April 26, 2024, 1:54 am

Ánh hồi quang từ quá khứ


1.

Trong các nhà văn cao tuổi, người nhiệt liệt cổ vũ cho các sáng tác và sự xuất hiện của các nhà văn trẻ, đầu tiên phải kể là Giáo sư Phong Lê. Bằng cái nhìn văn học sử xuyên suốt, gần như có dịp là anh đăng đàn triển khai ý kiến về chủ đề nọ. Anh dẫn Tô Hoài khi viết Dế mèn phiêu lưu ký. Anh dẫn Nguyên Hồng 16 tuổi viết Bỉ vỏ. Anh dẫn Thạch Lam 27 tuổi mất mà đã có đến hơn hai chục tác phẩm. Còn Nam Cao thì thành tựu rất lớn khi chưa đầy 30. Vũ Trọng Phụng mất khi chưa đầy 40 mà để lại cho đời bao nhiêu là tác phẩm có dấu hiệu của một tài năng xuất chúng. Anh dẫn Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư và cả loạt các cây bút trẻ gần đây, sách in có số lượng cả chục ngàn bản. Anh dẫn cả Sơn Tùng nhạc sĩ với cả triệu fan hâm mộ mỗi khi có một sáng tác mới. Phải công nhận ý kiến của Phong Lê là chính xác và có tầm nhìn của một năng lực vừa thông tuệ vừa từng trải. Không tin các bạn cứ ra các hội chợ sách mà xem. Kín mít trên các sạp sách, kệ sách là trùng trùng lớp lớp tiểu thuyết, tập truyện, tạp bút của các tác giả trẻ măng. Thống kê cho thấy, rõ ràng là sách của các tác giả trẻ đã chiếm lĩnh một thị phấn áp đảo. Giở sách của các bạn trẻ ra, thấy không ít cuốn tái bản lần 2 lần 3 mà vẫn cả ngàn cuốn, trong khi sách mình in 700, 800 bản mà tiêu thụ cũng ì ạch. Trẻ dôi ra, già rụt lại. Các cụ ngày xưa nói cấm có sai!

Nói vậy thôi, chứ  trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ, đó mới chỉ là một khía cạnh rất biện chứng đầy tinh thần trách nhiệm của Phong Lê, Viện trưởng Viện Văn, một cơn nhiệt hứng với nghề văn chưa bao giờ vơi cạn thôi. Các nhà văn cao tuổi đâu đã hết thời! Chứng cớ là chính Phong Lê vào tuổi 80 vẫn tươi mới vô cùng trong cuốn sách đồ sộ 85 chân dung văn hóa văn chương Việt khổ 16x24 dầy tới cả 800 trang. Chứng cớ là trả lời phỏng vấn trên tờ Pháp Luật và Xã hội tháng 6 năm 2018 này, anh vẫn rất quả quyết: Tôi sẽ viết, tôi còn viết. Ai cũng biết, Phong Lê về trước tác đã có một gia tài có thể nói là không lồ. Nhưng chính anh một hôm đã điện cho tôi: Chuẩn bị đọc hồi ký của mình nhé. Tôi đáp, đúng như mình dự đoán, nhưng sẽ là bao nhiêu trang đây. Tư liệu là 1100 trang - Phong Lê đáp chắc nịch - nhưng chỉ viết 300 trang thôi!


2.

Năm 2016, vào tuổi 80, tôi ra cuốn Chim én liệng trời cao, cô Nông Hồng Diệu, phóng viên báo Tiền Phong có làm một phỏng vấn. Nhiều câu hỏi lắm. Trong đó có câu: Ở độ tuổi này anh vẫn sáng tác sung sức vậy, bí quyết từ đâu? Và tôi đã đáp rằng cũng đơn giản thôi, chứ chẳng có gì gọi là bí quyết cả. Trước hết là do về hưu đã lâu, cuộc sống cứ mòn mỏi lê thê trong những ngày rỗi rãi, quẩn quanh trong nghỉ dưỡng và lo buồn về bệnh tật, nên phát sinh tâm lý kinh hãi khi thấy mình đang trở nên một kẻ vô tích sự và như vậy là phải chống lại bằng cách mở computeur ra. Báo Tiền Phong số 267 ra ngày chủ nhật 24/9/2017, đăng gần hết những câu trả lời của tôi. Nhưng tôi vẫn bị bất ngờ. Bất ngờ vì cái tít báo to đùng in ở trang 10: Nhà văn Ma Văn Kháng: Sợ những ngày rỗi rãi...  Chà chà, tinh quái và hóm hỉnh thật đây cô phóng viên này. Mới chỉ nghĩ đến vậy thì lại nhận được điện thoại của Phong Lê.  Đúng đấy Ma Văn Kháng à, phải chống lại sự rỗi rãi!

Trời, thì ra bây giờ mình mới càng hiểu thêm mình và bạn cùng trang lứa với mình. Là cái anh đã trót dấn thân vào cái nghề này thì như anh nghiện ma túy, nó không viết không được, nó kinh sợ sự rỗi rãi.  Thì Bùi Ngọc Tấn chẳng đã từng nói: Tôi đố nhà văn nào có đủ dũng cảm để bỏ nghề đấy, sao! “Là hoạ sĩ, bạn hãy vẽ đi! Vẽ đi!”. Đó là câu châm ngôn của Sanvador Daly hoạ sĩ thiên tài. Vậy là nhà văn thì anh hãy viết đi! Anh phải viết. Phải viết! Nghề nào cũng có chuyện hưu trí, riêng nghề văn thì không!

Đáng sợ thật là cái khoảng thời gian không có việc để làm với cái anh nhà văn vốn quen với cái cuộc sống mang thuộc tính thân nhàn tâm bất nhàn. Như tôi, quả thật đã hai chục năm nay, rời khỏi công việc của một viên chức ăn lương nhà nước, về hưu trí thì thoạt đầu cũng như mọi người, nghĩ rằng từ đây ta sẽ bắt đầu cuộc sống của một người cao tuổi, nghĩa là có thời gian để chăm lo sức khỏe bản thân, săn sóc đến việc học hành của con cháu trong nhà. Nhưng rồi ngoảnh đi quảnh lại, như cây cối trong vườn, trẻ mỏ lớn vụt lên từ lúc nào chăng biết nữa. Giờ, hai đứa cháu ngoại thì một đứa đã đi làm, một đứa đã đi học xa. Phía bên nội thì thằng lớn năm nay vào lớp 10. May là thằng út năm nay mới 4 tuổi. Nên hàng xóm thấy chiều chiều đi đón nó ở Trường Mẫu giáo về, nói: Ông có con búp bê để chơi với nó, bận rộn mà sướng thật! Nhưng bận rộn và sướng thật cũng chỉ được hai ba tiếng đồng hồ vào các buổi chiều từ thứ hai đến thứ sáu thôi.  Nó còn phải về với bố mẹ nó!

Công danh nhất lộ kỷ nhân nhàn. Giờ thì còn gì nữa mà chả nhàn rỗi. Rỗi rãi quá thật và để chống lại nó, tôi và Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phương Lựu phải bàn nhau tạo việc để lấp chỗ trống, hẹn nhau cứ quãng 3 giờ chiều các chủ nhật hàng tuần là gọi điện cho nhau, gọi là giao ban, thông báo cho nhau tình hình bản thân gia đình hội hè thế giới trong nước, để tránh mặc cảm cô đơn và lạc hậu với thời cuộc.

Vậy là rỗi rãi quá và để chống lại nó, một cuốn sách nữa của tôi đã ra đời! Cuốn sách, nó chính là một phương cách tối ưu để tôi chống lại sự rỗi rãi. Rỗi rãi, kẻ thù của nhà văn, những kẻ suốt đời quen sống với sự bận rộn của chữ nghĩa. Nói đúng hơn, nhà văn là những kẻ lúc nào cũng sống với cảm giác nợ nần  chữ nghĩa. Và món nợ chung thân này là cái ám ảnh dai dẳng và kinh khủng nhất trên đời mà tôi đã nhận ra từ những ngày bước chân vào thế giới người già. Loay hoay bút mực chưa xong nợ. Đã thấy thu về trong gió se. (Thơ Anh Ngọc)


3.

Tiểu thuyết Chim én liệng trời cao của tôi do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2016. Cuốn sách miêu tả lại cuộc Kháng chiến chống Pháp ở một làng đồng bào Tày, trong đó trung tâm  là hình ảnh một chú thiếu niên, từ một em nhỏ hăng hái và hồn nhiên tham gia vào cuộc nổi dậy đấu tranh võ trang cùng các anh chị bố mẹ ông bà  để giải phóng quê hương thoát khỏi ách thống trị của giặc Pháp và bè lũ tay sai, trải qua các tình huống chiến tranh, ở các địa bàn miền núi nhiều dân tộc, trưởng thành lên, trở thành một chiến sĩ trẻ tuổi dũng cảm, can trường.

Sách in khổ lớn, dầy 384 trang. Cầm sướng cả tay. Giở từng trang, càng thích thú vì giấy trắng, trình bầy đẹp lại có cả minh họa. Đọc đến trang cuối lại thêm cảm giác mới. Công tác biên tập thật công phu và kỹ càng. Nhưng gấp sách lại thì ngẩn ngơ: Sao mà nhiều chú thích thế?

Quả thật, chưa đầy 400 trang mà có đến hơn 150 chú thích. Tất nhiên, có những chú thích không thể không có. Ví dụ, tiếng các dân tộc thiểu số: ké là người già, cần khỏi là người tôi tớ, những tiếng nước ngoài: Carabine: tên một loại súng. Tăng sê: hầm hào. Jokey: nài ngựa. Măng sông: một loại đèn. Nhưng còn vô số các từ khác, cứ tưởng như rất quen thuộc, ai cũng biết rồi. Sơn tràng: người khai thác rừng bằng thủ công. Phó mộc: người làm nghề mộc. Tu lơ khơ: cỗ bài tây. Mũ be rê: mũ bằng dạ, không vành, trên có núm. Rỗ huê: rỗ hoa. Bạch đầu quân: người dân quân tuổi cao. Mắt ngưỡng thiên: mắc lác, muốn nhìn ngang phải ngước lên cao. Cả câu thơ Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ của Tố Hữu, cả câu hát Diệt phát xít giết bầy chó đê hèn của chúng trong bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi  nữa. Tất tất cả đều phải có chú thích giải nghĩa. Và điều đó ngẫm đi nghĩ lại thì thấy đúng là một nhu cầu hiển nhiên thật. Bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay đọc cuốn sách này là đang tiếp xúc với câu chuyện xẩy ra cách đây đã 70 năm. Mỗi thế hệ là 25 năm. Vậy thì mấy thế hệ người đã qua đi. Trong khi mỗi thế hệ có một lớp ngôn ngữ đặc trưng. Không hiểu hết ngôn ngữ thời đoạn ấy làm sao mà thấu cảm được nội dung câu chuyện. Điều đó cũng là dễ hiểu làm sao khi tôi tự thú nhận rằng, vào những này này, khi cả thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhiều lúc nghe thanh niên nói chuyện, tôi không hiểu mô tê ất giáp gì!

Nhưng đó mới chỉ là nói riêng về mặt ngôn ngữ. Vậy còn những sự kiện, khái niệm, nhân vật đã từng xuất hiện và đã khuất chìm vào đám sương mù thời gian. Làm sao mà lớp con cháu tôi hiểu thế nào là cuộc kháng chiến trường kỳ, là chiến khu, là vùng địch tạm chiếm, làng tề, là chiến tranh du kích, là dân công hỏa tuyến. Có biết bao nhiêu là câu chuyện đã diến ra trong cuộc sống ở thời kỳ lịch sử ấy mà bây giờ lớp hậu sinh nên biết cần biết phải biêt. Con con người với những đặc trưng về thể chất và tinh thần ở thời kỳ đó. Còn gì nữa? Còn không khí hương sắc, cảnh trí và cảm hứng của một thời. Còn…

Tiểu thuyết là nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống! Đó là một định nghĩa quá giản dị và tài tình tôi tìm thấy nó trong cuốn Bách Khoa từ điển Compton’s của nước  Anh cát lợi! Vâng, một cuốn tiểu thuyết hiển nhiên là sẽ hàm chứa một ý nghĩa nhân sinh, một tư tưởng cao siêu hay sâu sắc nào đó, nhưng  người ta không thể quên một giá trị căn bản nữa của nó, theo tôi, nó là nơi con người soi thấy bóng hình của toàn bộ cuộc sống với tất cả những gì quan hệ đến con người của một thời.


4.

Bấy lâu cứ tưởng mình già/ Bây giờ mấy thấy đúng là y chang/ Suốt ngày nói chuyện thuốc thang/ Gặp nhau là kể cả tràng chuyện xưa.

Tuổi già hóa ra toàn là xấu xí tệ hại thế ư? Đâu có phải thế nhỉ? Thành ra cô nhà văn Thúy Loan, trưởng ban biên tập sách Văn học Nhà xuất bản Kim Đống mới khẩn thiết gọi điện cho tôi:

- Bác Kháng ơi. Cháu được biết, hồi trẻ trong thời kỳ Kháng chiến  chống Pháp, bác có một thời gian dài đã là thiếu sinh quân. Có phải thế không ạ?

- Đúng vậy! Từ năm 1949 tôi ở đơn vị Thiếu sinh quân, thuộc Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng, đóng quân ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại đội trưởng đại đội tôi hồi ấy là Nhạc sĩ Phạm Tuyên đấy. Bạn tôi giờ đã lên lão cả rồi, nhưng vẫn còn nhiều. Nhà văn, Dịch giả Hoàng Thúy Toàn này. Giáo sư Vũ Thế Khôi này. Nhạc sĩ Phan Phúc này, Nguyên giám đóc Sở Giáo dục Hà Nội Vũ Mạnh Kha này, Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nàỳ, Nguyên Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn TNCS Vũ Mão này…  

- Thế bác đã đọc cuốn Quân khu Nam Đồng của tác giả Bình Ca chưa ạ. Cuốn sách viết về lớp thiếu niên thời chống Mỹ ấy ạ.

- Rồi. Hay!

- Chúng cháu đang rất cần một cuốn truyện viết về lớp thiếu sinh trong Kháng chiến Chống Pháp. Các bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay rất cần biết hồi ấy, các bạn thiếu niên sống, sinh hoạt, học tập, rèn luyện thế nào. Các bác khác đều bận và yếu đau cả. Bác viết giúp chúng cháu nhé!

A, thì ra rỗi rãi đã là một áp lực của một nghề nghiệp mà đã bập vào là không thể cất cơn được. Và bây giờ, ngoài áp lực ấy, một áp lực nữa đã xuất hiện ư?


Viết  đến đây, thú vị làm sao vì sực nhớ, vừa rồi tình cờ lục trong đám sách của thằng cháu nội, vớ  được Cuốn Cà phê của Tôny, một tập tản văn viết rất có duyên của một cây bút trẻ có tài, do NXB Văn hoá -Thông tin tái bản 2014. Trong một trang in, đọc được thông tin sau đây:

Ông Maslow đã vẽ ra cái tháp nhu cầu, tiếng Anh là Hierảrchy of Need của loài người. Ở tầng thấp nhất là nhu cầu về sinh lý. Còn cao nhất là nhu cầu tự thể hiện, tức self-actualisation, nói nôm na tức nhu cầu khoe.

Thì ra là vậy! Thì ra con người ta sống còn có một nhu cầu thuộc hàng cao quý là nhu cầu tự thể hiện, nhu cầu khoe! Nhu cầu khoe! Tất nhiên từ khoe ở đây có ý nghĩa trung tính. Chứ không hẳn mang hàm nghĩa xấu như là khoe khoang khoác lác. Suy rộng ra, tôi đã có cái gì đó nên tôi có nhu cầu để cho mọi người biết. Chẳng hạn, ông Tô Hoài có một lô chuyện cũ về Hà Nội. Ông Xuân Thiều có chuyện những ngày tham gia chiến đấu ở Huế Mậu Thân 1968 và ông có nhu cầu thể hiện chúng bằng tiểu thuyết Tư Thiên.

         Chuyện cũ Hà Nội, Tư Thiên. Chuyện của những ngày đã xa. Là trải nghiệm là nội lực, là vốn sống là trữ lượng của tuổi tác. Là những ánh hồi quang từ quá khứ dội về. Hồi quang từ xa xưa ánh xạ về!

Người sử dụng cụm đó đầu tiên là nhà văn Hồ Anh Thái và nhà lý luận phê bình trẻ Hoài Nam. Hai người lúc đó giới thiệu và bình luận về cuốn tiểu thuyết Một mình một ngựa của tôi. Sau này, tiến sĩ Dương Thanh Hương trong luận văn viết về tôi, có nói rõ ý này. Cô nói: Những tác phẩm gần đây của Ma Văn Kháng là những dòng hồi tưởng những gì đã qua trong cuộc đời ông. Và như vậy thì những Một mình một ngựa (2009), Chuyện của Lý (2013), Người thợ mộc và thấm ván thiên (2016) và Chim én liệng trời cao (2017) cũng như sắp tới là Một thời trai trẻ Thiếu sinh quân của tôi, viết theo yêu cầu cuả nhà văn Thúy Loan - Nhà xuất bản Kim Đồng, chính là những chuyện xưa cũ từ lâu vẫn neo đậu trong ký ức của tôi, bây giờ đang sống lại. Nhà văn viết bằng kỷ niệm, họ có nhu cầu thể hiện các trải nghiệm của mình!


5.

Vậy là nhà văn lại có thêm một áp lực nữa. Những áp lực đè ép lên anh vừa dễ chịu vừa mang tính cưỡng bức khiến anh chưa có thể rửa tay gác kiếm được kể cả khi tuổi đã xế chiều! Cuộc giang hồ chữ nghĩa vẫn đang cất tiếng mời gọi anh. Mừng làm sao cây đại bút Tô Hoài dẫn đầu treo gương sáng, vẫn duyên dáng  mượt mà  trong Chuyện cũ Hà  Nội khi  đã ở U 90. Nguyễn Khải vẫn sắc sảo trẻ trung trong Thượng đế thì cười. Đỗ Chu vấn thăm thẳm thương nhớ những kỷ niệm xa xưa. Nguyên Xuân Khánh với cả loạt tiểu thuyết xuất sắc khi ông đâu còn trẻ. Hoàng Quốc Hải hoàn thành Bộ tiểu thuyêt 4 tập Bão táp triều Trần khi  đã vượt tuổi cổ lai hy. Bùi Bình Thi ở tuổi U 80 vẫn rạo rực với Dại tình và thâm trầm với Quan đại thần Lê Hoan. Nguyễn Quang Thân với Hội thề. Dạ Ngân với Gia đình bé mọn. Hoàng Minh Tường với Nguyên Khí. Khuất Quang Thụy với Đối chiến. Chu Lai với Mưa đỏ. Trung Trung Đỉnh thêm hóm hỉnh ở tuổi 70. Nguyễn Bảo với Thượng Đức, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Dương Duy Ngữ ăm ắp phong tục tập quán về cuộc sống xưa sang trọng của làng quê Việt trong cả loạt tiểu thuyết và truyện ngắn. Năm tháng đắng cay hơn. Năm tháng ngọt ngào hơn. Em mới hiểu giờ  đây anh có  lý. Nguyến Văn Thọ với Quyên, tái hiện thân phận trầm luân của những con dân Việt bên trời Âu ở tuổi 61. Tô Hoàng với Nỗi buồn lâu quên. Lê Minh Khuê với Nhiệt đới gió mùa. Bùi Việt Sỹ với Chim ưng và chàng đan sọt. Nguyễn Quang Hà với Tiếng thở dài của đất. Nguyến Khắc Phê với Biết đâu địa ngục thiên đường. Hà Khánh Linh với Người Kinh đô cũ. Tô Nhuận Vỹ với Vùng sâu. Nguyễn Phan Hách với Cuồng Phong. Dương Hướng với Dưới chin tầng trời. Phạm Việt Long với Giã từ. Nguyễn Bắc Sơn  sau thành công bộ ba tiểu thuyết Luật  đời và Cha con, Lửa đắng, Gã tép riu đang hăm hở  thử sức với đề tài chiến tranh. Vũ Oanh  sau Bác sĩ Trưởng khoa, Ngọn tre già trổ hoa được dư luận đón nhận sôi nổi đang bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết mới. Nguyễn Trọng Tân sau cả loạt tiểu thuyết viết về ngày hôm nay, đã bắt đầu mở kho hồi ức với Thư từ quá khứ. Đoạn trường ai đã qua cầu mới hay. Bùi Ngọc Tấn sau Chuyện kể năm 2000 là Biển và chim bói cá… Bão Vũ với Trận lụt. Phạm Ngọc Chiểu vẫn đang đăm đuối với ký ức thời Thanh niên xung phong chống Mỹ. Đỗ Kim Cuông  với cả loạt tiểu thuyết có chất lượng cao về cuộc chiến ở  Bình Trị Thiên, vùng đất anh đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình. Lạ nữa còn là trường hợp Tùng Điển. Sau cả 31 năm im hơi lặng tiếng, cứt tưởng là đã quay lưng lại với cuộc lãng du chữ nghĩa, năm 2018, vào tuổi 71, đột ngột tái xuất để trả món nợ đời với văn chương và thỏa mãn nhu cầu self-actualisation với tiểu thuyết Người cũ làm sống lại lịch sử một quê ngoại thành Hà Nội… Tất tất cả, hay dở thì cũng vẫn là những trang viết lưu giữ bóng hình những ngày đã qua, vẫn là anh hồi quang từ quá khứ vọng về! Tất tất cả, xin lỗi vì không thể kể hết danh sách các nhà văn cao tuổi và tác phẩm của các anh chị, tất cả vẫn là một trong những thành tố cấu thành đội quân chủ lực của thể loại tiểu thuyết, cỗ đại bác của một nền văn học, một thể loại lớn của bất cứ nền văn học dân tộc nào!
Tiểu thuyết, thể loại được nuôi dưỡng bằng sự từng trải của đời người! Tiểu thuyết, nơi nhà văn thể hiện nhu cầu khoe, nhu cầu tự thể hiện, nhu cầu truyền cảm hứng và kinh nghiệm sống cho con người! Và như vậy, toàn cảnh một nền văn học trước nay vẫn là vậy. Một cuộc đồng hành của các thế hệ, các lứa tuổi, mỗi thế hệ trẻ già tuổi tác một thế mạnh, bổ sung cho nhau, liên tục kế nghiệp nhau ./.

 

Nguồn Văn nghệ số 41/2018


Có thể bạn quan tâm