March 29, 2024, 4:22 pm

Chính thức phát động cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập"

Sáng ngày 26.4, Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập". Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm Báo Nông thôn Ngày nay xuất bản số báo đầu tiên (7.5.1984 – 7.5.2019).

 

 Ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nayphát biểu tại lễ phát động cuộc thi

Theo đó, cuộc thi sẽ được tổ chức trong 2 năm, từ tháng 4.2019 đến tháng 4.2021, với sự chủ trì, tham gia Ban tổ chức, Ban giám khảo của đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cùng các nhà văn nổi tiếng, có uy tín và có tiếng nói, sức ảnh hưởng xã hội lớn.

Dự kiến cuộc thi sẽ kết thúc, trao giải vào tháng 5.2021 - đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày xuất bản số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên với giải thưởng thuộc hàng cao nhất trong số các cuộc thi viết truyện ngắn từ trước đến nay, gồm: 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng; 2 giải nhì trị giá 20 triệu đồng/giải; 3 giải ba trị giá 10 triệu đồng/giải; 10 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải. Cuộc thi không nhận tác phẩm truyện dài và tiểu thuyết. Giới hạn truyện ngắn là 10.000.000 chữ.

Ngoài ra, tác giả có nhiều tác phẩm dự thi nhất sẽ được trao giải thưởng trị giá 5 triệu đồng. Ban tổ chức cũng sẽ trao tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm hưởng ứng cuộc thi có chất lượng cao.

Như vậy, tính từ thời điểm hiện tại, cuộc thi đã chính thức khởi động và tác phẩm có giá trị sẽ lần lượt được đăng tải trên các ấn phẩm của báo Nông thôn ngày nay, báo điện tử Dân việt, báo Văn nghệ và báo Vannghe online của Hội nhà văn Việt Nam.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Lưu Quang Định – Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt cho biết, hơn nửa thế kỷ qua, nông nghiệp – nông dân – nông thôn là một trong hai mảng đề tài làm nên thành tựu lớn nhất của văn học Việt Nam, bên cạnh mảng đề tài viết về chiến tranh. Văn học Việt Nam đã có không ít tác phẩm viết về đề tài nông thôn như: Chí Phèo; Lão Hạc (Nam Cao), Làng (Kim Lân), và gần đây là những tác phẩm của các tác giả trẻ như Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Thị Ngọc Tư... đã phần nào phác hoạ bức tranh hai mặt của nông thôn Việt Nam. Song có một thực tế không thể phủ nhận, thời gian gần đây, nông dân, nông thôn gần như vắng bóng trong tác phẩm văn học.  Việc thiếu vắng các tác phẩm văn học viết về nông thôn khiến nhiều nông dân không được thừa hưởng văn hóa nói về mình, thiếu đi một nguồn động viên to lớn để bà con nông dân cũng như toàn xã hội tham gia xây dựng đời sống nông thôn mới, bạn đọc cũng mất đi một món ăn tinh thần bổ ích. Đây cũng là lý do chính thôi thúc Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt có sáng kiến tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài nông thôn Việt Nam mang tên “Làng việt thời hội nhập".

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ phát động.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, trong vai trò là đơn vị đồng tổ chức cuộc thi đã ghi nhận: “Chúng tôi đánh giá cao khi Hội nông dân Việt Nam, báo NTNN quyết định tổ chức cuộc thi viết truyện “Làng Việt thời hội nhập”. Trong những năm qua, báo Nông thôn ngày nay đã tổ chức nhiều cuộc thi về người nông dân, tuyên dương những tấm gương điển hình về nông dân trên khắp đất nước. Đó là những tác phẩm báo chí, còn giờ đây chúng ta tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn, với mục đích khai thác ở một tầm sâu hơn, có sức sống lâu dài hơn.

Nông thôn là đề tài rộng lớn có nhiều chất liệu, nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện sinh động. Nông thôn mới hôm nay đang có sự biến đổi ghê gớm, không chỉ là hình ảnh lão nông thời lam lũ chân lấm tay bùn, con trâu đi trước cái cày theo sau mà đó còn là hình ảnh những ông chủ bấm di động điều khiển hệ thống tưới tiêu, những trang trại chăn nuôi rộng hàng trăm héc-ta, những khu du lịch nông nghiệp – sinh thái tiền tỷ... bên cạnh đó, vẫn có cả những mặt trái, những góc khuất, bi kịch của quá trình ly nông – ly hương, đô thị hóa nông thôn... Tất cả tạo nên những "cánh đồng màu mỡ" cho các nhà văn “cày ải”, sáng tác. Tuy nhiên, đáng tiếc là mảnh đất màu mỡ ấy dường như đang bị bỏ quên, văn học Việt thời gian gần đây đang dần thiếu vắng các sáng tác về nông thôn, các nhà văn dường như ngày càng ít quan tâm đến đề tài này. Hy vọng rằng, cuộc thi sẽ tiếp tục thắp lửa cho những trái im, những ngòi bút yêu mến và gắn bó với làng quê Việt thời hội nhập cho ra đời những tác phẩm văn học có giá trị.

 

PV

 


Có thể bạn quan tâm