April 17, 2024, 3:59 am

Ngày Thơ Việt Nam - Bữa tiệc của tâm hồn

 

Vậy là, kể từ ngày rằm tháng giêng năm Quý Mùi (2003) đến nay, 17 ngày thơ Việt Nam đã được diễn  ra. Ngày thơ thực sự trở thành ngày hội mỗi dịp tết đến xuân về của người Việt, nó đã tạo ra một mỹ tục mới, một sinh hoạt văn hoá tao nhã của nhân dân. Bằng sự tâm huyết của Hội Nhà văn Việt Nam, sau mỗi năm Ngày thơ lại được tổ chức với quy mô lớn hơn, đặc sắc hơn và thực sự trở thành ngày được mong chờ của những người yêu thơ.

Trống hội trong lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII

Ngày thơ Việt Nam năm nay tại Hà Nội đã có chút thay đổi về thời gian tổ chức, nếu như mọi năm luôn tổ chức đúng ngày rằm thì năm nay được tổ chức vào ngày 13 âm lịch, tức ngày 17/2 là ngày đã nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Cách đây đúng 40 năm, hàng vạn quân Trung Quốc đã tràn qua biên giới xâm chiếm nước nước ta, gây ra cảnh đổ máu tang thương cho người dân Việt Nam. Đã có biết bao người lính Việt Nam đã ngã xuống để đánh trả quân xâm lược. Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vào đúng ngày này cũng là để tưởng nhớ những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập cho tổ quốc. Từ sáng sớm, dòng người đổ về Văn miếu Quốc tử giám mỗi lúc một đông. Một không khí lễ hội thật náo nhiệt và rực rỡ sắc màu từ bên ngoài cổng Văn miếu đến tận sân Thái học. Thảm đỏ, cờ hoa đèn lồng như để đón rước lòng người náo nức. Xung quanh Giếng Thiên Quang Tỉnh là những tấm panô in ảnh, tiểu sử, thơ của gần 40 nhà thơ, phần lớn các bài thơ đều mang một nội dung nói về chủ quyền biên giới và biển đảo. Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17 càng trở nên đặc biệt hơn khi được tổ chức đúng vào dịp diễn ra Hội nghị Quảng bá Văn học lần thứ IV và Liên hoan Thơ Quốc tế lần thứ III. Chính vì vậy mà trong Ngày thơ  này còn có sự xuất hiện của gần 200 đại biểu quốc tế đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ là những nhà văn nhà thơ dịch giả, nhà lý luận phê bình tiêu biểu của các quốc gia. Trong đó có những nhà thơ nổi mà danh tiếng đã được cả thế giới biết đến như nhà thơ Fernando Rendon người Cô lôm bi a, Phó Tổng thư kí Hội Nhà văn Á Phi, người đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của thơ trên toàn thế giới bằng chính tài năng của mình và tổ chức các hoạt động thơ ca có uy tín.

Trong bài diễn văn khái mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu quốc tế đã có mặt tại Việt Nam và ham dự ngày thơ này. Đây là một niềm vui, niềm hạnh phúc và là vinh dự to lớn đối với Hội Nhà văn Việt Nam cũng như tất cả những người yêu thơ Việt Nam. Các nhà văn nhà thơ quốc tế là những vị khách quý và chính là những vị sứ giả của văn hóa, sứ giả hòa bình. Sự có mặt của họ là sự củng cố to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo về tổ quốc của nhân dân Việt Nam ngày hôm nay. Tôn vinh thơ ca cũng có nghĩa là tôn vinh đất nước, tôn vinh văn hóa, tôn vinh con người Việt Nam. Đây cũng là dịp các nhà thơ quốc tế mở lòng và giao hòa với nhau để hiểu hơn về các quốc gia các dân tộc và đặc biệt là đất nước và con người Việt Nam.

Với chủ đề cả Ngày thơ năm nay là Sông núi trên vai, các nhà thơ muốn gửi thông điệp đến với toàn thể nhân dân Việt Nam rằng, các nhà thơ luôn đặt lợi ích của tổ quốc, của dân tộc lên trên hết. Tổ quốc và nhân dân Việt Nam luôn là cảm hứng sáng tạo, niềm say đắm, tinh yêu, sự thăng hoa để cho các nhà thơ sáng tạo ra những đứa con tinh thần của mình. Sau lời tuyên bố khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17 của nhà thơ Hữu Thỉnh, một giọng đọc hào sảng đã vang lên với nội dung bài thơ Nam quốc sơn hà, của Lý thường Kiệt, một tướng quân đã làm sau khi đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta cách đây 950 năm trước. Đất Việt đã trải qua quá nhiều đau thương, quá nhiều nước mắt, và ngay cả thời điểm hiện tại cũng đang phải trải qua nhiều mất mát, nhiều sự bất ổn và cả những biến động về giá trị trong cuộc sống. Nhưng tại ngày thơ, phẩm chất của người Việt, tình yêu với dân tộc đã được hiển lộ một cách rõ nét. Biên cương là máu thịt. Biển đảo là máu thịt. Người Việt là máu thịt. Ông cha ta đã đổ xương máu ra bảo vệ; chúng ta, thế hệ hậu sinh phải có trách nhiệm gìn giữ từng tấc đất, hải đảo, gìn giữ khí phách của cha ông, bản lĩnh của dân tộc. Nếu đánh mất những cái đó chúng ta sẽ trở thành những kẻ lờ nhờ đáng thương và tội nghiệp. Tính toán hay cân nhắc nhưng mình vẫn phải là mình, vẫn phải mang hồn vía cha ông mình, dân tộc mình. Chúng ta không thể cứ nói mà không thể không làm.

Ngày thơ đã khiến cho người ta cảm nhận được sự chân thành của các tác giả qua tác phẩm của mình, với đồng bào, với tổ quốc. Sự chân thành đó có thể có trong một phút, một giờ hay một đời nhưng nó đều bắt nguồn từ sự nhân văn, cái đẹp. Hãy đi tận cùng với sáng tạo, hãy đi tận cùng với cốt cách và những sự tốt đẹp, tận cùng với hồn vía cha ông ta sẽ gặp con người theo đúng nghĩa và ta sẽ gặp dân tộc mình. Thơ ca nói riêng, nghệ thuật nói chung có tiếng nói, lý lẽ riêng, nó hàm chứa nhân tình và sức sống của thời đại. Thơ ca có thể giống như một thứ gia vị làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn nhưng nó không phải là một cuộc chơi của những người cầm bút. Nó là văn hóa, tính cách dân tộc, là bản ngã của mỗi cá thể. Các nhà thơ Việt Nam: Anh Ngọc, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Sĩ Sáu, Hữu Việt, Nguyễn Bảo Chân, Nguyễn Ngọc Phú... đã lần lượt lên đọc các tác phẩm của mình. Phần lớn trong số các bài thơ được trình diễn đó nói về những người lính nơi biên cương hải đảo đã hy sinh thân mình vì độc lập tự do của tổ quốc. Về phía khách Quốc tế có các nhà thơ đến từ các nước Cô lôm bia a, Na uy, Hunggary, Nga, Thái Lan, Ca mơ run, Hàn Quốc, Ấn độ, Mỹ... Trước khi đọc thơ, nhà thơ Fernando Rendon đến từ Cô lôm bi a, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đến với nhân dân Việt Na có một tình yêu thơ thật đặc biệt, ông cảm phục và cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam đã đứng ra tổ chức những sự kiện về thơ ca mang tầm cỡ quốc tế và có ý nghĩa to lớn như vậy. Ông khẳng định liên hoan Thơ quốc tế được tổ chức ở Việt Nam hiện đang là hoạt động thơ ca lớn nhất mà Hội Nhà văn Á-Phi đang ủng hộ. Ông cũng như Hội Nhà văn Á-Phi sẽ bằng mọi nỗ lực để làm cho Hà Nội, thủ đô của Việt Nam sẽ trở thành trái tim, thủ đô của phong trào thi ca thế giới. Ông cho rằng thi ca chính là ngôn ngữ tâm linh của con người nó kết nối các tâm hồn trên toàn thế giới này với nhau. Và, thi ca đang trở thành ngôn ngữ đặc biệt để chống lại cường quyền, bất công, chiến tranh. Thi ca chính là ngôn ngữ của hòa bình, ngôn ngữ làm nên những giá trị nhan văn tuyệt vời nhất.

Các nhà thơ quốc tế tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII

Dẫu biết rằng thơ ca không chờ đợi mỗi năm một lần để được tôn vinh, hay nhằm kêu lên một lời nhắc nhở: “Hỡi con người hãy yêu thơ đi, để kiến tạo một móng nhà vững chắc cho con cháu”, thơ vẫn đang hàng ngày cất tiếng mong manh cho dù cuộc sống đầy biến động, đầy bon chen, đầy bất trắc lấn át và người yêu thơ bị xem như những kẻ lạc thời… Tuy nhiên thơ ca vẫn cất tiếng bên cạnh những niềm vui nỗi buồn, đau khổ, hạnh phúc của con người. Ngôn ngữ của thơ ca đã phá vỡ khoảng cách, đem những trái tim yêu thương xích lại gần với nhau. Như Nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng nói: “Thơ là bữa tiệc của tâm hồn, nó thể hiện sự rung động say đắm, yêu thương, đau khổ, nghĩa là mọi cung bậc tình cảm, tâm trạng của nhà thơ. Cầm thơ lên cái tôi chờ đợi là một đặc sản tâm hồn. Mất điều này thì thơ không còn là thơ nữa. Bởi vậy thơ vượt qua mọi biên giới, nhanh chóng tìm đến mẫu số chung của mọi người, nó mau chóng vượt ra khỏi số phận của một cá nhân để bắt gặp những vấn đề chung của mọi người” Trong Ngày thơ Việt Nam, công chúng yêu thơ không chỉ đến để nghe thơ mà có thể gặp gỡ giao lưu với các nhà thơ. Còn  các nhà thơ thì cũng chẳng mấy khi có dịp để gặp mặt các đồng nghiệp một cách đông đủ đến như vậy.

Tại sân thơ trẻ với chủ đề: Mở đường bay phía trước, cũng đã thu hút được nhiều công chúng yêu thơ và của các đại biểu quốc tế. Tại sân thơ này không chỉ khác biệt về phong cách trình diễn, ta còn thấy toát lên một sinh khí mới. Tác phẩm của cá tác giả trẻ đã mang một giọng điệu, ngôn ngữ của thời đại, vẫn thể hiện rõ nét và đầy đủ về một trách nhiệm công dân đối với dân tộc, một giá trị nhân văn của thời đại mới đang tiếp bước trên con đường rộng mở phía trước. Tại đây các nhà thơ quốc tế cũng đã hứng thú hòa mình cùng đọc thơ với các tác giả trẻ.

Sân thơ Trẻ trong Ngày Thơ

Như thường lệ, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17 khép lại bằng nghi thức thả thơ trong tràng vỗ tay và trong cả sự tiếc nuối của công chúng khi dõi theo những quả bóng bay mang thơ bay lên trời cao và đi bốn phương, với nhiều hy vọng. Tất cả chúng ta đều hy vọng.

Ngày 18/2/2019, các đại biểu quốc tế sẽ tiếp tục hành trình đến với vùng đất di sản thiên nhiên của Việt Nam là Quảng Ninh, sau đó là mảnh đất nhiều di sản văn hóa Bắc Giang, ở đó họ sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động văn học trong chuỗi chương trình của Hội nghị quảng bá văn học, Liên hoan Thơ quốc tế, Ngày thơ Việt Nam.

Lâm Lâm

Ảnh Hữu Đố

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm