March 29, 2024, 10:04 pm

Fantasy, sci-fi Việt: Điều gì là quan trọng?

 

Bài 5

Với người viết fantasy, sci-fi điều gì là quan trọng nhất? Người trẻ gặp trở ngại gì khi theo đuổi fantasy, sci-fi? Thế nào là yếu tố Việt trong tác phẩm fantasy, sci-fi Việt? Chúng có nhất thiết phải có trong tác phẩm hay không và cách thức xuất hiện như thế nào? Từ những ý kiến ở phía độc giả, tìm hiểu thị trường xuất bản hiện tại, và các tác giả đang có tác phẩm fantasy, sci-fi ấn hành, chúng tôi lựa chọn phỏng vấn hai tác giả trẻ theo đuổi dòng fantasy là Phạm Bá Diệp (TP Hồ Chí Minh) và Ngân Zeta (Hà Nội) xung quanh những điều này.

Phạm Bá Diệp: Quan trọng nhất là xây dựng thế giới huyền ảo của riêng mình

Xuất hiện khá ấn tượng bằng tiểu thuyết Urem - Người đang mơ tại giải thưởng Văn học tuổi hai mươi lần 5, đến Văn học tuổi hai mươi lần 6, Phạm Bá Diệp trở lại với Yagon - Những kẻ vô cảm với những bước tiến mới. Có vẻ như anh đã chọn đúng hướng đi hợp với sở trường…

Nhà văn trẻ Phạm Bá Diệp. Ảnh: NVCC

Anh chọn fantasy để theo đuổi và từng nói rằng có lẽ sẽ không viết được gì khác ngoài fantasy. Tại sao vậy?

+ Khi đặt bút viết tác phẩm đầu tay “Urem - Người đang mơ” (xuất bản năm 2014), tôi hoàn toàn chưa có ý niệm về thể loại, dòng văn học,... cũng không nghĩ nhiều về câu chuyện “đường dài” cho việc sáng tác. Mọi thứ đều xuất phát từ bản năng, chỉ quan tâm đến việc làm sao phải hoàn tất được tác phẩm và diễn giải hết những ý tưởng, trăn trở của chính mình.

Dù vậy thì bằng một cách rất tự nhiên, càng bước vào giai đoạn thành hình, các trang bản thảo của “Urem - Người đang mơ” càng mang đậm yếu tố huyền ảo, giả tưởng. Cho đến một thời điểm nhất định, tôi nhận ra rằng nếu không đi theo những công thức và hình thái của thể loại fantasy, bản thảo này sẽ không thể hoàn tất mà vẫn giữ được những ý tưởng, sức sáng tạo và thông điệp ban đầu.

Sau “Urem - Người đang mơ”, tôi đã có một quãng nghỉ để chiêm nghiệm và lên kế hoạch một cách kĩ càng hơn cho việc sáng tác tiểu thuyết tiếp theo. Cũng trong giai đoạn này, tôi có may mắn được tham gia trong nhiều dự án về truyện tranh, kịch bản phim… nên dần thấu hiểu hơn về năng lực và xu hướng sáng tác của chính bản thân mình. Để rồi khi bắt tay viết “Yagon - Những kẻ vô cảm” (xuất bản năm 2018), tôi nhận thức rõ rệt rằng mình chỉ cảm thấy thật sự thoải mái và hạnh phúc khi viết fantasy.

Việc tự nhận “sẽ không viết được gì khác ngoài fantasy” cũng một phần xuất phát từ năng lực chuyên môn. Trong các bạn văn cùng trang lứa, tôi không nổi trội về kĩ thuật viết mà có xu hướng tập trung về mặt tuyến truyện, yếu tố sáng tạo, nên gặp nhiều khó khăn khi chấp bút cho các thể loại truyện ngắn, tản văn, hoặc đề tài mang tính hiện thực.

- Từ “Urem - Người đang mơ” đến “Yagon - Những kẻ vô cảm” đều là những cuốn khá dài rộng về dung lượng của một tác giả trẻ. Đã có những biến chuyển nào trong nhận thức về công việc viết và nhìn nhận về dòng fantasy ở anh?

+ Nếu như “Urem - Người đang mơ” được viết trong tâm thế vội vã, nôn nóng của tác phẩm đầu tay, thì “Yagon - Những kẻ vô cảm” là quãng thời gian làm việc kéo dài trong 4 năm. Gọi là “làm việc”, vì với bản thảo thứ hai, tôi viết với tinh thần bình tĩnh hơn, khoa học hơn, và dành sự nghiêm túc lớn nhất (đôi khi là sự khắt khe) cho bản thảo.

Tôi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất của tác giả sáng tác thể loại fantasy không hẳn là viết ra một cuốn sách hay cụ thể nào đó, mà là sáng tạo, xây dựng nên thế giới huyền ảo mang dấu ấn của riêng mình. Và, quan trọng hơn là nó phải đủ sống động, đủ khác biệt, đủ hấp dẫn để độc giả “tin” vào thế giới đó.

Frank Herbert sở hữu một bề dày sáng tác đồ sộ, nhưng nhân loại sẽ mãi nhớ đến ông vì sáng tạo ra thế giới giả tưởng Arrakis - nơi trở thành bối cảnh, chủ đề chính của hàng chục tiểu thuyết, truyện tranh, hoặc phim ảnh mà đến tận bây giờ vẫn có sản phẩm kế thừa. Một trường hợp kinh điển khác là J. R. R. Tolkien, ông dành 17 năm để hoàn tất tác phẩm đồ sộ The Lord Of The Rings, và di sản của ông thì gần như không cần phải bàn cãi. Những ví dụ này dĩ nhiên quá xa vời, nhưng tựu chung lại, tôi nghĩ đó là hướng tư duy đúng đắn cho bất kì tác giả nào, nếu thật sự nghiêm túc và tận hiến cho việc sáng tác fantasy

Với tâm thế đó, tôi dành nhiều thời gian để xây dựng thế giới huyền ảo của “Yagon - Những kẻ vô cảm”. Tác phẩm được viết từ một câu hỏi “what if”: điều gì sẽ xảy ra nếu tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam phát triển rực rỡ, trở thành một tôn giáo có đông đảo giáo dân trên thế giới? Từ mệnh đề đó, tôi lần lượt xây dựng các khái niệm, giải quyết các câu hỏi, và đặt ra những lí thuyết để giải thích chính thế giới giả tưởng đó. Ơn trời là tôi không mất đến 17 năm, vì chỉ dám đặt mục tiêu vừa sức nhỏ hơn rất nhiều lần, từng bước một, xem “Yagon - Những kẻ vô cảm” là bước thử nghiệm đầu tiên cho hướng sáng tác fantasy lấy chất liệu và đề tài thuần Việt.

- Vâng! Khi viết “Yagon - Những kẻ vô cảm” anh đã khai thác từ những huyền sử, câu chuyện thần thoại của Việt Nam. Anh nghĩ gì về yếu tố Việt trong tác phẩm fantasy của tác giả Việt? Nó có là thứ kéo bạn đọc Việt lại gần hơn hay chính việc theo đuổi gò ép điều đó lại tạo những trở lực cho việc viết?

+ Khi quyết định chọn đề tài huyền sử, câu chuyện thần thoại của Việt Nam làm đề tài cho Yagon - Những kẻ vô cảm, tôi thật sự cảm thấy bị hấp dẫn, cuốn hút vì chính các chất liệu này, chứ không hẳn chỉ vì mong muốn viết ra một thứ gì đó thuần Việt. Theo sự quan sát của tôi, khá nhiều người làm nội dung ở các mảng phim ảnh, truyện tranh,... cũng có tâm thế tương tự.

Khi tìm thấy những câu chuyện về tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam, tôi thật sự bị ấn tượng mạnh, thậm chí là ám ảnh. Thế giới ấy có đầy đủ những màu sắc huyền bí, linh thiêng, ma mị,... và do đó cũng trở thành những gia vị hoàn hảo cho một tác phẩm fantasy chất lượng. Với Yagon - Những kẻ vô cảm, tôi luôn nghĩ trong bụng rằng nếu tác phẩm thất bại và không được đón nhận thì cũng chẳng sao, quan trọng nhất là đánh động đến người đọc (và đặc biệt là những bạn văn khác đang hoặc chuẩn bị viết thể loại fantasy) về tiềm năng rất lớn của “mỏ vàng” văn hóa, thần thoại Việt Nam, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu.

Hiển nhiên, chọn lựa đề tài này vẫn sẽ có những trở lực nhất định. Chính vì chưa nhiều (hoặc thậm chí là chưa có) tựa sách fantasy nào khai phá các đề tài này, người viết phải tự đóng vai trò “mở đường”.

Khi viết hoặc tạo hình về những phù thủy trong bối cảnh hiện đại, bạn đang tạo ra nội dung cho một số lượng lớn độc giả đã có những ấn tượng nhất định từ Harry Potter, điều này giúp những sáng tạo của bạn dễ được hình dung hơn. Nhưng nếu phải giải một đề bài kiểu như “nếu Thủy Tinh tồn tại ở thời hiện đại, điều gì sẽ xảy ra”, bạn sẽ gặp phải khá nhiều thử thách. Nhưng như tôi đã đề cập ở trên, đó là những thử thách rất thú vị.

- Ở phía bạn đọc, sau khi “Yagon - Những kẻ vô cảm” với sự kéo gần hơn với người đọc Việt Nam đến với độc giả, anh có nhận phản hồi về tác phẩm? Họ đón nhận tác phẩm thế nào so với cuốn trước của anh?

+ Với một tác giả mới toanh và lại thử sức ở thể loại chưa nhiều người viết tại Việt Nam, các tác phẩm của tôi nhận đủ cả hai luồng khen chê, nhưng điều khiến tôi vui nhất là những sáng tạo của mình ở Yagon - Những kẻ vô cảm đã phần nào được chấp nhận, được mổ xẻ một cách nghiêm túc. Tình thế này tốt hơn rất nhiều ở thời điểm “Urem - Người đang mơ” ra mắt, khi đó fantasy Việt chỉ vừa nhen nhóm trong dòng chảy văn học chính thống, chưa được thừa nhận rộng rãi.

Điều này khiến tôi cảm thấy vui và đỡ “cô đơn” hơn rất nhiều trong giai đoạn đầu sáng tác, vì fantasy Việt quả thật đang có những cộng đồng luôn sẵn sàng đón nhận. Cái chúng ta thiếu, là một tác phẩm thật sự hay, thật sự đột phá, để tạo thành sức bật cần thiết cho thể loại tiểu thuyết này tại Việt Nam.

Phạm Bá Diệp (đầu tiên từ phải qua) cùng các tác giả vào chung khảo cuộc thi Văn học tuổi hai mươi lần 6 trò chuyện về văn chương. Ảnh: TL

Tác giả Việt theo đuổi fantasy đa số đều là những người trẻ. Anh tự nhận thấy thế hệ mình có những thuận lợi, khó khăn gì khi tiếp cận và thực hành viết?

+ Đối với thế hệ những tác giả 9x, fantasy là thứ đã quá đỗi quen thuộc. Chúng tôi sinh sống trong một giai đoạn mà các sản phẩm văn hóa, giải trí toàn cầu đều xem đây là thể loại “con cưng”. Đặc biệt đối với những “cỗ máy kiếm tiền” như Hollywood hoặc ngành công nghiệp game nói chung. Do đó, người viết luôn có sẵn một nguồn tư liệu và cảm hứng dồi dào để tiếp cận, thực hành viết fantasy.

Tuy nhiên, cũng chính vì độc giả đã tiếp cận số lượng khổng lồ các đầu sách và sản phẩm giải trí chất lượng từ nước ngoài lấy đề tài fantasy, tiêu chuẩn của họ cũng cao hơn rất nhiều. Người viết fantasy Việt vừa phải tạo ra sự khác biệt, tránh sự trùng lặp với các tác phẩm nước ngoài, nhưng cũng phải cố gắng xây dựng cốt truyện và những mảng miếng sáng tạo đủ sức thuyết phục, được độc giả chấp nhận. Đó là những thử thách không hề nhỏ (nhưng cũng hết sức thú vị) cho một thế hệ tác giả fantasy Việt Nam còn đang trong giai đoạn chập chững.

Rất may mắn là sau hai tác phẩm fantasy đã ra mắt, dù có cả khen lẫn chê, tôi nhận thấy đa phần độc giả fantasy Việt là những người tuyệt vời. Họ có sự bao dung và kiên nhẫn cần thiết để tìm kiếm, tạo cơ hội cho những tác phẩm fantasy do người Việt sáng tác. Có lẽ cũng như những người cầm viết, không ít độc giả Việt cũng thấy chán nản trước cảnh những tác phẩm tiên hiệp Trung Quốc, sách fantasy dịch… nằm trên kệ được bố trí ngay lối vào ở các nhà sách toàn quốc. Nhưng cũng phải nói thêm, giới chuyên môn và dòng chảy văn học chính thống đôi khi không tiếp nhận fantasy Việt với tâm thế “nhẹ nhàng” như vậy.

- Cám ơn những chia sẻ của anh!

 

Ngân Zeta: Nội lực quan trọng hơn “ngoại lực”

Ngân Zeta đã chào sân với một tiểu thuyết fantasy khá nặng kí có tên Bất diệt bước đầu được các bạn viết dành cho những ghi nhận tốt. Hiện chị cũng đã hoàn thành xong phần 2 của tiểu thuyết này. Chị đã lựa chọn cho mình một phương thức tiếp cận độc giả bình tĩnh và chú ý đến những giá trị tự thân của tác phẩm.

Ngân Zeta và tiểu thuyết "Bất diệt" phần 1. Ảnh:NVCC

- Thế giới hiện đại ngày càng mở ra nhiều cơ hội hơn cho mọi người nhưng điều đó không hoàn toàn đúng khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tôi đọc thấy ý này trên facebook của chị và cũng có suy nghĩ tương đồng. Chị có thể chia sẻ sâu hơn gắn với việc sáng tạo các tác phẩm fantasy của tác giả trẻ Việt Nam?

+ Chúng ta có thể thấy một cách dễ dàng là giới trẻ ngày nay đang có nhiều thuận lợi hơn các thế hệ đi trước trong việc thẳng thắn, mạnh dạn thực hiện ước mơ của bản thân. Có rất nhiều con đường dẫn đến thành công ngoài việc thu lượm kiến thức trên ghế nhà trường, những con đường tắt, những con đường vòng và cả các phương thức “kì lạ”. Thế hệ trẻ khi ra đời phải đối mặt với một mê cung mà đáp án để đi tới đích không chỉ có một. Lẽ dĩ nhiên, họ phân vân giữa các sự lựa chọn rằng mình sẽ dồn hết sức lực đi một con đường duy nhất (dù có thể có hàng ngàn người khác đang chen chúc trên con đường ấy) hay là “chia nhỏ” bản thân ra để cùng lúc đi được bốn, năm nhánh khác nhau cho “chắc ăn”. Đường nào cũng sẽ có người chọn và tôi cảm thấy một áp lực mơ hồ về việc mỗi người tự thúc đẩy mình phải trở nên đa năng, phải thích ứng nhanh nhạy, tận dụng nhiều “tài nguyên” nhất có thể để vươn lên dẫn đầu, không bị quá thiệt thòi giữa đám đông.

Với việc viết lách nói chung và sáng tác fantasy cũng vậy. Muốn tìm hiểu, nghiên cứu thể loại fantasy không còn khó khăn như trước, các bạn có thể đào ngược về quá khứ với các tác phẩm đơn thuần là sáng tác như thần thoại, truyện dân gian, truyện ma, các câu chuyện cổ thời khai thiên lập địa của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, cho đến các tác phẩm sưu tập, phân tích, nghiên cứu về đề tài thần học, huyền học, tôn giáo… từ những dự án số hóa các tư liệu cổ v.v…

Nhưng dẫu có hàng vạn phương thức để ngỏ cho người viết lựa chọn thì quá trình viết bao gồm trải nghiệm cá nhân, tìm hiểu con người bên trong mình – phản chiếu con người bên trong đó ra qua văn chương là điều không bao giờ thay đổi ở bất kì thời đại nào. Vì vậy, việc sử dụng nội lực luôn quan trọng hơn sự dựa dẫm vào “ngoại lực”. Mong các bạn không bị hoa mắt bởi mê cung trước mặt!

- Câu chuyện người viết trẻ và fantasy như một sự gắn kết đương nhiên và dễ hiểu, nhưng còn một vế nữa là người đọc, đa phần cũng là những người trẻ. Việc họ đón nhận thế nào gần như quyết định sự thành bại của mỗi tác phẩm. Viết dòng fantasy chị có thấy thị trường cho tác phẩm của mình bị thu hẹp khi chỉ giới hạn trong một đối tượng bạn đọc mà lại còn phải chia phần với rất nhiều các sách văn học khác?

+ Đầu tiên, nhìn vào văn hóa đọc sách ngày nay và trải nghiệm của cá nhân tôi sau khi ra mắt cuốn sách đầu tay, tôi thấy vấn đề lớn nhất là phương thức tiếp cận độc giả, truyền bá cái hay của một tác phẩm để tạo sự thu hút còn quan trọng hơn việc tác phẩm của bạn viết cho lứa tuổi nào. Có những độc giả của tôi thuộc thế hệ U50, U60 mà tôi vốn nghĩ rằng họ sẽ khó tính và bài xích truyện của mình, lại khiến tôi ngạc nhiên khi họ chia sẻ là họ hiểu sự ẩn ý về cuộc đấu tranh trên con đường trưởng thành bên trong mỗi người bởi họ đã từng trải qua và việc đọc truyện của tôi giống như “chiếu” lại mọi thứ bằng một góc nhìn khác, mới lạ hơn, đương đại, gần gũi với lớp con, cháu của họ hơn. Vì vậy, trong quan điểm của tôi, cuốn sách của tôi phù hợp với mọi lứa tuổi và mỗi lứa tuổi sẽ có một cấp độ hiểu khác nhau về vấn đề, ai cũng nhận về những chuyển biến tư duy khác nhau cho riêng mình. Còn với các thể loại sách văn học khác trên thị trường, bản thân tôi vẫn đọc và thấy mỗi loại đều có giá trị cả, lấy cớ gì để phân chia, tranh giành người đọc? Bạn có thể đọc tất cả nếu bạn muốn, không ai bắt bạn chỉ được mua một kiểu sách duy nhất. Khi kết quả về lượng sách fantasy bán được quá ít, đó không phải là lỗi của các thể loại khác chiếm mất phần mà là sự thiếu hiệu quả trong công tác truyền bá, đưa sách đến với người đọc, thuyết phục người đọc.

Cũng không thể lấy số lượng sách bán ra và lợi nhuận, danh tiếng thu về để đánh giá một tác phẩm. Việc tác phẩm hoàn thành sứ mệnh tồn tại của riêng nó, với tôi, mới là sự thành công.

- Yếu tố Việt trong các tác phẩm fantasy Việt là điều nhiều người quan tâm. Đâu là yếu tố Việt trong tác phẩm của chị?

+ Ngay từ khi mới giới thiệu qua nội dung của Bất diệt phần 1 trước khi xuất bản, đã có những phản ứng nhất định trong các diễn đàn về việc nhân vật của truyện tôi lấy tên nước ngoài và khá bài xích điều đó. Tôi muốn hỏi, yếu tố Việt trong các tác phẩm văn học mà mọi người nghĩ là gì? Rằng ngay cả trong một tác phẩm mang tính toàn cầu, cosmopolitan, nhân vật chính phải là người Việt, phải có địa danh, truyền thống văn hóa lịch sử Việt và rằng các yếu tố văn hóa khác trên thế giới chỉ được là thành tố phụ thôi hay sao?

Trong Bất diệt phần 1, có hai nhân vật được tôi đặt để là người gốc Việt, kể thoáng qua về tình hình các Gia Tộc linh hồn đặc biệt tại Việt Nam. Phần 2, tầm quan trọng của nhân vật này lớn hơn, cũng như điểm xuyết thêm các nét trong văn hóa, tôn giáo, thờ tự của người Việt cổ có liên quan tới thần lực gắn liền với các nguyên tố. Phần 3, sẽ có thêm các nhân vật người Việt khác tham gia vào trận chiến vĩ đại. Nhưng sự góp mặt của họ chỉ là một phần vừa đủ bên cạnh cốt truyện chính. Tại sao?

Quay lại với concept, nền tảng triết lí tạo dựng thế giới giả tưởng của Bất diệt, nơi chốn không xác định khiến bất kì ai cũng có thể tưởng tượng câu chuyện xảy ra chính tại thành phố của mình, những nhân vật đa chủng tộc bị cuốn vào sự tranh giành quyền lực, dần bị đẩy cao lên thành sự sống còn của nhân loại, thì sự bình đẳng cũng như trọng trách của mỗi một con người đều như nhau. Tôi mong mỏi độc giả của mình tránh hết sức mọi suy nghĩ phân biệt chủng tộc cũng như quá đề cao riêng biệt một nền văn hóa, tôn giáo nào lên đỉnh cao, che mờ những sự tồn tại còn lại. Sự đoàn kết nhân loại cần thiết hơn nhiều việc chia cắt, gây thù hận lẫn nhau trong tình trạng hiện tại của thế giới.

Đây là quan niệm sống của tôi, là mục đích sáng tác của Bất diệt. Nó không có nghĩa rằng tôi không yêu nước, yêu văn hóa Việt. Tôi rất muốn viết một tác phẩm mang hồn Việt nhưng nó sẽ là một tác phẩm khác, không phải Bất diệt.

Ngân Zeta trong buổi ra mắt tiểu thuyết "Bất diệt". Ảnh: NVCC

- Trước và sau khi viết, công bố “Bất diệt - Vũ điệu của lửa” suy nghĩ của chị về văn chương nói chung, về dòng sci-fi, fantasy có gì khác đi không? Nghe nói chị đã hoàn thành phần 2 của “Bất diệt”?

+ Tôi thấy suy nghĩ của mình về văn chương nói chung vẫn vậy, bất kể là sau khi tôi đã viết tiểu thuyết, tản văn hay là thơ ca. Nó vẫn cứ là cứu cánh của cuộc đời tôi, một phương thức để tôi chữa lành chính mình.

Còn với sci-fi, fantasy, sau hơn hai năm ra mắt Bất diệt phần 1, tôi học được cách thích ứng linh hoạt hơn với cái nhìn của độc giả và vẫn bảo vệ con mắt nghệ thuật của mình, du nhập tư tưởng của thế giới bên ngoài nhưng không phá bỏ bản chất con người bên trong.

Tôi đã hoàn thành phần 2 của Bất diệt từ tháng 8/2020 nhưng tới bây giờ vẫn chưa tìm được đơn vị xuất bản nào để hợp tác và đang gặp rất nhiều khó khăn cho việc xuất bản trong tương lai của bộ truyện này.

- Trong các tác giả trẻ thì tôi thấy chị có những bước đi khá điềm tĩnh, có tính toán kĩ lưỡng và cách thức tiếp cận bạn đọc căn bản, bền vững chứ không vì những thứ nhất thời, chạy theo công nghệ PR hay số đông không thực chất. Điều này có lẽ xuất phát từ quan niệm của chị về việc viết cũng như những ứng xử với tác phẩm mình viết ra?

+ Thật ra ngay từ đầu, tôi không hề có kế hoạch dài hơi cụ thể nào cho hướng đi của bộ truyện về mặt truyền thông, marketing. Thậm chí, sau gần 3 năm “trầy trật” với đầy rẫy khó khăn trong việc xuất bản, tôi vẫn khá ngây thơ, “cố chấp” ngây thơ với ngành xuất bản và thị trường sách. Khi mới viết xong phần 1 của Bất diệt - Vũ điệu của lửa, tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là có đơn vị sách nào đó chấp nhận một bản thảo khó nhằn như vậy. Bất diệt không phải tác phẩm quá dễ đọc, nên tôi xác định “đánh liều”, dùng ngay tác phẩm đầu tay để gạn lọc độc giả của mình. Tôi từng ví von rằng đây là giai đoạn khó ở để tác giả và độc giả làm quen lẫn nhau.

Nhìn vào thực tế, có thể Bất diệt không thành công về mặt truyền thông, tuy vậy, tôi luôn nhớ về lí do mình cầm bút vào những ngày đầu và kiên trì đi về phía trước. Tôi cũng có những khoảng thời gian nôn nóng, lo lắng, căng thẳng khi Bất diệt không được đón nhận nồng nhiệt, nhưng tôi không bất chấp làm thứ không thật, khiến mình không thoải mái. Vì với tôi, những gì nằm ngoài tác phẩm không được tính là “giá trị gia tăng” cho tác phẩm đó, như nhiều người hiện nay đang lầm tưởng.

- Cám ơn chị đã chia sẻ!

Ngân Zeta và Nguyễn Dương Quỳnh trong toạ đàm về văn học fantasy. Ảnh: PNVN
“Tôi nghĩ việc những người viết có thể khai thác được yếu tố văn hóa truyền thống của Việt Nam khi sáng tác là một lợi thế. Nó có thể mang lại những màu sắc riêng, khiến giọng văn của họ trở nên độc đáo hơn trên thị trường sách, vốn bị chiếm lĩnh bởi các tác phẩm ngoại văn. Tuy nhiên, tôi không muốn việc “tái hiện bối cảnh đậm chất Việt Nam” trở thành một nghĩa vụ đối với người viết. Bởi mỗi người có một khuynh hướng riêng trong sáng tác. Bối cảnh của tác phẩm cũng phải phù hợp với cốt truyện”.

(Nguyễn Dương Quỳnh)

(Bài 6: Các "bà đỡ" lên tiếng)

DƯƠNG TỬ - DUZY

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm