April 20, 2024, 12:19 pm

PHIM TRUYỀN HÌNH VIỆT TRONG THỜI “QUYỀN LỰC KHÁN GIẢ”

 

Một xu hướng tương tác

Cách đây rất nhiều năm, một bộ phim Việt Nam có tên là Tên phim dành cho khán giả đã ra mắt công chúng yêu nghệ thuật điện ảnh. Về cái tên phim “kỳ cục” này, nhà sản xuất cho biết, để khán giả tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo bộ phim, mặc dù cả nội dung bộ phim đã được hoàn thành, chỉ mỗi cái tên phim bỏ lửng. Và khán giả đã thưởng thức sản phẩm nghệ thuật ấy, dẫu chẳng biết kết quả của việc đặt tên phim mà họ đã “lao tâm khổ tứ” ấy sẽ… đi về đâu, bởi chẳng bao giờ thấy câu chuyện đặt tên phim đó được nhắc lại nữa.

 

Cảnh trong phim " Chạy trốn thanh xuân". Ảnh Internet

Nói như cách của các nhà văn là: lười. Lười đặt tên cho tác phẩm, vì không biết đặt tên là gì, thôi thì cứ đặt đại các tên kiểu như Không đề/ Mẹ tôi/ Cha tôi/ Chị tôi…v,v. Có một kiểu lười như thế trong sáng tác văn học. Khác nhau ở chỗ, Tên phim dành cho khán giả không phải là câu chuyện lười đặt tên phim của phía biên kịch, đạo diễn, hay nhà sản xuất, mà là một xu hướng chắc chắn sẽ thịnh trong tương lai: thời của quyền lực khán giả, mà các nhà làm phim thời ấy đã nhìn ra. Nói đúng hơn, từ lâu trên thế giới đã có xu hướng này, họ chỉ nhanh nhạy mà thôi.

 

Công chúng tham gia vào quá trình sáng tạo nghệ thuật

Mấy năm trở lại đây, phim truyền hình Việt đã dần lấy lại được sự ái mộ của người xem khi mà suốt một thời gian rất dài họ bị cuốn theo làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Những bộ phim truyền hình Việt như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng (dẫu là kịch bản remake), hay như bộ phim đối mặt với nhiều luồng dư luận như Quỳnh Búp bê đều đã khẳng định ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả. Và với lượng “người xem kỉ lục”, có thể thấy khán giả đã góp phần “định hướng khẩu vị mới” cho phim truyền hình như thế nào.

Ngày nay, việc công chúng thưởng thức nghệ thuật có thể tham gia vào quá trình sản xuất, sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật, mà điển hình dễ thấy nhất là đối với thể loại phim truyền hình đã trở thành hiện thực, mà khi nói đến điều này, người ta dùng bốn từ: “quyền lực khán giả”.

Với việc khai thác triệt để những ưu thế của công nghệ thông tin, mạng xã hội và báo điện tử, các nhà đài tung sẵn nhiều chiêu thức quảng bá cho một bộ phim truyền hình từ khi còn trong khâu chọn diễn viên. Mỗi tập phim trước hoặc sau khi được công chiếu, sẽ có những bài báo giới thiệu diễn biến hay bình luận về chuyện phim. Chỉ cần theo dõi những bài báo này trên điện thoại thông minh, công chúng có thể bày tỏ ý kiến, yêu ghét, khen chê thông qua những bình luận. Từ đây, nhà sản xuất thu được những kết quả thăm dò, và để “chiều” công chúng, họ sẽ chỉnh sửa kịch bản, thay đổi diễn viên, thậm chí là cả kết phim để có được những sự tiếp nhận tích cực từ phía số đông khán giả.

Bộ phim truyền hình Chạy trốn thanh xuân là một ví dụ gần nhất: Từ ý kiến khán giả, số lượng 32 tập phim đã được nâng lên đến 36 tập, cái kết phim cũng chờ đợi phản hồi của số đông người xem. Và cuối cùng, bộ phim đã có một kết thúc hạnh phúc, làm vừa lòng khán giả.

Cuối năm 2018, một bộ phim truyền hình có tên Gạo nếp gạo tẻ thì gặp tình huống ngược lại. Khán giả “phản ứng dữ dội”, kêu gọi tẩy chay phim, chỉ vì số tập phim từ 100 đã được tăng lên 109, trong khi họ đã quá chán phim chuyện phim dài thê thê, nhạt nhẽo. Đây là bộ phim từng gây sốt trên sóng truyền hình suốt một thời gian dài. Phía nhà sản xuất cho biết, Gạo nếp gạo tẻ vừa quay vừa phát sóng, và trong quá trình đó, họ luôn lắng nghe, theo dõi những ý kiến của khán giả để áp dụng cho bộ phim. Độ dài của phim vì vậy được điều chỉnh cho phù hợp.

Câu chuyện “điều chỉnh” này đã được các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc thực hiện từ rất lâu. Lý do là trong suốt nhiều năm khán giả của họ phải chịu đựng những bộ phim na ná nhau về nội dung, quá nhàm chán với những gương mặt diễn viên quen thuộc, đặc biệt hơn, họ đã quá chán với việc các nhân vật yêu thích với những tình yêu như cổ tích, nhưng cứ đến kết phim là… lăn đùng ra chết. Khán giả không còn muốn xem một bộ phim dài dằng dặc, đầy nước mắt mà cuối cùng lại kết thúc không có hậu. Thế là họ dọa sẽ tẩy chay bộ phim, chỉ để nhân vật chính… không được chết.

Thậm chí, biên kịch của một bộ phim có thể đúc rút ra một chân lý để đời: “Tôi nhận ra rằng một kịch bản không thể được coi là hay nếu như khán giả không chấp nhận nó. Phim truyền hình cần biết làm hài lòng người xem. Nếu chỉ viết để thỏa mãn mỗi bản thân mình thì đó chỉ là một cuốn nhật ký thôi" - Kim Eun Sook, biên kịch phim Lovers in Paris. Đã có nhà sản xuất phim phải thừa nhận rằng việc tôn trọng ý kiến và cảm xúc của khán giả là cần thiết, sau đó mới đến việc để các nghệ sĩ tự do sáng tạo nghệ thuật.

Nói cách khác, qua tương tác với nhà sản xuất, biên kịch, diễn viên, khán giả có thể định hướng được các sản phẩm nghệ thuật, ở đây là phim truyền hình. Họ đánh giá, chấm điểm, tạo hiệu ứng truyền thông cho các sản phẩm nghệ thuật.

Đương nhiên, xu hướng này không chỉ đối với phim truyền hình, ở các môn nghệ thuật khác cũng đều cần lắm sự tương tác của khán giả. Ví như trong văn học, truyện ngắn, tiểu thuyết được sử dụng những cách viết và kết mở để độc giả có thể sáng tạo cùng tác giả. Trong đó, mỗi người chọn cho mình một kết thúc riêng cho câu chuyện của họ. Nghệ thuật ở bất cứ môn nào cũng đều được áp dụng hình thức đó, là khán giả tự chọn cho mình cách hiểu, cách thẩm thấu tác phẩm riêng biệt, đôi khi chẳng hề giống với chủ ý của tác giả.

 

Thực hư “quyền lực khán giả” ở Việt Nam

Khán giả Việt Nam đã thực sự có quyền lực trong việc chi phối các bộ phim trên sóng truyền hình hay chưa? Do trong suốt một thời gian dài và vẫn đang tiếp diễn, người Việt Nam đã quá quen thuộc với phim truyền hình Hàn Quốc. Họ cũng biết rằng ở quốc gia này từ lâu khán giả đã thể hiện “quyền lực” của mình trong việc tham gia vào quá trình sản xuất một bộ phim truyền hình. Trong khi đó, người Việt xem phim một cách thụ động, nói cách khác là nhà đài “cho xem gì thì xem nấy”.

Tuy vậy, hiện nay ở Việt Nam, phim truyền hình vẫn được sản xuất với việc kịch bản được xây dựng tới 70% trước khi quay. Trong thời gian quay, kịch bản tiếp tục được hoàn thiện với sự kết hợp chặt chẽ giữa đạo diễn - biên kịch – biên tập. Việc phim vừa quay vừa điều chỉnh kịch bản theo ý số đông khán giả mới chỉ manh mún ở vài bộ phim gần đây, bắt đầu từ bộ phim truyền hình Tuổi thanh xuân (Forever Young), một dự án phim truyền hình hợp tác giữa đài truyền hình Việt Nam và CJ E&M, một trong những tập đoàn truyền thông giải trí lớn nhất Hàn Quốc.

Theo nhà biên kịch Trịnh Đan Phượng, đây mới chỉ là bắt đầu một xu hướng. Tuy nhiên lại là một xu hướng hay, rất tích cực, thể hiện sự quan tâm, nghĩ cho khán giả, vì khán giả của “nhà đài”, và cho thấy việc làm phim truyền hình ở ta đang hướng tới sự chuyên nghiệp hơn.

 

Còn nghệ sĩ và cá tính sáng tạo của họ?

Rõ ràng, việc chiều theo ý kiến khán giả để thay đổi kịch bản, diễn viên, kết phim của các nhà sản xuất phim truyền hình là một xu hướng tất yếu. Khán giả, hay công chúng ngày nay đã không còn thụ động ngồi đợi một tác phẩm nghệ thuật được trình chiếu. Họ cũng có quá nhiều lựa chọn để thưởng thức nghệ thuật. Nếu thích họ sẽ xem phim của bạn, không thích họ sẽ chuyển kênh khác.

Nhưng còn nghệ sĩ? Vai trò của nghệ sĩ là sáng tạo. Linh hồn của tác phẩm nghệ thuật chính là cá tính sáng tạo của nghệ sĩ. Nếu đây là một xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp giải trí, như phim truyền hình, thì điều gì sẽ xảy ra với các môn nghệ thuật khác như mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh… - những môn nghệ thuật cần lắm dấu ấn của cá tính nghệ sĩ? Trước thực tế này, người nghệ sĩ phải làm sao để giữ gìn và phát huy cá tính sáng tạo của mình, dẫu biết rằng nghệ thuật không thể sinh ra mà không có công chúng thưởng thức?

Rất khó để dung hòa việc thỏa mãn cá tính nghệ sĩ và chiều lòng khán giả. Đôi khi nó đặt nghệ sĩ trước những lựa chọn nghiệt ngã giữa được và mất. Nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh thì đều cần có sự đón nhận của công chúng, khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo. Nghệ sĩ có thể sáng tạo trong cô đơn, nhưng không phải tất cả đều có thể và với mục đích cô đơn. Bắt kịp xu thế của thời đại, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng là sự nhạy bén của nghệ sĩ. Khác với điện ảnh và những môn nghệ thuật khác, phim truyền hình là một môn nghệ thuật mà dấu ấn cá tính nghệ sĩ của đạo diễn, biên kịch khá…mờ nhạt. Mờ nhạt nhưng không có nghĩa là hoàn toàn a dua, làm theo ý muốn của số đông một cách thụ động.

Vai trò của phim truyền hình cũng giống như các môn nghệ thuật khác là lắng nghe và tái hiện cuộc sống. Không chỉ dừng lại ở việc tái hiện, là bản sao của cuộc sống, mà còn định hướng công chúng đến một môi trường nghệ thuật lành mạnh, trong sạch, với mong muốn cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Bởi khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và giải trí của công chúng được nâng cao, thì chính họ lại góp phần nâng cao giá trị của môn nghệ thuật mà họ thưởng thức.


Nguồn Văn nghệ số 16/2019


Có thể bạn quan tâm