March 28, 2024, 9:15 pm

Người bạn xứ Thanh

Nhà văn Kiều Vượng, sinh ngày 1/6/1944 tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Ông là Trưởng Văn phòng đại diện báo Văn nghệ tại Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung bộ từ nhiều năm nay, và cũng là người có công tạo dựng nên một địa chỉ đầm ấm, chu đáo, mến khách cho tất cả các nhà văn mỗi khi qua mảnh đất này.

Sinh thời, nhà văn Kiều Vượng từng là giáo viên, rồi gia nhập Thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tham gia chỉ đạo vận tải trên sông, trên biển và chỉ huy lực lượng thanh niên mở đường giúp nước bạn Lào. Hòa bình lập lại, ông chuyển sang làm công tác xuất bản, báo chí và viết văn. Cho đến nay, nhà văn Kiều Vượng đã có hơn hai mươi đầu sách đã được xuất bản gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và bút ký. Ngoài ra ông còn là một nhà báo với nhiều phóng sự, ký sự rất cập nhật thời cuộc, một tác giả đoạt giải cao trong các cuộc thi Kịch bản điện ảnh. Từng đạt nhiều giải thưởng văn học và điện ảnh: Giải thưởng văn học về đề tài giao thông của Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam; Giải nhất kịch bản phim tài liệu và Giải nhì kịch bản phim truyện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giải thưởng văn học sông Mê Kông; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2017…

Từ vài năm nay, nhà văn Kiều Vượng lâm trọng bệnh, nhưng ông vẫn kiên trì và bền bỉ chống chọi với bệnh tật và hoàn thành công việc của một Trưởng đại diện văn phòng, vẫn lên tiếng bênh vực những số phận thiệt thòi khuất lấp của những thanh niên xung phong, những người dòng đội của ông đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh. Ngay trên giường bệnh, với trách nhiệm và ý chí của một nhà văn, nhà báo, Kiều Vượng vẫn cho ra đời những trang bút ký đầy thuyết phục viết từ gan ruột, phản ánh những góc khuất đầy tiếng thở dài cùng nước mắt trong cuộc sống, tình cảnh và tâm tư của những bệnh nhân đang từng giờ chống chọi với căn bệnh ung thư ngay bên cạnh ông. Những trang viết đã khiến cho ngay cả những người biên tập báo, những đồng nghiệp lớp sau của ông, phải ứa nước mắt khi biết được hoàn cảnh ra đời của nó, và sau đó mới là sự trân trọng, cảm kích của bạn đọc…

Nghị lực là thế, bền bỉ là thế, song chẳng ai tránh khỏi mệnh trời. Nhà văn Kiều Vượng đã thanh thản ra đi vào sớm ngày 12/10/2018, hưởng thọ 75 tuổi.

Lễ viếng nhà văn bắt đầu vào lúc 13h30 ngày 12/10/2018 tại nhà riêng, 88 Nguyễn Thượng Hiền, phường Trường Thi, Tp. Thanh Hoá, và đưa tang lúc 13h30 ngày 13/10/2018. Ông sẽ được an táng tại nghĩa trang Chợ Nhàng (Tp. Thanh Hóa)

Báo Văn nghệ xin giới thiệu lại bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Trường về người bạn xứ Thanh Kiều Vượng; một trong số rất nhiều bài viết mà bạn bè, đồng nghiệp từng viết về ông như một sự tri ân lúc sinh thời; và bài thơ của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, viết khi nghe tin ông qua đời, như một nén tâm hương cầu chúc ông an nghỉ  bình an ở cõi vĩnh hằng

Văn nghệ

 

 

Người bạn Xứ Thanh

Nguyễn Khắc Trường

Từ lâu tôi đã có ý định viết một cái gì đó về anh để ghi nhận một tình bạn, một kỷ niệm. Nhưng bỗng lúng túng, nói chuyện gì là chính nhỉ? Chuyện cuộc đời hay chuyện văn chương? Bắt đầu từ đâu ở một cuộc đời gập ghềnh gian lao buồn nhiều hơn vui này? Và cuối cùng đọng lại là cái gì? Cứ thế, rồi nay lần mai lữa, công việc hàng ngày cứ cuốn đi. Rồi đêm nằm sực nhận ra một điều đáng nóng ruột: Lớp người viết thời chống Mỹ đang tồn tại đây đã tròm trèm ở cái tuổi xưa nay hiếm cả rồi! Không nói về nhau còn chờ đợi ai? Đợi đến bao giờ? Hãy ngồi vào bàn và cầm lấy bút. Và thế là hình ảnh bạn bè lần lần hiện lên.

Đấy là Kiều Vượng, Nhà văn Kiều Vượng. Trưởng đại diện Báo Văn Nghệ tại Bắc miền Trung, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.

Tôi chơi với Kiều Vượng đã gần 30 năm nay trong một trường hợp có thể nói là tình cờ. Đúng là tình bạn không thể chọn trước. Ngày ấy tôi đang biên tập văn xuôi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Một buổi chiều tôi đang ngồi nghe Nhà văn Nguyễn Khải kể chuyện về một phiên họp Quốc hội mà ông đang là đại biểu, thì một người cao lớn có phần gân guốc hăm hở từ cầu thang đi lên, rồi dừng lại ở cửa nói với giọng khiêm nhường. Tôi là Kiều Vượng, từ Thanh Hóa ra, nghe nói anh là biên tập …

Thế là Nguyễn Khải dừng kể chuyện nghị trường để nghe Kiều Vượng kể chuyện Thanh Hóa. Lúc ấy xứ Thanh nhiều chuyện lắm. Từ người đứng đầu là ông Hà Trọng Hòa cho đến các huyện, các xã mà sau đấy đi một vòng ba huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Nga Sơn, tôi có nói với những người viết ở Hội Văn nghệ Thanh Hóa rằng cuộc sống ở dưới các làng xã như những quyển sách đã mở sẵn để người viết đọc thẳng vào đời sống, không phải hư cấu tưởng tượng gì, vấn đề là tài văn của anh đến đâu thôi. Hôm ấy nghe Kiều Vượng kể chuyện Thanh Hóa xong, tôi nói may quá, tháng sau tôi được nghỉ trực biên tập để đi viết, tôi muốn vào Thanh Hóa, nhưng không quen ai, ông dẫn tôi xuống một huyện nào nhé, rồi từ đấy tôi sẽ tự lo.

Tình bạn bắt đầu như thế. Từ đấy mỗi lần đi Thanh Hóa, gia đình Kiều Vượng là cơ sở và mỗi khi Kiều Vượng ra Hà Nội đều dừng chân ở phòng tôi. Sau đấy rồi mới đọc Kiều Vượng. Lúc ấy là mùa hè năm 1988, Kiều Vượng đã in đến năm đầu sách, hai tập thơ và ba tiểu thuyết: Về một vùng quê, Lời hẹn. Ba tiểu thuyết là Người cuối cùng ở lại, Sóng gió, Vùng trời thủng. Về nghệ thuật còn có điều phải bàn, nhưng vốn sống thật là đáng sửng sốt.

Các tiểu thuyết của Kiều Vượng không phải là tự truyện, không dùng ngôi thứ nhất (trừ tiểu thuyết Bão không có gió mới đây) nhưng người đọc điều biết nhân vật X, nhân vật Y đây đó trong sách chính là cuộc đời của tác giả đấy, một cuộc đời không bình lặng, không hề xuôi chèo mát mái.

Kiều Vượng mồ côi bố từ năm lên 7. Vốn là người có vóc vạc khỏe mạnh, quen lao động sông nước từ bé, tám tuổi Kiều Vượng theo ông chú ruột đi biển quăng chài kiếm cá. Năm 18 tuổi đã là thành viên của Hợp tác xã Vận tải Hợp Long, huyện Thạch Thành. Sau vài lần đi, thấy giỏi nghề sông nước, hợp tác xã giao cho làm chủ một chiếc thuyền được tính công là một lao động chính. Cuối năm này được tuyển vào quân đội. Sau ba tháng huấn luyện, hôm kết thúc, đơn vị đọc danh sách những người được phát súng và biên chế vào đơn vị chiến đấu, không có tên ba người, trong đó có Kiều Vượng! Ba người này được giải thích vì thành phần là phú nông nên chưa được biên chế vào đơn vị chiến đấu và chuyển khỏi đơn vị quân đội sang công tác miền Tây đi giúp bạn Lào. Công việc chỉ là đi giúp nhân dân làm vệ sinh, biết cách ăn ở vệ sinh phòng bệnh. Sau ba tháng, Kiều Vượng được chuyển sang đội công tác đặc biệt đi mở hầm ở Sầm Tớ. Công việc là sửa sang những hầm tự nhiên vốn là những hang động trong núi đá thành những nhà hầm kiên cố, phẳng phiu. Đoàn đông đến hơn 600 người, suốt ngày đục đá, san lấp thành những cơ ngơi ăn ở đàng hoàng. Sau này đấy là căn cứ của cơ quan Trung ương Cách mạng Lào, từ dồng chí  Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn, Hoàng thân Xu Pha Nu Vông đến các Bộ của nước bạn Lào làm việc ở đấy cho đến ngày nước Lào được giải phóng. Công việc kéo dài đến hơn 8 tháng. Tổng cộng là 17 hầm được cải tạo rất kiên cố, khang trang. Suốt trong thời gian ấy mọi người ăn ở luôn trong hầm, không được ra ngoài để giữ bí mật. Mặt mũi người nào cũng xanh ớm lại vì thiếu ánh nắng.

Xong việc, cả đoàn hơn 600 người lên xe đi thẳng về nước và dừng ở huyện Cẩm Thủy, tiếp tục mở đường từ Cẩm Thủy lên Bá Thước. ở đây vì thấy Kiều Vượng giỏi công việc sông nước nên lại được điều sang đội chống phà Cẩm Thủy. Cũng ở đây, vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Kiều Vượng được về dạy văn hóa ở trường Đào tạo cán bộ Ty Giao thông Vận tải. Đang học nghiệp vụ lớp đào tạo làm cán bộ chưa được một năm thì không quân Mỹ đánh ra miền Bắc lần đầu tiên tại cửa biển Lạch Trường nên trường phải kết thúc sớm để về các cảng sông, cửa biển, bến phà chuẩn bị cho chiến tranh. Do yêu cầu nhiệm vụ, Công ty Vận tải thuyền nan chống Mỹ cứu nước được thành lập, Kiều Vượng được điều về đó. Do năng nỗ và đã được thử thách ở nhiều vị trí, Kiều Vượng được kết nạp Đảng ở Công ty thuyền nan này. Cuối năm 1967 được đề bạt làm Trưởng phòng Tổ chức lao động tiền lương của công ty. Cũng thời gian này, để chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân 1968 sắp tới, Đoàn Vận tải Lam Sơn được thành lập. Phương tiện chỉ là thuyền nan. Nhiệm vụ là chở đạn, chở gạo vượt biển từ cửa Lạch Hội, Nghệ An vào cảng Đồng Hới, Quảng Bình rồi theo sông Kiến Giang cập bến ở làng Ho, làng Khỉ giao cho Đoàn Vận tải có 5 ngàn xe thồ từ Thanh Hóa chở hàng đi tiếp, còn Đoàn Vận tải Lam Sơn lại đưa thuyền quay ra lấy hàng tiếp tục đưa vào. Đây là phương án táo bạo, thuyền nan mà vượt biển thì lịch sử chiến tranh thế giới chưa nước nào có. Nhưng không còn phương án nào khác, vì tất cả các đường bộ địch đã đánh tan. Cấp trên cử ông Hoàng Anh lúc ấy là Bí thư Trung ương Đảng cùng ông Hoàng Văn Hiều là Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức chỉ đạo chiến dịch mang biệt danh VT5 này. Sau khi nghe quán triệt tình hình và lấy tinh thần tự nguyện, 500 người đã làm đơn ghi tên vào đội quân như đội cảm tử này với phương tiện là 200 thuyền nan, mỗi thuyền sẽ chở từ hai tấn đến hai tấn rưỡi hàng và bố trí từ hai đến ba người một thuyền tùy theo sức lực và khả năng sông nước. Trong số 500 thuyền viên, có 80 người là đảng viên và Kiều Vượng lúc này được chỉ định là Bí thư Đảng ủy của Đoàn vận tải Lam Sơn. Nhiệm vụ của Bí thư Đảng ủy bấy giờ ngoài việc lãnh đạo chung còn cùng chở hàng như tất cả mọi người.

Đúng như nỗi thắc thỏm của lãnh đạo, ngay chuyến đi đầu tiên ấy, quãng nửa đêm, khi đoàn thuyền nối nhau vào đến vùng biển Hà Tĩnh, đang đi trong sương mù dày đặc như bưng lấy mắt, thì gió bỗng nổi lên, rồi rất nhanh lốc tố như từ dưới đáy biển tung lên ào ào. Vừa nghe một tiếng hét thất thanh của ai đó, thì thuyền của Kiều Vượng đã bị hất tung lên rồi như ném xuống tận đáy biển, cứ thế, hất tung lên rồi ném xuống như trò đùa của thủy thần. Không còn biết ai còn ai mất, không còn biết thuyền và hàng ra sao, Kiều Vượng cứ bị hất lên trên những ngọn sóng ầm ầm nối vào nhau không dứt. Với kinh nghiệm của người thành thạo sông nước, Vượng cứ nằm ngửa cho sóng hất lên dìm xuống, mặc cho sự may rủi của số phận. Nhớ kinh nghiệm của những lão ngư, Vượng xé một miếng quần cho vào miệng nhai để cơ hàm không bị tê cứng lại. Nước ngấm vào người rét như cắt. Lúc này cơ hàm không hoạt động là não cũng không hoạt động, tất cả đông cứng lại là rất nguy hiểm, sẽ bị liệt toàn thân. Vì thế mặc cho người bị tung lên sóng, rét tận ruột, nhưng miệng cứ nhai miếng gấu quần liên tục. Cứ thế cho đến trưa hôm sau, thật may mắn tàu của công an vũ trang đi kiểm tra biển đã phát hiện và vớt Kiều Vượng lên giữa lúc toàn thân đã cạn kiệt sức lực, sắp buông xuôi cho số phận. Đây là lần thứ hai Kiều Vượng bị hút chết trên sóng nước. Lần trước vào năm 1962, vừa mở hầm bên Lào về khi đưa xe qua phà sông Mã thuộc huyện Cẩm Thủy, lần ấy cũng ban đêm bị rơi xuống sông, lũ cuốn người đi đến 8km, rồi Kiều Vượng lại bơi được vào bờ, bò vào một nhà dân xin ăn vì đói lả đến không đi nổi. Hôm ấy cả đơn vị đi tìm đến trưa không thấy, đã cho người vê quê báo cho bà mẹ Kiều Vượng. Bà ngồi sau xe lên, nhìn quãng sông rồi nói rất bình tĩnh “Nó bơi lặn như rái cá, sông thế này nó không chết được mô”. Chập tối Kiều Vượng quần đùi, áo cộc lần về, mọi người xúm vào mừng rỡ, bà mẹ chỉ cười nhỏ nhẹ “Tau biết là mi không sao mà”. Lòng mẹ hiểu con mình kể cả lúc nguy nan nhất.

Đấy là chuyện sông nước, dù là sông Mã cũng vẫn là nhỏ và trách nhiệm chỉ là một người chống phà, còn lần này là chuyện biển cả và trách nhiệm “là Bí thư Đảng của một tập thể 500 con người trông vào. Mọi người họp rút kinh nghiệm và vẫn quyết bám thuyền, bám biển, dù chuyến đi đầu tiên ấy hai thuyền viên đã hy sinh, nhưng mọi người vẫn không nao núng. Những chuyến đi sau đó thuận lợi hơn, vì đã hiểu biển hơn, hiểu được sóng gió ở đây hơn. Nhưng vẫn không tránh khỏi những hy sinh mất mát, còn gian khổ thì không thể tính. Riêng chuyện người lúc nào cũng nhớt nhát đã là một nỗi khổ thường trực. Đoàn vận tải thuyền nan Thanh Hóa hoạt động vào ra như thế đến tận năm 1970 mới bàn giao cho Quảng Bình. Lúc ấy đã có 6 người trong đoàn thuyền nan hy sinh trên biển. Cuối năm 2013 Quảng Bình tổ chức cuộc Hội thảo lớn mang tên “Quảng Bình 410 năm hình thành và phát triển”. Nhà văn Vĩnh Nguyên có bài tham luận “Bến phà Trúc Ly sống mãi trong tâm khảm người dân Quảng Bình” có nhắc rất nhiều đến Đoàn vận tải Lam Sơn thuyền nan Thanh Hóa trong những năm chiến tranh khốc liệt và vai trò đầu tầu của Kiều Vượng ở đoàn vận tải ấy với lòng yêu mến trân trọng.

