April 19, 2024, 5:07 am

Thị trường âm nhạc Việt: Nhìn từ Liên hoan âm nhạc toàn quốc khu vực I năm 2018

 

Trả lời trước truyền thông về Liên hoan âm nhạc toàn quốc khu vực I, ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam cho biết, mục đích của liên hoan chính là mang đến cho những người làm nghệ thuật và công chúng yêu âm nhạc một sân chơi chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp từ khâu tổ chức liên hoan, tuyển chọn tác phẩm, ca sĩ, dàn nhạc,… sao cho bài bản nhất, qua đó có thể định vị sự chuyên nghiệp cho thị trường nhạc Việt  hiện nay.
 Ngay sau khẳng định của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhiều nhạc sĩ đã lên tiếng ủng hộ và cho rằng đây là một hướng đi đúng của Hội nhạc sĩ Việt Nam trong vai trò định hướng cho những hoạt động âm nhạc hiện nay. Thế nhưng bên cạnh sự ủng hộ vẫn còn có không ít quan điểm trái chiều khi cho rằng, Hội đã quá kỳ vọng vào ý tưởng có thể tạo ra sự chuyên nghiệp cho thị trường âm nhạc Việt chỉ từ một kỳ liên hoan, trong khi cuộc chiến giữa yếu tố thương mại và tính nghệ thuật vẫn chưa có hồi kết.

 

Ảnh Internet

 

Thời của âm nhạc quần chúng

Đó là cách gọi được cho là đúng đắn nhất khi so sánh đời sống âm nhạc Việt hiện nay với những năm 90 của thập niên trước. Và nếu làm một cuộc điều tra xã hội học với đối tượng là những người yêu âm nhạc Việt sinh ra và lớn lên trong khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ trước về độ thẩm thấu âm nhạc nói chung và tình yêu đối với những ca khúc được sáng tác trong thời gian gần đây, chắc chắn sẽ có những bất ngờ thú vị, đại loại như, họ có thể thuộc nằm lòng để hát, đọc ra một vài đoạn trong các ca khúc tiền chiến vốn là một phần của dòng nhạc Bolero, hay những ca khúc cách mạng mà người ta vẫn quen gọi là nhạc đỏ. Nhưng lại không thể hát hay đọc một đoạn ca khúc đang làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc gần đây, như: Chạy ngay đi, Chạm khẽ tim anh một chút thôi, Độc âm, ăn gì đây… do ca từ, âm nhạc không chỉ khó hiểu mà còn đời một cách quá sòng phẳng. Do đó, trong một chừng mực nhất định, quan điểm: muốn xem nền văn hoá của một đất nước phát triển ra sao cứ nhìn vào đời sống văn học, nghệ thuật của đất nước đó là một lập luận khá chính xác để có thể đánh giá khá toàn diện về văn hoá của một đất nước trong một thời điểm, một giai đoạn nhất định. Và văn hoá Việt Nam cũng không nằm ngoài những quy luật chung đó. Căn cứ vào đời sống văn học, nghệ thuật nói chung, có thể nhận thấy đang có sự bứt phá và phát triển mạnh mẽ của mọi thể loại văn học và các loại hình nghệ thuật. Nhưng để khắc hoạ diện mạo chung cho văn học hay nghệ thuật thì không phải dễ, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc.

Việt Nam đã thành công khi được các quốc gia trên thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường và những chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế này đã tác động mạnh mẽ tới mọi ngóc ngách của đời sống xã hội trong đó có âm nhạc, tạo nên những nhạc sĩ, ca sĩ quần chúng khi chỉ cần biết hát, viết được vài bản nhạc cũng đã có thể trở thành ca sĩ, nhạc sĩ. Và họ chính là những nhân tố hình thành nên thị trường Âm nhạc quần chúng. Do vậy rất khó để một ai đó thuộc thế hệ 5X,6X có thể thích được những ca từ trong Ăn gì đây của ca sĩ Mr.T, Hoà Minzy :Anh ơi anh muốn đi ăn gì đây? Ăn chè hay là bánh giò/ Hôm nay em muốn đi ăn thật no cho nên anh đừng tiếc tiền/À i á i a i à.. / Đi nhanh thôi anh ơi em đói rồi… À i á i a i à.. /Anh ơi đi chưa ối zời ơi, hôm nay em ăn cho thật đã đời!. Sự thực dụng và quá sòng phẳng trong không ít ca khúc nhạc trẻ đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống và cách nghĩ của giới trẻ hiện nay. Đó là sự xả thân về thần tượng, là hành động sẵn sàng đưa ca khúc vào đề kiểm tra, thậm chí là thi để học sinh cảm nhận và trình bày quan điểm của bản thân về cuộc sống, lý tưởng và hoài bão của mình… Tất cả những điều đó hiện được giới trẻ cho là trải nghiệm, là khẳng định cái tôi có trách nhiệm, nhưng thực chất nó đã làm cho thị trường nhạc Việt rối lên đến nỗi, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã từng đề nghị cần có một kênh truyền hình nhằm chuyển tải những chương trình âm nhạc có chất lượng, giá trị tới đông đảo nhân dân. Đây là một ý tưởng hay, song lại không nhận được sự ủng hộ của số đông, bởi nếu chỉ có một kênh hay, còn các kênh khác không hay thì những cố gắng để tạo dựng một thị trường âm nhạc Việt lành mạnh, chuyên nghiệp hẳn là vô ích.


Cuộc chiến giữa tính thương mại và yếu tố nghệ thuật.

