March 29, 2024, 4:54 pm

Những “THẦN ĐỒNG” nổi tiếng nhất thế giới trong các thế kỷ qua

 

Trong thời đại của YouTube, thuật ngữ “thần đồng” xuất hiện nhan nhản với vô số clip về trình diễn âm nhạc và ngay lập tức xuất hiện những cuốn sách về “thần đồng” dạng này trên các tạp chí trực tuyến. Nhưng định nghĩa “thần đồng” phải là những người có khả năng chuyên biệt dưới 10 tuổi. Vì một số lý do đã không được hiểu đầy đủ mà các “thần đồng” thường có biệt tài trên một số lĩnh vực như toán học, âm nhạc, cờ tướng và hội họa. Một chuyên gia nghiên cứu về “thần đồng” đã ước tính rằng cứ 10 triệu người thì sẽ có 1 người là “thần đồng”. Nhà nghiên cứu này cũng lưu ý rằng các thần đồng thường có trí nhớ siêu phàm, chú ý tới từng chi tiết và tồn tại sự vị tha cao hơn người thường. Phần đông các thần đồng trẻ em thường có chỉ số thông minh (IQ) trung bình từ 100 đến 147, và chúng kết hợp cả thiên tài bẩm sinh với động lực không ngừng để thỏa thích sáng tạo theo chủ đề mà chúng muốn.

Mời bạn đọc cùng khám phá những thần đồng có sự thông minh hơn người và rất đáng nể.

       

JOEY ALEXANDER (SN 2003)

Joey Alexander là một thần đồng piano jazz. Cậu đến từ xứ sở Indonesia, cái nơi vốn không phải là kinh đô của nhạc jazz (và không có tên trên bản đồ nhạc jazz thế giới). Và Joey hoàn toàn tự học nhạc từ YouTube. Tháng 6 năm 2018 vừa qua, cậu bé mới tròn 15 tuổi. Tên thật của Joey Alexander là Josiah Alexander Sila, cậu bé lớn lên ở Bali, cậu nghe và học nhạc jazz thông qua một ít các đĩa CD mà cha cậu đã mua lúc còn là du học sinh ở Mỹ. Lên 6 tuổi thì Joey nhận chiếc bàn phím đầu tiên và cậu bắt đầu gõ các nốt nhạc của nghệ sĩ piano jazz Thelonious Monk. Cha Joey dạy con trai một số nguyên tắc căn bản, nhưng niềm đam mê và quyết định theo âm nhạc đến chủ yếu từ Joey. Lên 8 tuổi, gia đình Joey dọn tới Jakarta, thời điểm này Joey cũng đã gặt hái được chút ít danh tiếng trong giới nhạc jazz Indonesia.

Tròn 9 tuổi, Joey đã tham dự Master-Jam Fest, cuộc thi đấu nhạc jazz đủ các lứa tuổi được tổ chức ở Ukraine, và mang về quê hương giải thưởng tự hào. Nhưng tài năng của Joey Alexander chỉ trở nên nổi tiếng toàn cầu khi các video nhạc jazz của cậu đăng lên YouTube đã lọt vào mắt của bậc thầy thổi kèn Wynton Marsalis, ông cũng là giám đốc Jazz tại Trung tâm Lincoln, và ông đã mời thần đồng Joey (khi đó mới 8 tuổi) biểu diễn jazz tại Lincoln Center Gala (New York) năm 2014. Lúc Joey ngồi vào băng ghế đàn piano (chân cậu còn chưa chạm vào sàn nhà), chỉ có một số ít khán giả bên dưới tỏ vẻ quan tâm. Nhưng sau đó cả khán phòng vỗ tay không ngớt. Giờ đây thần đồng Joey  Alexander đang sống ở New York và cậu đã phát hành album nhạc đầu tiên mang tựa đề “Những điều yêu thích của tôi” (“My Favorite Things”) vào năm 2015, lúc mới 12 tuổi.

       

JOHN VON NEUMANN (1903-1957)

John von Neumann là một minh chứng lấp lánh về “thần đồng toán học” khi ông đã có những đóng góp to lớn trong cả máy tính và vũ khí nguyên tử. Chào đời ở Hungary vào năm 1903, ngay từ thủa nhỏ John von Neumann đã có trí nhớ kỳ lạ và là người đam mê học thuật. Ở tuổi lên 6, Neumann thường làm trò giải trí cho cha mẹ và bạn bè bằng cách nhớ như in nhiều trang danh bạ điện thoại và chia nhanh 8 chữ số ngay trong đầu. Cũng thích phiếm chuyện về Hy Lạp cổ điển. Vào thập niên 1930, John von Neumann có chân tại Viện nghiên cứu cao cấp tại Đại học Princeton (New Jersey, Mỹ), nơi đây có giáo sư Albert Einstein.

Năm 1943, Neumann được tuyển dụng vào Dự án Manhattan, nơi đây ông đã thiết kế một số yếu tố quan trọng của những quả bom nguyên tử đầu tiên, cũng như giúp lựa chọn 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki làm địa điểm thử bom. Năm 1945, Neumann đã tạo được bước đột phá bằng cách mô tả một số thứ gì đó gọi là “kỹ thuật chương trình lưu trữ”, về cơ bản thì đây là nền tảng cho việc xây dựng phần cứng mới cho mọi ứng dụng. Newmann cũng chế tạo nên máy tính phổ quát điện tử đầu tiên (Máy điện toán và tích hợp số điện tử, ENIAC) vào năm 1946 tại Đại học Pennsylvania. Cuối cùng, John von Neumann được coi là “cha đẻ” của lý thuyết trò chơi – một cách tiếp cận toán học về kinh tế học mà có ảnh hưởng vào nghiên cứu một loạt các lĩnh vực, bao gồm sinh học tiến hóa.

       

AELITA ANDRE (SN 2007)

Năm 2018 này, họa sĩ người Australia-Aelita Andre mới tròn 9 tuổi, nhỏ nhưng sáng tạo kinh người. Theo lời kể của cha mẹ bé thì con gái họ biết vẽ tranh từ khi mới được 9 tháng tuổi. 2 bức họa đầu tiên được họa sĩ nhí vẽ trên tranh sơn dầu mang tựa đề là Cụ Mây (The Cloud Man) và Thằn lằn buổi hoàng hôn (Lizard at Sunset). Tròn 22 tháng tuổi, bức tranh đầu tiên của Andre đã được treo trang trọng trong phòng tranh ở London. Phong cách sáng tác của Aelita Andre được mô tả là “sự trìu tượng huyền dịu” và những bức họa được mô tả ngang bằng với bậc thầy hội họa Jackson Pollock. Khi lần đầu tiên đem tranh đi triển lãm ở London, Andre cũng kịp có các buổi triển lãm cá nhân ở quê nhà Australia, New York City, Italy, Paris, Hong Kong và Nga, tại các nơi đó những bức tranh của họa sĩ nhí được bán với giá hơn 24.000 USD/bức (Bạn đọc lưu ý cô bé mới 9 tuổi?).

Khi bé Aelita Andre được ngợi ca là “Tiểu Picasso” thì cũng ngay lập tức vấp phải các lời chỉ trích. Một số người cáo buộc rằng cha mẹ của Andre – những họa sĩ thành danh – đã gây “sức ép” cho con gái, hoặc sáng tác của Andre thể nào cũng có bàn tay của cha mẹ bé tác động vào. Nhưng sau khi họ xem các clip về nơi bé Andre sáng tác tranh thì lập tức hiểu rằng họa sĩ nhí toàn tâm ý để làm nên các kiệt tác, cô bé bóp những chai sơn phụt ra các tia màu bắn lên các tấm vải vẽ dựng ngay trên sàn nhà. Tài năng cô bé chín muồi theo thời gian, từ những bức tranh vẽ ngẫu nhiên cho tới những bức họa tương đối phức tạp hơn. Giống như các thần đồng họa sĩ khác (Picasso nằm trong số họ), thiên tài của Aelita Andre định hình thành công khi cô bé lớn lên.

 

JOHN STUART MILL (1806-1873)

Sinh ra tại London vào năm 1806, ngay từ khi ấy John Stuart Mill đã tiếp xúc với một thí nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực giáo dục mầm non, và đặt nền móng để bản thân ông trở thành một nhà tư tưởng chính trị, triết học và kinh tế lỗi lạc trong thời đại Victoria. James Mill (cha ruột của Staurt Mill) vốn là nhà văn Scotland và cũng là “đệ tử” của Jeremy Bentham, một nhà triết học tiện dụng nổi tiếng cũng đồng thời là một thần đồng. Với sự giúp đỡ của Jeremy Bentham, James Mill đã theo đuổi một tham vọng giáo dục áp lên người con trai Stuart Mill, nhồi vào cậu bé tiếng La Tinh, tiếng Hy Lạp, vật lý, kinh tế và sử học cổ đại. Học quên luôn ngày nghỉ lễ vì người cha sợ con trai sẽ sinh ra lười biếng. Năm lên 6 tuổi, cậu bé Stuart Mill đã đọc Plato trong tiếng Hy Lạp và viết về lịch sử Rome.

12 tuổi, Stuart Mill đạt điểm số cao về cổ điển, toán học, khoa học và tham gia kỳ tuyển sinh vào Oxford. Tuổi 18, Stuart Mill đã trở thành kinh tế gia vĩ đại nhất thế giới vào thời điểm đó, am hiểu mọi chủ đề về kinh tế học. Tuy nhiên bước sang tuổi 20 thì Stuart Mill mắc chứng suy nhược thần kinh, nhưng bệnh khỏi khi thiên tài chuyển sang yêu thơ ca, văn chương và âm nhạc. Stuart Mill viết nên 2 cuốn sách lừng lẫy, mang các tiêu đề là Các nguyên tắc về kinh tế chính trịNgày tự do cùng với việc viết hàng trăm bài viết tạp chí khác. Di sản của John Stuart Mill là quyền bình đẳng ở cả 2 giới và mọi chủng tộc, và là chiến sĩ năng nổ cho tự do cá nhân.

       

STEVIE WONDER (SN 1950)

Sinh ra vào năm 1950 và mang cái tên khai sinh là Stevland Hardaway Judkins, lúc còn nhỏ xíu, cậu bé Stevie Wonder đã bị khiếm thị do căn nguyên nhận quá nhiều ô xy trong lồng ấp ở bệnh viện khiến võng mạc đứa bé bị tách ra. Nhưng nhờ bắt chước tấm gương của thần tượng thủa ấu thơ là Ray Charles mà Wonder nhanh chóng khắc phục khuyết tật để trở thành một nhạc sĩ thành công rất sớm và lâu dài. Khi Wonder lên 4 tuổi, gia đình cậu dọn nhà tới Sagniaw, Michigan và rồi là Detroit, thì cậu bé Wonder khi ấy đã tỏ ra mê các nhạc điệu của nhà thờ và táy máy đập nồi chảo trong bếp của mẹ để tạo nên các giai điệu. Khi có người trao cho Wonder một cây kèn harmonica thì cậu bé thổi cả ngày đêm; rồi hàng xóm lại cho Wonder chơi đàn piano của nhà họ, thế là cậu bé sang nhà họ gõ cửa để được chơi.

Ở tuổi 9 hay 10 giờ đó, tài năng âm nhạc của Wonder đã làm lác mắt đám trẻ con hàng xóm. Một trong số bạn học của Wonder là con trai của Ronnie White – thành viên của ban nhạc The Miracles. Khi ông White lắng nghe Wonder chơi đàn, ông hiểu ra trước mình là một thần đồng và vội đưa cậu bé đến Công ty thu âm Motown của nhà sáng lập Berry Gordy. Trầm trồ liên tục khi nhìn thấy Wonder chơi từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác với mọi giai điệu, Berry Gordy liền ký hợp đồng với Wonder và tự hào gọi cậu bé là “Tiểu Stevie Wonder”. Mới 11 tuổi, Wonder đã phát hành album nhạc đầu tay với Công ty Motown; và năm 12 tuổi, cậu bé đã thu âm bản “Fingertips (Phần 2), liên tục đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc Billboard và R&B. Wonder trở thành nghệ sĩ trẻ nhất đứng đầu các bảng xếp hạng nhạc Pop. Hơn 30 năm theo âm nhạc, Wonder đã tạo ra 10 bản “hit” và đạt được 25 giải Grammy âm nhạc danh giá. Năm 1989, ở tuổi 38, Stevie Wonder đã được khắc tên trên Đại lộ danh vọng Rock & Roll (khu thương mại Cleveland, Ohio, Mỹ).

       

SHAKUNTALA DEVI (1929-2013)

Nổi tiếng với biệt danh “người máy tính”, Shakuntala Devi đã làm nên những kỳ tích đáng nể về tính toán, bao gồm giải toán nhanh hơn cả các máy tính thế hệ đầu tiên ngay từ bà chỉ là một bé gái nhỏ ở Ấn Độ. Devi sinh ra ở Bangalore vào năm 1929, là “con gái rượu” của người cha vốn là nghệ sĩ nhào lộn, thuần hóa sư tử và ảo thuật gia. Lên 3 tuổi, lúc chơi đánh bài với cha, Devi đã khiến phụ thân sửng sốt vì khả năng nhớ các con số tài tình gồm cả cỗ bài. Làm nghề giải trí nên người cha ngầm hiểu con gái ông là “mỏ vàng” hái ra tiền, liền bắt đầu tạo ra các show diễn toán học cho Devi. Lên 6 tuổi, Devi tham gia biểu diễn thường xuyên ở gánh xiếc của cha mình, thi triển các thủ thuật về tính toán và giấu bài. Lớn hơn một chút, Devi đã cùng cha đi lưu diễn khắp Ấn Độ và thế giới. Đề tài yêu thích của Devi là nhớ chính xác ngày trong tuần của bất kỳ ngày nào trong suốt chiều dài của lịch sử. Kỳ công đáng nhớ nhất của Devi được thực hiện vào năm 1977 khi cô tính số gốc 23 trong 201 chữ số chỉ trong vòng 50 giây, đánh bại máy tính Univac (máy tính ban đầu) trong 12 giây. Năm 1980, Devi có tên trong sách Kỷ lục Guinness thế giới với khả năng nhân nhanh nhất với 13 con số và chỉ diễn ra trong vòng 28 giây!

       

BOBBY FISCHER (1943-2008)

Khi Bobby Fischer lên 6 tuổi, người chị gái đã mua cho em trai bộ cờ vua đầu tiên và bày cho em trai cách di chuyển các quân cờ trên bàn cờ. Vào năm 12 tuổi, Fischer thường xuyên “sống” trong các câu lạc bộ cờ vua ở New York và đụng độ với những tay chơi cờ vua giỏi nhất nước Mỹ. 14 tuổi, Fischer đã hạ gục 200 kỳ thủ cờ vua để chiến thắng trong giải thi đấu cờ vua mở rộng Mỹ vào năm 1957. 15 tuổi, Fischer là người nhỏ tuổi nhất nhận được danh hiệu “Kiện tướng cờ vua” khi đánh bại các kỳ thủ cờ vua trong các cuộc thi quốc tế. Vào năm 1972, Boddy Fischer trở thành người Mỹ đầu tiên và có lẽ là duy nhất được xưng tụng là “siêu sao cờ vua” khi đối đầu với “kiện tướng cờ vua” Liên Xô-Boris Spassky để trở thành đệ nhất quán chủ cờ vua thế giới. Kể từ thời điểm đó, người Mỹ đạt đoạt được danh hiệu lừng lẫy này. Buồn thay, đánh cờ nổi tiếng bao nhiêu thì đời tư của Fischer lại rã rời bấy nhiêu.

Với chỉ số thông minh lên tới 181, Fischer tỏ ra chán nản và lười học, bỏ học ở tuổi 16. Vào năm 1972, ở tuổi 30, lúc đang thi đấu với Boris Spassky thì Fischer bỗng nhiên phát bệnh hoang tưởng, cáo buộc những kẻ đối lập đã tìm cách hạ độc mình. Điều niên biết, ở ngưỡng tuổi 20, Fischer đã tham gia vào tổ chức gọi là “Giáo hội Chúa toàn cầu” và bị lôi kéo vào mớ thuyết âm mưu của cái gọi là “bè đảng Do Thái toàn cầu”. Sau này, Fischer liên tục biến mất khỏi truyền thông và chỉ xuất hiện trở lại trong các giải đấu cờ vua quốc tế. Fischer qua đời ở Băng Đảo lúc mới 64 tuổi, ông ta chạy trốn giới chức Mỹ khi tham gia một giải đấu cờ vua ở Nam Tư chống lại kỳ thủ Boris Spassky để lấy số tiền 5 triệu USD vào năm 1992 (Dĩ nhiên Fischer là kẻ chiến thắng). Di sản để lại của Bobby Fischer là kiện tướng cờ vua vĩ đại của Mỹ và cái giá của một thiên tài.

       

SOR JUANA INES DE LA CRUZ (1648-1695)

Vào thế kỷ 17, Sor Juana Inés de la Cruz là một nữ tu thời thuộc địa Mexico, bà cũng đồng thời là thi sĩ, nhà viết tiểu luận và là tiếng nói về nữ quyền. Ở tuổi thiếu niên, cô bé Sor Juana trở thành một thần đồng tự luyện khi đối mặt với một hội đồng gồm 40 học giả của thành Mexico trong một bài thi vấn đáp về toán học, triết học, thần học và văn chương. Tên khai sinh ra Juana Ramirez de Asbaje, cô bé Sor Juana là đứa con ngoài giá thú của một thuyền trưởng Tây Ban Nha, cả tuổi thơ cô bé lớn lên nhờ sự chăm sóc của ông nội. Ở nhà nội, Sor Juana học đọc từ năm 3 tuổi và bắt đầu khám phá thư viện đầy ắp sách của ông nội, viết những bài thơ đầu tiên bằng tiếng Tây Ban Nha, Latin và ngôn ngữ Nahuatl (của người Aztec) khi cô bé lên 8 tuổi. Ở thành Mexico, Sor Juana được dạy bởi một linh mục uyên bác. Tròn 17 tuổi, Sor Juana trở thành người am hiểu về hoàng gia, tên tuổi nổi tiếng khắp Mexico. Không kết hôn, Sor Juana nguyện cống hiến cả đời mình cho việc nghiên cứu và viết lách. Thơ và kịch của bà trở thành kinh điển của văn chương Tây Ban Nha thủa ấy. Tác phẩm Respuesta (Đáp lời) có lẽ là bản tuyên ngôn nữ quyền đầu tiên do Sor Juana viết nên với triết lý “Phụ nữ có đủ lý lẽ dù cho họ đang nấu bữa tối”.

 

ALMA DEUTSCHER (SN 2005)

Nổi tiếng với biệt danh “Tiểu Mozart”, cô bé Alma Deutscher là một nghệ sĩ dương cầm, vĩ cầm và nhà soạn nhạc cổ điển; và cũng giống như thiên tài Mozart, cô bé bắt đầu viết và sáng tác những tác phẩm âm nhạc lúc còn đang ở nhà trẻ. Chào đời ở Anh vào năm 2005, Deutscher bắt đầu chơi đàn dương cầm khi bé lên 2 tuổi, lên 3 tuổi thì chơi vĩ cầm, và bắt đầu tự sáng tác các giai điệu bao gồm một vở kịch opera mang tựa đề Don Alonzo. Ở tuổi lên 6, cô bé thu âm bản sonata dương cầm đầu tiên; lên 7 tuổi thì viết xong vở opera đầu tiên; lên 9 tuổi thì đã hoàn thành bản concerto cho vĩ cầm và giàn nhạc đầy đủ, cô bé trình diễn điêu luyện trước khán giả quốc tế. 12 tuổi, cô bé đã viết bản concerto dương cầm đầu tiên. Một trong các giáo viên của “thần đồng” Deutscher là Robert Gjerdingen, vốn là giáo sư âm nhạc tại Đại học Northwestern (Evanston, Illinois, Mỹ), khẳng định rằng Deutscher có tiềm năng âm nhạc không giới hạn.

       

WOLFGANG AMADEUS MOZART (1756-1791)

Là thần đồng nổi tiếng nhất trong tất cả thần đồng, Wolfgang Amadeus Mozart được chào đón nồng nhiệt bởi khán giả hoàng gia trên khắp Châu Âu lúc cậu bé mới lên 6, là một thiên tài âm nhạc đỉnh cao. Chào đời ở Salzburg (Áo) vào năm 1756, Mozart là đứa con thứ 7 của ông Leopold Mozart vốn là một nhà soạn nhạc của triều đình. Và khi ông Leopold lờ mờ nhận ra tài năng của con trai (Mozart): cậu bé không chỉ chơi hay đàn dương cầm năm lên 3 tuổi mà còn tự học chơi vĩ cầm khi mới 4 tuổi, thì ông Leopold đã ngừng công việc của mình để toàn tâm nuôi dưỡng và quảng bá tài năng của con trai mình (cùng người chị gái Maria Anna). Năm 1762, hai chị em nhà Wolfgang đã được phép chơi nhạc trước vua và hoàng hậu tại Hoàng cung Vienna, khi đó chú bé 6 tuổi Mozart khiến khán giả chết mê khi lướt trên phím đàn dương cầm và các tác phẩm gốc. Mới 4 tuổi, Mozart đã viết nên vở concerto dương cầm đầu tiên.

Thành công ở hoàng cung Vienna khiến Mozart thường xuyên được mời đi lưu diễn khắp Châu Âu suốt vài năm, gia đình đã mở rộng các tiết mục âm nhạc của thần đồng. Ở Anh, nhà tự nhiên học Daines Barrington đã thử nghiệm thiên tài âm nhạc của thần đồng 8 tuổi Mozart bằng cách cho cậu bé đọc bản thảo giàn nhạc mới được soạn xong và kết quả khiến ông Barrington hết sức kinh ngạc. Cũng trong thời gian ở Anh, Mozart đã theo học Johann Christian Bach (con trai của nhà soạn nhạc người Đức kiêm nhạc sĩ Baroque, Johann Sebastian Bach). 9 tuổi, Mozart đã soạn xong bản giao hưởng đầu tiên cùng với ít nhất 40 tác phẩm khác. 14 tuổi, lúc đang lưu diễn ở Italy, Mozart đã viết nên các vở opera đầu tiên. Khi trưởng thành, Mozart đã soạn các vở The Marriage of FigaroThe Magic Flute cùng các kiệt tác khác. Cuộc đời của Mozart ẩn chứa nhiều vinh quang và bi kịch, thể hiện chân dung một thiên tài đầy nghị lực và rất cầu toàn, những chi tiết này chỉ mới đánh giá được một phần trước sự ra đi đột ngột của ông vào năm 1791 ở tuổi 35.

 

NGUYỄN THANH HẢI

(Tổng hợp từ: https://science.howstuffworks.com/life/inside-the-mind/human-brain/10-child-prodigies.htm )

Nguồn Văn Nghệ số 38/2018


Có thể bạn quan tâm