March 29, 2024, 5:16 pm

Sống ở phố, viết về phố, vài nét về văn chương đô thị

 

     “Sống ở phố, viết về phố”. Thiển nghĩ, đó là cách nói giản dị hóa, nhẹ nhàng hóa để hướng tới một mệnh đề không hề là giản dị và nhẹ nhàng: Văn chương đô thị Việt Nam hiện nay. “Phố”, chính là đô thị. Đối lập với nó, là “Làng”, chính là nông thôn. Mà, bàn về văn chương đô thị Việt Nam hiện nay, cần phải phân biệt cho rõ hai câu chuyện: Văn chương ở đô thị, và văn chương về đô thị. Về câu chuyện thứ nhất, có lẽ là… không có chuyện. Bởi, kể từ khi xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ hiện đại, việc những người viết văn đổ về, tụ lại ở đô thị đã là một xu thế ngày càng phổ biến và ít xảy ra hướng đảo ngược. Mặt khác, với sự ra đời của các nhà xuất bản – như một trong những thiết chế văn hóa của đô thị - đương nhiên văn chương phải là văn chương ở đô thị. Một vài nhà văn nào đó có thể sống ở nông thôn, có thể sáng tác tại nông thôn, nhưng để tác phẩm của anh ta được in và lưu hành trong đời sống, nó buộc phải “thiên di” ra đô thị, không thể khác.

Vậy, chỉ câu chuyện thứ hai mới trở thành vấn đề. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có văn chương về đô thị hay không, và nếu có, thì hiện mảng văn chương ấy như thế nào? Câu trả lời: Có, nhưng rất mỏng, chưa tạo thành một dòng chảy liên tục và mạnh, cũng ít xuất hiện những điểm nhấn đáng chú ý. Trong bài này, với tầm hiểu biết còn rất hạn chế của mình, người viết xin được khoanh vùng chỉ ở thực tế của mảng tác phẩm văn xuôi viết về Hà Nội, đô thị mà nếu không là lớn nhất, ắt cũng phải được “chúng khẩu đồng từ” xếp vào loại đô thị lớn nhất Việt Nam.

     Có đô thị thì ắt có những con người sống ở đô thị, tạm gọi (chỉ tạm gọi thôi) là những thị dân. Có những vấn đề của đô thị, có những sự việc đô thị, và đó chính là tiền đề của văn chương về đô thị. Điều này đã diễn ra ngay trong giai đoạn trước 1945 của văn học Việt Nam, mà tác phẩm xứng đáng được coi là đại diện xuất sắc nhất, là “Số đỏ” của nhà văn tài năng nhưng yểu mệnh Vũ Trọng Phụng. Nhân vật Xuân tóc đỏ, với cái lý lịch cực kỳ mù mờ của nó, chính là đứa con đứt ruột của phố phường. Nó lang bang phiêu dạt tới đâu là từng mảng đời sống của đô thị Hà Nội hồi ấy hiện lên tới đó. Rồi những ông những bà, những anh những chị, những cô những cậu những mợ… tất cả những gương mặt thị dân của đô thị Việt Nam ở giai đoạn đầu của quá trình tư sản hóa cũng đã nhờ va chạm với Xuân tóc đỏ mà lần đầu tiên hiện lên trên sân khấu văn chương một cách cực kỳ sinh động. Chúng là những chân dung thị dân được găm vào lịch sử và ghi lại lịch sử. Người ta quen ca ngợi Số đỏ như một tác phẩm văn học hiện thực, một hoạt kê tiểu thuyết xuất sắc. Đúng, nhưng có lẽ chưa đủ. Cần phải thêm rằng đó chính là một đỉnh cao của văn chương về đô thị, đô thị Hà Nội một thời. Tuy nhiên, đồ thị hình sin đi xuống. Giai đoạn tiếp sau, do những chế định mang tính tất yếu của lịch sử xã hội, nền văn học Việt Nam mang đậm đặc tính chất của một nền văn học chiến đấu và sản xuất. Những vấn đề của đô thị và hình ảnh nhân vật thị dân trở nên nhạt đi, thậm chí mất hẳn, để văn chương chỉ còn là diễn trường của những vấn đề cách mạng và kháng chiến, của cải cách điền địa, của hợp tác xã hóa, của cải tạo công thương v.v.., nhân vật trung tâm của cả nền văn học thì, như ai nấy quan tâm đến văn chương nước nhà đều biết, không ngoài công – nông – binh.

