April 18, 2024, 1:31 pm

EVFTA – Động lực và chất xúc tác để thay đổi

 

Ngày 12/2/2020, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA). EVFTA gồm hai Hiệp định, thứ nhất là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và thứ hai là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là: 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng. EVFTA được EU đánh giá là "thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển".

 

Nghị quyết của Nghị viện EU đi kèm EVFTA cũng đã được thông qua với tỉ lệ 416 ủng hộ. Ảnh Internet

Nghị quyết của Nghị viện EU đi kèm EVFTA cũng đã được thông qua với tỉ lệ 416 ủng hộ, 187 chống, 44 trắng. Với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), Nghị viện châu Âu bỏ phiếu, kết quả: 407 ủng hộ, 188 chống, 53 trắng. Nghị quyết đi kèm Hiệp định EVIPA cũng được thông qua với tỉ lệ 406 ủng hộ, 184 chống, 58 trắng. Nhưng Nghị viện châu Âu đồng thời cũng tuyên bố rằng, thỏa thuận thương mại với Việt Nam "có thể bị tạm ngừng nếu có vi  phạm nhân quyền" trong tương lai. Cách đây một năm, hồi tháng 2/2019, Nghị viện EU đã bỏ phiếu tương tự cho Hiệp định Tự do mậu dịch với Singapore. Kết quả bỏ phiếu có 425 phiếu thuận, 186 chống và 41 vắng mặt. Việt Nam là bạn hàng lớn thứ nhì của EU trong ASEAN, chỉ sau Singapore.

 

EVFTA đẩy nhanh cải cách

 

Trao đổi hàng hóa hai bên đạt 47,6 tỷ euro một năm, cộng thêm 3,6 tỷ giá trị dịch vụ. Hiện EU có thâm hụt thương mại 27 tỷ euro trong trao đổi với Việt Nam, tính theo số liệu năm 2018. Còn với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư, (EVIPA) tuy đã được EU chuẩn thuận, nhưng trước khi có hiệu lực, còn đòi hỏi Quốc hội của từng quốc gia trong EU bỏ phiếu (28 nước cả thảy). Sau cuộc bỏ phiếu hôm 12/2, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU Bernd Lange, tuyên bố: "Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia. Vì vậy Nghị viện bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận thương mại với Việt Nam… Đây là lý do vì sao Nghị viện EU bỏ phiếu đồng ý với thỏa thuận mậu dịch này, và cùng với nó, chúng ta đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo rằng tiếng nói của chúng ta có sức mạnh hơn trước."

 

Chủ tịch Lange nói tiếp: "Đây là điều đặc biệt quan trọng trước những vấn đề chúng ta không đồng ý với nhau, như vai trò của báo chí tự do hay quyền tự do chính trị (free press or political freedom). Chúng tôi cũng mở rộng phạm vi để xã hội dân sự hoạt động. Công việc của chúng tôi từ nay là làm sao thỏa thuận này được đem vào thực hiện." Vào tháng 1/2020, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) đã bỏ phiếu ủng hộ Hiệp định này. Phái đoàn Bộ Công thương Việt Nam do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu, hôm 28/1, đã dự một hội nghị tại Brussels. Hội nghị này được tổ chức theo sáng kiến của Ủy ban INTA. Hội nghị này nhằm thúc đẩy sự đồng thuận cao hơn đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA khi hai Hiệp định này được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu. EVFTA gồm bộ đôi hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA) và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

 

Trang mạng Vietnam Plus dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh tuyên bố hôm 12.2: “Đây là một tin rất tốt lành cho cả Việt Nam và liên minh châu Âu (EU) cũng như cho cả toàn cầu hóa”. Ông nói thêm rằng cùng với vai trò Chủ tịch ASEAN, việc Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA được thông qua, sẽ giúp Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa vị thế của mình trên trường quốc tế.” Ông Geert Bourgeois hiện là báo cáo viên Hiệp định EVFT cũng phát biểu: "Bên cạnh tầm quan trọng kinh tế và địa-chính trị, tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách bên trong Việt Nam. Việc thông qua sẽ thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường và tôn trọng nhân quyền." Theo thông báo của EU, Việt Nam cam kết sẽ phê chuẩn hai luật mà Nghị viện EU yêu cầu, một là luật xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020), và hai là về tự do hội họp (freedom of association, 2023)." Xem vậy để thấy, với EVFTA, EU sẽ tăng cường sự hiện diện như là động lực và là chất xúc tác cho thay đổi tại Việt Nam.

 

Nhấn mạnh 3 ý nghĩa nổi bật

 

Trước cuộc bỏ phiếu chính thức, ngày 10/2 Nghị sĩ Iuliu Winkler, Phó chủ tịch Ủy ban INTA đã viết bài để kêu gọi các đồng nghiệp trước cuộc bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2 về EVFTA và EVIPA. Trong bài viết, Nghị sĩ Iuliu Winkler nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước một quyết định quan trọng trong Phiên họp toàn thể sắp tới với cuộc bỏ phiếu về EVFTA và EVIPA. Hai hiệp định chiến lược này mang 3 ý nghĩa quan trọng: Thứ nhất, về ý nghĩa kinh tế và thương mại, khi được nhất trí công nhận, cả EU lẫn Việt Nam sẽ cùng có lợi trong việc dẹp bỏ 99% hàng rào thuế quan. Hiệp định cũng cắt giảm thủ tục hành chính và làm giảm bớt gánh nặng hành chính, một yếu tố then chốt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu. Đây là hiệp định thương mại hiện đại và đầy tham vọng đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển”.

 

“Thứ hai, Hai hiệp định EVFTA / EVIPA có giá trị quan trọng về địa-chính trị, một khi được nhất trí công nhận, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự biến động và căng thẳng gia tăng trên mặt trận thương mại. EVFTA / EVIPA có thể được coi là bước đầu tiên trong quá trình lâu dài để đạt tới mục đích là Hiệp định Thương mại với khối ASEAN. Mọi hành trình đều bắt đầu bằng một bước đầu tiên trên đường tiến đến mục đích dài hạn của EU. Việc phê chuẩn EVFTA / EVIPA chính là bước quan trọng đầu tiên này. Thứ ba, chương “Thương mại và Phát triển bền vững” (TSD) trong hiệp định EVFTA đã dành được nhiều chú ý. Chương này bao gồm các quy định về nhân quyền, bảo vệ môi trường và quyền người lao động”.

 

Giai đoạn đàm phán hiệp định đã kích hoạt những cải cách quan trọng ở Việt Nam. Những cải tiến chính sách, bao gồm phê chuẩn các Công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như xây dựng lộ trình thực hiện cải cách Bộ luật Lao động, đã được công nhận trên toàn cảnh chính trị ở châu Âu. Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) đã nổ lực nhằm đạt các tiêu chuẩn cao nhất về quyền lao động, và đã hài lòng khi nghe Văn phòng ILO ở Việt Nam cho rằng những tiến bộ thực sự là không thể bác bỏ.

 

Cùng với các đồng nghiệp trong Ủy ban INTA, Nghị sĩ Iuliu Winkler đã đến thăm Việt Nam vào mùa thu năm ngoái, và bà Phó Chủ tịch Uỷ ban INTA đã có những trải nghiệm trực tiếp ở Hà Nội. Bà đã gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam ở cấp cao nhất, các tổ chức quốc tế như ILO, Phòng Thương mại EU tại Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự khác nhau. Mặc dù chắc chắn vẫn còn nhiều khiếm khuyết về nhân quyền, bảo vệ môi trường và quyền người lao động cần phải được cải thiện, nhưng một thông điệp quan trọng mà bà Winkler liên tục nhận được trong chuyến thăm là sự hiện diện của EU tại Việt Nam tạo ra sự khác biệt đáng kể. Với hai hiệp định này, EU sẽ đáp ứng nhu cầu về động lực và chất xúc tác cho cả cải cách lẫn những thay đổi tại Việt Nam.

 

Những vấn đề còn gây tranh cãi

 

Tuy nhiên, qua chuyến thăm Việt Nam, bà Phó Chủ tịch INTA cũng thừa nhận một số thách thức là đáng kể, bởi vì EU đang phải đối phó với một hệ thống chính trị khác hẳn. Do đó, sự can dự của EU càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Đây là hiệp định thương mại hiện đại và đầy tham vọng đầu tiên của EU với một quốc gia mà EU muốn thể hiện các giá trị và nguyên tắc của châu Âu. Do đó, việc đánh giá kết quả cần phải lưu ý đến các đặc thù của địa phương, trong một khoảng thời gian tương xứng để thay đổi. Cá nhân bà Winkler đã chứng kiến những phát triển ấn tượng ở Việt Nam, sau khi đã đến thăm đất nước này hồi năm 2015.

 

Bà Winkler thừa nhận, có một vấn đề gây tranh cãi duy nhất: EU có thể tối đa hóa ảnh hưởng của mình đối với nhân quyền ở Việt Nam như thế nào? Tốt hơn là hoãn lại cuộc bỏ phiếu phê chuẩn để dùng làm đòn bẩy? Hoặc hiệu quả hơn là phê chuẩn và bắt đầu thực hiện ngay các cơ chế của hiệp định EVFTA / EVIPA? Bà Phó Chủ tịch Uỷ ban khẳng định, nếu hoãn lại phê chuẩn hiệp định thì đó là một quyết định tồi. Chắc chắn sự lựa chọn tốt nhất là tăng cường ngay lập tức sự hiện diện của EU tại Việt Nam và kiểm tra việc thực hiện hiệp định, bao gồm cả sự kiểm tra bởi Ủy ban hỗn hợp giữa Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam, một hợp tác nghị viện chưa từng có, được đề xuất khi phái đoàn Ủy ban INTA tới Hà Nội hồi cuối năm ngoái.

 

Việc hoãn thực hiện có nghĩa là hoãn kết quả, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của EU trong các cuộc đàm phán thương mại và về lâu dài sẽ làm giảm uy tín. Các cuộc đàm phán về hiệp định cung cấp các đòn bẩy mà chắc chắn EU đã tận dụng nó. Thậm chí đòn bẩy mạnh mẽ hơn sẽ đến khi hiệp định có hiệu lực và các cam kết ràng buộc pháp lý của nó sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng. Trong suốt hai tháng qua, bà Phó Chủ tịch Winkler cũng đã chứng kiến một quá trình đối thoại gia tăng với chính quyền Việt Nam thông qua trao đổi rất nhiều thư từ và gặp gỡ trực tiếp. Những kỳ vọng của Nghị viện châu Âu rất rõ ràng. Các cam kết của các đối tác Việt Nam về bảo vệ môi trường, quyền người lao động và nhân quyền được định lượng và khả thi. Tổng giám đốc Thương mại EU (DG Trade) cũng đã hơn một lần khẳng định cam kết không mệt mỏi của mình trong việc sẽ giám sát việc thực hiện hiệp định, kiểm tra kết quả để đạt được kết quả như mong đợi. Nếu EU muốn thấy một sự hiện đại hóa nhanh chóng, những cải tiến thực sự và kết quả cụ thể ở Việt Nam, Nghị viện EU phải hành động như họ đã làm: Bỏ phiếu đồng ý với các Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam./.

 


Có thể bạn quan tâm