March 28, 2024, 11:19 pm

Em hãy ngủ đi

Đã buồn cô em hàng xóm (chưa có chồng) hễ thấy tôi có mặt ở nhà là cô mở thật lớn nhạc Trịnh. Thói quen hay đó là nhu cầu của người? Ở chỗ này tôi xin để ba dấu chấm… vì nhạc Trịnh cho dù những ca khúc phản chiến hay viết cho tình yêu cũng gợi cho người nghe thân phận người giữa cõi nhân gian đâu là nẻo đi về, là lối ra. Cần có sự đồng cảm, chuẩn bị sẵn tâm thức mới đón nhận nhạc Trịnh vào lòng. Còn không… nhiều bài của Trịnh bảng lảng như sương khói vây quanh không hiểu rõ nó muốn nói gì. Thử hỏi ca sĩ lẫn người nghe có hiểu không...

Thì ví dụ như bài Em hãy ngủ đi: “Rừng đã cháy và Rừng đã héo. Em hãy ngủ đi. Rừng đã khô và Rừng đã tàn. Em hãy ngủ đi. Ngủ đi đôi môi lửa cháy. Ngủ đi em tay xanh ngà ngọc. Tóc gió thôi bay…”. Bài hát được Khánh Ly ca, rằng hay thì hay thật là hay, nhưng nghe tiêu cực ngậm ngùi sao. Tại sao rừng đã cháy, rừng đã héo trong khi em tràn đầy sức sống với đôi môi lửa cháy khát vọng. Em nhan sắc với mi cong cổ mượt, tay xanh ngà ngọc. Sao không thức để làm được điều gì đó cho xã hội được thì làm… mà người nhạc sĩ khuyên em hãy ngủ đi. Thành phố nhiều quán cà phê nhạc trẻ, nhạc sống. Thêm sự xuất hiện trở lại của các quán hát nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn. Đám trẻ nhất là giới sinh viên tới đây một phần vì tò mò trước tiếng tăm của nó, đến để tìm hiểu quá khứ, văn hóa một thời mà mình chưa từng trải qua. Hai là không phải đứa nào cũng thích loại nhạc trẻ, nhạc sống ngày nay có tiết tấu nhanh, rẽ ngang rẽ dọc, trúc trắc khó nhớ, khó hát theo. Thành phố ngày ồn ào, thỉnh thoảng tôi và mấy ông bạn già tìm tới quán để thư giãn với không gian yên tĩnh nhạc mở vừa đủ nghe, vừa nghe vừa đọc báo chuyện trò. Tình cờ nghe mấy em sinh viên ngồi bàn bên cạnh tranh cãi nhau về bài hát Em hãy ngủ đi. Với bầu máu nóng của thanh niên, một đứa cho bài hát có nội dung tiêu cực, một đứa khác cho không ngủ đi thì làm gì bây giờ. Ý kiến trước nghe còn được, ý kiến sau rõ ràng là trớt hướt vô cảm. Mải mê tranh cãi không để ý mình đã gây ồn ào mọi cặp mắt đang nhìn về mình… giống như tôi ngày xưa còn trẻ. Lần đầu tiên khi nghe Em hãy ngủ đi tôi cũng tức mình. Sau này nhớ lại. Giống như đọc một cuốn sách không hiểu gì hết xếp lại để sau đó đọc lại, hơn là cứ cố tìm hiểu mà không hiểu gì hết. Giống như ngắm bức tranh lập thể, siên thực nên chiếu đôi ba tia nhìn rồi quay trở lại hơn là dán con mắt nhìn đăm đăm để mắt chá lòa. Cái nào không hiểu bỏ qua. Bỏ qua không phải là quên, cái nào không dính vô đầu thì thôi. Đã dính nó tồn tại dai dẳng, nó nằm yên đâu đó trong tìm thức, chờ đúng dịp nó sống lại để cho người ngộ ra. Do không được thông minh lắm nên hiểu muộn màng (vậy cho chắc). Hóa ra nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn được người cho là nhà thơ, tôi thấy thêm ông còn là triết gia. Em phải ngủ đi, theo tôi hiểu có phải… con người gắn liền với hiểu biết bao gồm các hành vi học tập, nghe, nhìn .v.v… tất cả đều là nghệ thuật làm ra cái gọi là nghệ thuật sống. Và muốn đạt tới nghệ thuật sống cần phải có nghệ thuật quên đi theo. Phải chăng là như vậy, ít ai để ý tới điều này. Biết quên, biết nghĩ, biết ngủ rất cần cho thời đại ngày nay lu bu bận rộn nhiều tiếng than van. Rằng không có thời gian – rằng quá nhiều quan điểm nặng, nhẹ khó xử lý cân phân. Con người như bị vây hãm trong xã hội có rất nhiều chọn lựa. Khi Trịnh viết Em hãy ngủ đi vào lúc đất nước còn chiến tranh, xã hội phân rã nhiều tiếng nói cất lên vây quanh. Ai cũng có lí lẽ của mình (và chân lý có lí lẽ riêng của nó). Ngày nay con người bị vây hãm trong những âm thanh, màu sắc, hương vị va chạm không ngớt dồn đập kéo tới gõ cửa. Nhất là mạng Internet bùng nổ thông tin hễ ngồi xuống là khó lòng đứng lên. Bộ óc con người như ổ cứng máy tính, nhưng chỉ với dung lượng nhất định chẳng thể quy nạp mọi thứ. Có những thứ mình phải học cả đời. Nhưng mở cửa đón nhận hết thì lại hỏng mất vì bị nó lôi cuốn vào thế giới thực ảo lẫn lộn không còn làm chủ được mình… để rồi ôm vào lòng nổi cô đơn tuyệt vọng. Rất nhiều người vì Internet, ban đầu gặp nhau uống cà phê vui lắm, đem tin tức trên mạng ra nói. Dần dần sinh ra mất ngủ và trầm cảm lầm lì ít nói năng. Vì sao? vì người biết nhiều nhiều chuyện thường lấn cấn giữa nói và không nói. Nói cũng không giàu có thêm và cũng không vì im lặng mà mình nghèo đi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chắc là đã sống kinh nghiệm nên viết như triết gia. Em ngủ đi không phải là tiêu cực vô cảm, ngủ đến đầu óc ngu muội không biết gì xung quanh. Mà ngủ đi, con mắt nhắm lại để xua tan bao mệt mỏi bao rối rắm lùi bước để sự nhận biết của mình hiện ra. Nhận ra đâu là bản chất tự nhiên của mình phù hợp chủ động được cuộc đời mình.

