April 19, 2024, 4:34 am

Đường cao tốc Bắc Nam - Bài học từ Hàn Quốc

 

Trời nắng và nóng. Nhưng quanh vấn đề xây dựng đường cao tốc Bắc Nam còn nóng hơn. Gặp nhau là bàn, bình, phán đoán. Rồi lo lắng. Quan tâm. Thấp thỏm. Chẳng hẳn vô cớ dân chúng mang tâm trạng ấy. Có cái lý của nó. Hôm rồi gặp anh Tạ Quyết Thắng, Tổng  giám đốc Công ty  Sơn Trường , người đã từng đạt kỷ lục làm cầu và xây dựng một số công trình nhanh nhất Việt Nam, người thường có ý kiến về những việc đại đại loại như thế, tôi hỏi quan niệm của anh xung quanh việc làm đường cao tốc Bắc Nam. Anh nói rằng, việc đó các doanh nhân Việt Nam dư sức làm, thậm chí làm tốt, tiết kiệm. Tiết kiệm cả tiền của và thời gian... Con người này nói, tôi tin, bởi chính anh đã làm cây cầu kiên cố, dài 130 mét, rộng 32 mét, bốn làm xe chạy, vắt qua sông Tam Bạc (Hải Phòng) chỉ với... 55 ngày. Nhưng quan trọng hơn, số tiền gần một trăm tỷ làm cầu ấy, anh và Công ty tự bỏ ra tặng nhân dân Hải Phòng.

 

Cao tốc Bắc- Nam. Ảnh internet

 Vậy là giữa chúng tôi, đúng hơn là tôi, đã có buổi trao đổi rất thú vị với doanh nhân này.

 Để minh chứng cho quan điểm trên của mình, Tạ Quyết Thắng bảo rằng trước đây Hàn Quốc nghèo hơn ta bây giờ rất nhiều, nhưng họ vẫn làm được đường cao tốc, cớ gì Việt Nam thua họ?

 Rồi anh nói, những năm 60 thế kỷ trước đất nước xứ kim chi vô cùng khó khăn, thiếu thốn, đói, vật giá leo thang hàng ngày, tựa như Việt Nam thời 1980-1985. Ấy mà bằng vào sự táo bạo, tài giỏi, quyết đoán của Tổng thống Park Chung Hee và lòng tự trọng của người Hàn Quốc, sau vài thập niên, nước này đã “hóa rồng”, trở thành nên kinh tế thứ tám thế giới...

- Anh đang nói về kinh nghiệm làm đường cao tốc của họ?

- Năm 1964, Tổng thống Park Chung Hee đi thăm Tây Đức. Khi trở về, sự phồn vinh của nước bạn ám ảnh ông. Để phát triển kinh tế, ông có ý định làm con đường cao tốc, nối cảng Busan với thủ đô Seoul. Nhưng vào thời điểm vô cùng khó khăn đó, ông bị phản đối từ nhiều phía, đặc biệt là phe đối lập và ngân hàng thế giới. Họ cho rằng vào lúc dân ăn chưa no, mặc chưa đủ ấm mà làm đường cao tốc là điên rồ, không khả thi, viển vông. Những người phản đối có cái lý của họ. Làm đường cao tốc khi kinh tế vô cùng thiếu thốn, lấy tiền ở đâu? Tiền đâu và cần bao nhiêu tiền mới có thể làm đường cao tốc cũng chính là trăn trở lớn nhất của vị Tổng thống. Song Park Chung Hee không nản lòng. Ông cho mời ba đối tượng gồm Các bộ xây dựng, tài chính, vụ Kế hoạch, giao thông (gọi tắt là bộ giao thông), Thành phố Seoul, là trung tâm kinh tế tập trung nhiều các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc; và ông Chung Ju Yung, giám đốc công ty Huyndai (sau này là Chủ tịch tập đoàn Huyndai) để cùng giải bài toán này. Sau một thời gian nghiên cứu, tính toán, ba đối tượng trên trình lên Tổng thống ba phương án với ba loại kinh phí làm đường cao tốc khác nhau. Bộ Giao thông cần số tiền là là 65 tỷ won, Chính quyền Seoul nêu con số 18 tỷ won, còn ông Chung Ju Yung cần số tiền là là 38 tỷ won. Tổng thống suy nghĩ, rồi mời ông Chung Ju Yung đến làm việc. Ông hỏi giám đốc Công ty Huydai: “Nếu tôi giao công trình xây dựng đường cao tốc Busan-Seoul cho ông làm tổng thầu, cộng thêm 10% trượt giá, tổng vốn là 43 tỷ won, ông có dám nhận không?”

Là một doanh nhân, ông Giám đốc Công ty Huyndai hiểu hơn ai hết vào thời điểm mà tốc độ lạm phát tăng chóng mặt, đồng tiền mất giá từng ngày, làm đường cao tốc là chịu rất nhiều rủi ro, nhiều sức ép, nhưng với tinh thần yêu nước đã đành, còn rất tự tin, tin vào mình, tin vào các cộng sự và tin vào năng lực của người Hàn Quốc, Chung Ju Yung nhận lời.

 Sau đó Giám đốc Chung Ju Yung quyết định: Công ty Huyndai đảm nhận vai trò chính, làm đoạn đường 133 km, trong đó có 5 km đường hầm địa hình phức tạp nhất, còn lại 295 km, chia thành nhiều gói thầu nhỏ, giao cho 16 công ty khác. Trước khi bỏ thầu, ông nói với họ: “Đây là một việc rất khó khăn, làm đường không dễ dàng, vật giá leo thang hàng ngày, nếu công ty nào có năng lực tốt thì có thể có lãi còn nếu làm chậm tiến độ, sẽ bị thua lỗ”.

Ngày 1 tháng 2 năm 1968, đường cao tốc từ cảng Busan nối với thủ đô Seoul chính thức khởi công. Các nhà thầu huy động tới hơn 8 triệu lao động để làm 3 ca, làm suốt cả ngày lẫn đêm. Máy móc huy động vào việc làm đường ước tính khoảng 8 triệu USD, còn phần lớn là làm thủ công. Với quyết tâm và nghị lực của người Hàn Quốc, ngay trong năm 1968, hai tuyến đường được khai thông. Năm 1969, ba tuyến đường được khai thông. Và ngày 27 tháng 6 năm 1970 toàn tuyến cao tốc Busan nối với Seoul được khai thông. Và cũng ngày hôm đó, lễ khánh thành con đường cao tốc đầu tiên của Hàn quốc do người Hàn Quốc tự làm được tổ chức. Phát biểu hôm ấy, Tổng thống Park xúc động nói: “Bằng tài nguyên, kỹ thuật và sức người của Hàn Quốc, chúng ta đã xây dựng thành công con đường cao tốc với thời gian ngắn nhất trong lịch sử xây dựng đường cao tốc của thế giới”.

Người Hàn Quốc làm đường cao tốc Busan-Seoul không chỉ nhanh nhất thế giới (428 km làm trong 36 tháng), mà còn rẻ nhất thế giới, rẻ đến kinh ngạc, chỉ 330 ngàn USD một km, thấp hơn Nhật Bản 8 lần vào thời điểm đó. - Hãy làm một so sánh nhỏ - Anh Tạ quyết Thắng nói tiếp: Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng dài chỉ 105 km, chúng ta phải làm 82 tháng với giá 2 tỷ USD, nếu quy chiếu về cùng làn đường thì cao tốc Hải Phòng-Hà Nội có suất đầu tư cao hơn 6 lần so với đường cao tốc Seoul-Busan của Hàn Quốc…

Anh Thắng nói thêm: Năm 1968, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc là 200 USD mỗi năm và dân số gần 40 triệu. Còn chúng ta hiện nay, dân số là 97 triệu, cao hơn họ 2,4 lần và thu nhập bình quân là 2.587 USD mỗi năm, cao hơn người Hàn Quốc lúc họ làm đường cao tốc gần 13 lần.

- Vậy hà cớ gì chúng ta không huy động nội lực, tự làm?

Vị doanh nhân này cười, như thể mỉa mai sự kém hiểu biết và ngây thơ của người đang hầu chuyện mình. Anh nói: Phải biết tin vào nhân dân, tin vào các doanh nhân, và cần để nhân dân và doanh nhân tin vào lãnh đạo mới phát huy được nội lực.

Anh lại nói thêm quanh chủ đề này, rằng, ở Hàn quốc có đập đa năng trên sông Soyang vô cùng quan trọng về an ninh của thủ đô Seoul và và vô cùng quan trọng về kinh tế trong khu vực. Để xây dựng công trình này, ban đầu Hàn Quốc giao cho Công ty Kyoel của Nhật Bản thực hiện, từ thiết kế đến kỹ thuật và dịch vụ vật tư, bởi vậy phải sử dụng vốn ODA của họ. Là người tâm huyết với Tổ quốc, Giám đốc Công ty Huyndai, ông Chung Ju Yung không muốn một khoản ngoại tệ lớn của đất nước chảy ra nước ngoài. Ông trăn trở suy tính và cuối cùng đề nghị một giải pháp, dùng toàn bộ vật tư có sẵn trong nước, đó là cát và sỏi thay cho kè bê tông cốt thép do Nhật thiết kế, nguyên liệu Nhật. Nếu làm được vậy giá thành sẽ giảm, nhưng điều quan trọng hơn là giữ cho ngoại tệ không bị tuồn ra ngoài khi đất nước còn rất nghèo. Giải pháp này bị người Nhật phản đối, ngay cả các cơ quan chuyên môn trong nước cũng không đồng tình. Họ cho rằng ông Chung Ju Yung chỉ học hết cấp I, còn các chuyên gia Nhật Bản và các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc đều là những người đã từng tốt nghiệp các đại học danh tiếng... Bộ xây dựng thì cho rằng, nếu thực hiện theo lời giám đốc Chung Ju Yung của công ty Huyndai thì chỉ một trận mưa nhỏ, ở con nước trung bình thì con đập sẽ bị vỡ, tổn thất là vô cùng lớn...

Nhưng vị doanh nhân này không nản. Ông tin vào mình, tin vào những gì ông tự nghiên cứu. Bởi vậy ông đã làm tờ trình lên Tổng thống Park. Ông đã gặp may. Tổng thống Hàn quốc lúc đó là người rất biết lắng nghe, cũng là con người rất tâm huyết với lợi ích đất nươc, và rất có ý thức tiết kiệm từng đồng ngoại tệ cho đất nước. Giải pháp của ông giám đốc Huyndai được Tổng thống Park hoan nghênh và rất để tâm. Ông giao cho các bộ phận chuyên môn nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học và có những giải pháp hữu hiệu... Và cuối cùng, vị Tổng thống này đồng ý xây dựng công trình đập trên sông Soyang theo phương án của Giám đốc Công ty Huyndai... Quyết định sáng suốt có cân nhắc cẩn trọng của Tổng thống Park trong việc làm đường cao tốc và xây dựng con đập đa năng trên sông Soyang, đã giúp cho Hàn quốc không những phát huy nội lực, mà tiết kiệm đước rất nhiều ngoại tệ.

- Có phải bởi những việc đại loại như vậy của Tổng thống Park và các doanh nhân đã đưa Hàn Quốc trở thành con rồng chấu Á?

- Đúng như tính toán của Tổng thống Park, sau khi đường cao tốc Seoul-Busan được khai thông, nền kinh tế của Hàn Quốc tăng trưởng vượt bậc, cộng với việc biết sử dụng nguồn lực trong nước, biết tận dụng, tiết kiệm từng đồng ngoại tệ, nên Hàn  Quốc phát triển rất nhanh.

- Ta quay trở lại đường cao tốc Bắc Nam, theo ý kiến cá nhân anh, trên cương vị là một doanh nhân, ta nên triển khai như thế nào?

- Ý kiến chủ quan của cá nhân nhé. Đây là con đường huyết mạch của đất nước, không chỉ có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển, mà rất quan trọng về mặt quốc phòng, nên cần, một là, phải nói không với những nhà thầu không đủ tin cậy. Chúng ta đã có quá nhiều bài học nhãn tiền rồi, tuyệt đối không dùng vốn ODA vì ODA là con dao 2 lưỡi, mà phát huy nguồn lực trong nước; hai là không chấp nhận bất cứ lý do nào để làm tăng kinh phí đầu tư, trừ trường hợp thay đổi thiết kế; và điều thứ ba, nói ra sẽ làm mếch lòng nhiều người, nhưng đúng thế, phải thay đổi cách làm, dứt khoát không lập Ban quan lý dự án thuộc Bộ giao thông vận tải như lâu nay vẫn làm…

 Một lát, doanh nhân Tạ Quyết Thắng nhỏ giọng, không hẳn là lời tâm sự, đúng hơn là sự trăn trở:

- Đường mòn Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn thời đánh Mỹ khó khăn bội phần, dân tộc ta, với sự đồng lòng của toàn dân, còn làm được, tại sao đường cao tốc Bắc Nam, thuận lợi hơn thời chiến tranh, chúng ta lại không làm được!

 Tôi lơ đãng ngóng ra xa, gật gù!

Nguồn Văn nghệ số 28/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm