April 24, 2024, 11:18 pm

EVFTA và EVIPA: Lợi ích, kỳ vọng và thách thức

Ngày 11/6/2020, bình luận về việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua hai hiệp định: Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cho biết kế hoạch của Việt Nam để triển khai hai hiệp định này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Ngày 8/6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA sẽ sớm có hiệu lực, có thể là từ 1/8/2020, trong khi Hiệp định EVIPA sẽ có hiệu lực sau khi được các quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu phê chuẩn”.

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có thể giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư mới cho các doanh nghiệp sản xuất. EVFTA sẽ mang lại cú hích rất cần thiết cho Việt Nam. Khi bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới đây, EVFTA sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ 2 có Hiệp định thương mại như vậy với Liên minh châu Âu, sau Singapore.

 

Ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Thương Mại Rumani Stefan Radu Oprea và Bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30-06-2019.

 

Lợi ích cụ thể và thiết thực

Vẫn theo bà Lê Thị Thu Hằng, việc Việt Nam và Liên minh châu Âu hoàn tất phê chuẩn và sớm triển khai các Hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên, tạo động lực mới cho mối quan hệ Đối tác và Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Khi đi vào triển khai, EVFTA và EVIPA sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế khu vực Á - Âu; góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại và đầu tư bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ; đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của hai bên cũng như của hai khu vực Á - Âu và trên toàn thế giới.

Theo trang Nikkei Asia Review (Nhật Bản), Hiệp định EVFTA có thể giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư mới cho các doanh nghiệp sản xuất. EVFTA sẽ mang lại cú hích rất cần thiết cho Việt Nam. Tạp chí này, khi bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 8, EVFTA sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ 2 có Hiệp định thương mại như vậy với Liên minh châu Âu (EU), sau Singapore. Sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, 71% hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam sang EU và ngược lại, 65% hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam sẽ được miễn thuế. Các mức thuế còn lại lên tới 99% sẽ được Việt Nam loại bỏ sau 10 năm và EU loại bỏ sau 7 năm. Việt Nam có dân số lớn thứ ba trong số 10 nước thành viên ASEAN. Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.500 USD. Việt Nam đã được hưởng lợi từ chương trình ưu đãi thuế quan của EU.

Ngoài ra, EVFTA chắc chắn sẽ khiến EU trở thành khách hàng lớn hơn của Việt Nam. Đặc biệt, các ngành được kỳ vọng sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ là may mặc và giày dép, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đang đứng thứ ba trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh. Các công ty dệt may Việt Nam đã chuẩn bị gia nhập thị trường EU. Sau khi EVFTA có hiệu lực, khối này sẽ bãi bỏ thuế đối với 77,3% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% còn lại sau 7 năm. Trong thời gian gần đây, nhiều công ty trong ngành dệt may Việt Nam thông báo hợp đồng của họ với các đối tác ở EU và Mỹ đã bị hủy bỏ, trì hoãn hoặc thu hẹp. Ngành may mặc của Việt Nam cho biết tất cả các công ty trong ngành đều bị ảnh hưởng vì đại dịch.

Những hy vọng đang gia tăng về việc EVFTA sẽ mang lại cú hích rất cần thiết cho Việt Nam, nền kinh tế chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ 7% trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19. Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc 34 tỷ USD trong năm nay, giảm mạnh so với con số 39 tỷ USD của năm ngoái.Không chỉ Việt Nam, EVFTA là tin tốt cho các công ty đa quốc gia bên ngoài EU. Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty may mặc như Fast Retailing (doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo và có cơ sở sản xuất tại Việt Nam) và các hãng sản xuất phụ tùng ô tô, máy móc sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu.

 

Những kỳ vọng và thách thức

Là Hiệp định toàn diện, có mức độ và phạm vi cam kết theo tiêu chuẩn cao, đồng thời do thị trường Việt Nam và EU có tính bổ sung cao, EVFTA được kỳ vọng đem lại lợi ích to lớn và cân bằng cho cả Việt Nam và EU. Theo đánh giá của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hiệp định EVFTA sẽ góp phần giúp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, đa dạng hóa thị trường. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động sâu sắc từ đại dịch Covid-19, đẩy nhanh những xu thế mới trong quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế, điều chỉnh chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, Hiệp định có mức cam kết cao nhất một đối tác lớn dành cho Việt Nam, EVFTA sẽ đem lại nhiều lợi ích, nhất là thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU, thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm... Những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt trong những lĩnh vực tiềm năng như dệt may, da giày, nông thủy sản... Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Ngoài ra, việc thực thi EVFTA với các tiêu chuẩn cao là động lực tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu xuất khẩu, nhất là gia tăng hàm lượng công nghệ cho hàng hóa xuất khẩu, về lâu dài hướng tới một nền kinh tế cạnh tranh, đổi mới và sáng tạo hơn. Việc triển khai EVFTA cũng tạo những lợi thế cạnh tranh cao hơn cho Việt Nam trong tận dụng các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất trong giai đoạn hiện nay, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, gắn với chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra hết sức nhanh chóng. Thứ năm, Hiệp định EVFTA với những cam kết về lao động và phát triển bền vững sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh và sạch, ngăn ngừa khai thác thủy sản bất hợp pháp, bảo vệ lợi ích chính đáng và chăm lo phúc lợi của người lao động...

Bên cạnh nhiều thuận lợi, Hiệp định EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Đó là việc thực thi các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cho EU sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Đó là thách thức về năng lực thực thi cam kết của các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp do lộ trình thực thi các cam kết mở cửa thị trường ngắn hơn so với các FTA chúng ta đã triển khai trước đây, cùng với những quy tắc, thủ tục chặt chẽ liên quan đến các lĩnh vực “thế hệ mới” như sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững, lao động… Đó là việc thực thi EVFTA đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ “luật chơi” theo tiêu chuẩn cao thì mới có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế được các tranh chấp kinh tế-thương mại với các đối tác.

Tuy vậy, nhìn tổng thể, việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA là bước đi quan trọng và đúng thời điểm của chúng ta trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Việc chúng ta triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tận dụng các cơ hội đồng thời xử lý tốt những thách thức sẽ đem lại nhiều lợi ích, gia tăng nội lực và tính tự chủ của nền kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với EU và các đối tác.

 

Nằm trong chiến lược tổng thể

Việc ký kết và phê chuẩn EVFTA và EVIPA là bước đi quan trọng nhằm triển khai “Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, để có thể tiếp tục triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể này, vẫn theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cả nước cần nhận thức rõ, năm 2020 là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu 5 năm triển khai “Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Nhìn lại 5 năm qua, về hội nhập kinh tế quốc tế, với việc phê chuẩn và trở thành một trong những nước đầu tiên triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ký kết và phê chuẩn EVFTA và EVIPA, thực thi đầy đủ các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhiều cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới các liên kết kinh tế quốc tế, đi đầu trong ASEAN về độ mở và mức độ gắn kết về kinh tế với thế giới và khu vực.

Cũng trong 5 năm qua, Việt Nam đã tích cực phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương toàn cầu, liên khu vực và khu vực, tích cực tham gia quá trình định hình cấu trúc mới. Nổi bật là đóng góp thúc đẩy hình thành Hiệp định CPTPP tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà năm APEC 2017, Hội nghị WEF ASEAN năm 2018, đóng góp xây dựng tầm nhìn hợp tác APEC sau năm 2020 với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021... Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang chứng kiến những biến động lớn do tác động của Covid-19, vẫn theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, cục diện kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu chuyển dịch nhanh, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, cạnh tranh nước lớn gay gắt, việc triển khai hiệu quả công tác hội nhập, liên kết kinh tế tiếp tục đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội…

Quá trình xây dựng cấu trúc mới ở khu vực và trên thế giới đang được đẩy nhanh hơn dự báo, chủ nghĩa đa phương đứng trước nhiều thách thức, tăng cường tham gia và đóng góp vào việc củng cố và phát triển hợp tác đa phương, hệ thống thương mại đa phương, xây dựng và thực thi luật pháp quốc tế và chuẩn mực chung, chủ động đóng góp thực chất vào định hình các cấu trúc mới ở châu Á-Thái Bình Dương. Việc trực tiếp tham gia, đóng góp vào hợp tác chung là cách hữu hiệu để bảo vệ lợi ích và nâng cao vị thế của đất nước.

Nguồn Văn nghệ số 25/2020


Có thể bạn quan tâm