April 19, 2024, 7:09 am

Chìa khóa mở ra cánh cửa hòa bình

Khai mạc Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ III

Sáng ngày 16/2/2019, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ III. Tham dự sự kiện này có gần 200 đại biểu đến từ 46 quốc gia, họ là những nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, các biên tập viên của các tạp chí văn học và nhà xuất bản. Nhiều người trong số đại biểu quốc tế là những cây bút tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền văn học quốc gia của họ cũng như sự phát triển văn học của nhân loại.
Khai mạc hội nghị

Tới dự buổi lễ, về phía lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, có ông Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Trưởng Ban tư tưởng Văn hóa  Trung ương, ông Hà Đăng, Nguyên Ủy viên Trung ương đảng, Nguyên Trưởng Ban tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam, cùng đông đảo các nhà văn nhà thơ, các cơ quan thông tấn báo chí.

Mở đầu buổi lễ là chương trình nghệ thuật chào mừng, phần nào giúp các đại biểu quốc tế biết thêm về văn hóa, con người Việt Nam qua các tiết mục biểu diễn của các ca sĩ các nghệ sĩ múa, nhạc công....

Trong diễn văn khai mạc cho hai sự kiện quốc tế quan trọng này, nhà thơ Hữu Thỉnh, Thay mặt cho Ban Tổ chức và Đoàn Chủ tịch Họi nghị đã có lời trân trọng chào mừng và cảm ơn các vị lãnh đạo đảng và nhà nước đã tới dự, và đặc biệt hơn cả là sự có mặt của các nhà văn, nhà thơ quốc tế đã đến Việt Nam và tham dự sự kiện đặc biệt này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong thế kỷ trước nhiều nhà văn nhà thơ trên thế giới đã có nhiều sáng kiến, bằng nhiều hình thức sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ tổ quốc, có nhiều người đã bị cầm tù, thậm chí hy sinh vì những hành động cao cả đó. Cuộc đời của những con người như thế là tấm gương mẫu mực về văn chương cũng như tinh thần hữu nghị. Hội nghị lần này, có nhiều các nhà văn trẻ của thế giới lần đầu có mặt tại Việt Nam, chứnh tỏ tình hữu nghị luôn tìm ra nhiều phương thức để rút ngắn mọi khoảng cách.

Gần 20 năm qua kể từ Hội nghị quảng bá văn học việt Nam lần thứ I đã có nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch và giới thiệu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trên các tạp chí văn học lớn của nhiều quốc gia đã có những chuyên đề đặc biệt về Văn học Việt Nam, thêm nhiều giáo trình về văn học Việt Nam được giảng dạy trong các trường đại học. Đó có thể xem là những thành công ban đầu của hoạt động quảng bá văn học Việt Nam trong thế kỷ XXI này…

Theo đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh, cũng là ý kiens của giới chuyên môn, thì chưa bao giờ các tác phẩm điện ảnh và văn học nước ngoài được đón nhận cởi mở và rộng rãi, nồng nhiệt ở Việt Nam như thời gian vừa rồi. Điều đó vô tình đã dẫn đến tình trạng nhập siêu văn hóa kéo dài và mạnh mẽ trong một thời gian dài. Hội nghị quảng bá Văn học và Liên hoan Thơ quốc tế lần này là sự kế thừa thành công của những lần trước đó, đồng thời cũng chính là việc làm góp phần lấy lại sự hài hòa trong cán cân phát triển văn hóa đó. Bên cạnh đó, để phục vụ cho mục tiêu này, Hội nhà Văn Việt Nam đã và đang khởi động nhiều dự án để đưa văn hoạc Việt Nam đến với thế giới rộng rãi hơn nữa. Nhân 2 sự kiện văn học hôm nay, hội Nhà văn Việt Nam cũng đã cho xuất bản 4 ấn phẩm in song nghữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh bao gồm: Khái quát mười thế kỷ Văn học Việt Nam, tuyển thơ Sông núi trên vai, tuyển truyện ngắn Một loài chim trên sóng, chuyên đề Nhà văn và tác phẩm. Với các tác phẩm này và sự tham gia của các nhà văn quốc tế trong 2 sự kiện văn học quan trọng sẽ là cầu nối góp phần đưa tác phẩm văn học Việt Nam đến với nhân dân ở đất nước họ.

Phát biểu tại buổi lễ nhà thơ Fernando Rendon đến trừ  Cô lôm bia đã đề cao những giá trị văn hóa tinh thần cũng như ý chí của con người Việt Nam. Với những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của mình ở thế kỷ trước, Việt Nam đã trở thành biểu tượng của kháng chiến và hòa bình. Và, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của các nhà văn nhà thơ Việt Nam, đã chiến đấu bằng tài năng, ngòi bút của mình. Ông đã đề cao sáng kiến cũng như sự tạo điều kiện của Hội Nhà văn Việt Nam để các nhà văn nhà thơ quốc tế có mặt tại Hà Nội để tham gia 2 sự kiện văn học quan trọng này để cùng học hỏi và tìm hiểu về văn hóa, văn học Việt nam và nhiều nước khác.

Nhà văn Vadim Terekhin, đồng Chủ tịch Hội nhà văn Nga, nhấn mạnh nền văn học Việt Nam là một trong những nền văn học lâu đời nhất trên thế giới. Ông nhấn mạnh sức mạnh của ngôn ngữ và trách nhiệm lớn lao của các nhà văn. Bởi ngôn ngữ giống như con dao 2 lưỡi nó có thể hủy diệt con người nhưng nó cũng có thể chắp cánh cho tình yêu thương, lòng nhân ái, tôn vinh giá trị nhân văn góp phần tạo nên hòa bình và nó chính là chìa khóa mở ra cánh cửa hòa bình.

Ông Thomas Kane Giám đốc Viện William Joiner, Mỹ, bày tỏ niềm vinh dự khi một lần nữa được dự liên hoan thơ quốc tế tại Việt Nam. Ông đã bày tỏ tình yêu sự kính trọng của mình đối với nhân dân Việt Nam và đặc biệt là các nhà văn Việt Nam. Thời gian qua Viện William Joiner của ông đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đón tiếp các nhà văn Việt Nam đến thăm Mỹ, nhiều hoạt động để góp phần giúp người dân Mỹ hiểu hơn về nền văn hóa, văn học Việt Nam thông qua các buổi hội thảo, in ấn tác phẩm văn học Việt nam. Ông khẳng định Viện William Jonier sẽ bằng nhiều hình thức để tiếp tục đưa văn học Việt Nam nói riêng văn hóa Việt Nam nói chung đến với người dân Mỹ nhiều hơn nữa.

Bà Phiulavanh Luangvanna Phó chủ tịch Hội nhà văn Lào và ông Geetesh Sharma Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ đã dành nhiều tình cảm đối với con người Việt Nam và nền Văn học Việt Nam. Họ tỏ ra là những người rất am hiểu về văn hóa, cũng như văn học việt nam. Nhà văn Lào còn đánh giá nền văn học  Việt Nam không thua kém gì so với các nền văn học lớn khác trên thế giới. Còn Giáo sư Ahn, Kyong-hwan của Đại học Chosun, Hàn Quốc trong tham luận của mình cũng đã đánh giá cao những đóng góp của các nhà thơ Việt Nam trong việc xây dựng nên một chiếc cầu của văn hóa và tình hữu nghị

Một điều đặc biệt là bên cạnh những ý kiến phát biểu bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của dân tộc mình, thì những tham luận của các đại biểu Quốc tế phát biểu trực tiếp bằng tiếng Việt không những tạo nên một sự thích thú cho người nghe, mà đằng sau đó, người ta có thể nhận thấy những lấp lánh của văn hóa và của ngôn ngữ Việt Nam đã và đang góp mặt và cùng tỏa sáng trong lâu đài văn hóa của Thế giới

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Buổi Lễ khai mạc của chuỗi sự kiện văn học đầu xuân 2019 đã diễn ra trong không khí đoàn kết hữu nghị đầy yêu thương của những con người vốn mang một tâm hồn nhân văn, một trái tim đa cảm. Họ đến với nhau để cùng trao đổi học hỏi và góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của văn học thế giới cũng là góp tiếng nói tạo nên giá trị của hòa bình cho nhân loại.

Buổi chiều cùng ngày các đại biểu sẽ tham dự Buổi Hội thảo về truyện ngắn Việt Nam và Giao lưu với sinh viên trường Đại học Văn hóa và sinh viên trường đại học Sư Phạm. Sau đó các đại biểu sẽ được chiêu đãi một chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tinh hoa Bắc bộ” tại Chùa Thầy tại xã Sài Sơn huyện Quốc Oai, Hà Nội.

PV

(Ảnh Hữu Đố)


Có thể bạn quan tâm