March 29, 2024, 1:20 pm

Nhà văn với đề tài miền núi và dân tộc thiểu số

                                                                                                

Trong văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, đề tài miền núi và dân tộc thiểu số luôn là đề tài chủ đạo. Gần nửa thế kỷ qua trong văn học các dân tộc thiểu số đã có hàng loạt tác phẩm tạo được dấu ấn trong việc góp phần khắc họa chân dung cuộc sống miền núi và dân tộc thiểu số.

Từ tiểu thuyết Tây Bắc của Tô Hoài đến Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Muối lên rừng của Nông Minh Châu, Hơ Giang của Y Điêng, Đất bằng của Vi Hồng, Núi khát của Vương Anh, Làm dâu của Hoàng Thị Cành, Thao thức rừng đồi của Hoàng Luận, Mối tình Mường Sinh của Vương Trung, Gió hoangTình xứ mây của Ma Trường Nguyên, Cát bụi nhân gian của Hà Trung Nghĩa, Luật của rừng của Kim Nhất, Người lang thangĐàn trời của Cao Duy Sơn, Chân dung cátHàng mã kí ức của In Ra Sa Ra, Thổ Phỉ của Đoàn Hữu Nam, Khau slin hùng vĩRừng vàng của Vũ Ngọc Chương … đến Truyện ngắn Tiếng hát rừng xa của Hoàng Hạc, Tiếng chim gô của Nông Minh Châu, Niềm vui của Vi Thị Kim Bình, Con trai bà chúa Nả của Hà Lâm Kỳ, Chuyện lạ ở bản Cóc của Hoàng Hữu Sang, Con thuyền lá của Cầm Hùng, Trăng gầnĐèo không lặng gió của Hữu Tiến, Hai người trở về bản của La Quán Miên, Đi tìm hồn chiêngGió đỏ của Linh Nga Niết Đam, Vẫn còn mùa thổ cẩm của Mai Liễu, Nước mắt của đá của Hà Thị Cẩm Anh, Lũ núi của Kha Thị Thường, Bắt chồng của Kim Nhất, Ngựa hoang lột xác của Đoàn Lư, Vọng tiếng non ngàn của Hoàng Quảng Uyên, Cao nguyên trăng của Mã A Lềnh, Ngọt đắng vị Mường của Hà Lý, Núi pó phạ trở về của Đoàn Ngọc Minh, Tiếng chim kỷ giàng của Bùi Thị Như Lan, Những chuyện ở Lũng Cô Sầu, Người chợ, Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn, Ngày mai sáng rỡ của Ni Ê Thanh Mai, Day dứt của Nguyễn Mạnh Hải, Chuyện tình ở Bàn Nà Lài của Vi Thị Thu Đạm… tất cả góp phần tạo nên một hiện thực sinh động của cuộc sống miền núi và các dân tộc thiểu số. Con người miền núi thực sự trở thành vấn đề trung tâm của văn học các dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong văn xuôi. Con người miền núi đi vào tác phẩm có tâm thế, thần thái, tâm hồn, tính cách. Bao biến cố, sự kiện, nhân vật, cảnh ngộ được thể hiện qua trang sách. Trên tất cả là tình yêu đất nước, yêu quê hương xứ sở, lòng tự hào tự tôn dân tộc, niềm tin với Đảng, với chế độ; Là những giá trị nhân văn, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; Là sự gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tất cả những điểm này làm nên nét đặc trưng của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại.

Có thể ví dụ điều này qua ba gương mặt nhà văn cùng với tác phẩm của họ:

* Nhà văn Trịnh Thanh Phong: Nhà văn thực sự thành công ở thể loại tiểu thuyết. Sự dày công của nhà văn ở thể loại này đã cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Tiểu thuyết của nhà văn Trịnh Thanh Phong mang tính chất thế sự đậm nét. Thời kỳ đổi mới của đất nước, biết bao điều đặt ra cho quốc gia, dân tộc và đồng bào miền núi. Cơ chế thị trường, đô thị hóa, nông thôn mới… như một một cuộc cách mạng. Sự vượt lên của cả dân tộc, đặc biệt là đồng bào miền núi như một cuộc tự lột xác là vấn đề đáng quan tâm. Khi nhiều nhà văn tưởng chừng như còn lúng túng thì nhà văn Trịnh Thanh Phong lặng lẽ viết, lặng lẽ khẳng định. Từ tiểu thuyết Ma làng (2002) và Ông Mãnh về làng (2011)  đến Tiểu thuyết Trịnh Thanh Phong (2013) là cả một quá trình bền bỉ xuyên suốt một chủ đề. Tiểu thuyết của Trịnh Thanh Phong tái hiện bức tranh nông thôn miền núi trước, trong thời kỳ đổi mới đất nước. Đó là những hủ tục xưa cũ, nếp tư duy lạc hậu, những toan tính nhỏ nhen. Trên cơ sở văn hóa và lối sống là những cuộc đời, thân phận con người với những bất ổn, trớ trêu. Đó chính là mặt trái của xã hội nông thôn buổi giao thời giữa cái truyền thống và cái hiện đại. Nhà văn không chỉ phản ánh mà dự báo về xã hội. Đó là sự diễn hóa phân tầng của một nông thôn không còn thuần túy về cả kinh tế và con người. Một sự xáo trộn bộn bề phức tạp như dòng sông vào mùa lũ. Các vấn đề về cơ chế thị trường, tham nhũng, hám chức hám quyền, quan liêu hách dịch lộng hành trong xã hội từ thành thị đến nông thôn. Cơ chế thị trường, thông tin điên tử, khoa học công nghệ đã xóa đi nét riêng biệt giữa miền xuôi và miền núi, nó đưa đến cả cái tốt và cái xấu. Ở miền núi cuộc cách mạng này còn cam go hơn nhiều. Tiểu thuyết của nhà văn Trịnh Thanh Phong đã mang đến cho người đọc một cảm nhận mới, một nhận thức mới, một tư duy mới về cuộc đời và văn chương.

* Nhà văn Cao Duy Sơn: Khi viết về nhà văn Cao Duy Sơn, đã có lần tôi bật ra một mệnh đề “khi cái tài và cái tâm của nhà văn hoà quyện”. Quả thực, với cái tài, cái tâm của mình nhà văn Cao Duy Sơn là ngòi bút ưu tú của văn học các dân tộc thiểu số đương đại. Nhà văn viết không dồn dập nhưng viết đều đặn. Mỗi tác phẩm của anh khi ra đời đều có số phận và trọng trách riêng. Từ Người lang thang đến Người chợ, Ngôi nhà xưa bên suối, Đàn trời… tất cả đều tạo được giá trị văn chương đích thực, tích cực. Tác phẩm của anh trải dài trong suốt mấy chục năm qua và đặc biệt thành công ở giai đoạn gần đây. Chính sự trải nghiệm, sự tích luỹ vốn sống cùng với trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống mà anh có một năng lượng, một phong cách và một niềm đam mê hiếm có trong văn chương. Anh viết tự nhiên nhưng thật sự chắt lọc, viết mê say nhưng không hề đơn giản, viết giản dị nhưng rất đỗi sâu xa, viết gắn với đời thường mà gợi ra bao ý nghĩa về cuộc sống – xã hội – thời đại. Ngôi nhà xưa bên suối là tập truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Cao Duy Sơn. Tác phẩm đạt giải thưởng văn học ASAN. Nó không chỉ là dấu mốc thành công của riêng nhà văn Cao Duy Sơn mà còn là dấu mốc ghi nhận văn học nước nhà trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Trong tác phẩm ấn tượng hơn cả là Truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suốiSúc Hỷ. Tôi nghĩ nhà văn Cao Duy Sơn phải hiểu lắm, yêu lắm, những con người con miền núi, những giá trị văn hoá thì mới có sự trân trọng, khai thác, xây dựng thành công kiểu nhân vật như Súc Hỷ. Nhà văn cũng phải tài năng lắm mới có thể cho nhân vật nghĩ bằng cách nghĩ và nói bằng cách nói của bà con, làm việc bà con mong, mang về những điều bà con muốn … Truyện ngắn Súc Hỷ cho tôi nghĩ và tin rằng chính từ nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi là nơi lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá.

Tiểu thuyết Đàn trời là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Cao Duy Sơn đã được dựng thành phim. Ở đó không chỉ thuần tuý là không gian, cuộc sống, con người miền núi với những hoạt động, sinh hoạt truyền thống mà còn là một hành trình rất sống động của họ trước, trong và sau thời kỳ đổi mới. Ở đó không chỉ là truyền thống văn hoá với những giá trị tốt đẹp mà còn là sự phát triển, giao lưu, tiếp biến những giá trị văn hoá mới. Ở đó không chỉ có thói quen làm ăn truyền thống rừng đồi, mùa vụ, tự cung tự cấp mà còn là một tư duy đổi mới, cung cách làm ăn mới phát triển và hội nhập… và ở đó quan hệ con người cũng không còn bó gọn trong thôn bản, dòng tộc mà là tổng hoà các mối quan hệ xã hội từ người dân với cán bộ nhà nước, cán bộ nhà nước với dân, đồng nghiệp với đồng nghiệp, cán bộ với cấp trên, cấp trên với cấp dưới, lãnh đạo với lãnh đạo, lãnh đạo… Đó là sự vươn mình đi lên của các dân tộc thiểu số trong xã hội phát triển; Đó là cuộc cách mạng không kém phần dữ dội để gìn giữ những giá trị văn hóa. Cuộc cách mạng cam go nhưng không thể từ chối và né tránh. Nhà văn Cao Duy Sơn đã phản ánh, khắc hoạ, dự báo những vấn đề của dân tộc, quốc tế, nhân loại.

