March 29, 2024, 7:47 am

G.E.LESSING - người mở đường của dòng văn học cổ điển Đức

Nhận định về thế kỷ XVIII của Đức, F.Engels cho rằng, về mặt chính trị và xã hội, đó là một "thế kỷ thảm hại", nhưng cũng là ''một thế kỷ vĩ đại của văn học Đức".

Nhận định đó hoàn toàn phù hợp với tình hình văn học Đức, nếu tính từ những năm 50 trở đi. Nửa sau của thế kỷ XVIII gắn liền với tên tuổi rực rỡ của các văn nghệ sĩ thiên tài: Goethe, Schiller, Lessing...

 

Ảnh internet

Xét về khối lượng tác phẩm, Lessing (1729-1781) không viết nhiều bằng Goethe và Schiller, song vị trí đặc biệt của toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp ông là ở chỗ: ông là người có công đặt nền móng cho nền văn học của dân tộc. Với những tác phẩm lý luận về văn học và mỹ học, cùng các sáng tác kịch, thơ ca trữ tình, truyện ngụ ngôn, bút ký... ông đưa nền "khai sáng" của nước Đức lên đỉnh cao của nó. Đại thi hào Goethe, người ít hơn Lessing 20 tuổi, đã viết rằng, "tác phẩm của Lessing là một bước quyết định trong việc chống đối nền thống trị độc tài: Chúng tôi, những người trẻ tuổi, được tác phẩm của ông cổ vũ, khích lệ; và bởi vậy, chúng tôi chịu ơn Lessing rất nhiều!". Ông viết tiếp: "Xuyên qua lớp lớp mây mù, những vấn đề mà Lessing đặt ra đã trở thành luồng ánh sáng rọi vào tâm hồn và trí tuệ thế hệ chúng tôi".

Gần một thế kỷ sau, nhà thơ vĩ đại Heinrich Heine, trong công trình lý luận "Trường phái lãng mạn", thổ lộ: "Tôi buộc phải thú nhận rằng, trong toàn bộ lịch sử văn học Đức, Lessing là nhà văn tôi ưa thích nhất...”. Ở một tác phẩm khác, khi bàn về lịch sử tôn giáo và triết học ở Đức, Heine nhận định: "Từ sau Luther, nước Đức chưa sinh ra được người nào tài hơn Lessing, cả hai người đó là niềm tự hào và niềm vui của chúng ta. Trong thảm sầu của hiện tại, ngước nhìn lên ta thấy tượng đài của họ như đang an ủi mình...”

Ở thời đại mà Lessing sống và hoạt động, nước Đức thật ra chỉ là một khái niệm địa lý, chưa có một quốc gia thống nhất với một chính quyền trung ương. Đất nước bị xé lẻ thành 360 công quốc; đó là chưa kể 1.500 trang trại quý tộc cũng có mọi quyền hành như các công quốc nói trên. Trong tình hình đó, nền kinh tế - trước hết là công nghiệp và thương mại bị cản trở, không phát triển được. Đó là một nền kinh tế phân tán, què quặt. Tầng lớp nhân dân đông đảo nhất ở Đức hồi này là nông dân, chiếm 70% dân số. Trong thực tế, họ chỉ là nông nô, sống phụ thuộc vào bọn chúa đất. Gánh nặng của lao công tạp dịch, bao nhiêu thứ tô tức, thuế má đè nặng lên vai họ. Chỉ trong vòng hai năm 1770-1771, nạn đói đã cướp đi tính mạng của hàng vạn nông dân.

Trong khi tư bản Anh và Pháp đã có những tàu buôn lớn chở hàng đi bán ở các nước Á-Phi, ngành hàng hải của Đức vẫn vô cùng lạc hậu. Nhìn chung, tình hình thê thảm của kinh tế không cho phép ra đời ở Đức một giai cấp tư sản cách mạng, thiếu hẳn những tiền đề cho một cuộc cách mạng tư sản. Tư tưởng Ánh sáng đã xuất hiện ở Đức, song, với một tình hình kinh tế ốm yếu như vậy, một chế độ thống trị thối nát như vậy, ánh sáng ấy chỉ le lói một cách yếu ớt, mờ nhạt.

Cho đến những năm 50 của thế kỷ XVIII, văn học Đức rất nghèo nàn. Cả nước không có một nhà hát và một nhà sáng tác kịch xứng đáng với yêu cầu của thời đại.

Giữa tình hình đó, tại thị trấn nhỏ Kamenz ở miền Nam nước Đức, là con trai của một mục sư, Lessing đã ra đời và lớn lên trong niềm say mê văn học, và nỗi khát khao giải quyết các vấn đề mang tính dân tộc và tính giai cấp tư sản của nền văn học mới. Ông là đại biểu xuất sắc nhất, đồng thời là người kết thúc trào lưu văn học khai sáng Đức. Cuộc đời 52 năm của Lessing là một cuộc tranh đấu quyết liệt, không ngừng chống lại các quan niệm sai trái, phản động, đi ngược lại tiến trình của lịch sử, nhằm xác lập một nền văn hóa dân tộc của nước Đức thống nhất. Dù ở Kamenz quê hương ông hay ở Leipzig, ở Wittenberg hay Berlin, ở Breslau hay Hamburg, Lessing luôn luôn sống trong túng thiếu, chật vật, phải làm lụng cật lực để tồn tại và thực hiện ý nguyện cao cả của đời mình. Do nghèo túng, ông phải bỏ học, sớm vào đời để kiếm sống. Ở đâu, ông cũng chỉ mong có việc làm. "Làm để có bánh mì cho dạ dày, nhưng chính là để chiến đấu". Ông trở thành một nhà báo tự do, viết và giúp việc cho một số tòa báo. Thời kỳ hoạt động có hiệu quả nhất chính là lúc ông được phân công phụ trách trang văn hóa của báo Vossisch. Với công việc này, ông đọc nhiều, viết nhiều, dịch nhiều. Hầu như không có tác phẩm lớn nào của đương thời về các lĩnh vực triết học, thần học, lịch sử, văn hóa và các lĩnh vực khác, dù là bằng các thứ tiếng Đức hay Anh, Pháp hay La tinh, mà không qua mắt Lessing. Ông đọc và suy nghĩ, suy nghĩ và viết để bày tỏ quan điểm của mình. Vô hình trung, ông đã mở một trận chiến nhằm đẩy lùi những quan niệm sai trái và lạc hậu nói trên, nhất là trong lĩnh vực văn học và sân khấu, dù là ai, với ai, kể cả Gottsched, người được mệnh danh là "vị giáo hoàng của văn học" thời đó. Lessing đã công kích kịch liệt những mặt hạn chế của Gottsched trong việc nhập cảnh sân khấu Pháp vào Đức. Ông cho rằng, kịch của Gottsched là kịch Pháp hóa. Gottsched còn bị phê phán ở việc chủ trương nhân vật trung tâm của bi kịch phải là vua chúa và anh hùng thuộc tầng lớp quv tộc chứ không thể là thường dân. Ngay Karl Marx cũng từng nhật xét: "Gottsched và các nhà văn đại học khác hồi thế kỷ XVII, XVIII - với những bộ tóc giả cứng nhắc, với thái độ thông thái rởm khác người... đã đứng xen vào giữa cuộc đời và khoa học, giữa tự do và con người".

Chỉ với sự xuất hiện của Lessing trên văn đàn, nước Đức mới có được một nền nghệ thuật sân khấu dân tộc hoàn chỉnh. Điều được khẳng định này thể hiện không chỉ ở các luận văn mang ý nghĩa bút chiến Laokoon hay là về giới hạn của hội họa và thi ca (1766) và Kịch trường Hamburg (1767-1769) mà cả ở các loại hình nghệ thuật khác như thơ trữ tình, thơ suy tưởng, truyện ngụ ngôn và trước hết là các tác phẩm sân khấu.

Cả hai tập bút chiến nói trên được xếp vào hàng những tác phẩm vĩ đại nhất và hiệu quả nhất của nước Đức về phương diện lý luận văn học. Nếu ở Laokoon, tác giả để cập các vấn đề tổng thể của văn học, chưa đi sâu vào chức năng của từng thể loại, thì ở Kịch trường, ông đi sâu phân tích hàng loạt vấn đề thuộc lĩnh vực sân khấu. Lessing được coi là một trong những người Đức đầu tiên suy nghĩ và nêu các quy tắc của nghệ thuật diễn xuất, về vai trò và cơ sở thẩm mỹ của phê bình sân khấu, về vẻ đẹp và tính chính xác của ngôn ngữ kịch. Cả vấn đề về âm nhạc trong kịch cũng được ông bàn đến.

Song, ở cả hai tác phẩm này, ông tập trung vào chủ đề hàng đầu là Sân khấu dân tộc, từ việc sử dụng chất liệu, phong tục, tập quán, chống tư tưởng địa phương bản vị. Ông nhấn mạnh vấn đề phản ảnh sự thật trong sân khấu, trong văn học. Ông cho rằng "không có cái gì vĩ đại cả, nếu không là sự thật". Chính vì vậy, ông ca ngợi Shakespeare, người thầy của chủ nghĩa hiện thực, tác giả của những vở kịch tràn đầy chất liệu và hơi thở của đời sống. Ông cũng học hỏi những điều mà Aristoteles trình bày trong tác phẩm Thi pháp, rút ra từ đó những gì có thể làm cơ sở cho sân khấu dân tộc Đức, suy nghĩ các vấn đề cổ đại có thể phục vụ cho sân khấu hiện đại. Chính vì vậy, nếu biết vận dụng các vấn đề từ xa xưa vẫn có ích cho hôm nay.

Cống hiến của Lessing còn thể hiện ở chỗ: ông không chỉ nêu lý luận, đặt ra các vấn đề mà ông đòi hỏi ở người khác mà chính ông đã sáng tác những vở kịch xuất sắc như: Nàng Sara Sampson (1755) Minna von Barnhelm (1767), Emilia Galotti (1772), Nhà thông thái Nathan (1779). Cũng xin nói rõ thêm: trong chiến tranh bảy năm 1756-1763 tranh giành vùng Schlesien giữa Đức và Áo, Lessing là thư ký của viên tướng Phổ Tauentzien. Năm 1767 ông viết vở hài kịch Minna von Barnhelm chính là kể về đời lính tráng trong và sau chiến tranh bảy năm đó. Nó được coi là vở hài kịch Đức đầu tiên đề cập trực tiếp một vấn đề xã hội của dân tộc Đức. Sau này, Goethe gọi đó là “Kịch bản đầu tiên phản ánh cuộc sống có ý nghĩa với một nội dung thời đại đặc biệt”.

Riêng Emilia Galotti được đánh giá là tác phẩm văn học lớn nhất của Lessing. Với vở kịch này, cũng là lần đầu tiên trong văn Học Đức, đại diện của tư sản và quý tộc - hai giai cấp chính trong thế kỷ XIX - công khai chống lại nhau. Cũng với nó, đây là  lần đầu tiên một nhà văn Đức đưa lên sân khấu tố cáo tên chúa phong kiến và gọi lâu đài của hắn là "cái ổ cướp". Nếu ở bi kịch đầu tiên Nàng Sara Sampson mới giới hạn trong việc tái hiện những tình cảm riêng tây trong nội bộ giai cấp tư sản, xung đột kịch chỉ bó hẹp trong mối tương quan giữa cái thiện và cái ác trong con người tư sản, thì đến Emilia Galotti, cái thiện và cái ác đã xuất hiện thành hai lực lượng xã hội. Viết vở kịch này, Lessing kể lại câu chuyện diễn ra ở một công quốc nhỏ thuốc Italia thời Phục Hưng, nhưng ai cũng hiểu đó là sự ám chỉ tình hình Đức ở thế kỷ 18, bởi vì, ở thế kỷ này, hai giai cấp chính là tư sản và quí tộc đã xuất hiện trên sân khấu. Nó không còn là những khái niệm đạo đức trừu tượng mà trở thành vấn đề xã hội cụ thể. Chính vì vậy, Goethe gọi nó là "bước quyết định trong việc chống đối nền thống trị độc tài”.

Để đến được bước quyết định ấy, Lessing đã gian khổ học hỏi, suy nghĩ, tự vượt mình và đồng nghiệp đương thời, chiến đấu với tinh thần bất khuất, ngoan cường, bất chấp đói nghèo, túng bấn, không ngừng vươn tới lý tưởng của người mở đường cho kỷ nguyên mới của nền văn học dân tộc cổ điển Đức. Franz Mehring - nhà lý luận mác-xít ưu tú đã gọi Lessing là nhà thơ và nhà phê bình văn học lớn nhất của nước Đức ở thời kỳ “đang chết dần chết mòn”. Vâng, với Lessing, nền văn học Đức đã sống dậy, vươn tới, đã sản sinh ra những thiên tài hàng đầu như Goethe và Schiller. Cũng vì vậy, "nói đến Lessing, mỗi người Đức cảm thấy trái tim mình như đập rộn ràng hơn" (H.Hessner).

Nguồn Văn nghệ số 11/2019

                                                                                                                


Có thể bạn quan tâm