March 29, 2024, 1:13 pm

Cần lắm những “cây cầu” văn học

 

Thời gian qua, tại nhiều quốc gia các liên hoan văn học quốc tế đã được tổ chức thường xuyên, thu hút sự quan tâm của công chúng yêu văn học. Mới đây nhất là Liên hoan văn học Ubud - Ubud Writers & Readers Festival (UWRF) tại Indonexia với sự góp mặt của 160 tác giả khách mời và khoảng 25.000 người tham dự đến từ nhiều quốc gia. Đại diện của Việt nam tham dự liên hoan là nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã chia sẻ những cảm nhận của mình.

* Trở về từ Liên hoan văn học UBUD 2018 (Bali, Indonexia) điều gì khiến chị ấn tượng nhất?

- Đến với Liên hoan, tôi ấn tượng nhất với 72 buổi thảo luận nhóm được tổ chức xuyên suốt trong bốn ngày (từ ngày 25-28/10/2018). Mỗi buổi thảo luận kéo dài 1 tiếng 15 phút, thường xoay quanh chủ đề là những tác phẩm được xuất bản của các tác giả được lựa chọn. Các đề tài của những cuộc thảo luận này vì thế rất đa dạng và bao gồm những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay như di dân, thảm họa môi trường, biến đổi khí hậu, thực phẩm biến đổi gen, mạng xã hội và tác động của nó lên đời sống con người, nạn quấy rối và bạo hành tình dục, tự do trong sáng tác văn chương… Nhiều sự kiện trực tiếp liên quan đến Indonesia bao gồm: sự biến chuyển của đạo Hồi ở Indonesia, những phương án giúp Indonesia đối phó với thảm họa, những vấn đề cấm kỵ trong sáng tác văn học tại Indonesia, cuộc chiến giải cứu rừng ở xứ sở vạn đảo…

Sự tương tác với bạn đọc có lẽ là nhân tố chính quyết định chất lượng và sự sôi nổi của Liên hoan: tất cả các buổi thảo luận được tổ chức theo hình thức hỏi và trả lời (2/3 thời gian các tác giả tham luận trả lời câu hỏi của một nhà văn – người điều hành buổi thảo luận và 1/3 thời gian để trả lời câu hỏi của độc giả có mặt tại buổi thảo luận), vì thế không có chỗ cho các bài phát biểu được chuẩn bị trước, dài lê thê và dễ dẫn đến nhàm chán. Một bất ngờ khác đối với tôi là mạng lưới tình nguyện viên nhiệt huyết mà Liên hoan Ubud đã dày công vun đắp. Hàng năm, hàng trăm tình nguyện viên Indonesia và quốc tế luôn nhiệt tình hỗ trợ các khách mời và độc giả của Liên hoan. Trước ngày đến với Ubud, tôi rất bất ngờ khi nhận được thư của một cô gái quốc tịch Úc - Bridget Thomas. Là một người say đắm văn chương, cô đã sang Bali để tình nguyện hỗ trợ Liên hoan. Trong suốt thời gian ở Ubud, cô đều đặn liên lạc với tôi qua điện thoại, nhắc tôi về lịch làm việc trong ngày, thu xếp xe đưa đón, cũng như đảm bảo các điều kiện để tôi có thể đóng góp tốt nhất cho các sự kiện.

 

* Trong khi không ít người lo ngại về chỗ đứng của văn học trong thời đại mà công nghệ nghe nhìn phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, tại nhiều quốc gia, các liên hoan văn học vẫn được tổ chức thường niên, thu hút sự quan tâm của dư luận?

- Vâng, đúng vậy. Chỉ riêng ở Châu Á, chúng ta có thể nhắc tới: Liên hoan văn học George Town (Malaysia), Liên hoan văn học quốc tế Hong Kong, Liên hoan văn học Singapore, Liên hoan văn học Zee Jaipur (Ấn độ), Liên hoan văn học quốc tế Shanghai (Trung Quốc), Liên hoan văn học Galle (Sri Lanka)… Điều ấy cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nhận thức được tầm quan trọng của các liên hoan văn học quy mô quốc tế để rồi họ sử dụng nó như một công cụ thúc đẩy sự phát triển và giao lưu của văn học nước nhà.

Những Liên hoan văn học nói trên cũng giúp tạo nền tảng quan trọng để đưa văn học trong nước ra với thế giới và cũng giúp kéo bạn đọc quốc tế đến với văn học trong nước: ở Ubud và Jaipur, tôi đã gặp rất nhiều bạn đọc từ khắp nơi trên thế giới đến đó chỉ để tham dự các liên hoan văn học này. Họ đã trải qua những chuyến bay rất dài, từ Úc, Anh, Mỹ.… Một số người đã từng đến đây tham dự Liên hoan nhiều lần. Ở Ubud, tôi đã trò chuyện với cặp vợ chồng người Nam Phi (anh Laurie và chị Freda Barwell). Họ cho tôi biết năm nay là lần thứ 8 họ sang Indonesia chỉ để tham dự Liên hoan văn học Ubud. Theo lời chị Freda: “Đến đây, tôi được lắng nghe các tác giả mà mình yêu thích, cũng như hiểu thêm về các vấn đề chính trị, kinh tế, tôn giáo, văn học của châu Á và cả thế giới.”

 

* Có một sự khác biệt lớn trong việc tổ chức sự kiện văn học quốc tế như liên hoan văn học UBUD vừa qua đó là sự kiện do tổ chức, cá nhân thực hiện và được bán vé?

- Tôi bất ngờ khi Liên hoan văn học Ubud giá vé cao ngất ngưởng (vé vào cửa cho suốt 4 ngày của Liên hoan vào khoảng 930.000 đồng/người (dành cho bạn đọc quốc tịch Indonesia), 3,4 triệu đồng/người (quốc tịch Asean) và 6,25 triệu đồng/người (quốc tịch khác) nhưng vẫn nhiều bạn đọc ủng hộ. Nhiều liên hoan văn học quốc tế khác cũng bán vé. Tôi cho rằng, việc bán vé vào cửa giúp nâng cao chất lượng của các sự kiện văn học: những người tham dự thật sự là những độc giả tâm huyết, và các chi phí bán vé giúp cho sự bền vững của công tác tổ chức. Việc bạn đọc quyết định bỏ tiền ra mua vé phần nào nói lên chất lượng của một sự kiện văn học.

Điều đáng nói là Liên hoan văn học Ubud không chỉ có sự hậu thuẫn của bạn đọc mà còn có sự hậu thuẫn của rất nhiều thành phần trong cộng đồng. Ví dụ như trong nhiều năm qua, Liên hoan văn học Ubud có được sự hậu thuẫn của rất nhiều doanh nghiệp tư nhân: tất cả các tác giả khách mời được ăn ở miễn phí trong các khách sạn sang trọng của Ubud. Gia đình hoàng gia Bali cũng như nhiều nhà hàng hàng đầu của Ubud như Casa Luna, Indus… đã tổ chức những buổi biểu diễn nghệ thuật độc đáo và những bữa ăn tối ấm cúng để những cây bút quốc tế có thể tiếp cận với nền văn hóa đầy bản sắc tại nơi đây. Một khoản chi phí đáng kể khác – tiền vé máy bay của các nhà văn nước ngoài – cũng được rất nhiều các tổ chức nước ngoài đảm nhiệm. Như thường lệ, năm nay Hội đồng Anh ở Indonesia cũng đưa các nhà văn Anh đến tham dự liên hoan, và Đại sứ quán Mỹ tại Indonesia tài trợ sự tham gia của hai nhà văn xứ sở cờ hoa.

 

* Là người có điều kiện tham dự nhiều liên hoan văn học, điều gì chị thấy các nhà văn Việt Nam nên học tập?

