April 25, 2024, 3:59 am

Duyên biên cương

 

Ông Lự cùng con trai ngược lên biên giới. Lòng ông háo hức lạ.

Suốt mười năm, từ 1979 đến 1989 ông Lự đã chiến đấu ở đây, lăn lộn với từng tấc đất, cho nên trở lại lần này ông vui lắm. Từ ngày ra quân, ba chục năm rồi, công việc thôn xã bộn bề ông đã có dịp nào quay lại đâu. Hết chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, đến chủ tịch, rồi bí thư, toàn đứng đầu hàng như thế ông làm sao có thời gian đi được? Lần này, ba tháng nữa ông nghỉ hưu, đúng lúc thằng con trai ông nó đòi lấy vợ, ông Lự mới dứt ra được để đi hỏi vợ cho nó. Thượng úy, đồn phó biên phòng, con ông cũng ba mươi tuổi rồi chứ ít gì. Giục mãi anh chàng giờ mới đứng số. Bố nào con nấy, nó đi đúng đường ông đi trước đây, đóng quân đúng nơi ông chốt ngày trước. Thế nên, một chuyến đi với nhiều ý nghĩa. Hỏi vợ cho con, thăm chiến trường cũ, chuẩn bị nghỉ hưu… Toàn chuyện hỉ. Không phải là song hỉ mà đã là đa hỉ rồi. Vui quá đi chứ.

Quang cảnh đường lên Hà Giang khác xưa nhiều. Đường nhựa phẳng lì. Rừng xanh miên man. Sông Lô ngay bên đường hiền hòa trôi xuôi. Hồi còn bé, chỉ nghe bố kể về nơi này, ông đã mê rồi. Chiến dịch thu đông năm “bốn bảy”, giặc Pháp mở gọng kìm tiến lên Việt Bắc. Trận Đoan Hùng đó, đơn vị pháo binh của bố ông với phương châm “đặt gần bắn thẳng” đã bắn chìm mấy tàu chiến địch. Gọng kìm của chúng bị quân và dân ta bẻ gãy. Ta thắng ròn rã. Chúng phải gọi nơi này là “thảm họa Đoan Hùng”. Giọng bố ông kể hào sảng lắm. Kể xong ông còn ngâm ngợi hát. “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu…”. Trường ca sông Lô đấy. Hay thế cơ chứ lị. Lự nhìn bố hát và cũng mơ màng hát theo ông. Trong trí tưởng tượng của Lự, hình ảnh về trận đánh, về dòng sông Lô với những bông lau rập rờn hai bên bờ, về trái bưởi giả làm thủy lôi trên sông cứ ám ảnh mãi.

Tới khi vào bộ đội, hành quân ngược sông Lô lên biên giới năm 1979, không khí chiến tranh bao trùm, gấp gáp, mọi suy nghĩ của các chiến sĩ lúc đó đều hướng về tuyến trước. Lự cũng vậy. Chưa kịp cảm nhận gì về sông Lô thì anh đã phải lao vào đánh nhau với địch rồi. Bây giờ, mấy chục năm sau xa cuộc chiến tranh, đi giữa khung cảnh thanh bình này, ông Lự mới ngấm câu chuyện của bố ông ngày trước và nhớ về năm tháng ông quần nhau với giặc trên biên giới. Sông Lô đẹp và thơ mộng quá. Tượng đài Chiến thắng sông Lô sừng sững bên bờ ngã ba sông. Đoan Hùng ngạt ngào thơm hương bưởi. Tuyên Quang miền gái xinh. Chè xanh ngút mắt nương đồi. Rừng cam vừa qua mùa thu hoạch còn sót lại mấy trái vàng ươm treo trên cây. Bất giác, giai điệu trường ca sông Lô khe khẽ vút lên trong đầu ông… Và rồi, loáng cái xe đã đến địa phận huyện Vị Xuyên lúc nào không biết. Ôi, Hà Giang mến yêu của tôi! Những năm tháng chiến đấu khi xưa bỗng ào ạt hiện về.

Mặt trận Hà Giang dạo ấy rất nóng bỏng. Lự lăn lộn ở vùng này từ đầu năm 1984. Các điểm tựa từ đồi Tròn, lũng 840, Pa Hán (đông sông Lô) đến đồi Cô Ích, bình độ 1100 (tây sông Lô), từ huyện Vị Xuyên sang huyện Xín Mần, chiến đấu không thiếu một cứ điểm nào. Những ngày đông giá rét, nhiều hôm nhiệt độ xuống sát không độ. Xuất hiện băng giá tuyết rơi. Điểm cao không có nước uống. Chiến sĩ phải hứng sương, lấy tuyết để lau người. Bộ phận hậu cần hàng ngày phải cõng nước, cõng cơm nắm, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Tuy gian khổ là thế song tư tưởng anh em chiến sĩ rất kiên định. Ai cũng ngoan cường. Giặc đến là đánh. Trút căm thù lên đầu súng.

Đầu tháng một năm 1987, phía địch sử dụng lực lượng cấp sư đoàn được pháo binh chi viện, chúng mở chiến dịch nhằm vào mười ba điểm tựa của ta ở cả đông và tây sông Lô. Mục tiêu chủ yếu chúng nhằm tới là đồi Đài và đồi Cô Ích. Mặc dù đối phương bắn tới trên một trăm ngàn quả đạn pháo trong ba ngày để chi viện bộ binh liên tục tiến công ta, có ngày tới bảy lần, nhưng đều bị bộ binh và pháo binh ta ngăn chặn ngay trước trận địa. Những quả đồi, ngọn núi vốn là rừng già, màu xanh ngằn ngặt đã bị đạn pháo thiêu rụi, trơ ra còn toàn đá. Đạn pháo găm vào đá, khiến đá cả những dãy núi vỡ ra trắng xóa, nhìn từ xa không khác gì lò nung vôi.

Thiếu úy đại đội phó Lự cùng các chiến sĩ bám chốt suốt ngày đêm quần nhau với địch. Quần áo, mặt mũi sạm đen, bám đầy khói súng. Chiều tối hôm ấy, khi quân địch rút khỏi trận địa sau loạt cối tám hai và pháo mặt đất của đơn vị Lự, không khí mặt trận yên ắng trở lại. Điểm danh lại, đại đội trưởng bị thương đã chuyển về tuyến sau. Lự tạm thời chỉ huy giữ quyền đại đội trưởng. Gánh nặng trách nhiệm đè lên vai anh. Người anh mệt bã. Thì cả ngày chiến đấu giằng co từng tấc đất như thế, ranh giới giữa cái sống cái chết mong manh như thế, đói mệt như thế bảo sao không lử lả được cơ chứ? Đơn vị chỉ còn hơn nửa quân số. Mấy chiến sĩ hy sinh, một số chiến sĩ khác bị thương. Số này đã được đưa về tuyến sau chôn cất và chữa trị. Nhìn anh em thấy ai cũng bải hoải, Lự lo lắm. Anh động viên chiến sĩ tranh thủ lương khô, cơm nắm ăn uống nghỉ ngơi cho lại sức. Các vị trí đều phân công nhau canh gác, cảnh giới nghiêm ngặt, cảnh giác với trò cắm trộm liều lĩnh của địch.

Khoảng tám giờ tối, một số chiến sĩ mới được bổ sung. Trong căn hầm chỉ huy, Lự nhìn khắp một lượt. Tất cả đều trẻ măng. Toàn tuổi mười tám đến hai mươi giống như anh gần chục năm về trước. Chợt anh dừng lại ở một cậu lính đang chăm chăm nhìn mình. Lự quán triệt số chiến sĩ mới, phân công họ về các trung đội. Chiến sĩ Hà được anh giữ lại chốt chỉ huy. Đêm ấy, yên tĩnh. Hai anh em Lự Hà rì rầm tâm sự mãi tận khuya. Hà ôm súng ngồi bên vị chỉ huy của mình cởi mở và tin cậy.

“Chú có vợ chưa?”, Lự hỏi anh lính mới. Hà lúng búng tâm sự: “Dạ, có rồi thủ trưởng ạ”. “Có rồi? Đủ tuổi đăng ký kết hôn không mà cưới?”, Lự trêu Hà. Hà thủ thỉ: “Vừa đủ tuổi đăng ký thủ trưởng ạ. Em hai mươi, nhà em mười tám”. “Được. Nhưng mà vẫn hơi bị sớm đấy”, Lự lẩm nhẩm tính toán. Hà phân bua: “Cũng do mẹ của Nguyệt cả đấy, anh ạ?”. Nguyệt là tên vợ của Hà. “Sao? Bà ấy giục cưới à?”. “Gần như thế. Mẹ Nguyệt bị ốm nặng. Chúng em phải cưới…cưới chạy tang mẹ cô ấy”. “Thế hả? Rồi sao?”, Lự hỏi dồn. Hà thành thực kể tiếp: “Cụ bị tai biến xuất huyết não. Chúng em cưới được hai ngày thì cụ đi”. Lự chép miệng thở dài: “Trời ạ… đành vậy. Số cả đấy cậu ạ...”. Dừng lại giây lát, nhìn vào mặt Hà, Lự nói tiếp: “Chia buồn với cậu vì vợ chồng cậu mất mẹ. Còn chia vui với cậu thì các cậu đã sớm nên vợ thành chồng. Đúng không? Thôi, biết là việc nào đi việc đó nhưng cứ phải kiên cường Hà ạ, để mà sống và chiến đấu”. “Dạ, em cảm ơn thủ trưởng. Em cũng đã xác định vậy”, Hà lí nhí đáp.

Hai anh em ngồi lặng yên. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Mãi sau, Hà lên tiếng: “Thế còn thủ trưởng?”. “Tớ hả? Một gái rồi. Kết quả của chuyến vợ tớ lên thăm”. Hà thoáng ngạc nhiên, tròn mắt. Lự mỉm cười: “Không tin hả? Vợ tớ lên tận đây đấy. Vừa năm ngoái nha. Tháng trước, đúng chín tháng mười ngày kể từ ngày vợ tớ lên thì bé gái ra đời. Cậu thấy oách chưa?”. Giọng Lự phấn khởi ra mặt. Hà cũng vui lây cùng: “Chúc mừng thủ trưởng. Chị ấy dám lên tận đây để thăm thủ trưởng thì thật là bái phục”. Lự hãnh diện: “Chứ sao?”. Rồi anh bộc bạch: “Bọn mình cưới nhau được mấy tháng thì tớ nhập ngũ. Rồi biền biệt biên cương sáu, bảy năm liền. Cứ mãi thế thì bảo sao chúng tớ có con được? Vậy là cô ấy mò lên thăm tớ. Chú thấy có liều không? May mà năm ngoái chiến sự cũng đỡ. Dù sao, không khí chiến tranh cũng vẫn còn căng lắm. Thế mà lên đây nhìn những đồi hoa sim cô ấy còn khe khẽ hát bài “Hoa sim biên giới” nữa chứ”. Lự dừng kể nhìn đăm đắm vào Hà. Hà tấm tắc: “Chị ấy lãng mạn thật. Nhưng mà…công nhận đêm biên cương đẹp tuyệt đi. Như đêm nay đây này. Có ai bảo là chiến tranh đang hiện hữu đâu? Phải không thủ trưởng?”. Lự nhìn Hà nghĩ: đúng là lính mới. Chưa biết bom đạn là gì nên vẫn còn mơ mộng lắm. Cứ thế đi. Mai rồi khắc biết. Đây chỉ là khoảng lặng giữa hai trận đánh thôi nhé, cậu tân binh tò te ạ.

Đang mạch chuyện vui, Lự hào hứng kể tiếp: “Cậu biết không? Đêm ấy, còn hơn cả đêm tân hôn nhá. Kỳ lạ lắm! (Lự tủm tỉm cười, ánh mắt nhìn xa xăm). Bây giờ, mỗi khi nhớ lại hình ảnh vợ tớ bên những khóm sim hoa ven đồi ở khu nhà khách đơn vị cùng tiếng hát nhẹ nhàng của cô ấy hòa với gió biên cương rì rào là bao nhiêu mệt nhọc trong tớ đều tan biến hết. Thế mới lạ, cậu ạ”. Lự thủ thỉ mơ màng.

Trăng biên cương vằng vặc sáng. Cứ vô tư như chưa hề có tiếng súng và chết chóc ở đây. Hà nhìn Lự, nhìn trăng, nhìn về phía bên kia đen ngòm. Phía ấy đang tiềm ẩn những bất trắc khôn lường. Giá như đừng có chiến tranh thì đêm trăng này, kỷ niệm ấy của Lự và nỗi nhớ của Hà về Nguyệt sẽ thơ mộng biết bao nhiêu. Chợt Lự như bừng tỉnh: “Cậu mới cưới vợ, xa nhau thế này thì nhớ lắm đấy. Cả cô ấy nữa”. “Vâng” - Hà đáp - “Nhưng bọn em xác định rồi. Phải đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc lên trên hết. Bố mẹ em cũng dặn em thế thủ trưởng ạ”. “Tốt. Phải thế chứ! Anh em mình đã lên đây là phải vững vàng. Quyết chiến với bọn chúng giữ vừng từng tấc đất biên cương”, Lự vừa nói vừa vỗ vỗ vai Hà.

Tiếng loa phóng thanh phía bên kia kêu ông ổng. Toàn luận điệu bịp bợm. Mả cha chúng nó chứ. Ban ngày đấu súng, đêm về thì đấu loa. Vẩn đục hết cả bầu trời biên giới. Gần sáng, tiếng pháo bất ngờ dội tới. Trời đêm Thanh Thủy đỏ rực. Lự vùng dậy lệnh cho toàn đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Pháo địch cày xới từng mét đất, mỏm đá, dọn đường cho bộ binh biển người xông lên. Lự nhắc các chiến sĩ bình tĩnh, chờ cho chúng đến thật gần mới nhả đạn. Các nòng súng của ta rê theo bước tiến của địch. Đúng tầm bắn gần nhất, Lự phất tay. Quả B41 của chiến sĩ Hải vọt khỏi nòng. Trong đám lửa màu da cam hiện rõ từng tên lính bị hất tung lên ném xuống chân núi. Phát B41 này cũng là khẩu lệnh của trận đánh. Tiếp đó là thủ pháo, lựu đạn nổ. Từng tràng AK liên thanh dồn dập ập lên đầu địch. Bọn chúng kêu oai oái, dẫm đạp lên nhau tháo chạy. Tên chỉ huy từ phía sau đốc quân lính khiến chúng không còn đường nào lui bắt buộc phải lao lên. Thằng nọ ngã xuống, thằng kia nhô tới. Phía sau ùn ùn đùn lên. Súng các chiến sĩ đơn vị Lự đỏ nòng, khét lẹt.

Bất ngờ Hà thấy có một vật gì rơi bịch ngay dưới lòng công sự. Chưa kịp định thần, Hà bị xô ngã dúi dụi. Ai đó nằm đè lên người anh. Một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên. Đất đá rơi lả tả. Hà dụi mắt nhìn quanh. Khẩu cối văng ra đổ kềnh. Mấy chiến sĩ cùng khẩu đội ngơ ngác. Rồi họ nhận ra Lự. Anh đang nằm đè lên người Hà, che toàn bộ phía quả lựu đạn vừa nổ. Hà có cảm giác như lưng mình bị ướt. Anh sờ tay. Ấm nóng. Mùi tanh tanh. Hà đưa bàn tay lên nhìn dưới ánh trăng. Trời ơi! Máu! Không lẽ mình bị… Nhưng mà… sao không có cảm giác đau đớn gì cả nhỉ? Hà nghiêng mình khẽ lật lại. Anh và Lự cùng lăn ra giữa giao thông hào. Quay sang Lự, Hà vội sờ nắn khắp người Lự. Lự nhìn Hà khẽ nói: “Cậu không sao chứ?”. Hà đáp: “Không”. Lự thều thào: “Tớ… bị… rồi!”. “Ở đâu thế? Để em xem?”. Hà lo lắng, hỏi dồn dập. Lự lắp bắp: “May quá. Tớ phát hiện kịp. Không thì…”. Mấy chiến sĩ xúm lại đỡ Lự. Bàn tay trái anh đẫm máu. Máu loang lổ khắp người Lự. Phía trước, tổ một tiền tiêu vẫn tiếp tục chiến đấu. Hà băng bó, ga rô cho Lự. Lự cho cậu liên lạc truyền mệnh lệnh chỉ huy cho trung đội trưởng trung đội một thay anh. Sau khi băng bó xong, Lự xua tay, nói với Hà: “Tớ không sao đâu. Cậu quay lại ví trí chiến đấu đi. Kiên quyết giữ chốt bằng mọi giá”.

Đặt Lự nằm trong hầm, Hà lao lên phía trước. Cả đơn vị bám sát, hiệp đồng chặt chẽ, đánh lui địch hết đợt này đến đợt khác. Suốt cả ngày hôm đó, Lự nằm trong hầm. Hai bên đánh nhau ác liệt, không thể đưa anh về tuyến sau được. Đã vậy, Lự gián tiếp cùng trung đội trưởng trung đội một chỉ huy trận đánh. Bọn địch bị đánh bật hết đợt nọ đến đợt kia. Chốt của ta vẫn được giữ vững. Mãi chiều muộn, địch mới rút. Bộ phận hậu cần mới tiếp cận được chốt. Họ tiếp tế lương khô, cơm nắm và chuyển thương binh về tuyến sau. Lự cũng phải rời trận địa. Thế là sau mấy ngày quần thảo, điểm cao của đơn vị Lự vẫn được giữ vững.

Mới đó mà đã hơn ba chục năm. Qua nghĩa trang Vị Xuyên, Lự bảo lái xe dừng lại. Anh cùng Lân, con trai lên thắp hương cho các đồng đội. Sau đó, hai cha con anh lên phố cổ Đồng Văn. Nơi đó là nhà người yêu của Lân. Cô bé hiện đang là giáo viên ở đây. Hai đứa quen biết rồi yêu nhau qua mấy đợt Lân giao lưu, giúp đỡ nhà trường. Đứa phó chỉ huy đồn biên phòng, đứa bí thư đoàn trường, hai đơn vị kết nghĩa với nhau nảy ra mối tình này.

Cả nhà Nga (tên người yêu của Lân) ra tận cổng đón bố con ông Lự. “Ơ! Thủ trưởng Lự! Có phải thủ trưởng Lự không?”. Vừa bắt tay ông Lự, bố của Nga vừa trân trân nhìn ông khách. Rồi ông ta reo lên: “Đúng rồi! Thủ trưởng Lự!”. Ôm chầm lấy ông Lự, bố của Nga nhấc bổng ông Lự lên xoay một vòng rồi mới đặt ông xuống. Đến lượt ông Lự ngạc nhiên. Định thần, ông nhìn chằm chằm vào người vừa ôm mình. “Hà! Đúng là Hà rồi! Sao chú lại ở đây?”. Ông Lự reo lên. Rồi ông dang tay lao vào ôm chặt người ông vừa gọi. Ông có tên là Hà hớn hở: “Em…em là bố cháu Nga mà! Thế còn thủ trưởng?”. “Tôi hả? Thì là bố cháu Lân chứ còn sao nữa? Được chưa?”. Ông Hà há hốc mồm. Một lần nữa, ông lại reo lên: “Giời ơi! Đúng là duyên kỳ ngộ! Thật tuyệt vời!”. Hai ông cứ thế ôm và vỗ vỗ vào lưng nhau. Mãi sau, như sực tỉnh, buông ông Lự ra, ông Hà vào vai họ nhà gái: “Mời… mời hai… bố con… ông vào nhà”.

Tất cả mọi người đều quá đỗi ngỡ ngàng. Không ngờ hai ông thông gia tương lai lại là đồng đội cũ của nhau. Bao nhiêu nghi lễ rườm rà liền được bỏ qua. Hai người xoắn lấy nhau chẳng nói gì về chuyện “ăn hỏi” nữa. Họ toàn nhắc kỷ niệm ở chốt và hỏi thăm nhau sau ngày xuất ngũ. Ông Hà cho biết, ra quân, ông chuyển ngành sang ủy ban huyện, rồi kéo cả vợ con lên ở phố cổ Đồng Văn này. Hiện ông vẫn đang công tác, dăm năm nữa mới nghỉ hưu. Ông kể với mọi người rằng chính ông Lự, thủ trưởng cũ của ông đã cứu ông trong trận đánh đó như thế nào. “Ân nhân của tôi đấy. Các vị xem đây này”. Cầm bàn tay thương tật của ông Lự giơ cao, ông Hà nói. Mọi người nhìn ông Lự đầy biết ơn.

Ông Lự cũng tóm tắt quá trình của mình sau trận đánh đó. “Tám chín” ra quân về xã. Cuối năm đó có thằng Lân. Ông gánh vác việc xã liên tục tới tận bây giờ. Đời ông gắn toàn với số 9. 59 sinh, 79 bộ đội, dự luôn chiến tranh biên giới, 89 ra quân đẻ con trai. Và năm nay, 2019, nghỉ hưu, cưới vợ cho con. Toàn việc lớn và vui cả.

Xen giữa chuyện hai người, họ còn nhắc nhớ, hỏi han nhau về đồng đội. Nào là thằng Hải B41 hiện giờ ở đâu, gia cảnh ra sao? Nào là thằng Khải A2 bị mảnh pháo phạt đứt tai sau đó nó có nghe được không? Rồi thì “thằng Minh B trưởng B1 thay tớ chỉ huy trận đó giờ còn ở trong quân ngũ chứ? Nó làm đến chức vụ gì rồi?”. “Ông ở trên này nắm được nhiều tin tức về chúng nó nói cho tớ biết đi. Tớ về đoàn an dưỡng hơn năm sau thì ra quân nên không nắm được nhiều thông tin về đơn vị”. “Chuyện tình giữa thằng Bản với cái Hoa y sỹ thế nào? Hai đứa vẫn lấy nhau chứ?”. Ông Lự hỏi dồn dập. Hà chưa kịp trả lời câu này thì ông đã hỏi câu khác rồi. “Chết rồi! Cả hai đứa hy sinh trong trận đánh hôm sau anh ạ. Cái Hoa cõng thằng Bản từ trên chốt về trạm phẫu, dọc đường bị trúng pháo, thế là đi cả”, Hà ngậm ngùi kể. “Rõ khổ! Chúng nó yêu nhau quá. Vậy mà… Thôi! Dẫu gì chúng vẫn ở bên nhau”. Giọng ông Lự chùng hẳn xuống. Mãi một lúc sau, ông Lự mới lại hỏi tiếp về những đồng đội khác. Ông gọi ông Hà là cậu cậu, tớ tớ, chú chú anh anh. Lúc lại xưng hô ông ông tôi tôi với nhau. Cả ông Hà cũng vậy. Khi thì thủ trưởng Lự. Lúc lại là anh Lự, bác Lự. Lắm lúc ông lại gọi ông Lự là ông, rất đồng vai phải lứa. Hai người cứ xưng hô loạn xì ngầu cả lên. Chuyện nọ xọ chuyện kia. Đang chuyện chiến trường lại ngoặt sang chuyện làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Rồi thì chuyện học hành của con cái, chuyện ông nọ bà kia.

Đang mạch chuyện hào hứng, ông Lự đột ngột nhìn thẳng vào mắt ông Hà, hỏi: “Ông nhất trí gả con gái cho con trai tôi chứ?”. Mắt ông sáng ngời. Miệng ông cười tươi. Ông lặng yên chờ đợi. Bị đột ngột dừng câu chuyện bằng một câu hỏi rất lính của ông Lự, ông Hà thoáng sững sờ. Rồi ông kịp trấn tĩnh lại. Đang ngồi, ông Hà đứng bật dậy, dập hai chân vào nhau, đưa một tay lên đầu theo kiểu chào nhà binh, đứng nghiêm trước mặt ông Lự. “Báo cáo Thủ trưởng! Rõ!”. Giọng ông Hà vang lên dõng dạc và dứt khoát. Ông Lự vươn tay ôm chầm lấy ông Hà. Hai người một tay ôm nhau, một tay kia cùng dang ra về một hướng. Họ cười lên ha hả.

Tất cả đều ngỡ ngàng trong giây lát. Sau đó, mọi người cùng vỗ tay và cười theo. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã đầy ắp cả căn nhà. Lân rạng rỡ nhìn hai ông bố và nhìn Nga. Nga đỏ mặt bối rối lâng lâng trong niềm vui hạnh phúc. Các bố đúng là nhà binh có khác. Lúc nào cũng quân kỷ quân phong.

Ngoài kia, mùa xuân đã về. Hoa đào đỏ rực ấm áp cả một vùng cao biên giới.

Nguồn Văn nghệ số 8/2019             


Có thể bạn quan tâm