April 23, 2024, 9:20 pm

Hình ảnh người công nhân mỏ trong văn học hôm nay

 

Văn chương vùng mỏ là tiếng nói bộc trực, mộc mạc và khỏe khoắn đã một thời có dư luận tốt đẹp trong lòng bạn đọc cả nước. Sau Võ Huy Tâm và Trần Trọng Biền - Hai người được giải thưởng cuộc thi văn học sau ngày giải phóng miền Bắc - một phong trào sáng tác thơ ca hò vè ngắn gọn được những người thợ cần lao kể về nỗi khổ người cu-li than, về khó khăn trong lao động sản xuất và khí thế vươn lên của người công nhân dưới chế độ mới. Phong trào dần dần phát triển để có những bài, những tập thơ riêng chung, có sức cuốn hút, được nhiều người nhớ và lan truyền rộng rãi.

Các văn nghệ sĩ từ trung ương sau những năm Nhân văn giai phẩm đã về thực tế lấy vốn sống làm đề tài sáng tác ở Vùng mỏ. Nhà thơ Huy Cận, Trinh Đường… làm lụng, ăn ở, sinh hoạt tại khu vực Núi Trọc gần khai trường sản xuất mỏ than Đèo Nai. Các nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên… đã ba cùng với thợ mỏ Cọc Sáu. Nhạc sĩ Hoàng Vân, Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Văn Tý, Trọng Bằng nhà văn Trần Dần, Nguyễn Dậu về chui lò cùng thợ mỏ Thống Nhất… Ngoài thời gian sản xuất, hội họp, về đến nhà, họ lại bền bỉ, cặm cụi ghi lại những cảm xúc, góp nhặt những chi tiết đời sống, dựng nên tác phẩm lớn của đời mình. Bên cạnh đó, các ông còn khơi nguồn cho một thế hệ công nhân trẻ tham gia sáng tác. Dần dần được lãnh đạo các cấp quan tâm chú ý, động viên, trở thành phong trào sôi nổi kéo dài và rộng khắp đến mấy chục năm sau.

Nếu nhắc riêng văn chương, bạn đọc sẽ nhớ đến Võ Huy Tâm với tiểu thuyết Vùng mỏ; Tô Ngọc Hiến với Người kiểm tu; Võ Khắc Nghiêm với Mảnh đời của Huệ; Sỹ Hồng với Thành phố thời mở cửa; Nguyễn Sơn Hà với Thời gian đang đi; Hoàng Văn Lương với Một thời đã qua... Họ là những người thợ, những người bạn thợ đã cầm bút say sưa với nghề mỏ, với văn thơ. Rồi hàng loạt các tên tuổi khác như: Đào Ngọc Vĩnh, Lương Vĩnh Phúc, Ngô Xuân Hội, Nguyễn Ngọc Sính, Trần Ngọc Tảo, Trần Tâm, Trần Đình Nhân, Vũ Thảo Ngọc,  Hoàng Tuấn Dương, Trần Ngọc Dương, Lê Xuân Nguyện v.v… đã làm nên hình ảnh tốt đẹp của người thợ trong những năm gian lao, khắc nghiệt.

Hiếm có vùng nào được nhiều văn nghệ sĩ quan tâm và dành tình cảm sâu nặng như Vùng mỏ. Theo tôi biết, cũng không có ngành kinh tế nào ở nước ta lại sản sinh ra nhiều tài năng văn học nghệ thuật như ngành Than. Hình tượng người công nhân gần như nằm trọn vẹn trong hình ảnh người lao động những năm chống Mỹ. Ngoài những trang viết nóng hổi về người chiến sĩ trực tiếp đánh giặc, bắn máy bay thù, sáng tác về người thợ mỏ trở thành mốt thời thượng. Cả những người công tác ở ngoài ngành than cũng viết về thợ mỏ và có những tác phẩm xứng tầm. Người ta còn nhắc tới Lý Biên Cương với Đêm ấy vùng than ai thức; Trần Nhuận Minh với Đá cháy; Nguyễn Đức Huệ với Anh thợ tài hoa; Nam Ninh với Khoảng trống đêm tất niên. Thơ của Long Chiểu, Phạm Doanh, Võ Thanh An, Yên Đức, Thanh Sỹ, Mai Phương, Hoàng Gia Điền, Phạm Cẩm Nguyên… Nhiều nhà thơ ở mọi nơi đã về vùng mỏ lấy cảm hứng sáng tác như Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Tùng Linh, Thanh Tùng, Thi Hoàng, Xuân Hoàng, Tạ Vũ... cho ra đời một số tác phẩm lưu lại dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc. Giá có sự tập hợp, chúng ta đã có những nhà sách riêng rất đáng nể của các văn nghệ sĩ là người thợ, quý mến người thợ đến và viết dưới đạn bom và muôn ngàn khó khăn về những mối quan tâm, quan hệ của người thợ. Qua những tác phẩm văn học nghệ thuật này, đất và người Vùng mỏ hiện lên sinh động tạo ra sự kết nối bền chặt, có giá trị to lớn không chỉ phục vụ cuộc sống trước mắt. Chúng ta chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo thời đó đã giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất cho các văn nghệ sĩ. Có thể nói đến bây giờ, các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trong giai đoạn ấy vẫn có vị thế trụ cột của văn học nghệ thuật Quảng Ninh.

Một trong những nguyên nhân góp phần đem đến thành công cho các văn nghệ sĩ viết vẽ, sáng tác về người công nhân là sự cống hiến chân thật, tính thời sự hôi hổi nóng của cuộc sống tràn vào trang thơ văn và các bộ môn khác. Có được điều này, các văn nghệ sĩ khi đi thực tế không chỉ cùng ăn, cùng sống mà còn cùng làm việc với người công nhân tại các nhà máy, công trường, phân xưởng. Người thợ và người sáng tạo nên nhân vật đều phấn đấu xây dựng một cuộc sống chung tốt đẹp cao sang như trong mơ ước. Ngoài công việc là bè bạn, anh em chứ không nhiều khoảng cách rộng xa như bây giờ.

Giờ đây, mối quan hệ ấy xa về nhiều mặt giữa những người viết và công nhân lao động trực tiếp. Chúng ta chưa cùng sống với những công việc hàng ngày của họ. Người công nhân nghĩ gì, làm như thế nào chúng ta đâu biết. Việc sáng tác về đề tài công nhân, đặc biệt là công nhân mỏ, đang chịu những thử thách vô cùng to lớn, không dễ vượt qua trong cuộc sống bộn bề, phức tạp hiện nay. Vì thế, hình tượng người công nhân mỏ trong văn học hôm nay vẫn nằm trong hi vọng.

Những nhà văn lọm khọm, lụ khụ như những cầu thủ già đeo số to ăn bồi dưỡng tách khỏi công trường, xưởng máy, an phận tĩnh dưỡng hoặc hớt hải bươn chải ngược xuôi vì mưu sinh. Đôi lúc nghĩ đến văn chương lại tiếp tục lại cái vốn sống cũ từ những ngày xa xưa mà viết lại. Hễ ai có ý kiến ngược chiều thì phản ứng hoặc lặng thinh ra điều chúng mày còn trẻ con không thèm chấp. Lớp trẻ (thực ra chuẩn bị già) ngoài bốn mươi dính dáng đến văn chương thì chưa nặn bụt đã nặn bệ. Chỉ thích chóng nổi danh. Chưa nổi danh được thì hăng hái tìm một công việc ổn định, nhàn nhã. Cuộc sống công nghiệp đứng ngoài hoặc ít tác động trực tiếp tới họ vì ngại khó ngại khổ mà không được bù đắp thỏa mãn. Họ đến với công nghiệp như người cưỡi ngựa xem hoa. Biết rất nhiều nhưng không tường tận. Họ là lớp người được trang bị kiến thức, tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học thì mấy ai dám dũng cảm chọn môi trường công nghiệp trực tiếp để xả thân.

           Nhiều người trực tiếp làm thợ khi có một hai tập sách được chú ý là tìm cách chạy chọt, xa rời công việc nặng nhọc hàng ngày. Các nhà văn nhà thơ trẻ trong công nhân hiện nay thiếu nhiều về mọi mặt để làm ra một tác phẩm đứng được chứ chưa dám nói khá và hay. Các nhà văn trẻ thích nhịp sống sôi động của thành thị, của nên công nghiệp để dung dưỡng mình chứ ít ai lấy cảm hứng về đề tài công nhân để sáng tác. Tôi thấy những trang viết của Những nhà văn công nhân trực tiếp làm ra than mà không hiểu sản xuất than thế nào. Những điều tôi cảm thấy ngay từ ngày mình còn trực tiếp làm công nhân mà nói ra lúc ấy, không một ai tin. Quả thật, sự nhìn nhận của một vài lãnh đạo cũng không mấy thiện cảm với người công nhân trực tiếp viết lách. Thậm chí, lãnh đạo các cơ sở sản xuất, các cơ quan chức năng trên vùng đất sở tại còn cố tình quên đi, ngơ đi, không nhắc tới, coi đó không nằm trong lĩnh vực mình quan tâm và quản lý. Người viết ngoài lòng yêu thích không được nhìn nhận những thành quả mà mình đã phấn đấu một cách thỏa đáng.

Nếu như trước đây có nhiều nhà văn xuất thân từ công nhân, thì ngày nay thật hiếm hoi và không thấy người dưới bốn mươi tuổi. Người ta không còn cơ hội chọn lựa những gì mình yêu thích mà phải đấu tranh vật vã sinh tồn trong cơ chế nghiệt ngã. Niềm đam mê văn chương trong các nhà máy, công trường, xí nghiệp ngày càng bị thui chột bởi áp lực sinh kế đè nặng. Phải sống đã, bạn ơi. Với mức lương làm thuê rẻ rúng như hiện nay, người công nhân khó nuôi nổi mình nên phải bươn chải ngày đêm, thậm chí ăn cắp ăn trộm, xà xẻo vật tư, vật liệu kiếm thêm đồng tiền phụ vào đồng lương tối thiểu cho gia đình. Sách báo, văn chương thành món hàng thừa thãi, xa xỉ, vớ vẩn. Vì thế, tâm hồn người thợ có bị bào mòn, chai cứng trong công việc nặng nề, nặng nhọc. Tìm đâu ra những giấc mộng văn chương đầy tình cảm lãng mạn hoặc hiện thực cụ thể như những nhà văn thuở trước! Đó là một thực tế khắc nghiệt, cản trở sự phát triển khả năng văn chương trong công nhân, một lực lượng vô cùng phong phú và đầy ắp thực tế cuộc sống. Thơ là một loại hình văn học phát triển mạnh nhất nhưng càng ngày càng trống vắng hình ảnh người công nhân với ước mơ làm thay đổi và tạo dựng cuộc đời.

Mỗi khi bàn về đề tài văn học công nhân, chúng ta đều khẳng định đây là đề tài rất phong phú. Chỉ cần lướt qua tên những ngành nghề, những việc tận mắt hay trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thấy sự đa dạng, giàu có những tư liệu mà nếu gắng công, dám hi sinh một khoảng thời gian ba đến năm năm, chúng ta sẽ có ít nhất một tập truyện ngắn, một tập thơ hoặc cuốn tiểu thuyết đứng được. Nhưng các nhà văn trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) của chúng ta ơi! Có ai dám thâm nhập thực tế để có thể sáng tác và thể hiện về đề tài này không?

Nên chăng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nên cùng với ngành than tìm biện pháp nào tôn vinh các tác phẩm văn học nghệ thuật mới về Vùng mỏ. Chúng ta có thể mở những cuộc thi nhân kỷ niệm truyền thống hoặc một vài ba năm viết về thợ mỏ hôm nay. Có một giải thưởng, tặng thưởng dành riêng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về mỏ và người thợ trẻ của những người trẻ tuổi. Bởi vì đối với văn hóa nghệ thuật, không phải cứ bỏ tiền ra là mua được. Trong khi kinh tế Quảng Ninh ngày càng phát triển thì hình tượng người công nhân trong văn học nghệ thuật một vùng đất, một ngành nghề quan trọng ngày càng thưa vắng là sao?

Nguồn Văn nghệ số 12/2019

 


Có thể bạn quan tâm