- Các liên hoan văn học quốc tế thường sử dụng ngôn ngữ giao tiếp là tiếng Anh. Ở Liên hoan Ubud, tôi đã gặp nhiều tác giả Indonesia sáng tác bằng tiếng Bahasa Indonesia, nhưng tại Liên hoan, họ đã tự tin trình bày và bảo vệ quan điểm sáng tác của mình bằng tiếng Anh. Trong khi ngoại ngữ có lẽ là điểm yếu của hầu hết các tác giả Việt Nam, điều khác biệt mà tôi nhận thấy ở các tác giả Indonesia là họ rất năng động giao lưu với bạn đọc nước ngoài, nhờ vào khả năng ngoại ngữ và kinh nghiệm cọ xát tại các buổi giao lưu văn học quốc tế.

 

* Chị đánh giá “tiếng nói” của văn học Việt Nam xuất hiện tại các liên hoan văn học quốc tế như thế nào?

- Hiện nay, với thành công vang dội của các tác giả gốc Việt như Viet Thanh Nguyen, Kim Thúy, Ocean Vuong, Thi Bui, Thanhha Lai, Monique Truong… các liên hoan văn học quốc tế rất quan tâm đến tiếng nói của văn học Việt Nam. Tuy nhiên, phần đông các câu chuyện viết về Việt Nam đến được với các liên hoan này được viết từ các tác giả sống ở nước ngoài và sáng tác bằng một ngôn ngữ khác chữ không phải là tiếng Việt. Bởi vậy chúng ta cần nhiều hơn tiếng nói của các nhà văn hiện đang sống và viết ở trong nước, tuy nhiên, vì rất ít các tác phẩm trong nước được dịch và in ở nước ngoài, vì thế cơ hội xuất hiện của các tác giả trong nước tại những liên hoan này là không cao.

Một điều tôi nhận thấy qua sự tham gia Liên hoan là sự quan tâm của bạn đọc đối với văn học Việt Nam trong nước. Tại buổi thảo luận cũng như tại các buổi đọc thơ mà tôi tham gia, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi về văn học và các tác giả, tác phẩm đến từ đất nước hình chữ S. Dường như đối với bạn đọc quốc tế, dấu ấn của văn học Việt Nam trong nước vẫn còn khá mờ nhạt và họ mong muốn có cơ hội khám phá.

 

* Từ năm 2010, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam đã được Hội nhà văn tổ chức quy mô. Từ đó đến nay, hai năm một lần, Hội nghị lại được diễn ra với sự tham gia không chỉ các nhà văn trong nước mà còn các nhà văn, dịch giả, NXB ở nước ngoài quan tâm đến văn học Việt Nam. Tuy nhiên một Liên hoan văn học với ý nghĩa là giao lưu các nền văn học của thế giới thì vẫn chưa có. Chị nghĩ gì về điều này?

- Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Hội nhà văn Việt Nam trong việc tổ chức các sự kiện giao lưu văn học quốc tế, bao gồm Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương, Hội thảo văn học Việt-Mỹ…

Tuy nhiên, chúng ta chưa có một Liên hoan văn học quốc tế với tầm vóc, quy mô và chất lượng như kể trên. Trở về từ Ubud, tôi ước ao về một liên hoan văn học quốc tế đúng nghĩa được tổ chức đều đặn trên dải đất hình chữ S. Chúng ta không thiếu những tài năng văn chương và những tác phẩm văn chương độc đáo. Việt Nam không thiếu sự hấp dẫn để kéo các tác giả và bạn đọc quốc tế đến với chúng ta. Việc tổ chức được một Liên hoan văn học quốc tế đúng nghĩa đồng thời vừa giúp quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, vừa đưa thế giới đến với Việt Nam.

 

* Chúng ta mong rằng trong tương lai Việt Nam sẽ tổ chức được những liên hoan văn học quốc tế xứng tầm, là cầu nối hữu hiệu giữa văn học trong nước với các nền văn học khác của thế giới. Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai về cuộc trò chuyện!

 

THÀNH NAM thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 49/2018


Có thể bạn quan tâm