April 20, 2024, 2:56 am

Bắt “công chúa” của Hoa Vi: cả chính trường lẫn thị trường đều rúng động

 

Chỉ trong vài giờ, chừng 30 triệu tin nhắn trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã đề cập đến vụ bắt giữ bà Mạnh, ái nữ của ông Nhậm, người sáng lập ra Tập đoàn Huawei (Hoa Vi). Hiện Bắc Kinh đang yêu cầu Canada trả tự do ngay cho công dân của họ, nhưng Hoa Kỳ thì lại yêu cầu phải dẫn độ bà này sang Mỹ. Chính phủ Trung Quốc gọi vụ bắt giữ này là “vi phạm nhân quyền”. Vụ việc xảy ra gần như đồng thời với ngày tuyên bố “hưu chiến”, theo đó, Tổng thống Donald Trump đồng ý để Trung Quốc xem lại cách thức tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu của họ, bắt đầu từ 1/1/2019.

 

Canada vừa bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu,  Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) đại công ty Huawei, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, đã làm rúng động Trung Quốc ngày 6/12/2018. Ảnh Internet.

Tin “nóng” Canada vừa bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu (hoặc Vãn Châu?), Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) đại công ty Huawei, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, đã làm rúng động Trung Quốc ngày 6/12/2018. Sinh năm 1972, Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) hiện là giám đốc tài chính của Huawei, công ty công nghệ hàng đầu ở Trung Quốc đóng tại Thâm Quyến, Quảng Đông. Cha bà là Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), từ rất lâu đã làm việc trong ngành công nghệ quốc phòng. Một số nguồn tin cho rằng tài sản của ông Nhậm vào khoảng 3,5 tỷ USD. Ông Nhậm đã tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Anh Quốc cuối 2015 và được các báo Hong Kong cho là “người thường xuyên ra vào chốn cung đình” ở Bắc Kinh. Bà Mạnh Vãn Chu đã lấy họ mẹ một thời gian trước đây, khi cha mình kết hôn lần hai. Theo truyền thông quốc tế, nhiều con cháu các nhân vật có thế lực ở Trung Quốc khi đi kinh doanh hoặc xuất ngoại đã dùng họ mẹ để giữ sự kín đáo.

Rúng động thị trường

Tin CEO Mạnh Vãn Chu từ đại công ty công nghệ Huawei Technologies Co Ltd. bị bắt đã làm cổ phiếu của Huawei bị sụt giảm ngay lập tức, nhất là khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục là vấn đề lớn cho Bắc Kinh. Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu xảy ra khi Mỹ đang đưa một số vụ kiện nhằm vào công ty công nghệ Trung Quốc, với những cáo buộc như trộm cắp an ninh mạng và vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran. Đầu năm nay, hãng đã cấm các công ty Hoa Kỳ xuất khẩu sang công ty viễn thông ZTE của Trung Quốc, vì vi phạm lệnh trừng phạt của Iran. Hoa Kỳ sau đó đã thay thế lệnh cấm bằng cách phạt tiền và yêu cầu thay đổi cơ chế quản lý. Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin từng nói Hoa Kỳ sẽ "làm mạnh tay" với bất cứ công ty nào "trốn tránh lệnh cấm vận" với Iran. New Zealand hiện đã ngăn chặn Huawei cung cấp thiết bị 5G cho một mạng di động trong nước. Tại Anh, thiết bị hỗ trợ mạng 2G, 3G và 4G của Huawei vẫn được các công ty mạng điện thoại sử dụng nhưng BT (British Telecom) gần đây nói họ sẽ không dùng Huawei cho mạng 5G.

Hiện Huawei đang là hãng smartphone lớn thứ hai trên thế giới về mặt doanh số, vượt qua cả Apple. Huawei đặt ra mục tiêu sẽ chi ra số tiền 20 tỷ đôla cho nghiên cứu và phát triển trong năm nay, sau khi đã chi ra số tiền 13,8 tỷ đôla (tương đương 15% tổng doanh thu) cho nghiên cứu và phát triển trong năm 2017. Điều này cho thấy tham vọng của Huawei trong việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới. Huawei có tham vọng lớn trong nhiều lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo (AI), cho tới sản xuất con chip, và thiết bị không dây thế hệ thứ 5 (5G). Những bước tiến mạnh của Huawei trong lĩnh vực liên lạc di động tương lai đã khiến Mỹ lo ngại và trở thành một lý do cho những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc về công nghệ. Huawei có 180.000 nhân viên trên toàn cầu và doanh thu đạt 47,4 tỷ đôla trong nửa đầu năm 2018, dự kiến đạt doanh thu 92 tỷ đôla trong năm nay. Huawei, một trong những tập đoàn cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới. Các sản phẩm của Huawei gây lo ngại có thể hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Các vai trò từng trải qua của Mạnh Vãn Chu là trong mảng ngân hàng, quản lý vốn và kế toán. Vào năm 2003, bà Mạnh đã thành lập tổ chức tài chính thống nhất toàn cầu của Huawei với những cấu trúc chuẩn, những quy trình, hệ thống tài chính và những nền tảng công nghệ thông tin. Từ năm 2005, bà Mạnh đã đảm nhận vai trò điều hành việc thành lập năm trung tâm dịch vụ trên toàn cầu, bà cũng là người đã hoàn thành trung tâm thanh toán toàn cầu đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Những trung tâm này đã trở thành động lực thúc đẩy hiệu quả của việc kế toán và quản lí chất lượng, góp phần mở rộng hệ thống kế toán để có thể đáp ứng đủ với tốc độ phát triển và mở rộng của Huawei trên thị trường toàn cầu. Từ năm 2005, bà Mạnh đã đóng vai trò lãnh đạo trong việc thành lập 5 trung tâm dịch vụ được chia sẻ trên khắp thế giới. Các trung tâm này đã giúp nâng cao hiệu quả kế toán và giám sát chất lượng của Huawei, góp phần mở rộng nhanh chóng quy mô hoạt động của Huawei ở nước ngoài. Từ năm 2007, bà Mạnh đã phụ trách Chương trình Chuyển đổi Dịch vụ tài chính tích hợp trong một dự án chung tám năm với IBM để giúp Huawei phát triển hệ thống dữ liệu và quy tắc phân bổ nguồn lực, cải thiện hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa quá trình kiểm soát nội bộ.

Rúng động chính trường

Điều đáng chú ý hơn là bà Mạnh Vãn Chu bị bắt đúng vào ngày diễn ra cuộc hội đàm Trump—Tập tại Argentina (1/12/2018). Việc bà Mạnh bị bắt rất có thể liên quan đến các hoạt động gián điệp mà Mỹ đang mở chiến dịch truy quét. Chiến dịch này đã được đích thân Trump phát động cách đây hàng tháng trời nhưng đến nay mới diễn ra có thể do Trump đã chọn “thời điểm vàng”, tức Trump muốn thử thách khả năng “ngậm bồ hòn” của ông Tập Cận Bình đến mức nào. Nếu Tập đáp trả cứng rắn thì trúng kế Trump, nếu “nuốt bồ hòn làm ngọt” thì Trump sẽ lấn tới cùng với việc Tập sẽ bị trong nước coi thường. Xem ra, Trump vẫn là cao thủ võ lâm không dễ đối phó như hồi đầu Trung Quốc tưởng nhầm, gọi ông là “Trump trọc phú”. Liên quan đến thoả hiệp trước đó giữa Trung Quốc và Mỹ bên lề Thượng đỉnh G20, được Le Fiagaro đặt câu hỏi, chuyên gia Pháp François Godement phân tích: Mặt trận của Mỹ rất rộng, gồm nhiều lĩnh vực. Tất cả những yêu sách kinh tế này tổng hợp lại chẳng khác nào đòi Trung Quốc thay đổi chế độ chính trị. Đây là lần đầu tiên từ năm 1972 (Nixon đi Trung Quốc), một trang sử mới đang mở ra trong quan hệ song phương Mỹ-Trung. Trung Quốc muốn Mỹ công nhận là đối tác chiến lược ngang hàng nhưng Washington từ chối. Điểm đặc biệt của Donald Trump là ông đưa vào phương trình thông số « bất trắc » và báo trước « tôi là một kẻ khó lường ». Sự kiện này là điều mới mẻ đối với ban lãnh đạo Trung Quốc. Donald Trump đoạt thế thượng phong của Trung Quốc, vốn tự hào con cháu Tôn Tử, với binh pháp « thiên biến vạn hóa » trong chính sách đối ngoại.

Đối với ban lãnh đạo Bắc Kinh, đây là lần đầu tiên họ đương đầu với một đối thủ lợi hại có cùng chiến thuật như họ. Trung Quốc nỗ lực “cài cắm” ảnh hưởng tại Washington nhưng họ nhận thấy guồng máy chính trị thượng tầng không mấy liên hệ đến Trump. Chủ nhân Nhà Trắng liên tiếp có những tuyên bố trái ngược nhau, lúc thì nói sắp đạt thỏa thuận, sau đó bảo là có bất đồng, cần gây thêm sức ép… Tại G20, Mỹ - Trung tuyên bố hưu chiến nhưng Donald Trump đã làm cho Trung Quốc rơi vào mê hồn trận, không biết lối ra, định nhờ cậy vào các đối tác khác nhất là Liên minh châu Âu, nhưng chuyện không tránh khỏi là Tập Cận Bình phải nhượng bộ Donald Trump, ít ra là về hình thức.

Khác với tổng thống tiền nhiệm Barack Obama , Donald Trump tạo được một sự « nhất quán giữa từ chính trị cho đến kinh tế và quân sự » tức là từ ban tham mưu ở Nhà Trắng, trưởng đoàn thương thuyết thương mại và Lầu Năm Góc có cùng mục tiêu. Washington có thể rồi sẽ chấp nhận Bắc Kinh là đối tác cạnh tranh chiến lược, nhưng với điều kiện Trung Quốc phải từ bỏ quy chế ưu đãi của « một nước đang phát triển ». Đòi hỏi này, cộng với những yêu sách ghi trong bản thông cáo chung Trump - Tập công bố tối thứ Bảy tuần trước, thì chẳng khác nào đòi Trung Quốc phải thay đổi chế độ, cả kinh kế lẫn chính trị. Theo giám đốc Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), trong một thời gian dài, do áp lực hành lang của giới xuất nhập cảng Mỹ, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ cứ phóng đại là Mỹ lệ thuộc vào Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc cần Mỹ nhiều hơn.

Chưa thể có hồi kết…

Trở lại câu chuyện bắt “công chúa” Hoa Vi, vụ việc có lẽ không còn là câu chuyện tranh chấp thương mại mà đã trở thành vụ án chính trị. Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 6/12 đăng bình luận nhan đề “Mỹ dùng thủ đoạn đàn áp Huawei, cần bình tĩnh đối phó”. Về việc Mỹ yêu cầu Canada bắt và dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, Giáo sư luật học Lưu Đức Lương thuộc Học viện pháp luật, Đại học Bắc Kinh lập luận, việc bắt bà Mạnh đã vi phạm luật pháp quốc tế. Phía Trung Quốc cho rằng việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt ở sân bay Vancouver khi đang quá cảnh Canada là hành động không khác nào thủ đoạn bắt cóc con tin. Theo Đa Chiều, rất đông người sử dụng mạng internet Trung Quốc đã vào trang weibo chính thức của Đại sứ quán Mỹ và Canada tại Trung Quốc bày tỏ phản đối, đòi thả bà Chu và để lại những bình luận với từ ngữ “rất khó nghe” do phẫn nộ trước việc bà bị cảnh sát Canada bắt giữ.

Giáo sư Trương Hồng Lương, một học giả ở Bắc Kinh nói: “Mỹ vì muốn kiềm chế sự phát triển của công nghệ Trung Quốc mà gây họa cho người nhà của công ty Trung Quốc, phá vỡ ranh giới trong quan hệ quốc tế. Chính phủ Mỹ cần nhanh chóng giải thích rõ sự thật của sự kiện, nếu không sẽ gây nên làn sóng chống Mỹ của dân chúng Trung Quốc”. Ông cho rằng vụ việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu chẳng khác nào thủ đoạn gây chiến. Theo ông, mục đích chính của Mỹ nhằm vào Huawei là để đánh phá kế chiến lược “Made in China 2025”, vì Huawei chính là công ty công nghệ Trung Quốc có sức cạnh tranh nhất trên thế giới. Mỹ phá được Huawei sẽ có thể kiềm chế được sự trỗi dậy của các công ty Trung Quốc. Giáo sư Luật Lưu Tuấn Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu luật kinh doanh Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, căn cứ “Miranda Warning” trong Luật tố tụng hình sự Mỹ, bà Chu có quyền giữ im lặng và không cần chứng minh bản thân vô tội.

Theo trang tin Đông Phương (Trung Quốc) Huawei từ lâu đã trở thành mục tiêu triệt hạ của Mỹ. Ngay từ khi bắt đầu nổ ra cuộc chiến tranh thương mại, hai nước Mỹ - Trung ngoài thuế quan còn mở rộng chiến trường sang lĩnh vực công nghệ, tiêu điểm rơi vào đầu Huawei, người khổng lồ về công nghệ Trung Quốc. Mỹ đã nhiều lần nhắm vào các hoạt động của Huawei tại Mỹ. Bao gồm cấm các quan chức chính phủ sử dụng sản phẩm của Huawei. Sau đó, do Mỹ tích cực du thuyết, nhiều nước đồng minh của Mỹ cũng đã lấy lý do an ninh quốc gia để lần lượt từ bỏ thiết bị viễn thông của Huawei. Từng có tin Huawei quyết định rút khỏi thị trường Mỹ, nhưng Huawei từng phủ nhận lời đồn đoán này./.

 

 


Có thể bạn quan tâm