Cho đến thời điểm hiện tại chưa có một kênh truyền hình chuyên biệt chuyển tải những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao, nhưng với liên hoan âm nhạc toàn quốc khu vực phía Bắc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã đem đến sự tươi mới về âm nhạc chuyên nghiệp cho chính những người tham dự liên hoan và khán giả yêu nhạc. Trong số 42 tác phẩm được trao giải, có 13 tác phẩm giành giải A gồm: Hát tặng Trường Sa - Gạc Ma (Nguyễn Anh Trí), Khúc hát nơi đầu sóng (Ngô Quốc Tính), Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn (nhạc Văn Thanh, thơ Trần Đăng Khoa), Chếnh choáng chợ xuân (Mạnh Cường), Tình khúc biển xanh (Trần Đức), Khát vọng biển (Tuấn Phương), Biển Tổ quốc tôi (Xuân Bình), Đồng làng (nhạc Xuân Nhật, thơ Thu Mát), Đồng chiêm mùa hội (Sỹ Thắng), Điệu hát then tới đảo Trường Sa (Tăng Thình), Hương lúa chiều quê (Kiều Dư), Lời chào Tràng An (nhạc Hồ Trọng Tuấn, thơ Thúy Hạnh, Bảo Hoàng), Sonatine cho violon, cello, piano (Trần Nhật Bằng). Phần lớn những ca khúc, nhạc phẩm này dều mang hơi thở cuộc sống, và chạm đến trái tim của người nghe.

Trước kỳ liên hoan do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, với sự lỗ lực tìm kiếm sự chuyên nghiệp trong đời sống âm nhạc, tại nhiều đài phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương đã giành thời lượng nhất định phát các ca khúc được cho là ghi đậm dấu ấn của một thời như : Những khúc vọng xưa, Bài ca đi cùng năm tháng… Tại đây, những ca khúc tiền chiến, cách mạng… mang âm hưởng phương tây của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Cung Tiến…), sau này có nhạc Trịnh Công Sơn… được thể hiện qua các giọng ca Thái Thanh, Anh Ngọc, Khánh Ly, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Anh Thơ… và còn được cover  lại qua giọng ca của các ca sỉ trẻ nhưng vẫn khiến người nghe  cảm nhận được chất đời không chi trong mỗi ca từ, mà còn cả phần  nhạc.

Hiện, có rất nhiều thể loại nhạc như Ballad, Dance, Jazz, bên cạnh Pop và Rock được các nhạc sĩ, ca sĩ khai thác làm phong phú cho thị trường âm nhạc Việt. Nhưng lại có rất ít tác phẩm có thể dung hoà được thị hiếu âm nhạc của phần đông công chúng hiện nay như: Ôi quê tôi, của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, hay Bà tôi của Nguyễn Vĩnh Tiến, vì thế, một sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp mà trong đó ca khúc được chọn biểu diễn, được phối khí bài bản  như Liên hoan âm nhạc toàn quốc khu vực I vừa qua đã được đánh giá rất cao. Sự đánh giá đó không chỉ đơn thuần giành cho khâu tổ chức, xây dựng ý tưởng cho liên hoan âm nhạc, mà còn đặt ra những chuẩn mực mới cho các cuộc thi âm nhạc kế tiếp.

Bước sang 2018, hầu như các sản phẩm âm nhạc mới, các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình đều rơi vào tình trạng khiến người xem bội thực, do mang yếu tố giải trí nhiều hơn là nghệ thuật. Nhiều cuộc thi âm nhạc gây tranh cãi bởi giám khảo cuộc thi do Ban Tổ chức chọn lựa chỉ thông qua độ hot của họ trong làng âm nhạc chứ không chú trọng đến trình độ thẩm âm, và sự bài bản cũng như độ chín về tài năng trong biểu diễn nghệ thuật. Thế nên, có quá nhiều cuộc tranh cãi nổ ra giữa các giám khảo ngay tại trường quay, khiến khán giả cực chẳng đã buộc phải ngồi ngậm bồ hòn làm ngọt.
Không phủ nhận những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc là để phát hiện ra những giọng hát mới lạ làm phong phú cho thị trường nhạc Việt, nhưng sẽ kém chuyên nghiệp nếu những giám khảo ngồi ghế nóng lại chính là những ca sĩ đã từng bị lên án là đạo nhạc, hát nhép tại các chương trình nghệ thuật được tổ chức gây quỹ hoặc  kỷ niệm một sự kiện trọng đại  của địa phương hay một đơn vị nào đó, hẳn chất lượng cuộc thi cũng như những thí sinh đoạt giải được chọn bởi những vị giám khảo này sẽ khó tránh khỏi trở thành những sản phẩm lỗi của thị trường âm nhạc quần chúng. Và nếu như Việt Nam chỉ say sưa với những ca khúc quần chúng, mà không có một sự đầu tư, định hướng cho âm nhạc trí tuệ, thì mãi mãi âm nhạc của chúng ta cũng chỉ là cuộc "chạy đua" và giành thị phần. Điều  này cũng lý giải vì sao những ca khúc như Chạy ngay đi, Lạc trôi của  Sơn Tùng-M-TP lại có được lượng truy cập, và các fan khủng ngay sau khi ra mắt chỉ trong vài giờ đồng hồ. Cho thấy chúng ta đang mất dần nền móng cơ bản của một thẩm mỹ đúng đắn! Đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại  đời sống âm nhạc hiện nay bởi âm nhạc như một chứng nhân lịch sử vậy, xã hội đi đến thời kỳ nào thì âm nhạc phản ánh đúng thời kỳ đó. Suy cho cùng sản phẩm dù có hay đến đâu thì đích đến cuối vẫn là chạm được đến trái tim người nghe chứ không phải là những ồn ào thoáng chốc

Nguồn Văn nghệ số 42/2018

 


Có thể bạn quan tâm