Trước giới hạn của mọi sự việc đem đến nhiều ý kiến đưa người lạc vô mê hồn trận, đâu là cửa ra. Đừng cố chạy theo những gì nó đã lẫn trốn. Nên ở đây cần có sự cam đảm, trầm lắng, không chú ý nữa. Ngủ đi để tìm lại sự tỉnh táo. Ngủ không đủ đầu óc sẽ bị dao động… bởi chính mình. Suy tư nhiều lúc vượt qua sức của ta, mỗi một đêm là lời khuyên hữu ích, người có trí óc phán đoán, chuyện trò với ta cũng vừa như ngủ đó. Cũng có chỗ nhược là ngủ không lắng nghe được nhiều, nhưng lại có sức mạnh là vẫn luôn tươi tỉnh, mới mẻ. Trong giấc ngủ các ý tưởng được thu xếp, vô thức sẽ giải gỡ những khó khắn mà ngày hôm trước không thể nào vượt qua. Ngủ như vậy là ngủ trong tỉnh thức. Ngủ có chánh niệm.

Người đã vắng và người đã khuất. Em hãy ngủ đi. Người đã đi và người sẽ về. Em hãy ngủ đi… Đoạn kết bài hát nói lên cuối cùng chân lý, cuộc đời có sự quyết định, chọn lựa con đường cho nó…

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm