April 24, 2024, 6:37 am

Kỳ vọng giáo dục Việt Nam

Tổ chức xếp hạng Academic Ranking for Academics by Academics (viết tắt là A3 Ranking, thành lập từ tháng 6/2018) vừa công bố bảng xếp hạng Giáo dục đại học năm 2019. Theo đó, Việt Nam được xếp thứ 53 trên 150 quốc gia. Đặc biệt hơn, Việt Nam xếp thứ hạng cao hơn 3 nước mà Việt Nam đã ký hiệp định công nhận văn bằng lẫn nhau là Ukraine (thứ 55), Belarus (thứ 85), Cuba (thứ 106) và hơn cả Philippines (thứ 69).

Như vậy, giáo dục đại học của Việt Nam đã có được vị trí trong tốp 800-1.000 của các tổ chức xếp hạng thế giới và tốp 200-500 của châu Á. Và đây cũng chính là niềm tự hào của giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung của cả nước. Chỉ có điều, kết quả này được công bố trùng với thời điểm Quốc hội bàn thảo về Luật giáo dục (sửa đổi). Do đó, cử tri và người dân cả nước đã kỳ vọng việc sửa đổi Luật sẽ tiếp tục “thăng hạng” cho giáo dục đại học nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.

Thực tế, giáo dục đại học luôn là câu chuyện khiến nhà quản lý, người làm chính sách phải đau đầu. Sự đau đầu không chỉ về sự tụt hậu nói chung (khi nhiều quốc gia trên thế giới không công nhận tương đương bằng cấp với Việt Nam), mà còn là tỷ lệ cử nhân thất nghiệp sau đào tạo luôn ở mức cao và tăng nhanh với tốc độ phi mà theo từng năm, gây áp lực cho an sinh xã hội.

Chính vì lẽ đó, kết quả công bố trên, trong một chừng mực nhất định đã trở thành niềm tin của người dân về những chính sách và chiến lược giáo dục đã được đề ra trong thời gian gần đây. Dẫu vẫn còn có những chệch choạc, có những ì xèo về những thông tư, nghị định của ngành giáo dục làm méo mó môi trường giáo dục

Tinh thần đổi mới giáo dục đã thực sự lan toả trong đời sống xã hội, nên ngay trong phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những mặt mạnh và yếu của giáo dục trong đó có bậc đại học. Đó là tự chủ đại học, là vị trí top đầu của hệ thống giáo dục đại học. Đại biểu quốc hội Dương Minh Tuấn nêu quan điểm, tự chủ không có nghĩa là buông để các trường tự bơi mà nhà nước có đầu tư rồi rút ra dần dần, giống như bầu sữa mẹ. Và phải tùy theo thể trạng của từng “con” mà cho “cai sữa”, từ từ rút ra một phần hoặc coi thể trạng để tiếp tục đầu tư. Vừa rồi chúng ta thí điểm cho một số trường được tự chủ về tài chính rồi trường đó nâng học phí dịch vụ lên, nhiều cử tri than phiền giá học phí quá cao. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cần có lộ trình tự chủ để tránh tình trạng “nay mai bung rồi giá nâng cao lên”, một số học sinh sinh viên nghèo khó có thể vào trường top đầu do thực hiện tự chủ giá sẽ rất cao. Đại biểu cũng đặt ra vấn đề dự thảo Luật có tiên liệu một điều là trích một phần để đưa vào Quỹ hỗ trợ sinh viên nhưng như vậy là chưa đủ mà phải có điều khoản ràng buộc các trường đại học phải trích tỷ lệ bao nhiêu phần trăm làm học bổng v.v… từ đó cân bằng nguồn lực đầu tư cho sự phát triển giáo dục được cho là cao nhất trong thang đào tạo giáo dục quốc dân. Đồng thời nếu bố trí đúng, đủ nguồn lực chính phủ, xã hội thì giáo dục sẽ không còn phải đối mặt với thất nghiệp sau đào tào.

Hiện vẫn còn rất nhiều điều để nói về giáo dục Việt Nam, và cho dù thứ hạng giáo dục chỉ là kết quả “tạm thời” nhưng vẫn cho thấy giáo dục đại học đã có sự lột xác, đã có những con chim đầu đàn đi đúng hướng để khẳng định giá trị tri thức Việt trên trường quốc tế. Phần ngọn như vậy đã khởi sắc, còn phần gốc (giáo dục cơ sở) cũng cần có những đột phá, và những quyết sách phù hợp.

Thứ, bậc cho chúng ta thấy mình đang đứng ở đâu, và trong giáo dục cũng vậy. Câu hỏi đặt ra, chúng ta có thoả mãn với thứ bậc nói trên không. Khi mà nhiều “tài nguyên” quốc gia đang chiếm lĩnh vị trí cao trên trường quốc tế và ngay cả giáo dục cũng vậy, Việt Nam được xếp trong tốp 25% quốc gia đầu tư lớn cho giáo dục khi dành đến 20% ngân sách quốc gia cho đầu tư giáo dục.

Với sự đầu tư này, chắc hẳn chúng ta có quyền kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong những kỳ xếp hạng tiếp theo. Nhất là khi cả hệ thống cùng quyết tâm, làm đúng với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” .


Nguồn Văn nghệ số 46/2018


Có thể bạn quan tâm