April 25, 2024, 6:56 pm

Dưới cát là nước

 

Ngày mạ tôi đã ngoài tám mươi tuổi, để thử trí nhớ của Người, tôi đã hỏi: - Mạ có nhớ con sinh ngày tháng năm nào? Mạ tôi không trả lời thẳng vào câu hỏi mà kể: Đêm đó, ba tôi từ chiến khu về, sống với mạ một đêm để sáng mai lại tiếp tục công việc bí mật của tổ chức Đảng. Đêm đó mạ mang thai tôi. Khi sinh tôi ra được vài giờ mạ tôi phải gói tôi trong cái áo cũ ôm trong vòng tay chạy Tây càn. Tôi cười to: - Mạ ơi, mạ nhớ sai rồi. Con tuổi Kỷ Hợi, sinh năm 1959 khi đó nước ta đã hòa bình làm chi có Tây. Mạ tôi nhả bã trầu đáp chậm: - Ai sinh ra tại Quảng Bình, sống và trưởng thành được ở đất này đã ghê rồi, đáng nể rồi, cần chi biết năm tháng. Như cát quê mình, cần chi biết năm tháng, cần chi biết cát có từ khi mô, rứa mà hàng bao đời, cát vẫn rứa, vẫn trắng rứa, vẫn nóng rứa, ai làm được chi.

 Đúng là không ai làm được chi cát, cũng như không có kẻ thù nào, phong ba bão táp nào làm chi được người Quảng Bình của tôi. Những người dân Quảng Bình ngàn đời nay cứ vậy, như cát. Tôi cũng may mắn được là một hạt cát ấy, vui và buồn, sung sướng và khổ đau, may mắn và rủi ro, ngọt ngào và đắng cay, năm mươi tuổi đầu không quá trẻ nhưng cũng chưa phải tuổi già nhưng đã nhận đủ, đời vuốt ve hôn hít cũng nhiều mà bạt tai cũng không ít, rứa đó, nhưng cũng làm chi được tôi đâu, vẫn sống, vẫn viết, vẫn cười, nhung nhăng như cát.

Lâu lâu lại dội lên trong tôi câu hỏi nghe cũ mà vẫn như quá mới, vẫn như xa lạ, vẫn cấp thiết cần câu trả lời: Vì răng Quảng Bình nghèo khó là vậy, nắng rát mặt là vậy, chang chang cồn cát là vậy mà người Quảng Bình vẫn cứ sống, sống thật ngang, sống thẳng, lại làm nên bao nhiêu chiến công, lại sinh ra không ít người tài, mà vẫn tao nhã, sang trọng, vẫn yêu, vẫn đàng hoàng có những anh hùng, vẫn mát rượi một dòng dân ca, một dòng đời. Tôi sinh ra bé nhỏ trong cát, vui đùa với cát, ngột ngạt trong cát. Khi còn chiến tranh, lũ nhóc tụi tôi tự đào hố trong cát lăn xuống để tránh bom bi. Đêm hè, tự vùi mình dưới cát sâu để ngủ cho đỡ nóng. Ba bốn thằng chôn mình ngay giữa lối cát người đi chợ sớm, chỉ để lòi cái đầu trọc trên cát để dọa mấy ả hàng rong. Lại còn cài bẫy bắt con nhông trên cát. Lại còn đi tìm nấm vào sáng sớm mỗi đêm có mưa rào, những cây nấm cát rất lớn, trắng muốt, đội sương, mọc ngơ ngác giữa những sa mạc cát. Mùa đông, thu lu nhóm trẻ chúng tôi dùng ổ kiến càng đốt lên, rang ngô với cát, vừa nhai vừa xuýt xoa vì nóng, vì khói. Lại hăng hái chạy theo các anh dân quân dọc những hào giao thông trên cát để bắt quả tang những đôi nam nữ đang hôn nhau như đi bắt biệt kích. Đến tuổi trưởng thành, điệp trùng đồi cát đêm trăng là nơi hò hẹn, là nơi để con trai chúng tôi dắt tay bạn gái chạy bời bời qua những mõm cát, thật xa làng, hôn trộm. Bọn con gái thường tỉ mẩn nhặt những hạt cát dính bết trong kẽ tóc lũ bạn trai. Còn lũ con trai khi đã quá yêu mà không nói nên lời thì viết tên bạn gái mình to đùng đoàng suốt cả một vách đồi cát. Đến tuổi đi bộ đội, mạ tiễn chân chúng tôi băng qua đồi cát, chồng lên dấu chân chúng tôi, chồng lên nỗi nhớ, nước mắt mạ khô rang suốt chặng đường. Để rồi mấy chục năm sau nước mắt chúng tôi lại khô rang trong cát, khô rang bên mộ mạ, thấm sâu như làm tươi non thêm những hàng cây xương rồng nơi mạ nằm.

*
Gần nhà tôi có nhà mệ Choàng. Khi còn khỏe mạnh, giữa bom rơi đạn nổ, mệ là người đàn bà can đảm và nhiệt thành nhất của làng Quảng Thuận trong việc lấp hố bom, làm hầm, đón đưa không biết bao nhiêu lượt bộ đội ở những trận địa pháo cao xạ bảo vệ phà Gianh. Mệ chạy như bay trên những mõm cát, chiếc nón trắng trên đầu, đôi chân mệ lướt qua bao hố bom để kịp tiếp tế đạn, thức ăn đồ uống cho bộ đội. Mệ có một câu nói nổi tiếng, rất nổi tiếng mà người Quảng Bình, sau đó là cả nước ai cũng nhớ "Xe chưa qua nhà không tiếc". Tôi gặp lại mệ khi mệ ngoài tám mươi tuổi, mệ vẫn nhớ cái ngày đó, khi mà đường xuống phà Gianh tan nát trong bom, mệ đã tình nguyện tháo ngay căn nhà của mình lát đường cho xe bộ đội qua. Để rồi khi giải phóng xong đoàn xe, mẹ hồ hởi tuyên bố: Xe chưa qua nhà không tiếc. Mệ đã thành tác giả của một câu nói rất Quảng Bình...          

Vẫn dưới chân động cát làng tôi còn có ông Sỏi. Ông này rất lạ. Khi xảy ra chiến tranh, ông rời động cát ra một hòn cù lao nhỏ giữa sông Gianh. Ông tự làm nhà, đào ao thả cá, nuôi tôm. Rồi một đêm, trong khi ông đang lần mò tay lưới bắt cá thì nhìn thấy một bóng đen đang lóp ngóp  bơi trên sông. Ông tóm cổ hắn xách vào bờ. Hóa ra đó là tên biệt kích. Ông được tặng huân chương. Hôm nay ra thăm ông, trong nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài những vò rượu to đùng, to cao như cả thân người, trong đó ngâm đủ loại xương cốt để mời khách. Bây giờ cũng không mấy ai còn biết ông là người bắt sống một tên biệt kích nguy hiểm. Trong các lần hội họp, lễ lạt, ông chẳng bao giờ được mời. Hầu hết người đời quên ông là ai. Ông chỉ là người giỏi nuôi tôm cá và một cây rượu vĩ đại của làng cát chúng tôi. Những mẫu người có hành động anh hùng nhưng lại đang lẫn khuất trong nhân gian như không để ai biết hoặc người đời không mấy biết như mệ Choàng, ông Sỏi ở Quảng Bình là rất nhiều, nhiều như cát.

Rượu Ba Đồn nổi tiếng đã hàng trăm năm nay. Ba Đồn chỉ là địa danh thị trấn quê tôi. Còn cái mảnh làng tạo ra được thứ rượu nổi tiếng ấy là làng Quảng Long kề sát thị trấn. Con gái Quảng Long uống rượu giỏi mà nấu rượu cũng tài. Nghề nấu rượu còn là thứ nghề cứu đói. Con trai làng khác thèm rượu, lấy gái Quảng Long về để có rượu ngon uống nhưng bất thành. Con gái Quảng Long theo chồng đi làm dâu, không còn nước trong cát, không còn men của cát thì cất nồi rượu nào cũng dở. Làng rượu Quảng Long đặc biệt vậy nên mới sinh ra người làng Quảng Long tính cách cũng đặc biệt: Con trai thì mạnh mẽ, nóng nảy, nói to làm lớn, lúc nào cũng hừng hực máu nóng nhưng lại thật thà, chí tình, con gái thì đôi mắt lúc nào cũng lúng liếng, đung đưa, dễ cảm, dễ yêu, dễ say.

 Hóa ra dưới những điệp trùng cát trắng bỏng rát kia còn có những mạch nước nhỏ, mát rượi, trong leo lẻo, âm thầm chảy làm dịu nắng, dịu khát, mát rượi nắng hè. Hóa ra, cát trắng Quảng Bình chịu bao nhọc nhằn, khát cháy để cố giữ cho từng mảnh làng, từng con người ở đây những giọt nước mát lành, ngọt như ánh mắt con gái. Hóa ra, dưới cát lại còn có nước, dưới cái khắc nghiệt có cả sự dịu ngọt, dưới sự cháy bỏng còn có sự mềm mại, thơ mộng. Như Quảng Bình vậy, ẩn sau bao sự khó khăn nghiệt ngã, bao gian nan vất vả, bao gian truân cay cực lại đang có những con người của cát, can đảm, anh hùng, chịu thương chịu khó, mỗi người như hạt cát, trăm ngàn hạt cát làm nên một chính danh cho quê hương.

 Có một câu hát khi cất lên làm ai cũng nao lòng: Sông vẫn chảy trong ta / Núi cứ lớn trong ta /Đi xa càng muốn về / Khổ đau càng muốn về... Câu hát ấy như nói thay được tấm lòng và tình cảm của những người nghệ sĩ đối với quê hương của mình, khi mà hình ảnh thân thương của đất Mẹ lúc nào và bao giờ cũng dâng ngập trong tâm hồn người cầm bút, mãi mãi là cảm hứng sáng tạo của người cầm bút không bao giờ vơi cạn.

Dải đất miền cát trắng Quảng Bình rất hẹp về địa lý nhưng có một bề dày lịch sử và văn hoá vô cùng phong phú, vùng đất quê hương đã hội tụ vượng khí đất trời, hồn thiêng sông núi và chan chứa tình người. May mắn và vinh dự cho mảnh đất cát trắng Quảng Bình đã có tới 10 hội viên Hội nhà văn Việt Nam - 10 cây bút nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà với cả nước. 10 nhà văn, nhà thơ quê hương đã và đang từng ngày, từng tháng cho ra đời nhiều tác phẩm với nhiều thể loại, tạc dựng nên một Quảng Bình tác phẩm sừng sững và ấn tượng qua tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, kịch bản sân khấu và điện ảnh. Dấu chân nhà văn đặt sâu trên miền cát trắng quê hương mỗi ngày để tìm kiếm vốn sống, cảm xúc, mỗi con chữ của nhà văn nhọc nhằn viết ra nhỏ bé và khiêm nhường như những hạt cát, nhưng ngàn vạn con chữ sẽ vun cao thành những động cát, những động cát ấy là tác phẩm, là hình hài quê nhà, là gan ruột của nhà văn đối với quê nhà. Mỗi tác phẩm mà nhà văn sáng tạo nên đều chất chứa dáng vóc, lình hồn của quê hương, mỗi tác phẩm của nhà văn là toàn bộ gan ruột, tình yêu, cảm xúc của nhà văn đối với nhân tình thế thái. Khi đã mang nghiệp chữ vào mình, các nhà văn sẽ phải đi suốt đời với nó, thuỷ chung với nó và sẵn sàng vắt kiệt sức lực mình để tạo nên những tác phẩm ấn tượng và khó quên với bạn đọc cả nước, như hình ảnh những động cát trắng quê hương.....

 (Nguồn: Báo Văn nghệ)


Có thể bạn quan tâm