April 23, 2024, 10:37 pm

Đường hoa

 

Nghe tiếng con Lan Nhặt gào thất thanh từ đầu ngõ, Lợi quẳng bát cơm vừa đưa lên ngang mồm, chưa kịp quay đầu lại thì đã bị nó nhảy thốc qua hai bậc thềm vào giữa bếp, túm chặt lấy tay, lôi xềnh xệch ra ngoài, may mà vớ được cái cột nhà ngang, gồng người đu lại chứ không đã bị xách ra tận đầu ngõ. “Hượm đã! Có chuyện gì?”. “Anh ơi chết rồi…”. “Ai chết?”. “Anh Khởi…”.

Lợi nhũn cả hai chân, may có con Lan xốc nách chứ không đã tuột xuôi theo cột, nằm một đống dưới hè, ngắc mãi mới thành tiếng: “Cái gì? Chết lúc nào? Làm sao mà chết?”. “Ai cơ?”. “Thằng Khởi chứ ai…”. “Không phải! Anh không ra nhanh anh ấy mí chết…”.

 Lan Nhặt là vợ thằng Khởi Tồ - bây giờ là Chủ tịch xã Đoàn Văn Khởi, thằng bạn nối khố của Lợi suốt từ năm bốn tuổi, tính từ ngày hai đứa cùng bị lôi đến lớp mẫu giáo xóm ngay đống Mả Da. Lên tận cấp III ngoài huyện, ngày nào Khởi Tồ to cao lừng lững cũng đèo Lợi Ròm như bố đèo con đến trường trên chiếc xe đạp cởi truồng, phanh bằng tông bánh trước.

Nhưng cũng có một thời gian dòng đời xô đẩy hai đứa xa nhau. Tốt nghiệp, Lợi theo lời bố thi đại học. Khởi cũng đi cùng cho nó oai. Sau chuyến lên thủ đô, Khởi vác về ba môn nhõn một điểm. Tháng 9 năm ấy, hai đứa chia tay. Lợi vác cái hòm tôn lên Hà Nội làm kiếp sinh viên cơm đường cháo chợ. Khởi nghe theo lời ông đại tá – bố nó - vác ba lô lên đường nhập ngũ. Thoát ách chữ nghĩa, nó đâm chững chạc, ăn nói đâu ra đấy: “Mày nhìn vụ 11 tháng 9 vừa rồi chưa? Chỉ nay mai là chiến tranh thế giới thứ 3. Làm thằng đàn ông mà không qua trận mạc, không biết cầm súng bảo vệ Tổ quốc thì còn ra con mẹ gì.”.

Nhưng chiến tranh thế giới thứ 3 chưa kịp nổ ra thì Khởi đã hoàn thành nghĩa vụ. Sẵn bằng B1 được học trong quân ngũ, nó đi phụ xe khách liên tỉnh. Một chiều vắng khách, xe về đến bến cuối mới phát hiện ra một đứa con gái vẫn ngủ lăn trên hai chiếc ghế trống. Gọi dậy, nó ngơ ngác nhìn quanh rồi giẫy lên đành đạch, tru tréo sao không gọi nó dậy. Nó đã dặn rồi cơ mờ. Nó phải xuống cách đây 40 cây mới bắt được xe về. Con bé ngồi uỵch xuống đường, cứ túm chặt ống quần Khởi mà khóc. Khởi phải dỗ mãi, bảo thôi tối rồi, giờ về nhà nó ở tạm, đừng sợ, bố nó là đại tá về hưu, mẹ là nông dân, sáng mai nó đưa lên bến sớm, mua vé cho mà về, cứ bình tĩnh, làm gì mà rộn…

Con bé ấy là con Lan. Tục gọi là Lan Nhặt.

 

Khi Lợi vác cái bằng tốt nghiệp chuyên ngành Quản lí xã hội đi quẹn gót khắp nơi không xin được việc phải quay về tiếp tục nghề ăn bám thì hai đứa ấy đã thành vợ chồng, đã có quán “Lan Khởi – Tiết canh cháo lòng” ngay trước cửa nhà, chỗ ngày xưa là cái hè với cái rãnh nước thải kiêm nhà vệ sinh công cộng của lũ chó thả rông và trẻ con hàng xóm. Ông đại tá bảo chúng mày làm tạm cho quen khách đã chứ công tác tổ chức và chiến lược phát triển phải giao cho thằng Lợi. Thằng ấy học giỏi. Lại đúng chuyên ngành. Thế là cái quán tạm bán mái có hai cánh cửa gỗ - hai cái chuồng nuôi mọt long như răng bà lão – và lũ bàn ghế gỗ tạp đen sì cáu mỡ với cứt ruồi bị phá bung ra mở sâu vào tận bên trong. Lợi bảo phải có quầy đứng, tủ kính đựng thức ăn cho hợp vệ sinh. Tủ thôi, không cần cánh, mở ra đóng vào khỏi bận tay. Bàn ghế inox tuốt nó mới sáng choang choang. Đã là quán ăn, phải đặt vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Phải có khẩu hiệu hai bên tường. Phải đổi cả tên quán…

Lợi bảo gì Khởi nghe theo răm rắp, không bao giờ dám quyết một mình bởi cái gì Khởi làm một mình cũng hỏng. Tỉ như cái biển hiệu, hôm thợ xuống giao hàng, nhìn tên quán: “Tráo phải nòng” Lợi bắt đền, mày viết sai chính tả rồi. Nhưng thằng thợ ngoen ngoẻn cãi anh Khởi viết dư nào em làm y thế. Giấy em còn giữ đây thây. Gấp giờ khai trương, Lợi bảo thôi đành treo tạm. Ấy thế mà thành thương hiệu khiến khắp xa gần cũng đua nhau thay biển đổi tên. Khởi giao hẳn quán cho Lợi và con Lan quản lí để tập trung vào học. Làm gì cũng phải có bằng cấp. Chọn hẳn chương trình học cấp tốc cho tiết kiệm thời gian.

Vậy là chỉ sáu tháng sau, giữa tường nhà Khởi, qua bậc hè bước vào cửa chính ngước nhìn lên, đập vào mắt là hai tấm bằng tốt nghiệp ép dẻo, lồng khung kính mạ vàng. Bằng Trung cấp Thú y từ xa và Đại học tại chức chuyên ngành Quản lí xã hội. “Tôi tính, đợt tới ông giúp tôi làm thêm cái thạc sĩ. Cả vùng chưa ai có…” – Khởi nói với Lợi thế. “Nhưng phải qua đận này, bấn bíu quá! Vắng tôi một ngày nhẽ loạn. Thời buổi phải nhanh, phải thoáng chứ cứ như các bố nhà mình nông dân cò con năm xu một xèng thì bao giờ mới thành người.”.

Khởi nói đúng.

Không có Lợi và Khởi, Quyết Tiến còn lâu mới tiến hóa thành người.

Ấy là nguyên văn câu của đạo diễn Báttô Trần khi về thực địa làng Chè để chuẩn bị cho dự án xây dựng phim trường cổ trang lớn nhất Đông Nam Á.

 

Nguồn Internet

***

Cách đây hơn năm, tại khách sạn Đồng Xanh trên thành phố, trong hội thảo “Cùng nhau bàn cách làm giàu”, Khởi đặc biệt chú ý đến một người, không trẻ lắm, mặc bộ comle body xanh cổ vịt, cổ khư khư khoác cái máy ảnh Nikon nòng đen sì lúc nào cũng giương lên như nòng đại bác, ngồi bàn khách VIP nhưng mắt cứ lộn rồng rồng, thỉnh thoảng vẫy tay, ngay lập tức, sau cánh gà, hai thỏi bột trắng lập tức xuất hiện, kính cẩn thưa anh cần gì. Đó là hai đại mĩ nhân, trên dưới đánh trần, khúc giữa lồng trong một ống vải màu, bó chịt vào người cho khỏi tụt.

Trong tiệc chiêu đãi, hắn xin phép ngồi cạnh Khởi và Lợi, giới thiệu tôi là Báttô Trần – đạo diễn – vừa bên Ý về. Rồi xuýt xoa tôi phục hai ngài sát đất. Tuổi trẻ tài cao. Chỉ mấy năm các ngài làm mà hôm nọ về Chè tôi tưởng đi nhầm. Các ngài đã nâng tầm vóc xã nhà lên sánh vai với các chòm xóm năm châu. Nhẽ ra Quyết Tiến phải đúc tượng hai ngài thờ làm Thành hoàng mới phải. Không có các ngài, nó cứ hố xí gio, cầu tõm thì còn lâu mới tiến hóa thành người.

Cũng trong bữa tiệc hôm ấy Lợi mới biết hai thỏi bột trắng không phải tự nhiên mà có. Kiều Anh và Kiều Trinh là hai nữ diễn viên điện ảnh đóng vai chính trong “Tình khúc Tần Vương” nói về mối tình giữa Tần Thủy Hoàng với một cô gái nước Việt. “Vơnidơ mùa này nước cạn, cảnh vừa bơi thuyền rồng vừa múa kiếm là cảnh đinh, không thể đóng bừa vậy nên tôi mới cho chúng nó tạm nghỉ, về qua nhà một tí. Không có phim trường cổ trang chuyên nghiệp khổ thế. Phải thuê tận bên ấy. Các ngài cứ lên mạng, gõ tên đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Phim này tôi hợp tác với ngài ấy đấy. Đây, tôi cho các ngài đường link xem đoạn trailer. Hoàng tráng lắm. Mà không phải chỉ có Việt Nam mình, bọn châu Á muốn làm cổ trang tầm vóc đều phải sang đấy cả. Thấy tiền chảy đi mà xót. Giá kể nước mình cũng có một cái như thế thì dân ta chỉ cần ngồi xé vé với bán nước cũng giàu ngang với thằng Qatar. Nói thật, tôi đang tìm đất đầu tư xây phim trường cổ trang lớn nhất Đông Nam Á. Cứ hút bọn trong nước với Lào, Camphuchia cũng đếm tiền mờ mắt. Cái khó là tôi tuổi Mùi thuộc âm, phải tìm người tuổi Hợi mới “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Lại còn phải là người có trí tuệ thâm sâu, tính toán như thần. Phải tìm đất hợp phong thủy có sông mới hanh thông, có bãi mới phát hậu. Đợt này về phải đi xem mấy nơi. Tối nay nhẽ tôi bay vào Huế”…

Tim Khởi đập uỳnh uỵch. Khởi vừa há mồm định nói, bắt gặp cái lừ mắt của Lợi liền ngậm ngay vào, nuốt nước bọt đánh ực. Không hiểu thằng này nghĩ gì, món hời như thế mà dửng dưng như chó thấy chè. Quyết Tiến mà chộp được dự án này thì chẳng mấy chốc lên thành phố. Nhưng Lợi đã im thì phải có lí do. Ngày xưa, khi Khởi rủ “ra xã với tao”, Lợi bảo làm cán bộ phải tướng mạo hiên ngang, phải biết nói cho cua bò ngang quay sang bò dọc như mày chứ tao thì chỉ làm hậu phương yểm trợ… Rồi từ ngày ấy, ẩn hình gửi bóng dưới gốc đa ngã ba làng Chè là một cao nhân, cả ngày đứng sau quầy băm băm thái thái những mỡ với dồi mà vẫn giữ được dáng người tao nhã như con nhái bén nằm trong lò sấy. Tất cả các mệnh lệnh phát ra từ vị quân sư này đều trực tiếp làm thay đổi cục diện làng Chè như Khổng Minh làm thay đổi cục diện nước Tàu, hình thành thế chân vạc mấy nghìn năm về trước.

***

Hôm nay cũng thế.

Từ lúc về, Khởi ngồi chầu hẫu, dán mắt vào máy tính chờ Lợi. “Dự án tầm cỡ quốc gia như này không thể vội vàng. Phải tìm hiểu, kiểm tra kĩ mới quyết định được. Thời buổi nhiễu nhương... Để tôi gõ Trương Nghệ Mưu. Đúng đạo diễn nổi tiếng. Để xem Báttô Trần? LêvănBáttô chủ tịch hội đá gà đang ở trên phâybúc. Thuốc lá Báttô… Sao không thấy nhỉ? À! Tên thật Trần Bát.  Đây rồi! Trẻ hơn ngoài đời nhỉ. Xem đoạn chailờ nào! Hoành tráng thật. Ông nhìn xem có phải con bé mặc váy đỏ bịt mặt đứng trên ngọn tre đánh kiếm kia là em Kiều Trinh không. Này! Dự án thật này. Để tôi đọc…

Im lặng…

Không nghe cả tiếng thở lẫn tiếng ruồi bay…

Cho đến khi: “Được đấy ông ạ. Cấp độ rủi ro bằng không”.

 

Khởi vồ lấy điện thoại. Năm hồi mười réo bên kia mới trả lời. Bảo đang làm thủ tục bay, ồn quá. Phim trường hả? Tôi đang vào Huế đây. Cái gì? Quyết Tiến kêu gọi đầu tư á? Điều kiện đáp ứng đủ hả? Thế để tôi về xem sao.

Đúng hai tiếng sau, vào lúc nhập nhoạng tối, một chiếc xe bảy chỗ xuất hiện ở ngã ba làng Chè. Cửa mở, đạo diễn kiêm chủ đầu tư Trần Bát bước ra kèm ba tùy viên hộ tống. Một áo dài âm dương bát quái đeo kính đít chai đen cầm theo cái la bàn và quyển sách tướp mép rặt chữ nho. Một sơ vin đóng thùng sơ mi trắng ôm khư khư đống giấy A0 đặc hình vẽ. Và cuối cùng là một hình nhân nhái bén, tóc xù tung như quạ đánh, xách theo cái laptop. Sau này mới biết đó là thầy phong thủy,  kiến trúc sư và chuyên gia vi tính. Dân làm ăn chuyên nghiệp, đi đâu cũng khác người thường.

***

… Mới lửng buổi mà nắng đã om như trong lò nung. Mồ hôi chảy tòng tòng dọc rãnh sống lưng xuống tận cái cạp quần đùi chun màu tím cà của Lợi. Con Lan đã thôi kéo tay nhưng lại chuyển sang túm chặt cả vạt áo may ô lẫn cạp quần. Lợi bảo mày bỏ ra, đứt chun bây giờ, tao có bay mất đâu, nó nhất định không nghe, càng lôi tợn, gió cứ thông thống lùa từ trên rốn xuống tận dưới đầu gối. Rồi ngoắt một cái, nó rẽ vào cái lối mòn, ngày xưa dẫn vào dãy chuồng trâu nhà Minh Thẩn: “Tránh Đình Văn Hóa trung tâm. Mọi người tập trung ở đấy. Họ chặn lại bây giờ là chết…”.

… Đoàn khảo sát thực địa về Chè tối hôm trước, hôm sau đã cùng đại biểu các tầng lớp nhân dân họp phiên toàn thể. Từ thủa cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ ở Chè lại có cuộc họp vừa nghiêm túc lại vừa hấp dẫn thế. Hôm ấy nhằm ngày hạ chí, bước qua khoảng sân bê tông nắng quật tối sầm cả mắt, mỗi đại biểu vừa thò đầu vào cửa Đình Văn Hóa đều được phát một tập dự thảo mang tên “Quyết Tiến cổ phim trường”  kèm phong bì 200.000, gọi là nhuận đọc.

 “Làm ăn với tổ chức chuyên nghiệp, ta tự khắc bỏ được thói nông dân lề mề – Khởi mở đầu bằng những lời gan ruột - Để có bản dự thảo này, chúng tôi đã thức trắng đêm qua. Tất cả những gì được nói sau đây đều là vì chúng ta. Vì những người nông dân làng Chè. Vì một Quyết Tiến đổi mới. Giờ tôi xin nhường lời cho chủ đầu tư đồng thời là nhà đạo diễn phim lừng danh thế giới - Ngài Báttô Trần!”.

Nhạc nổi lên, trầm hùng lời mới trên nền nhạc Huy Du cũ qua giọng hát Phong Ca – bí thư Đoàn kiêm thư kí riêng của Khởi: “Chè ta trên đường tới tương lai. Nghe gió nổi từ sông quê phơi phới. Nghe đất chuyển, toàn dân ta Quyết Tiến không lùi…”. Trên màn hình làng Chè hiện ra rõ như trưa tháng sáu lồng trong cảnh phim trường cổ trang 3D y như thật. “Trong quy hoạch, phim trường của chúng ta sẽ nằm ở những vị trí này. Xin cho tôi được dùng từ “chúng ta” vì từ bây giờ những gì chúng tôi làm là vì Quyết Tiến. Nó sẽ có một cơ sở hạ tầng mà tất cả các cái làng trên thế giới này nằm mơ cũng không thấy. Ngoài này, bãi sông sẽ thành bãi chiến trường. Lòng sông sẽ thành bãi cọc. Lau sậy sẽ quy hoạch mọc vào đúng vị trí. Các thuyền đánh cá sẽ nâng cấp thành thuyền chiến. Còn phía trong, chúng ta sẽ có từng khu với chức năng chuyên biệt. Đây là dãy chuồng trâu gần đống Mả Chằm nhưng vài tháng nữa sẽ thành bối cảnh làng quê thuần Việt với nhà gianh vách đất, cây rơm đụn rạ. Cạnh đó là kinh thành với phố xá ngựa xe, thành quách lâu đài… Về nhân lực tham gia xây dựng, chúng tôi ưu tiên người địa phương. Lương thỏa thuận. Chỉ một thời gian nữa thôi, các vị không ngồi trên ghế như này mà ngồi trên tiền. Kế hoạch cụ thể chúng tôi sẽ bàn với các ngài có thẩm quyền tham gia dự án.”.

Gọi là “các ngài” nhưng thực chất chỉ có Khởi và Lợi toàn quyền quyết định. Ngợi Chủ tịch chỉ còn vài tháng là về chế độ, bảo các chú cứ tùy mà quyết, tôi giờ giấy tờ viết lách thấy khó rồi, mở máy tính chỉ thấy mỗi chơi phây là dễ. Hay các chú cho tôi giữ chân quảng bá bằng hình ảnh. Tôi chụp điện thoại, tung lên, gắn bọn con Chi, thằng Khánh vào thế là ai cũng biết. Chúng nó lắm bạn bè, tuyền bọn trẻ. Có khi lại kéo về chụp hình thì càng nhanh nổi tiếng. Cái bãi đá sông Hồng đấy thôi, ngày xưa chả là cái bãi hoang là gì. Thế mờ giờ thu 50.000 một vé vào. Mờ có vài cái bông hoa. Làm gì mà rộn…

Lợi suýt nữa thì chồm dậy khi nghe đến cái bãi đá sông Hồng: “Tôi có ý này, giờ bàn rồi thống nhất để làm văn bản giấy tờ. Theo Ngài Báttô, chúng ta thành lập công ty “Quyết Tiến cổ phim trường”, Ngài là chủ đầu tư nhưng chỉ xin giữ chức Phó giám đốc phụ trách kinh tế…”. “Đúng thế! Giám đốc phải trực tiếp quản lí, điều hành. Tôi đi nước ngoài liên tục. Việt Nam mình vẫn còn lạc hậu, không thể điều hành qua mạng. Cứ phải người thật. Đây là trọng trách không phải ai cũng cáng nổi. Quản lí thay tôi còn ai hơn ngài chủ tịch đây. Nhất là khi sau ngài còn có một Khổng Minh tái thế…”.

Lợi trầm ngâm nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính. Mãi mới ngẩng đầu lên: “Nếu công ti chúng ta không chỉ cho thuê phim trường mà kinh doanh thêm dịch vụ du lịch thì sao? Sẵn cơ sở vật chất thì tổ chức luôn những tour tham quan trải nghiệm. Nhiều nơi hoạt động cái này hiệu quả lắm. Chỗ Yên Đức, Đông Triều đấy! Chỉ quanh quẩn mấy cái ao, cái vườn mà ra tiền. Huống hồ mình có cả một phim trường… Ý mọi người thế nào?”.

Trong khi Khởi và tứ trụ triều đình xã vẫn đang há hốc mồm kinh ngạc thì Trần Bát hồi tỉnh nhanh nhất, ngay lập tức quỳ sụp xuống nền gạch, vái lấy vái để: “Ngài là thánh sống chứ không còn là người. Thế là ngày ngày, ngoài vé vào tính theo đầu người, dân ta chỉ cần làm dịch vụ thôi cũng hái ra tiền, xiên ra bạc. Hướng dẫn viên, cho thuê đạo cụ, trang phục, ăn uống, làm Hômsờtay. Khách xa, ngày đi chơi, tối đến ở lại, ăn ngủ với chủ nhà… Tiềm năng kinh khủng lắm. Tôi cũng không lường hết được…”.

Khởi ngạc nhiên: “Sao có kiểu du lịch hôm mới sờ tay, tối đã ngủ với chủ nhà? Còn gì là thuần phong mĩ tục?”. “Không phải thế! Hômsờtay là tiếng Anh, là kiểu khách đến tham quan rồi nghỉ lại nhà mình. Rồi mình thu tiền. Nhưng muốn thế, phải đầu tư, phải biến phim trường cổ trang thành mê cung làng Việt để du mải khách chơi không biết đường về”.

Khởi gật gù: “Thì mình bổ sung thêm dự án: “Du lịch tìm về nguồn cội”.  Những gì làng Việt xưa có, giờ ta phục dựng lại hết. Sẽ đào ao thả cá sắm lưới vó te chài, làm chợ quê tuyền cột tre mái rạ, mua trâu bò về cho du khách chăn thả, cày bừa cấy hái, xay giã giần sàng, cuốc xới trồng trọt, nấu nướng bằng củi rơm rạ trấu …”. Thầy phong thủy giơ tay phát biểu: “Vậy nên có thêm dịch vụ trông cây, nuôi con hộ du khách. Nhân tiện có trâu bò chăn thả, mình cho thuê gầu hót mí lại túi ni lông để khách nhặt phân, rồi trồng cây. Mình bán con giống, gà vịt ngan ngỗng trâu bò mới nở, khách muốn nuôi con nào cứ chọn. Mình nuôi thuê, trồng thuê rồi hẹn ngày về thu hoạch. Đấy cũng là cách để khách quay trở lại”.

“Hay đấy! Nếu thế thì phục chế luôn cả hố xí gio và cầu tõm. Du khách vừa được tự tay khai thác phân bón hữu cơ, vừa được trải nghiệm một hình thức sinh hoạt dân dã, gần gũi với thiên nhiên đang có nguy cơ mai một. À mà làng mình có nghề cổ truyền nào không thưa ngài?”. “Nghề thợ xây. Làng tôi đàn ông con trai cứ học xong cấp hai là kéo nhau đi phụ vữa. Lâu ngày thành thợ xây hết lượt”. “Không. Ý tôi là nghề tổ tiên truyền lại, có giá trị văn hóa cơ!”. “Cái này có khi phải hỏi ông trưởng tộc nhà tôi. Mà sang tuần chúng tôi kị nhà Tổ. Mời ngài và các anh tham dự cho mọi người trong họ xa gần diện kiến”.

 

 

“Thế ta kết hợp luôn giỗ Tổ với lễ ra mắt Công ti phim trường và Hợp tác xã dDu lịch…”. “Sao lại chỉ là Hợp tác xã? Phải là Công ti chứ?”. “Cái này thì xin các ngài nghe tôi! Mình đang xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã du lịch là một tiêu chí ngoại hạng. Đề án này chắc chắn sẽ được ưu ái đặc biệt, làm gì cũng dễ, kể cả xin giấy phép thành lập hay vay vốn. Còn cái phim trường, chờ ông ủy ban tỉnh phê duyệt cứ phải ba tháng giở ra. Rồi các ngài xem! Vả lại, mình ở quê, gọi hợp tác xã, xã viên thấy nó bình dân, thấy cứ như ngôi nhà chung mà ai cũng là chủ, thế là trên dưới một lòng cùng nắm tay kéo nhau về phía trước…”.

***

Lễ ra mắt hôm ấy có cả nhân viên phục trang. Đúng sáu giờ không sai một khấc là có mặt ở sân Đình Văn Hóa. Rồi nhoáy một cái, ở nhà trưởng tộc, khi Ngợi Chủ tịch vừa tợp được hớp chè, mở phây cập nhật tình hình thời sự trong nước và quốc tế, đã thấy chình ình trên tường một đại mĩ nhân khoác triều phục Hoàng hậu, chễm chệ trên cái ghế có hai tay ngai chìa ra như ngai thờ, mặt mũi chân tay chỗ nào hở ra là trắng nõn như nhúng qua thuốc tẩy. Nhìn lòi mắt chả thấy nét nào quen liền bảo chú Khởi, xem con yêu tinh nào sáng sớm đã hiện hình. Khởi lướt lên lướt xuống một hồi rồi đập tay xuống đùi đánh bốp: “Úi giời ơi! Bác gái đấy thôi! Chụp ở phim trường nhà mình đây thây! Cập nhật trạng thái Đang cảm thấy thật phong cách đây thây!”. “Sao kinh thế! Không nhận ra nữa!”. “Thế mới gọi là cổ trang. Là trang điểm, ăn vận như người cổ đại. Mình có sống với người cổ đại đâu mà nhận ra. Nhỉ ông Lợi nhỉ?”.

Lợi chồm dậy ngó màn hình, chỉ đạo ngay: “Bây giờ bác phải vào thả tim, rồi konmeo khen đẹp, rồi sớt ở chế độ công khai cho mọi người cùng biết. Đây này, ảnh bọn kia cũng đang lên ầm ầm đây này! Ông Khởi gọi, bảo bọn con Chi thằng Khánh ngoài ấy đăng luôn vào các hội nhóm. Để chế độ công khai hết nhá! Bảo con Huyền nai chim luôn đi!”.

Giây phút xúc động nhất trong lễ ra mắt hôm ấy chính là bài phát biểu của Khởi Phó: “Kính thưa quan viên các họ! Thưa các vị đại biểu! Chúng ta đang tiến những bước dài sấm vang chớp giật. Bằng chứng là sân Đình Văn Hóa và khu đồng Mả Da bao nhiêu năm bỏ hoang cho chuột đẻ mà chỉ vài hôm đã sừng sững những thành quách lâu đài, cung son gác tía, sáng nay lên hình ngang ngửa với Tử Cấm Thành. Tầm này năm sau Quyết Tiến ta sẽ thành một cõi đi về của các công ti giải trí hàng đầu thế giới. Thay mặt toàn thể nhân dân xã nhà tôi xin cám ơn Ngài Bát tô!”.

“Ơn huệ gì! Đây chính là đầu tư đúng chỗ. Làng ta tên cổ là Hạ Bì, là quê hương của danh tướng Yết Kiêu. Phim trường xong, chúng tôi sẽ bấm máy khởi quay “Huyền thoại Hạ Bì” dài ít nhất 200 tập, đưa tên tuổi danh tướng cùng những người nông dân chân lấm tay bùn, đầu sương mặt gió lên màn ảnh. Toàn thể diễn viên sẽ là người địa phương. Và để chuẩn bị, ta xác định phải đầu tư. Phải theo học các khóa đào tạo diễn viên vì không chỉ đóng một phim này mà còn nhiều phim khác”.

“Đúng thế! Mấy hôm nay nhiều cuộc gọi, hẹn trao đổi, đặt lịch thuê phim trường… – Lợi gật đầu xác nhận – Cứ bảo cho chúng tôi xếp số trước. Rồi còn hỏi thuê diễn viên quần chúng, đặt trang phục...”.  “Ấy chết! Các ngài đừng tự ý nhận hẹn với ai. Phải có luật sư. Hẹn rồi đến lúc chuyên cơ người ta đến, chưa có phim trường hoặc các phim chồng chéo lên nhau là họ kiện ra tòa án quốc tế đấy! Họ nhà mình có con cháu nhà ai học luật không? Không thì chọn ngay vài đứa để tôi chuyển đi đào tạo cấp tốc. Diễn viên cũng thế. Mình đầu tư dàn gạo cội, sau này còn cho các hãng phim nước ngoài thuê. Như hai con bé này này...”.

Nghe nhắc đến tên mình, Kiều Trang và Kiều Trinh vội đứng dậy, khoanh tay, lễ phép kể chúng cháu cùng quê bác Báttô, ngày xưa bác ấy về quê, thấy cháu đi chăn trâu còn bạn này cắt cỏ, thương tình bảo cho đi học diễn viên. Bố mẹ chúng cháu bảo không có tiền, bác bảo tôi cho vài chục triệu để chúng nó đi học là chuyện bình thường, nhưng các anh chị nghĩ kĩ đi, tiền của nó bỏ ra nó mới xót, mới cố học nên nghề chứ dựa vào mình là hỏng. Các anh chị cứ đầu tư, cho nó vay, sau này lấy lương mà trả, thế mới nên người. Bố mẹ chúng cháu nghe theo. Mấy chục triệu tưởng là to nhưng chỉ bằng hai tháng lương của cháu thôi ạ. Bạn này thì trả được ngay từ khi chưa ra trường vì bạn ấy có hợp đồng quảng cáo với nước ngoài. Bọn cháu giờ catse vài trăm triệu một phim, chưa kể lương hàng tháng…

Tiếng xuýt xoa bốn phía nổi lên xua tan cái im lặng trọng thể nãy giờ. Con Khánh rụt rè bảo các chị đẹp thế mới làm diễn viên được chứ bọn em như này… Phu nhân Ngợi Chủ tịch cũng gật đầu: “Phải đấy! Con Vi nhà tôi giống bố, tướng đàn ông lộ cốt…”. Kiều Trinh cười: “Cô không biết đâu. Cháu với bạn này ngày xưa vừa đen vừa xấu. Làm diễn viên nó đẹp ra. Các cô chỉ cần lên vai phụ là khác ngay…”.

Lợi im lặng suốt từ đầu buổi, bây giờ mới lấy khuỷu tay huých Khởi, gật đầu. Khởi thong thả đứng lên: “Tôi xin có đôi lời tâm huyết muốn thưa. Sắp tới, Quyết Tiến sẽ không chỉ có phim trường lớn nhất Đông Nam Á mà còn có cả một Hợp tác xã Du lịch. Là cơ hội việc làm cho tất cả mọi người với hàng trăm ngành nghề. Nhưng chúng ta không thể làm ăn tự phát manh mún tiểu nông mà phải có kế hoạch để phát triển bền vững cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau. Nghĩa là phải đầu tư. Phải học. Không chỉ diễn viên chính mà cả diễn viên quần chúng, hướng dẫn viên, cán bộ quản lí, nhà bếp, bồi bàn, bảo vệ, lao công đến các hộ chuẩn bị làm Hômsờtay… đều  phải qua đào tạo chuyên môn và có chứng chỉ ngoại ngữ. Việc này sẽ do Ngài Báttô và ban cán sự đảm nhiệm. Tiền học tự túc. Học xong sẽ thành người của công ti nhưng chỉ khi lĩnh lương mới được cấp bù học phí, tránh trường hợp chúng tôi mất công đào tạo mà các vị lại bỏ đi làm nơi khác. Song song với chuẩn bị nhân lực là cấp tốc hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nó chính là những bánh răng trong guồng máy phim trường, khi khởi động cứ thế là quay, là cả tỉnh, cả nước sẽ choáng ngợp ngay chứ không mất thời gian thử nghiệm… Còn cơ sở hạ tầng là gì? Xin thưa, đó là mặt bằng xây dựng phim trường, là đường, là chợ, là nhà hàng, là các hộ kinh doanh du lịch, là nơi ăn nghỉ cho những đoàn làm phim… Tất cả đều được đồng bộ cổ trang. Ví thử như xây đường lát gạch nghiêng, trồng tre, đào ao nuôi bèo ong rau muống... Lúc trước chúng ta đã bóc hết những con đường lát gạch nghiêng để đổ bê tông, nhằm về đích trước nhất trong cuộc chạy đua xây dựng nông thôn mới thì bây giờ cũng sẵn sàng lật bê tông, phục chế một số đoạn, đào lại một số ao đã lấp để nuôi bèo… Đây không phải là cái vòng luẩn quẩn mà là một bước tiến vĩ đại của nông thôn Việt Nam thời hội nhập. Nhưng Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Du lịch chúng tôi xin nhấn mạnh lại: Dẫu phát triển đến đâu thì vẫn phải giữ nền tảng là truyền thống văn hóa. Làng ta thời cụ Yết Kiêu có nghề đan dậm kết lờ đánh cá, chúng ta sẽ tổ chức lớp học khôi phục làng nghề để sau này dạy cho du khách, sẽ mời một nghệ nhân của làng làm giảng viên. Phần trang trí các công trình xây dựng sẽ mời cụ Tưởng – chuyên gia ba đời đắp mặt hổ phù. Và đặc biệt, tất cả các con đường vào làng, lên huyện sẽ giao cho các cụ trong Hội phụ nữ trồng hoa mười giờ. Nói thật với các vị đại biểu, với các cụ các ông các bà, mấy đêm nay tôi cứ nằm mơ thấy mình đi lang thang trên con đường nở đầy hoa. Mà không phải mơ, tôi xin cam đoan với quý vị là đường hoa ngay dưới chân mình. Là con đường tương lai rực rỡ Quyết Tiến đang dấn bước. Cứ nghĩ đến là mừng rơi nước mắt…”.

Ngài Báttô quay đi hỉ mũi vào tay áo…

Đoàn tộc và các vị đại biểu cũng sụt sùi theo…

***

Tính từ chủ nhật toàn gia ngồi khóc ấy đến giờ mới có hơn năm…

Lợi thấy sống mũi cay xồng xộc, thẫn cả người, mặc con Lan dúi đầu đẩy qua lỗ hổng bụi tre sau dãy chuồng trâu rồi lại túm cạp quần lôi tiếp. Đến khi bị cái ba lô trên vai nó xệch xuống, đập vào vai mới hồi tỉnh, hỏi đến hai lần mày mang cái gì mà lắm thế kia nó vẫn im lặng, đầu cúi gằm, chân riu ríu bước. Chỗ này um xum bóng chuối tiêu nhưng cái rãnh nước thải liu riu chảy vẫn theo nắng thốc mùi lên lộng óc. Theo quy hoạch phim trường, đây sẽ là vườn thượng uyển nhưng mới dấp tạm được ít tre và hàng dâm bụt, phía sau tiêu bản lầu hóng gió vừa mới qua một mùa nồm mà ván ép đã bung từng mảng, lủng lẳng tấm biển sắp rụng ghi dòng chữ “Nghinh Hương Đình.”. Đến khi lọt vào trong đám cỏ cú lút đầu người con Lan mới buông Lợi ra.  Chưa kịp hỏi mày dẫn tao vào đây làm gì, thằng Khởi đâu thì thấy đám cỏ khô động đậy. Rồi từ chỗ ấy trồi lên một cái đầu người… Con Lan nhào đến ôm lấy cái đầu tu tu khóc nhìn Lợi: “Anh Lợi ơi! Cứu chồng em với!”. Cái đầu cũng khóc, nước mắt  nước mũi ròng ròng: “Bây giờ làm gì tiếp hả ông?”.

Lợi ngồi rũ dưới chân đám cỏ, đom đóm mắt bay như sao trong đêm mùa hè mây quang gió tạnh. Rồi từ cái nền đêm ấy, làng Chè chập chờn hiện ra với bãi sông khoét đào nham nhở như bãi chiến trường, với lòng sông giăng giăng dãy cọc xi măng quét sơn đen giả gỗ, dãy lều chợ lợp lá gồi, dãy tiêu bản thành quách lâu đài đứng vêu trong gió, và sân Đình Văn Hóa lù lù cái bạt khổng lồ phủ đống xiêm y, nón mũ, thanh la, chũm chọe, giáo mác, cung tên…

“Bây giờ làm gì tiếp hả ông?”.

Khởi lại hỏi…

Con Lan vẫn khóc. Lợi bảo mày im cho tao tĩnh trí. Thế việc kia sao rồi? Khởi bảo nó lừa mình thật. Mấy chục tỉ tiền nợ. Toàn tôi kí. Đây ông xem đi…

Con Lan vồ lấy bó giấy tờ, lại tu tu. Ối giời ơi… Diễn viên chính năm mươi triệu, phụ ba mươi, quần chúng năm. Kế toán, hướng dẫn viên, bảo vệ… Học tiếng Anh. Mấy chục cái sổ đỏ ngân hàng chuẩn bị tiền làm Hômsờtay. Thế chấp quỹ đất làm dự án… Mua đạo cụ, vũ khí mỗi loại năm nghìn bộ… Ối các anh ơi… Chết thật rồi…

“Thế bây giờ mày bẩu chúng tao phải làm sao?” – Lợi không khóc nhưng nước mắt nước mũi cứ tự nhiên mà chảy. Con Lan gạt nước mắt, đứng phắt dậy, lôi cái ba lô vẫn khoác trên vai tròng vào lưng Khởi: “Em vơ được cho anh mấy bộ quần áo. Anh trốn ngay! Mọi người đuổi đến nơi rồi! Từ đây ra cổng Diện Lợn sẵn xe. Có mấy đồng… Nhớ nhắn tin… Nhanh lên!”…

Tiếng ầm ầm phía sau…

Giáo mác đạo cụ đuổi theo mỗi lúc một gần…

Nắng vẫn hầm hập rót. Trời vẫn ngằn ngặt mây. Con đường hoa đúng độ bắt đầu bung rực rỡ. Bóng Khởi với cái ba lô trên lưng xa dần rồi lẫn vào hai vạt hoa tít tắp. Đuổi theo không kịp nữa. Chỉ còn nghe tiếng bước chân con Lan vừa chạy theo vừa khóc anh đi ăn sương nằm gió, khổ thân anh quá anh ơi!

Trước khi vật xuống rệ đường Lợi vẫn còn kịp nhìn thấy nắng vàng và gió. Thấy đường hoa ngay dưới chân mình…

Nguồn Danviet


Có thể bạn quan tâm