Tạm biệt đoàn thuyền nan, tạm biệt Quảng Bình suốt những năm tháng máu lửa để toàn công ty có 256 đồng đội là liệt sỹ, Kiều Vượng về Ban Đảm bảo giao thông vận tải làm cán bộ đảm bảo giao thông Quốc lộ 1A suốt cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ do Ních -sơn tên chủ Nhà trắng đứng đầu. Kết thúc cuộc chiến tranh Kiều Vượng lại được chuyển đến Tổng đội Thanh niên tình nguyện đi mở đường từ Hồi Xuân, Thanh Hóa sang Tén Tằn dọc biên giới hai nước Việt - Lào dài 118km. Tổng đội có đến 12.000 người toàn thanh niên trẻ măng trên dưới 20. Lại lên rừng, lên núi mở đường! Gần như đấy là cái số, cái nghiệp gắn chặt vào đời Kiều Vượng, cả cuộc đời là xẻ núi mở đường không ngơi nghỉ và lặn ngụp trên sông, trên biển suốt cuộc chiến tranh tàn khốc.

Trong thời gian hơn sáu năm mở đường ở đây, ấn tượng sâu đậm nhất với Kiều Vượng là những sự hy sinh mất mát của đồng đội. Từ sau năm 1973, bom đạn không còn như trước nữa, nhưng gian khổ thì thật là bội phần. Vì đất mới, rừng lạ heo hút còn nguyên sinh, là nơi trú ngụ bao đời của hổ báo, rắn rết, bọ cạp và ong độc. Thấy một cơ thể lạ là con người đến khuấy động hang ổ của chúng, chúng liền trỗi dậy tấn công rất hung hãn. Chết vì rắn cắn, bọ cạp cắn, chết vì tổ ong lỗ, loại ong đốt chết cả trâu. Một cô gái mới 20 tuổi, mơn mởn như một nữ sinh, đi phát rừng thụt chân vào tổ ong đất, chúng bay túa lên, bâu lấy cô thi nhau đốt khiến cô không biết chạy đâu cho thoát. Cô chết ngay bên cạnh tổ ong. Chờ đến đêm cánh đàn ông mới kéo được cô ra. Toàn thân cô gái trương phình như một quả bóng khổng lồ rất kinh hãi, không cho vào được áo quan. Y tá của đơn vị phải dùng một vật nhọn bấm vào người cho xẹp hơi đi mới khâm liệm được. Cả đại đội ôm nhau khóc. Một cô gái khác lâu ngày được đi phép về quê, khi trở lại đã quá hạn. Đại đội trưởng là người nóng tính, vừa trông thấy cô về đã hét toáng lên là vô tổ chức, vô kỷ luật. Cô gái vừa cười vừa khóc, la lên giải phóng miền Nam rồi, thống nhất rồi, hòa bình rồi các anh các chị ơi! Anh trai em vừa từ miền  Nam ra vui quá. Em ở nhà chơi với anh vài hôm, giờ bị kỷ luật cũng được! Đến lúc ấy mọi người mới biết đã giải phóng miền Nam được mười ngày rồi. Cả cấp trên của đơn vị cũng không biết tý gì, vì mưa lũ đường tắc mọi phương tiện thông tin đều không có. Đại đội trưởng là người bật khóc đầu tiên. Vừa khóc ông vừa nói, thế là con trai tôi hy sinh ở Quảng Trị cũng mát mặt rồi! Người con trai đầu của ông là lính bộ binh hy sinh ở Quảng Trị mùa hè 1972.

Khi được biết đích xác đất nước đã thống nhất, đại đội trưởng ra lệnh thịt con lợn độc nhất của đơn vị để ăn mừng. Con lợn rất khôn. Sáng sớm đơn vị tập thể dục, nó ra đứng đằng sau kêu ụt ịt như cùng chia vui với người. Nhìn cánh đàn ông bắt lợn, chị em ôm nhau khóc như ri. Lâu mới được ăn tươi, một cô gái như không chịu nổi, bị đau bụng sôi ùng ục. Đêm chạy ra hố tiêu bị ngã, một cây cọc nhọn đâm vào chỗ hiểm. Máu ra nhiều không dám nói vì xấu hổ. Khi mọi người phát hiện ra thì cô đã kiệt lực, chỉ còn nói thì thào thoi thóp. Một cái chết thật thương tâm và phi lý. Một cô gái người thành phố, chưa biết mùi gian khổ là gì, mới vào đơn vị được ít tháng, nước da mát như lụa của cô không chịu nổi khi tắm nước suối thấm đẫm lá mục từ bao đời nay, khắp người bị ghẻ nặng, ngứa đến phát cuồng. Buổi sáng được nghỉ không phải ra mặt đường, cô chốt cửa lại, lấy lọ thuốc sâu mới xin được, bôi như tưới vào những vết ghẻ cho đã ngứa. Bị nhiễm trùng. Khi mọi người đi làm về thấy cô đã chết bên lọ thuốc sâu trên sạp nứa. Còn, còn nhiều nữa những cái chết, dữ dội có, ngẫu nhiên có ở những cánh rừng thâm sơn cùng cốc. Tất cả những chuyện ấy Kiều Vượng đều được chứng kiến và đã viết trong Vùng trời thủng. Các cốt truyện của Kiều Vượng đều rất thật. Những nhân vật trong tiểu thuyết Bão không có gió mới đây tôi biết rõ họ là ai ở ngoài đời, họ có quan hệ với Kiều Vượng thật không sai một ly. Tính ra có đến 18 năm Kiều Vượng gắn bó với ngành Giao thông Vận tải. Trong 18 năm ấy, thì 8 năm đào hầm, mở đường ở nước bạn Lào và trong rừng sâu heo hút. Được chứng kiến biết bao cảnh khổ và cùng chịu đau, được nhìn thấy biết bao cái chết thật là bi hùng của đồng đội. Tôi đã có gần ba mươi năm đời lính, đã qua Chiến dịch Quảng Trị 1972, nơi được gọi là “Cối xay thịt người”, nhưng tự thấy không gian lao dầm dề dai dẳng như cuộc đời Thanh niên xung phong của Kiều Vượng. Hãy biết trân trọng quãng đời chinh chiến của nhau. Không trực tiếp cầm súng nơi trận mạc, nhưng Kiều Vượng đã 6 lần bị thương thành thương tật trong khi làm nhiệm vụ. Hiện giờ vẫn còn một mảnh đạn nhỏ ở ngực, mỡ đã bao bọc kín. Thôi kệ nó nằm đấy. Chỉ tội phải kiêng nhiều thôi! Hiện giờ ngoài một Huân chương Chống mỹ cứu nước hạng Nhì và một Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Lào trao tặng, Kiều Vượng không có một chứng thực nào khác. Không giấy thương tật, không thẻ thương binh, cũng là lười đi kiểm tra, đi giám định. Qua cuộc chiến vẫn tồn tại là may. Kiều Vượng luôn nói như vậy. Tồn tại và viết về cuộc chiến, trong đó có bạn bè và có chính mình, vậy là vui lắm rồi. Tới nay Kiều Vượng đã có 19 đầu sách văn học và 2 kịch bản điện ảnh được trao giải nhất, nhì cả nước. Vốn sống còn dư dật và tình yêu văn chương vẫn chưa hề vơi cạn.

Bây giờ đã đến tuổi nghỉ, nhưng Báo Văn Nghệ vẫn yêu cầu Kiều Vượng ở lại làm Trưởng đại diện của Báo ở Bắc miền Trung, vì ông còn sức, còn nhiệt huyết. Năm 1994, ông về Báo Văn Nghệ, được cử làm Trưởng Đại diện Khu vực Bắc miền Trung.

Thế mà đã 20 năm ngày thành lập văn phòng này. Từ chỗ tay không, nay đã có nhà cửa khang trang bề thế. Hai mươi năm với bao thăng trầm biến cố, phải vật vả và nhờ uy tín cá nhân mới giữ và phát triển một cơ sở làm nơi đi về cho hàng trăm nhà văn Việt Nam. Đây là địa chỉ thân thiện của bạn bè Văn Nghệ gần như cả nước. Người ở trong ra, khách ở ngoài vào, bạn bè đều ghé vào đây, bởi có ông chủ hiếu khách và chịu chơi.

Sống có bạn, nói thì dễ, nhưng làm được thật không đơn giản chút nào. /.

01/7/2014

 

Gửi Kiều Vượng

                        Trương Vĩnh Tuấn

Bác về thôi bác về thôi

Còn tôi cũng đợi ngày tôi sẽ về

Một thời cõi tạm si mê

Thôi thì nếm đủ ngón nghề nhân gian

Ơn nhờ phúc ấm tổ tiên

Nhờ nhân dân khắp mọi miền cưu mang

Miệt mài trong chốn văn chương

Cũng thành tấm áo nhịn nhường mai sau

Bác về thôi nhé nén đau

Khi nào gặp ,  lại ôm nhau cười xòa

                                                       12h trưa ngày 12-10 - 2008


Có thể bạn quan tâm