấy, không thể hiểu đầy đủ về con người. Đó là những yếu tố thuộc về bản năng, di truyền, vô thức, tiềm thức mà những người Marx học ở phương Tây đã triệt để khai thác trong hơn một thế kỷ qua, trong đó có cả việc xuyên tạc tư tưởng của K.Marx.

Ở nước ta từ tháng 8/1945 đến nay, hầu như trong các văn bản chính thức chỉ thừa nhận một con người chính trị trong một cá nhân, quy giá trị của cá nhân ấy về một điểm duy nhất là con người hệ tư tưởng, xa hơn một chút là con người đạo đức mà cũng là đạo đức gắn với hệ tư tưởng nào đấy. Những yếu tố khác đều bị phủ nhận hoặc nếu có thừa nhận thì cũng chỉ là đối tượng để đấu tranh, phê phán, loại trừ. Như vậy, trong trường hợp tốt nhất chúng ta cũng mới chỉ hiểu gần đúng về con người, còn phổ biến chúng ta mới hiểu một phần của con người mà thôi-đó là con người chính trị, con người giai cấp, con người hồ sơ... Còn con người sinh động, con người thực tiễn, tính tư hữu và những khao khát cá nhân, đặc biệt là thế giới tinh thần và những gì thuộc về bản năng sinh học của nó đều bị chúng ta loại ra khỏi sự chú ý hoặc xem nhẹ. Bởi vậy mà trong khi đánh giá cá nhân, chúng ta bao giờ cũng đề cao tiêu chí chính trị, bằng cấp chính trị mà ít chú ý đến con người cá tính, sáng tạo, cá nhân... Theo đó, các chính sách sử dụng nhân lực của chúng ta đã vô tình loại bỏ những tinh hoa và chỉ sử dụng lớp người có hai phẩm chất nổi trội là con người chính trị và đạo đức theo số đông.

Những năm đầu của thể chế, đạo đức xã hội là mình vì mọi người và những gì thuộc về cá nhân đều bị gắn một cách sai lầm với thói ích kỷ, xấu xa. Đó là do những điều kiện khắc nghiệt của hoàn cảnh, nhưng do sống với cái bất thường quá lâu, con người cũng biến đổi, cũng trở thành bất bình thường. Sự giả dối và thói che đậy sự thật đã thấm vào các quan hệ xã hội từ lúc nào không hay. Người có lý lịch xấu thì tìm cách che giấu cái khiếm khuyết theo tiêu chí sử dụng của cơ quan quản lý. Người không có thành tích thì cũng cố gắng tạo ra những thành tích theo tiêu chí cần có và che đậy cái phần kém cỏi của mình. Đến như GDP của quốc gia cũng bị các tỉnh, bộ, ngành báo cáo sai đến mức Phó Thủ tướng phải kêu lên “tỉnh nào cũng báo cáo tăng nhưng cộng tất cả lại thì lại giảm. Thế là làm sao?”.

 

3. Xây dựng con người và phát triển văn hóa

Ở nhiều nước không có những chỉ đạo về chủ trương xây dựng con người, phát triển văn hóa riêng biệt, nhưng về mặt luật pháp, các quy định đảm bảo quyền con người và hưởng thụ văn hóa rất cụ thể, nó thấm sâu vào ý thức của các cơ quan lập pháp, hành pháp, trong các chính sách phát triển kinh tế, xã hội.

Ở ta, lâu nay đã biến một lĩnh vực hoạt động đặc thù, mang tính liên ngành, xuyên ngành, thấm vào mọi quan hệ của con người cá nhân và cộng đồng... thành công việc của một lĩnh vực, của một số người được giao “chức trách”. Điều này vừa thiếu khoa học, vừa không phù hợp. Rất nhiều chính sách kinh tế, xã hội… đã xem nhẹ vai trò của văn hóa và con người. Thậm chí chủ trương phải đưa văn hóa lên ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội cũng là một đánh giá phiến diện, coi văn hóa nằm ngoài kinh tế và chính trị, như yếu tố phụ thuộc. Lẽ ra các chính sách kinh tế, xã hội... cũng đều phải xuất phát từ góc nhìn văn hóa và con người mới đúng với vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững.

Từ nhiều năm nay ở ta tình trạng hành chính hóa một cách giản đơn lĩnh vực xây dựng con người và phát triển văn hóa từ khâu đầu tư chỉ đạo, lãnh đạo cho đến thực hiện những công việc cụ thể như đào tạo, sử dụng, đãi ngộ, cung cấp nguồn lực... Đây thực chất là một lĩnh vực đòi hỏi những hiểu biết về chuyên môn cao chứ không phải chỉ là một lĩnh vực dịch vụ giải trí như nhiều người quan niệm. Chua kể, chúng ta làm văn hóa theo phong trào, mang tính tuyên truyền mà quên mất rằng chỉ có xây dựng con người mới có động lực và căn cứ để phát triển văn hóa. Bởi vậy mà thường đầu tư cho phong trào mà ít chú ý đến đầu tư cho xây dựng con người. Theo đó mà đội ngũ lãnh đạo văn hóa từ Trung ương đến địa phương thay đổi liên tục, thường chọn những người chính trị hơn là những nhà chuyên môn.

Quá trình hình thành văn hóa và con người luôn là sự dung hợp, thỏa hiệp, tiếp nhận, phát triển những yếu tố nội lực và đồng hóa những yếu tố ngoại sinh để làm phong phú hơn bản thân mình. Đây là một quá trình nhận thức đòi hỏi một sự tỉnh táo khoa học. Tính chất đa nguyên của bản chất con người và bản chất của văn hóa là một sự thực, không thể chối cãi. Chừng nào chúng ta không thay đổi nhận thức về vấn đề cốt lõi này, chừng nào vẫn cứ chỉ thừa nhận con người chính trị mà không thừa nhận con người bản thể, chỉ thấy khía cạnh chính trị của văn hóa mà không thấy nó vốn đa dạng như bản thân cuộc sống... thì chừng ấy chúng ta vẫn chưa nhận thức đúng đối tượng.

Người xưa dạy muốn hiểu sự vật phải cách vật, trí chi, chính tâm (đến với sự vật, hiểu sự vật, không có thiên kiến). Không hiểu con người và văn hóa ở mặt bản thể sẽ khó hoạch định được những chính sách để xây dựng con người trở thành những nhân cách văn hóa, có ý thức đầy đủ về quyền cá nhân và trách nhiệm xã hội của mình.

.................................

(*) Nguyên Phó GĐ Đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên GĐ Sở VH-TT Hà Nội. 

Nguồn Văn nghệ số 29/2019


Có thể bạn quan tâm