     Hiện tại, sự phát triển mạnh mẽ của đời sống xã hội đã và đang đặt những tiền đề cực tốt để có sự phát triển mạnh mẽ của văn chương về đô thị. Nhưng điều đó, tiếc thay, lại diễn ra khá yếu ớt. Các nhà văn sống ở nông thôn thường chỉ viết về nông thôn (đương nhiên), mà nếu có viết về đô thị thì họ cũng chỉ viết đến chuyện cái làng đã hóa phố của mình, với tâm trạng vừa buồn bã vừa bức xúc trước một lộn xộn đáng ghét đang lấn át một yên bình ngàn năm yêu dấu. Còn các nhà văn sống ở đô thị - chiếm số lượng áp đảo – lại thường có hứng thú viết về nông thôn và về người nông dân, như một quán tính. (Có lẽ điều mà Hoài Thanh nói từ hơn sáu mươi năm trước đến nay vẫn cứ đúng: Trong mỗi người Việt Nam chúng ta dường như đều tiềm ẩn một người nhà quê). Vấn đề còn được quan tâm tới mức trong mấy năm gần đây thậm chí đã có vài ba cuộc hội thảo do hội nhà văn Việt Nam tổ chức, với nội dung là làm sao để có thể viết về đề tài tam nông - nông thôn, nông nghiệp, nông dân – cho trúng và cho hay. Nói như vậy không có nghĩa rằng không có những nhà văn sống ở đô thị hướng cái nhìn của mình vào đô thị. Tuy vậy ở đây cần nhận diện một vài điều khá tế nhị. Thứ nhất, phần lớn những cái nhìn ấy xuất phát từ hệ quy chiếu nông thôn. Nó rọi vào đô thị từ bên ngoài và làm bật lên ở đô thị, không gì khác, những đường nét của cái dị kỷ. (Hãy nhớ tới truyện ngắn nổi tiếng “Khách ở quê ra” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Qua cái nhìn của nhân vật lão Khúng, một người nông dân xứ Nghệ “thứ thiệt”, thì dân Hà Nội thật kỳ lạ: Toàn là những người bủng beo trắng nhợt, ở thì cứ nhất loạt chui vào những căn hộ tập thể chật chội ngột ngạt như cái bao diêm!). Thứ hai, đô thị thường không được quan sát, nhận thức và mô tả trong tính toàn vẹn của nó, mà nó bị chia cắt thành những không gian khá nhỏ hẹp: trường học, cơ quan, công ty, khu phố, thậm chí chỉ là một gia đình. Trong những không gian ấy, các nhân vật văn học hiện lên với rất đậm tính chất chức năng: thủ trưởng, nhân viên, người công chức, ông thầy giáo, bà tổ trưởng dân phố, chị tiểu thương v.v… nhưng lại rất nhạt tính chất đặc trưng địa – xã hội. Nói cách khác, rất nhạt những tính chất đặc trưng của người thị dân. Nói cách khác nữa, cái tâm thế đô thị của phần lớn các nhà văn sống ở đô thị và viết về đô thị trong văn học Việt Nam nhiều năm qua, là không hề mạnh. Tại sao lại như vậy? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng nếu buộc phải trả lời, người viết xin được mạnh dạn – thậm chí phải nói là liều lĩnh – đưa ra ý kiến cá nhân như sau: Khi mà các nhà văn vẫn còn đang phải vất vả vật lộn với đô thị - vật lộn để được bằng nó và để trở thành một phần hữu cơ của nó – thì thật khó để mà có những trang viết  “đích đáng” về nó. Không phải cứ hễ sống ở đô thị là ngay lập tức trở thành thị dân. Để trở thành thị dân, đó là cả một quá trình tập nhiễm lâu dài, về mọi mặt. Nếu chúng ta tin rằng nhân vật anh Giang Minh Sài trong tiểu thuyết “Thời xa vắng” là một bản sao ít nhiều chính xác so với bản chính là nhà văn Lê Lựu, thì đây quả đúng là trường hợp điển hình về một người sống ở đô thị mà vẫn không thôi là nông dân, vẫn không sao trở thành thị dân. Ở Hà Nội, làm cán bộ cơ quan nhà nước đàng hoàng, nhưng Sài vẫn giữ thói quen hút thuốc lào sòng sọc và phì bã thuốc lung tung ra nhà, ngồi xa lông thì thượng cả hai chân lên ghế, ăn xong là xỉa răng tanh tách, thậm chí không từ cả việc cho tay vào miệng móc thức ăn giắt trong kẽ răng. Môi trường sống quen thuộc với Sài, ấy chính là nông thôn, là sống cuộc sống của một nông dân. Vậy nên khi kết cuốn tiểu thuyết, Lê Lựu để cho nhân vật của mình về quê, âu cũng là điều hợp logic. Một ví dụ khác: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với những truyện ngắn nổi như cồn vào quãng cuối 1980 đầu 1990. Nguyễn Huy Thiệp viết truyện khi ông đã là công dân Hà Nội, nhưng những tác phẩm thành công nhất của ông thì, hoặc là truyện về miền núi, hoặc là truyện về nông thôn, hoặc là truyện “giả lịch sử”. Không có truyện về đô thị. Với nông thôn, dường như Nguyễn Huy Thiệp quá am tường, và ông đã rút được từ đó những bài học đắt giá (Những bài học nông thôn). Còn với đô thị, nhà văn có lẽ chỉ nhận thức được nó qua những ảnh xạ, những sự thêu dệt, những câu chuyện được kể lại theo kiểu những huyền thoại mà thôi (Huyền thoại phố phường)? Trong khi đó, gần như cùng thời với Lê Lựu và Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta lại chẳng đã từng chứng kiến một Ma Văn Kháng vốn rất chắc tay với văn xuôi về miền núi, “đùng một cái” tung ra tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” đậm đặc chất Hà Nội, viết về một gia đình trí thức khả kính ở Hà Nội đang dần rạn nứt trước những biến chuyển của thời cuộc, và viết với sự am hiểu đến đáy của người trong cuộc. Hay một Bảo Ninh, dù không định viết về đô thị, nhưng trong những trang viết khét mùi khói súng của ông, ta vẫn đọc được một “Khắc dấu mạn thuyền” hay một “Hà Nội lúc không giờ”, văn chương lọc lõi, viết về Hà Nội đầy chất thơ, đẹp đến mức bất chấp mọi cơn tao loạn do chiến tranh và của chiến tranh. Lấy mấy ví dụ trên, người viết xin lưu ý một sự thực hiển nhiên: Mặc kệ cái bút danh Ma Văn Kháng nghe cứ như tên của một người H’mong hay một người Dao nào đó, mặc kệ cái bút danh Bảo Ninh được lấy từ tên một vùng quê nghèo ở tỉnh Quảng Bình chang chang cồn cát, hai nhà văn này vốn đích thực là những người được sinh ra trên đất Hà Nội, trải tuổi thơ của mình ở Hà Nội. Họ thân thuộc Hà Nội, thân thuộc với đời sống, thân thuộc với cách cảm cách nghĩ của người Hà Nội. Họ là những thị dân đúng nghĩa. Và điều đó, có thể khẳng định, chính là một trong những yếu tố khiến họ thành công khi viết về đô – thị - Hà Nội.   

