April 18, 2024, 1:22 pm

Đích đến của giáo dục

 

Năm học mới 2018-2019 đã bước những bước đầu tiên với những ồn ào của những khoản thu phí cao ngất ngưởng, của sĩ số học sinh bước vào lớp 1 được mạng xã hội ví như “vỡ trận”, và của sách giáo khoa với những băn khoăn của các bậc phụ huynh tại các trường học đã và đang dạy sách giáo khoa Công nghệ giáo dục.

Thực ra, những ồn ào này năm nào cũng có, và vô hình chung nó đã trở thành thứ “gia vị” không thể thiếu của năm học mới. Nhưng, sự thổi bùng những “bất cập” của bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên và sự trả lời “nước đôi” của Bộ Giáo dục & Đào tạo xung quanh việc cho phép các trường (nếu thấy phù hợp) triển khai dạy sách giáo khoa Công nghệ giáo dục được đăng tải trên báo chí, mạng xã hội, khiến dư luận không khỏi nghĩ đến việc sẽ tái diễn “độc quyền sách giáo khoa”. Và nếu đúng như vậy thì Nghị Quyết 88/2014 về đổi mới giáo dục của Quốc hội khóa XIII, trong đó chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa sẽ trở thành nói cho có. Đồng  thời, dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi, có hay không những diễn biến âm thầm của lợi ích nhóm trong lĩnh vực này.

Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục, về những khẩu hình được dạy cho học sinh lớp 1 trước khi dạy nhận mặt chữ theo sách giáo dục truyền thống vẫn làm. Nhưng  dường như người ta đã quên mất rằng, Chương trình tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục chính là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu, Tài liệu này đã được áp dụng trong dạy học ở trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội và đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo triển khai thí điểm từ năm học 2008-2009 cho học sinh dân tộc thiểu số, trên tinh thần tự nguyện của các địa phương. Kết quả cho thấy đây là một trong năm phương án dạy học và tăng cường tiếng Việt cho trẻ em miền núi rất hiệu quả. Sau đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trương mở rộng chương trình này để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học. Đến năm học 2016-2017, cả nước đã có 48 tỉnh/thành với hơn 600.000 học sinh được học chương trình này, đủ thấy đây là một công trình nghiên cứu khoa học, có tổ chức bài bản, lớp lang chứ không phải của riêng giáo sư Hồ Ngọc Đại. Ngay đến Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng từng ghi nhận  “Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số” .  

Ngoài sách công nghệ giáo dục, trên thị trường sách, ở bậc phổ thông cơ sở còn có sách giáo khoa do nhóm Cánh buồm (đứng đầu là nhà giáo, nhà văn Phạm Toàn) biên soạn. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới là “một chương trình nhiều sách giáo khoa”. Không những vậy còn đảm bảo yêu cầu, khi các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Đây cũng chính là cơ sở để các trường lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện giảng dạy của nhà trường và phục vụ tốt nhất cho học sinh.

Cuối cùng, mục đích của giáo dục không phải là lựa chọn sách giáo khoa công nghệ hay truyền thống để giảng dạy, mà đích đến phải là chất lượng giáo dục. Và với giáo sư Hồ Ngọc Đại, trước hết đích đến của ông chính là “Khi 100% dân cư đi học thì ngôn ngữ đó là ngôn ngữ hàng ngày, chứ không chỉ trong sách vở. Trẻ phải nghe được, nói được, viết được ngôn ngữ đó” chứ không phải là một cỗ máy của giáo dục.

 


Có thể bạn quan tâm