April 25, 2024, 2:14 pm

Nhạc thị trường “nhấn chìm” đời sống âm nhạc trẻ

 

Nhạc mới, hay nhạc trẻ, đang làm mưa làm gió trong đời sống âm nhạc hiện nay. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ một công trình nghiên cứu nghiêm túc và cụ thể nào về xu hướng sáng tác, thẩm mỹ âm nhạc của dòng nhạc này, và nhạc trẻ có phải đại diện sáng giá cho nền nhạc mới hay không. Theo giới phê bình âm nhạc, thì nhạc trẻ Việt Nam hiện nay có đến hơn 70% ca khúc được xếp vào hàng “nhạc thị trường”. Điều đáng nói là số ca khúc được xếp vào hàng “thị trường” lại ngày một nhiều, thậm chí lấn át...

Năm 2018 “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  tiếp tục khơi nguồn cảm hứng để người Việt hướng về nghệ thuật truyền thống chất lượng hơn (Nguồn ảnh: baoquangtri.vn)

Khi thị hiếu âm nhạc đang dần thay đổi

Cách đây gần mười lăm năm, một độc giả có tên “thuongvu”đã “thử định nghĩa nhạc thị trường” trên một trang báo điện tử:Tôi cho rằng nhạc thị trường là loại nhạc ít mang tính nghệ thuật, được sinh ra chỉ đơn thuần là để đáp ứng thị hiếu của người nghe nhạc một thời điểm nào đó và sau đó bị quên ngay như chưa từng xuất hiện. Đó là thời điểm cụm từ “thị trường” rất nóng trong đời sống âm nhạc, nghệ thuật và luôn được nhắc đến với một sự dè bỉu công khai, khi những trào lưu nhạc xanh, nhạc đỏ đang lui vào quá vãng. Định nghĩa của độc giả trên không phải là định nghĩa chính thức cho dòng nhạc trẻ, nhưng nó lại tương đối chính xác ở thời điểm đó, và vẫn đúng cho đến ngày nay.

Trước hết, sự ra đời của dòng nhạc trẻ đã mang đến một làn gió mới cho đời sống âm nhạc. Nhạc trẻ hướng đến thị hiếu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ và trong một chừng mực nhất định, những ca khúc nhạc trẻ được các nhạc sĩ trẻ sáng tác còn bắt kịp xu hướng đời sống hiện thực, với những chất liệu cuộc sống ngồn ngộn, hấp dẫn… khiến cho đại bộ phận giới trẻ thích thú đón nhận. Nhưng, bên cạnh những tác phẩm âm nhạc có giá trị, ẩn chứa trong đó những vẻ đẹp chân - thiện - mỹ, thì vẫn còn không ít những tác phẩm lố bịch, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của người Việt. Và những tác phẩm đó được liệt vào danh mục “Nhạc thị trường”.

Nghệ sĩ Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn trong liveshow "Âm hưởng Đông phương - The Oriental Mood", - khi các nghệ sĩ dòng nhạc chính thống đang nỗ lực “trỗi dậy”. (nguồn ảnh: thethaovanhoa.vn

Nhạc thị trường không đòi hỏi cao ở người nghe, ai cũng có thể nghe được và thuộc được, ca từ chỉ đảo quanh nội dung yêu đương nhàm chán (giận hờn, nhớ tiếc, tình cũ…). Dòng nhạc này lại không kén người hát, những ca khúc thuộc hàng thị trường tương đối dễ hát, thậm chí người được gọi là ca sĩ cũng chẳng cần có kiến thức tương đối đầy đủ về âm nhạc. Người sáng tác những ca khúc thị trường không cần đợi ý tưởng mà chỉ cần sáng tác vội theo thị hiếu của một bộ phận giới trẻ, đơn thuần để câu like, câu view mà thôi.Vậy nhưng việc đó cũng khiến các cơ quan quản lý đau đầu trong công tác kiểm soát, bởi thị trường âm nhạc đã xuất hiện những tác phẩm lai căng, đi ngược thuần phong mỹ tục của người Việt. Và nguy hại hơn, nó khiến nhiều người lầm tưởng đây là dòng nhạc chính thống đại diện cho nền nhạc mới của nước ta hiện nay.

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng, những sản phẩm đáp ứng thị hiếu nhất thời cũng giống như thời trang thôi, hết mùa sẽ được thay thế bởi mẫu mã khác. Thời gian không ngừng đào thải những sản phẩm nhái hoặc kém chất lượng nghệ thuật. Không chỉ có nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu bày tỏ thái độ rõ ràng với dòng nhạc thị trường, cũng có không ít người cho rằng, sự ra đời của nhạc thị trường chính là tính tất yếu trong những thời điểm lịch sử nhất định, để âm nhạc nghệ thuật vượt lên, tìm tòi những chuẩn mực mới, từng bước minh định lại thị hiếu công chúng.

Song dù là vậy, thì với những ca khúc như Bài ca thịt chó của Nguyễn Hải Phong, Hay Ăn gì đây của Hoà Minzy với những ca từ gượng ép, và… ngớ ngẩn không khỏi khiến người nghe mất hứng thú về sự thanh và đẹp của nhạc Việt.

 

Dòng nhạc chính thống cần được đầu tư đúng hướng

Có một thực tế, bên cạnh nhạc thị trường ngày càng thấy rõ sự hồi sinh của nhạc cổ với không ít chương trình kiên trì quảng bá cho các thể loại dân gian cổ truyền (như hát xẩm, chầu văn, hầu đồng), đặc biệt những loại hình đã được thế giới biết đến qua sự tôn vinh của UNESCO (nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam bộ, ví giặm Nghệ Tĩnh, hát Then vùng núi phía Bắc, hô Bài Chòi Trung bộ).

Đi cùng với đó là sự xuất hiện nhiều sáng tác chính thống nối tiếp dòng chảy mà báo chí thường gắn cho tên gọi nhạc “đỏ”, nhạc cách mạng với những sản phẩm âm nhạc mang tính chuyên nghiệp cao có phần đệm (romance) và các thể loại thanh nhạc lớn như hợp xướng không nhạc đệm (à capella), thanh xướng kịch (oratoria), kịch hát, nhạc kịch (opera)…;

Đó chính là kết quả của việc xã hội hóa sản phẩm âm nhạc, là cú huých để kéo công chúng đến với sân khấu. Tuy nhiên, trong hội thảo “Âm nhạc với tuổi trẻ - thực tế và phương hướng” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức hồi giữa tháng 12/2018, nhạc sĩ Doãn Nho đã nêu ý kiến trong bài tham luận của mình về một chương trình “hoành tráng, thời thượng” nhất hiện nay The Voice – Giọng hát Việt: “Chương trình đáng lý phải theo hướng Việt hóa những tinh hoa của nền văn hóa âm nhạc nước ngoài thì ngược lại, hình như chương trình muốn chúng ta "hóa thân" theo thẩm mỹ nước ngoài. Chúng ta có một kho tàng đồ sộ những bài hát hay thuộc hầu hết các dòng trang nhạc nhẹ - nhạc trẻ, vậy tại sao lại không sử dụng? Chương trình mang tên Giọng hát Việt nhưng sao chẳng thấy hồn Việt đâu cả!”. ..

Câu hỏi của nhạc sĩ ngay lập tức nhận được sự đồng cảm của tất cả những nghệ sĩ có mặt tại khán phòng. Nhưng để có được câu trả lời thì vẫn còn là ẩn số.

Nhìn vào cuộc sống nói chung, âm nhạc nói riêng, một nền âm nhạc không thể có tương lai tươi sáng nếu như không bồi dưỡng những tài năng trẻ. Hiện chúng ta đã có những sân chơi âm nhạc, ngày càng tổ chức nhiều hơn các cuộc thi mang tầm quốc tế và khu vực, và rất nhiều những chương trình ca nhạc ở Hà Nội và khắp cả nước. Bên cạnh những ca khúc đã đi vào trái tim của biết bao thế hệ thì những vở opera từng được xem là kinh điển và kén khán giả cũng đã kéo được khán giả về với sân khấu. Và có một điều ai cũng nhận thấy, ở mỗi chương trình nghệ thuật được công diễn tại Hà Nội, hay ở bất cứ tỉnh, thành nào, đối tượng công chúng đến với sân khấu âm nhạc đã có sự đồng đều. Không phân chia tuổi tác hay đối tượng phục vụ, bởi ngôn ngữ âm nhạc là không biên giới.

 Thị hiếu của công chúng nói chung đã thay đổi, và giới trẻ nói riêng cũng vậy. Nếu như trong cuộc sống, giới trẻ tỏ ra không quan tâm nhiều đời sống vật chất, tinh thần chỉ hướng vào những nhu cầu thức thực của cá nhân, thì với âm nhạc họ vẫn xoay quanh những tác phẩm đơn giản, nhẹ nhàng nhưng xu hướng dịch dần về những sáng tạo và thử nghiệm mới với kỳ vọng có thể bắt kịp sự phát triển của âm nhạc thế giới, và những giá trị tinh hoa dân tộc vẫn lấp lánh trong một số sáng tác mà bản thân họ sáng tạo và thụ hưởng.

Đây cũng chính là hy vọng để chúng ta có quyền nghĩ tới một đời sống âm nhạc cho năm 2019 đầy ắp những sản phẩm âm nhạc có giá trị không chỉ từ các tác giả trẻ có tính cách riêng, biết vận dụng công nghệ thông tin trong sáng tác, biểu diễn và quảng bá tác phẩm, dám thử nghiệm và ham học hỏi thành tựu âm nhạc thế giới cũng như kế thừa tinh hoa dân tộc, mà còn là sự thể hiện của chính các ca sĩ, nghệ sĩ có tầm và có tâm không dễ dãi hay thoả hiệp trước những sản phẩm âm nhạc ít giá trị nghệ thuật.

Thiết nghĩ, để thay đổi thị hiếu cho công chúng, nhà quản lý cần minh định rõ ràng những yếu tố chân - thiện - mỹ trong tác phẩm nghệ thuật, chỉ cho lên sóng hoặc cấp phép biểu diễn những chương trình ca nhạc chính thống đối với những nghệ sĩ, ca sĩ được đào tạo bài bản. Như vậy, những tác phẩm âm nhạc sẽ được trở về đúng với giá trị đích thực của nó. Từ đó, công chúng yêu nghệ thuật cũng sẽ được thụ hưởng, hay nói đúng hơn là được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục âm nhạc lành mạnh, nhân ái và hướng thiện thì tự thân mỗi người đều là bộ lọc tốt trước những nhiễu nhương lẫn lộn thật - giả, hay - dở, đẹp - xấu, để từ đó hình thành người biết cảm thụ cũng như người sáng tác và biểu diễn âm nhạc chân chính. Và như vậy sẽ không còn chỗ cho nhạc thị trường, cũng không còn sự lầm tưởng về sự đại diện cho dòng nhạc chính thống hiện nay.

Nguồn Văn nghệ số 11/2019

 


Có thể bạn quan tâm