     Nếu buộc phải lấy ví dụ cho một vài trường hợp viết về đô thị gây được ấn tượng trong văn xuôi đương đại – theo cái nghĩa đô thị đúng là đô thị, với những vấn đề thực sự của đô thị, với tâm thế sống đô thị và với những chân dung người thị dân sắc nét – người viết bài này nghĩ đến mấy tác giả: Hồ Anh Thái (với tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày,  các tiểu thuyết Mười lẻ một đêm, SBC là săn bắt chuột, Những đứa con rải rác trên đường v.v…) Nguyễn Việt Hà (với tập truyện ngắn Của rơi, các tiểu thuyết Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người, và tạp văn Con giai phố cổ, Đàn bà uống rượu) và Đỗ Phấn (với các tiểu thuyết Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối, Gần như là sống, Con mắt rỗng, Vết gió, Rong rêu miền ký ức). Các tác giả này viết về đô thị với cái nhìn từ bên trong. Hình ảnh đô thị và chân dung người thị dân đương đại trong những tác phẩm của họ không phải bao giờ cũng đẹp, thường xấu là đằng khác, nhưng không thể phủ nhận rằng bao giờ những cái viết ấy cũng thể hiện một sự thân thuộc đô thị, bao giờ cũng đau đáu một tâm thế thị dân. Một điểm chung nữa: Nếu họ bộc lộ một sự phản ứng tiêu cực trước đối tượng của mình, thì đó là sự phản ứng của người “thị dân cũ” – con người của nền nếp gia phong, của chế độ giáo dục nghiêm cẩn, của sự ngăn nắp trong lối sống và sự tinh tế nhạy cảm trong tâm hồn - trước những “thị dân mới”, trước đô thị hiện tại, cụ thể là trước tất cả những gì đại diện cho cái tạp nham, bát nháo, xô bồ, hãnh tiến và phản văn hóa mà nó đang bày ra. Điều này khiến cho ta không thể không liên hệ tới “Lời bộc bạch của một thị dân”, tác phẩm tiểu thuyết – tự truyện nổi tiếng của nhà văn nổi tiếng người Hungary Marai Sandor: Là một thị dân, song phản ứng của Marai Sandor trước cái thực tại đô thị mà ông đang sống lại là phản ứng được “dẫn nguồn” từ hệ giá trị đời sống của giai cấp quý tộc thuộc đế chế Áo – Hung vừa vỡ ra trước đó.

     Văn chương hay hay dở vốn không nệ đề tài. Vẫn biết thế. Nhưng đề tài hấp dẫn thì bao giờ cũng là điều kiện quá tốt để có thể có tác phẩm hay, hoặc ít nhất là tác phẩm đáng đọc. Đô thị, thị dân, đó thực sự là một đề tài không kém phần hấp dẫn hơn so với đề tài nông thôn, nông dân, tuy nhiên kết quả mà nền văn chương đương đại của chúng ta có được từ đó lại tỏ ra chưa tương xứng, cả về lượng và chất. Theo tôi, đây là một vấn đề đáng quan tâm, và nó cần phải được cả giới văn học tìm hiểu, thảo luận cụ thể hơn nữa để tiến tới những nhận thức thấu đáo hơn. Trên đây, xin chỉ xem như là một vài suy nghĩ ghi vội mà thôi.

Nguồn Văn nghệ số 10/2019


Có thể bạn quan tâm