March 29, 2024, 7:22 am

Đường Xuân Tây Yên Tử

Đạo sĩ Yên Kỳ Sinh, từ đời nhà Hán, đã đến tu tiên đắc đạo ở Yên Tử. Đấy là điều thấy chép ở sách Đại Thanh nhất thống chí, và được cả hai bộ sách lớn ở thế kỷ 19, của nước Việt, đời nhà Nguyễn là Lịch triều hiến chương loại chíĐại Nam nhất thống chí nhắc lại.

 

Minh họa của TRẦN NGỌC QUỲ

 

Một tảng đá tự nhiên, tượng hình một đạo sĩ, hiện vẫn đang đứng cao trên đỉnh Yên Tử, được cho là hóa thân của chính Yên Kỳ Sinh đấy, càng khiến thật giả phân vân. Nhưng cái nhân danh tôn vinh Yên Kỳ Sinh là Yên Tử, tương tự các trường hợp của Khổng Tử, Lão Tử… đã được chuyển hóa thành địa danh (đúng hơn là “sơn danh”) của ngọn và vùng núi mà vẫn như sách Đại Nam nhất thống chí đã đánh giá và mệnh danh là “Tổ Sơn” của cả dải sơn lâm trùng điệp ở đông bắc nước Việt, thì đã là hiển nhiên, tự lâu đời.

Vì, đây là nguyên văn lời sách An Nam chí lược đã viết cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14, trong mục “Núi non”: “Núi Yên Tử. Gọi là Yên Sơn hoặc là Tượng Sơn, bề cao hơn quá tầng mây… Đại sư Lý Tư Thông có dâng lên vua (nhà Tống) bản đồ Hải nhạc Danh sơn, và vịnh bài thơ tán rằng: “Phúc địa thứ tư ở Giao Châu là núi Yên Tử”, (ở đây có) “Tàn kỳ chóp núi nêu vài nụ/ Yểu điệu vài khe trổ một ngành/ Tiên cười loan qua ngồi cảnh tịnh/ Người xem rồng xuống giỡn mây xanh”.

Đấy là việc văn chương - văn bản. 

Còn trong thực tế lịch sử thì, về đời Lý, thời Trần, trên non thiêng Yên Tử, đã rõ ràng tụ hội đông đảo những bậc thầy đạo hạnh: Sư tổ Hiện Quang, Quốc sư Đạo Viên, Quốc sư Đại Đăng, Thiền Sư Tiêu Dao, Thiền Sư Huệ Tuệ… trước khi hiện diện ở đây, nhân vật lớn lao, tiêu biểu nhất: Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Chưa rõ được từ nơi tiên cảnh bồng lai nhưng thâm sơn cùng cốc này, khi vẫy gọi các bậc Đại sư tìm đến, trước thời của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thì Yên Tử cũng phải, và đã mở cho các vị ấy, những con đường nào? Tuy nhiên đến thời của Người sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm, và cả sớm hơn một chút nữa, ở trường hợp của Hoàng đế Thái Tông đầu triều nhà Trần, ông nội của đức Phật Hoàng, thì đã có nhiều đường đất lối nẻo đi lên Yên Tử rồi. Một trong những con đường ấy, là ở mạn Tây vùng núi thiêng. Và nơi xuất phát cũng như là tập kết, để chuẩn bị cho cuộc hành hương, gian nan vào thời ấy, lên linh sơn từ hướng Tây, thì chính là Tổ đình Vĩnh Nghiêm.

Tôi đã có mấy lần, hoặc theo đoàn công tác, hoặc cả với hậu duệ của những người giữa thế kỷ trước đã “Di cư” vào Nam đem theo mô hình gốc của ngôi Tổ đình Vĩnh Nghiêm mà xây dựng nên một phiên bản khang trang đồ sộ ở giữa “Hòn ngọc Viễn Đông - Sài Gòn”. Đến đầu thế kỷ 21 bây giờ “Ẩm thủy tư nguyên” mà hành hương trở lại với cội nguồn, tới xã Trí Yên, xưa, tên gốc là Đức La, thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang - thăm viếng chốn đại danh lam Vĩnh Nghiêm gốc này.

Đọc tấm bia cổ khắc dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606) ở trước tòa tiền đường, với những dòng hào sảng mô tả sự “trang nghiêm rực rỡ, non cao vạn nhẫn, trùng trùng điệp điệp, vây tròn mà ôm lấy hình lọng hoa. Ở chỗ có hai ba con sông, sóng nước dạt dào, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Khoảng chính giữa là ngôi chùa cổ kính, có một bầu trời riêng tên là Vĩnh Nghiêm, vốn là một danh lam đứng đầu thiên hạ”… để thêm nhớ đến những đoạn sử cũng chép việc Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã về đây giảng phép Khóa Hư Lục năm 1308, đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm, Pháp Loa, đặt “Văn Phòng Trung ương Giáo Hội” quản lý 15.000 sư tăng cả nước, ở đây, năm 1313… dạo một vòng khuôn viên nhà chùa rộng rãi thoáng đãng với kỳ hoa dị thảo gần ba mẫu vẫn giữ được; chiêm bái các pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ điêu khắc thật sinh động; chạm tay vào kho tàng mộc bản 3050 tấm còn bảo lưu được; thì sau và bên cạnh rất nhiều điều chỉ Vĩnh Nghiêm mới có như thế, đập vào con mắt và trí tưởng tượng của mọi người, là những dẫy nhà, hành lang dài dặc, cũng chỉ Vĩnh Nghiêm có. Phên liếp che đậy sơ sài và thoáng đãng, cốt là vậy, vì chính là để cho những người và đoàn hành hương đến Tây Yên Tử trú ngụ, tu tập, sửa soạn cho việc lên đường tới non thiêng.

Từ điểm tập kết - xuất phát Vĩnh Nghiêm này, mấy trăm năm nay, những người và đoàn hành hương lên Tây Yên Tử còn có nhiều “trạm dừng nghỉ” vừa linh thiêng vừa tiện dụng ở ngay bên dọc đường. Đó là những ngôi chùa cổ, lẫn vào đá núi rừng cây, như; Khám Lạng (ở làng Bến, huyên Lục Nam), Đám Trì (ở xã Lục Sơn huyện Lục Nam), Am Vãi (ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn)… Tôi cũng đã có được vài lần ghé vào những ngôi chùa - nhà trạm này. Và một lần thì tận hưởng cái lâng lâng của người được mắt nhìn tay chạm vào chiếc hương án bằng đá, bảo vật quốc gia vừa được xếp hạng, của ngôi chùa Khám Lạng với những điêu khắc hình rồng, nước, cúc, sen và đặc biệt là rành rẽ những chữ khắc chìm, báo rõ niên đại tạo tác: “Thuận Thiên Ngũ Niên” (tức năm 1432, đời trị vì của Vua Lê Thái Tổ). Một lần khác, may sao, có mặt đúng lúc đang tiến hành khai quật khảo cổ học ngôi chùa Đám Trì, để được chứng kiến những cổ vật hơn 700 năm tuổi, như những viên ngói lá đề bằng đất nung là vật liệu kiến trúc tiêu biểu của thời nhà Trần, đang được lấy lên từ sâu dưới lòng đất…

Một lối nẻo lên non thiêng Yên Tử từ phía Tây - nói như Nhà sử học Lê Văn Lan trong “Lời giới thiệu” cuốn sách Di tích và Danh thắng Tây Yên Tử của Bảo tàng Bắc Giang vừa cho in, chứa đựng trong nó đến bốn con đường là: Đường Lịch sử, Đường Tâm Linh, Đường Hành hương, Đường Du lịch; vậy là đã được hình thành, hiện hữu, qua nhiều thế kỷ, xuyên và liên bốn huyện; Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động của tỉnh Bắc Giang mà đưa người, lên và xuống, đi và về, chốn “Tổ Sơn” của miền đông bắc đất nước.

Có điều là, huyền diệu và tiện dụng đấy, nhưng nó, ngày xưa, lại chỉ đưa người đến được chỗ vách núi dưới chân ngọn Núi Tổ mà thôi. Còn thì vượt lên dốc núi dựng đứng hơn nghìn mét cao, hoàn toàn trông và nhờ vào tâm chí cùng sức vóc của người muốn tới chốn đỉnh non thiêng.

Chính là để đỡ nhọc nhằn cho việc lên Yên Tử từ hướng Tây như thế mà tỉnh Bắc Giang, dăm năm gần đây đã không tiếc công của, vừa làm một con đường hơn 50 cây số bê tông hiện đại, đi thẳng từ thành phố Thủ phủ, qua Vĩnh Nghiêm, tới sát chân Tây Yên Tử, vừa kiến thiết một khu vực trung tâm cực kỳ hoành tráng ở địa bàn sơn lâm xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, đón tiếp và dẫn đưa người lên chốn non thiêng, tiện nghi, tân kỳ mà hòa lẫn với thơ mộng, diệu linh!

Một quảng trường trung tâm đã được trải rộng trên khắp một vùng đồi gò thôn Đồng Thông, với những công viên, đường dạo, bãi xe, vườn hoa, tượng đài và biểu tượng, vật phẩm trang trí của “Nghệ thuật sắp đặt” và các kiến trúc dịch vụ… Tất cả vòng quanh một Hội trường đồ sộ, thiết kế theo kiểu dáng của một cổng thành trung cổ, nguy nga, vững chãi… Con đường lên đỉnh non thiêng vươn cao giữa đá núi, cây rừng ở ngay mé sau Quảng trường. Ba ngôi chùa cổ được khôi phục, tôn tạo bề thế nhưng trang trí nhã, ở chân, sườn và đỉnh núi, mang các tên: Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, hình thành ba cột mốc cho hệ thống cáp treo chạy qua, ghé vào, chỉ trong vùn vụt 20 phút, đã từ Quảng trường Trung tâm dưới chân núi, lên thẳng tới đỉnh mây vờn phủ quanh tượng đá Yên Kỳ Sinh và Chùa Đồng.

Mùa xuân này, từ Thủ đô Hà Nội - Kinh đô Thăng Long xưa, đi dăm chục cây số trên quốc lộ số Một đã thành đường cao tốc, tới thành phố Bắc Giang - Phủ Lạng Thương xưa, đi tiếp đến trạm tập kết, xuất phát Tổ đình Vĩnh Nghiêm cổ xưa và nay, bon xe thêm dăm chục cây số dọc con đường mới nâng cấp, hiện đại hóa mà mở lại trên nẻo đường cũ, lối xưa, qua bên phải, bên trái là những Danh thắng lộng lẫy cũng mới hoặc đang được tôn tạo; Suối Mỡ, Suối Nước Vàng, Thác Ba Tia, Khe Rỗ… Vậy là tới chân non thiêng, rồi thanh thản, tất cả chưa đầy nửa buổi, đã tới “Đỉnh Vũ trụ”, nơi mà Nguyễn Trãi xưa, hẳn đã vất vả cả tuần, cả tháng mới lên được, để lưu lại cho bây giờ, tầm kích đất trời của những câu thơ bất hủ:

 “Vũ trụ mắt nhìn ngoài biển biếc

Nói cười người ở giữa mây xanh.

Nguồn Văn nghệ số 4/2021


Có thể bạn quan tâm