April 26, 2024, 4:28 am

Khởi nghiệp và Văn chương*

 

Start-up là cụm từ tiếng Anh, dịch là khởi nghiệp, tức khởi đầu lập nghiệp, dùng cho các những ai bắt đầu công việc lập nghiệp của mình. Những năm này, cao trào quốc gia khởi nghiệp đang diễn ra sôi nổi trên toàn quốc ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là với các doanh nhân trong lĩnh vực kinh tế. Dõi theo star-up của các nhà doanh nghiệp, thấy có mấy quy tắc phổ biến sau đây liền thử liên hệ tới khởi nghiệp văn chương xem sao.

  1. Điểm xuất phát ban đầu của khởi nghiệp theo nhiều doanh nhân thường là một ý tưởng. Nhưng ý tưởng đó phải mang những yếu tố sau đây: Lạ. Độc đáo. Không ai nghĩ ra. Nhưng lại dễ thực hiện. Tiếp đó, ý tưởng nọ lại được nung nấu rất kỹ càng trong óc nhà khởi nghiệp.
  2. Ý tưởng của khởi nghiệp thường bao giờ cũng lớn hơn một hình ảnh một công cụ một vật thể cụ tượng. Như là Nhà sáng lập hãng xe hơi Ford khởi đầu họ là ý nghĩ: Tôi sẽ làm ra cái để phục vụ cho sự đi lại của mọi người thuận lợi. Chứ không chỉ là làm ra cái/con ôtô cụ thể. Cũng vậy, hãng điện thoại Nokia: Ý tưởng khởi đầu của tôi là tôi tìm ra cách phục vụ sự liên kết, kết nối mọi người và sau cùng kết quả cụ thể mới là cái công cụ có tên là Nokia.
  3. Ý tưởng đó phải mang yếu tố khả thi và có ý nghĩa phổ quát. Nó phục vụ cho nhiều người. Ví dụ, tôi làm ra một chuỗi hàng phở, sản phẩm có có chất lượng như nhau. Chứ không phải chỉ làm ra một cửa hàng đơn lẻ.
  4. Sau cùng và cũng là một trong những điều phải nghĩ tới ngay khi muốn khởi nghiệp là phải phải tính đến vốn liếng. Tức tiền bạc, điều kiện vật chất. Vốn có thể là tự có. Có thể là vay vỏ của bạn bè, hoặc của Nhà nước.
  5. So sánh thì rất có thể là khập khiễng. Nhưng có thể nói, khởi nghiệp văn chương cũng có gì đó không ra khỏi những cái tạm gọi là quy tắc nọ, tất nhiên là có đại đồng có tiểu dị. Chẳng hạn:
  6.  
Nhà văn Ma Văn Kháng ký tặng sách cho độc giả. Ảnh Internet

1. Bắt đầu cùng là một ý tưởng. Một ý tưởng Lạ, Độc đáo. Không ai nghĩ ra. Và đã được nung nấu. Điều này là nhất thiết với văn chương. Một ý tưởng không lạ, không độc đáo, đã có người viết ra rồi và viết hay rồi thì đừng có dại mà đâm đầu vào viết. Nhọc mình, đã chẳng nên công cán gì mà lại còn dơ với đời. Nhãn tiền hữu cảnh họa bất đắc. Trước mắt có cảnh đẹp mà không làm thơ được. Lý Bạch thi bá đã viết vậy vì không dám tranh tài với Thôi Hiệu trước bài Hoàng Hạc lâu. Nhà văn rất cần phải có hiểu biết 10.000 năm văn học trước mình, G.Marquez nói. Có nhẽ cũng có tí lý do là để khỏi thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Tất nhiên ở chỗ này có sự khôn ngoan tính quái, biết tìm cái mới lạ trong cái quen nhàm. Ruộng sâu anh tát gầu dai. Ruộng sâu anh tát bằng hai gầu sòng. Hiện giờ nói riêng về Tivi thì trên thế giới đã tràn ngập các loại máy hiện đại của hàng chục hàng trăm các hãng nổi tiếng, như Samsung, Sony, Panasonic, LG… rồi. Vậy mà vẫn có một nhà doanh nghiệp Việt đầu tư vào nhà máy sản xuất loại máy thu hình này. Và ông đã thành công. Tivi của ông mang nhãn hiệu Led Asanzo. Ông nói, tôi tìm ra được cái phân khúc thị trường mà các hãng Tivi nổi tiếng kia bỏ sót: những chiếc Tivi cỡ nhỏ, giá bình dân (có loại chỉ có 1.650.000 đồng) phù hợp với hoàn cảnh sống, sức mua của bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Kết qủa, năm 2016 tiêu thụ 500.000 chiếc. Sau 3 năm, chiếm 15 phần trăm thị phần mặt hàng này trên thị trường. Nguyễn Bắc Sơn tâm sự: “Vì viết muộn nên tôi phải chọn một lối đi riêng cho mình” (Tạp chí Cửa biển 191-4/2018). Nên một gã cạo giấy, thuộc hạng công chức tiêu biểu đã trở thành nhân vật lạ, chưa ai biết  trong tiểu thuyết Gã tép riu của nhà văn giữa cả một rừng nhân vât trong các cuốn sách viết về thành thị. Còn với nhà văn Vũ Oanh, Bác sĩ trưởng khoa rõ ràng là một nhân vật chưa từng có trong các tiểu thuyết của nước ta. Đề tài không phải là tất cả, những cũng là một thế mạnh cần tận dụng.

Về văn chương điểm này có thể nói thêm. Có những nhà nhà văn khởi sự tác phẩm chỉ đơn thuần từ một ý tưởng. Ví dụ: Biến nguy cơ thành cơ hội. Từ ý tưởng mới nẩy nở rồi mới đi tìm cốt truyện, hình tượng tương tự để phụ họa. Và cách làm đó cũng không phải không có kiệt tác. Tuy nhiên, hình như khác với nhà doanh nghiệp, điểm xuất phát ban đầu của nhà văn, nhiều khi chỉ đơn thuần là một hình tượng. Một hình tượng, một hình ảnh, một câu chuyện, một số phận, một chi tiết, rồi từ đó ý tưởng mới xuất hiện. Tiếp đó, chúng hòa trộn với nhau, tạo nên gắn bó hữu cơ chỉnh thể, thống nhất 

 

2. Giống nhà sản xuất Nokia và Ford, nhà văn không chỉ tạo nên một câu chuyện cụ thể. Mà ý nghĩa của câu chuyện, bài thơ còn vượt ra khỏi hình tượng cụ thể, nó mang ý nghĩa nhân sinh phổ quát. Các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc thường là vậy.

 

3. Như nhà doanh nghiệp, khi bắt tay vào công trình của mình, nhà văn cũng phải có kế hoạch để đảm bảo  tính khả thi của công việc. Không thể xây dựng  được một tòa lâu đài trong khi trong tay không có một viên gạch. Sau khi đã có ý tưởng rổi, anh phải tích cực đầu tư công sức để có được những yếu tố cần thiết đủ để đảm bảo cho việc thi công. Một cốt truyện hâp dẫn. Một hệ thống tính cách đặc sắc. Một lớp ngôn ngữ đắc dụng. Tất nhiên việc này thùy thuộc vào cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn. Các nhà nghiên cứu cho hay. Khác với Lev Tolstoy, các nhân vật của F.Dostoyeski hình thành dần dần trong quá trình sáng tác của ông. Phổ biến với nhiều nhà văn là quá trình sáng tạo thường gặp tình trạng nhân vật nổi loạn, phá vỡ dự tính ban đầu.

 

4. Thống kê cho biết, khởi nghiệp thành công có tỷ lệ rất  hiếm hoi: 15 phần trăm. Thường là thất bại. Tỷ phú Trung Hoa, ông chủ Alibaba  Jack Ma là thế. Thông thường lúc đó nhà khởi nghiệp dừng việc, bỏ ý định tự mình lập nghiệp, đi làm thuê cho các đại gia, để học hỏi kinh nghiệm, rồi sau đó mới bắt đầu lại. Nghề văn cũng thế chăng? Nguyễn Minh Châu có lần nói: Viết văn đến một lúc nào đó mới thành văn. Có nhẽ, trừ một số ít có biệt tài, viết một cái là trở thành tác giả ngay, còn như mình thì có đến cả chục năm dẫm chân ở thời kỳ ngô ngọng, nhớ lại giờ còn thấy xấu hổ. Nhưng như nhà doanh nghiệp thất bại nói, phải biến nguy cơ thành cơ hội. Đúng thế. Lúc ấy nhà văn trẻ cùng với việc lặn lội vào thực tế cuộc sống, tức trường đại học cuôc đời, bắt đầu việc học tập, đọc lại tác phẩm của các nhà văn bậc thầy. Muốn học Tchékhov tốt nhất là chép lại truyện của ông. Đó là một lời khyên. Rồi sẽ tái khởi nghiệp khi cảm thấy đã đủ lực. 

 

5. Doanh nhân khởi nghiệp nói: Sức mạnh của con sói là ở bầy sói. Sức mạnh của bầy sói là ở mỗi con sói. Ý nói đến sự hiệp đồng, lan tỏa ảnh hưởng của các thành viên trong một tổ chức doanh nghiệp. Khởi nghiệp của văn chương ở vào các thời kỳ đột phá thông thường cũng vây, không đơn độc. Mỗi cá thể là một, những cũng là một phần của tất cả. Một cuộc bay của cả đàn. Thơ mới là vậy với Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Lưu Trọng Lư… Văn học hiện thực phê phán thời kỳ 1930-1945 với Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Tô Hoài... Có lẽ là vậy nên các nhà văn khởi nghiệp thường là cùng một trang lứa. Những năm chống Mỹ là một đội ngũ các  nhà thơ: Hữu Thỉnh, Nguyến Khoa Điềm, Pham Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trọng Tạo, Anh Ngọc, Lê Thành Nghị… Văn xuôi bên quân đội có trùng trùng  lớp lớp: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Sách, Hải Hồ, Mai Ngữ… Tiếp đến là Đỗ Chu, Lê Lựu, Triệu Bôn, NguyễnTrí Huân, Chu Lai , Khuất Quang Thụy,  Nguyễn Bảo, Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Dương Duy Ngữ, Tô Đức Chiêu, Tô Hoàng, Nguyễn Thế Hùng… Các nhà văn nhà thơ viết cho Thiếu nhi: Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Đoàn Giỏi, Hà Ân, Trần Đăng Khoa, Định Hải, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Hoài Dương, Phong Thu, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Thiên Hương, Lê Phương Liên, Nguyễn Thúy Loan… Các cây bút ngành công an cũng  không ở ngoại lệ. Lê Tri Kỷ, Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Hữu Ước, Phạm Khải, Như Phong, Tôn Ái Nhân, Thu Trang, Khổng Minh Dụ, Nguyễn Hồng Thái, Mai Vũ, Phan Quế, Trần Thanh Hà, Như Bình, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Thụ… Đội hình  những mũi tên bay. Mỗi người là một, nhưng cũng là một thành tố, mang vang hưởng của cả cộng đồng. Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì cần đồng đội. Điều đó đã là một mặc định!

 

6. VTV1 tối thứ sáu, 8/12/2017, mục khởi nghiệp  có câu chuyện  cô Lê  Thanh Trà làm hoa đất. Cô đi Malayxia học nghề. Bố cô nói: bố già rồi, không hiểu còn có đủ thời gian để nhìn thấy con thành nghề? Cô nói, con chắc chắn sẽ thành công. Cô lấy hoa thật về, bóc tách từng chi tiết quan sát để bắt chước. Quan trọng là đất. Phải mua của Nhật, của Thái. Nhiều lúc đất bị thối bị chua. Phải đổ đi cả thùng. Tốn phí không biết bao nhiêu mà kể. Mầy mò, kiểm tra, khám phá mất cả năm rưỡi trời mãi rồi cô mới tìm  được công thức.  Hoa đất sản phẩm của thủ công mỹ nghệ, của đôi bàn tay khéo léo, tinh tế. Bầy trong nhà lâu hoa cũng không biết đến héo tàn. Giờ hoa đất của cô đã xuất ngoại. Cô nói: Có những lúc, hoặc có thể nói nhiều lúc, vấn đề thu nhập lời lãi không hẳn là quan trọng, mà quan trọng hơn tất cả là được làm nghê mình yêu thích. Được làm công việc mình yêu thích! Nhà văn khởi nghiệp cũng là thế đó!

 

7. Ông tên là Jon Jandai. Nào ai đã nghe thấy một lần tên tuổi ông. Vì ông chỉ là một nông dân bình thường quê mùa ở tận tít tịt xứ Đông Bắc Thái Lan. Giống như rất nhiều người chúng ta, 15 tuổi ông đã rời bỏ quê hương, lên Băng Kok thủ đô nước ông để kiếm sống với giấc mơ lập thân lập nghiệp. Trải qua đủ nghề ngỗng linh tinh từ hiệp sĩ bảo vệ đến bồi bàn quán xá, suốt bảy năm trời, vật vã mà vẫn không đủ sống. Nghèo vẫn hoàn nghèo, cùng với  việc hiểu ra sự thật nghiệt ngã ấy, ông nhận ra, mình đã  mắc phải cái thói tật nhiều người  đã mắc phải là tham mồi bắt bóng, là bị cái hào nhoáng bề ngoài làm mờ mắt.

Nghĩ đi nghĩ lại ông thấy: Chỉ cần Lương thực, Thực phẩm, Nhà ở, Thuốc men là có thể sống được và 4 thứ đó ông có thể tạo ra được. Thế là ông quyết định trở về với mảnh đất quê hương mình. Vạn sự khởi đầu nan. Nhưng một khi đã quyết tâm thì mọi sự đều có thể vượt qua. Ông trồng lúa. Ông sản xuất phân bón hữu cơ. Ông tự tạo hạt giống. Ông dựng nhà để ở… Cuối cùng trang tại PunPun của ông hình thành. Câu chuyện lập nghiệp ngay tại quê hương mình của ông thật giản dị khiến nhiều người cảm động và thán phục vì nó là kết quả của sự chiêm nghiệm của chính ông.  

Người Anh, người Hà Lan, người Châu Á đến thăm trang trại ông, nghe ông nói chuyện, có cảm giác sung sướng vì nhận ra ông chính là người truyền cảm hứng cho mình. - À ra là thế. Hãy lập nghiệp ngay trên đất quê hương mình. Hãy làm công việc mình yêu thích thì coi như không phải làm việc gì cả. Chân lý nào có cao siêu gì đâu. Hãy lắng nghe cuộc sống hàng ngày quanh ta và nhận lấy cảm hứng từ chính công việc của người trong cuộc. Tôi thấy việc sáng tác văn chương cũng na ná như thế.

 

8. Giống như nhà kinh doanh khởi nghiệp, nhà văn cần vốn liếng. Cùng với vốn liếng tự có, những trải nghiệm bản thân, còn là vốn vay mượn bằng sách vở, học hỏi, gọi là vốn gián tiếp. Nguyễn Khải có lần nói đại ý: Đến một đơn vị quân đội, nghe được một chiến sĩ kể chuyện hay coi như thành công được một nửa cuốn sách. Khi đang viết tiểu thuyết Bạch đàn, tôi thấy nhà văn Lê Phương rất chịu khó đến thư viện. Một hôm từ thư viện về, ông vui vẻ bảo tôi, tớ vớ được cả một vệt tài liệu về rừng bạch đàn rất hay. Chuẩn bị viết tiểu thuyết Khâm sai đại thần Lê Hoan, Bùi Bình Thi để cả tháng trời lần mò sách vở trong thư viện quốc gia. Nhiều hôm gọi điện cho tôi, ông hào hứng khoe, giờ đã biết hồi đầu thế kỷ XX vợ chồng xưng hô với nhau thế nào, và cho biết đã có thể dựng được cảnh thợ làm cầu Doumer hồi đó. Tất nhiên, vấn đề quan trọng còn là ở chỗ biến những hiểu biết từ thu nhận ấy thành của nhà văn và được thể hiện trên trang văn bằng chính nội lực của anh. Như cái cách Nguyên Ngọc nói về những tác phẩm Trung Trung Đỉnh viết về Tây Nguyên. Và như vậy, điều đó cũng không trái với quy luật, yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành công của tác phẩm văn học vẫn là sự trải nghiệm trực tiếp của chính nhà văn.

 

9. Nhiều nhà khởi nghiệp nói rằng sở dĩ họ thành công vì đã có sự liều lĩnh, điên rồ và đầy lòng tự tin. Nghĩa là dám liều thân, bất chấp hiểm nguy, không sợ  rủi ro, trong tinh thần được ăn cả ngã về không, thà một phút sáng chói, còn hơn ngàn năm le lói. Nhà văn cũng vậy thôi. Ông Văn Tùng nói: Viết tiểu thuyết là một cuộc đi săn hổ dữ. Nguyễn Xuân Khánh nói: Viết tiểu thuyết là với tới trời cao. Tác phẩm văn học bắt nguồn từ hiện thực nhưng chỉ là cái bóng, cái hình tướng của hiện thực, chứ không phải là bản thân hiện thực. Nó là cái hiện thực sáng tạo, là cái vườn hồng nở hoa do nhà văn khai khẩn đất hoang, gieo trồng tắm tưới mà có. Ừ thì Trời đất cho ta một cái tài, nhưng chỉ có sức mạnh của rồ dại, niềm tin rồ dại, chỉ một say mê điên cuồng đơn thuần trong vắt, không gợn tí vụ lợi thì mới đủ gan đủ lực để tạo dựng nên một vườn hồng ở cái miền đất hoang vu dữ dằn ấy. Không có cái cảm hứng mãnh liệt, không có cái tinh thần trên cả sự can đảm, nghĩa là liều lĩnh và điên rồ thì làm sao như vừa vác đá vừa phải leo lên cái đỉnh PhanSiPăng 3143 mét ấy được. Tôi nghe Nguyễn Thành Long nói, viết xong Đảo hoang, Tô Hoài kiệt sức cả sáu tháng liền. Không hiểu hồi ấy, lúc ấy vì sao mình lại viết được  như thế nhỉ. Nhiều nhà văn nói với tôi như thế khi đọc lại những cuốn sách của mình. Giải thích đơn giản thôi: chỉ là sự thí thân và cảm hứng điên khùng!

 

10.  Một công cuộc khởi nghiệp thành đạt thường do công thức sau đây: Nếu tất cả các yếu tố nhờ đó dẫn đến thành công có tổng cộng gồm 10 phần thì: Tài năng chiếm tỷ lệ 1 phần 10.  2 phần 10 là nhờ Đức hạnh. Còn 7 phần là nhờ Phúc phận, tức hoàn cảnh, vận số, ngẫu sự, cái duyên trời cho, điều may mắn… Tôi đã vận những điều trên vào mình và một số đồng nghiệp thân thì thấy đúng là như vậy. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn kể: Năm 1970, ông Hoàng Trọng Hanh, TBT báo Người Giáo viên Nhân dân sang gặp ông Nguyễn Mạnh Kha giám đốc sở Giáo dục Hà Nội, xin cán bộ về làm lãnh đạo tờ báo của ngành. Ông Kha đáp: Xin ai cũng được trừ thầy Nguyễn Bắc Sơn. Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn bảo: Giá hồi đó đi theo con đường quan lộ báo chí thì mình chẳng theo nghề viết văn rồi. Nhà văn Trần Dũng kể, Nguyễn Mạnh Tuấn đang là thợ sửa chữa ôtô ở Quảng Ninh, một hôm đọc xong mấy cái truyện ngắn của các anh nhà văn viết về người công nhân, bực mình nói: Các ông này chẳng hiểu gì về điều mình viết cả. Và Nguyễn Mạnh Tuấn bắt đầu cầm bút. Kết quả là một Nguyên Mạnh Tuấn nhà văn xuất hiện rực rỡ trên đàn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trường hợp Ngô Tất tố viết Tắt đèn cũng tương tự như thế. Con quay búng sẵn trên trời. Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm… Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán. Chết đuối ng­ười trên cạn mà chơi…

Cái việc mình trở thành nhà văn cũng vậy. Rõ ràng có bàn tay của Phúc phận. Vì mình vốn được đào tạo để đi dạy học. Nhưng ngẫu nhiên thế nào mình lại được phân công lên dạy học ở tỉnh Lao Cai miền núi. Ở đây mình được tiếp xúc với một đề tài, những đối tượng văn chương trong một hiện thực rất đa dạng. Rồi mình đột ngột bị điều sang văn phòng tỉnh ủy, làm thư ký cho bí thư tỉnh ủy, thế là ngẫu nhiên ở đây mình có điều kiện hiểu cuộc sống ở góc độ chính trị - xã hội. Rồi năm 1975 Lào Cai sáp nhập với Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, cán bộ dôi ra, theo xếp sắp của tổ chức, mình được chuyển về Hà Nội, và được làm việc ở một cơ quan văn hóa – tức Nhà xuất bản Lao động. Quyền họa phúc trời tranh mất cả. Về học vấn, mình được qua bậc đại học văn khoa. Lại có bằng cao cấp chính trị Nguyến Ái Quốc. Và còn được học một lớp 9 tháng về nghề văn, gặp gỡ với hầu hết các nhà văn lớn của thời đại. Rồi mình được sống làm việc ở Hội Nhà văn 10 năm, trong môi trường văn chương văn hóa, gặp gỡ thân thiết và học hỏi được bao nhiêu điều tốt đẹp hay ho về nghề về đạo làm người, về tư cách một nhà văn, từ không biết bao nhiêu bạn bè đồng nghiệp thân mến.

   

Tóm lại, toàn là sản phẩm tự mình gieo trồng như anh nông dânThái Lan và nhờ ở phúc phận, nhờ cái duyên ông Trời ban tặng liên tiếp, chứ đâu có phải chỉ là nhờ có tí tài vặt, và do mình có thể tự định đoạt được số phận cùng là nghề nghiệp của mình. Có tài mà cậy chi tài. Đúng như Lưu Hiệp (465-520 ), nhà lý luận cổ đại Trung Hoa nói trong sách Văn tâm điêu long: Cái tài là từ trong ra. Cái học là từ ngoài vào. Cái trong và cái ngoài nâng đỡ nhau, như vậy mới là điều nhất trí xưa nay../

-----------------

*Khởi nghiệp và Văn chương* là bài viết đầu tiên trong  loạt bài viết " Sổ tay người viết văn" do Nhà văn Ma Văn Kháng viết riêng cho Văn Nghệ. Mời độc giả đón đọc.

Nguồn Báo Văn nghệ số 39/2018


Có thể bạn quan tâm