* Nhà văn Đoàn Hữu Nam: Bám sát cuộc sống các dân tộc thiểu số và miền núi, khai thác các mảng đề tài khác nhau, tác phẩm của nhà văn Đoàn Hữu Nam phong phú về nội dung, độc đáo về hình thức, dồi dào về cảm xúc, mới mẻ trong văn phong. Hiện thực cuộc sống ở miền núi, Tây Bắc được nhà văn phản ánh qua những truyện ngắn như Rừng thích đổ vàng, Ác nghiệp, Cái tình là cái chi chi, Hẻm ma có thần giữ của, Nà Nưa có một mối tình... Truyện ngắn của nhà văn cũng tập trung khắc hoạ không gian miền núi, dân tộc thiểu số. Ở đó có cuộc sống sinh hoạt, có thế giới tinh thần, có niềm vui và nỗi khổ, có hạnh phúc và bất hạnh, có khát khao và tuyệt vọng của cuộc đời con người. Đặc biệt có cả những uẩn khúc, trăn trở, vượt lên như một sự tự lột xác để thay đổi mình, thay đổi cuộc sống, thay đổi số phận của con người miền núi. Bên cạnh tình yêu văn hoá, trân trọng văn hoá các dân tộc thiểu số, nhà văn Đoàn Hữu Nam đã dùng cái nhìn của một nhà văn, cái phông văn hoá các dân tộc để soi rọi để thấy cái gì cần giữ gìn, cái gì cần đổi thay. Truyện ngắn Chuyện tình ở bàn Nà Lừa là sự thức dậy táo bạo của người con gái Tày trước tình yêu lứa đôi. Đó phải chăng chính là sự thức tỉnh của con người trước cuộc sống khi được lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn soi rọi. Truyện ngắn Rừng thích đổ vàng cũng vậy, gian nan là thế để thay đổi một nhận thức, gian nan là thế để tiếp nhận một cái mới, gian nan là thế để con người bước từ bất hạnh sang hạnh phúc. Nó không chỉ là công sức mà là cả một nhận thức. Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam không đơn thuần phản ánh mà còn đánh thức, dự báo cho những thay đổi cần thiết tất yếu trong cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần của đồng bào. Với dung lượng trên 500 trang, tiểu thuyết Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam là cuốn sách gây ấn tượng và thu hút sự chú ý của nhiều bạn đọc. Thổ Phỉ tái hiện một hiện thực rộng lớn về một thời điểm lịch sử cách mạng Việt Nam. Bằng tác phẩm và hình tượng nghệ thuật nhà văn cho người đọc thấy rõ bản chất và hành tung của một đối tượng phá rối cách mạng trong một thời điểm lịch sử cụ thể. Tác phẩm của nhà văn đã xây dựng một không gian nghệ thuật đặc biệt, từ đó một hiện thực bi tráng được mở ra có sự tàn khốc đau thương, có sự anh dũng kiên cường. Chính từ những điểm nổi bật trên mà tiểu thuyết Thổ Phỉ có đóng góp tích cực cho văn học các dân tộc thiểu số và văn học nước nhà. Hiện nay nhà văn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm tốt trong đó có Sống ở rừng. Từ tác phẩm và những đóng góp ta thấy nhà văn không ngừng vận động trên con đường văn chương cùng với một tâm thế, sức lực, tài năng, độc đáo và hiệu quả. Một nhà văn sống hết mình, cống hiến hết mình cho văn học nghệ thuật.

Văn học các dân tộc thiểu số thực sự đã khắc họa bức chân dung ngày càng đầy đủ, sát thực, sinh động về miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số. Với sự khắc họa như vậy, văn học thực sự đã góp phần thiết thực xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của miền núi và đất nước. Mỗi giai đoạn, thời kỳ đặt ra những vẫn đề mà nhà văn cần qua tâm. Hiện nay, văn hóa vùng miền, hội nhập quốc gia - quốc tế, an sinh xã hội, đô thị hóa, nông thôn mới… là những vẫn đề mang tính thời đại. Để văn học thiết thực phục vụ cuộc sống, thiết nghĩ các nhà văn cần bám sát cuộc sống của đồng bào để có những khám phá, khắc họa, chuyển tải thông điệp tích cực qua tác phẩm và hình tượng nghệ thuật của mình . Đó cũng chính là chức năng của văn học, bổn phận của các nhà văn nói chung, nhà văn dân tộc thiểu số nói riêng./.

Nguồn Văn nghệ só 17+18/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm