April 17, 2024, 12:26 am

Được và mất

 

Từ đầu tháng 7, dư luận cả nước đang xôn xao trước việc UBND huyện Nam Trà My ký tờ trình gửi lên UBND tỉnh Quang Nam đề xuất xin bổ sung 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn huyện với công suất trên 70 MW. Điều đáng nói là để xây dựng 4 thủy điện này sẽ phải đánh đổi 60 ha đất lâm nghiệp gồm đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất, một phần đất nông nghiệp. Theo lãnh đạo huyện việc lấy đất không ảnh hưởng đến đất lúa, đất canh tác của người dân. Và vì vậy, “Việc xây dựng 4 dự án là cần thiết và ít ảnh hưởng đến môi trường, đất rừng do đó cần được xem xét”…

Như vậy, với đề xuất của huyện thì việc xây mới 4 thủy điện lợi nhiều hơn hại. Lợi ở chỗ người dân trong huyện sẽ có điện phục vụ sinh hoạt theo nhu cầu. Còn hại ở chỗ sẽ phải hy sinh 60 ha đất rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Khoan bàn đến bài toán kinh tế mà chỉ cần nhìn vào mật độ thủy điện hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung huyện, Nam Trà My nói riêng, không khỏi khiến người ta giật mình, thậm chí kinh hãi bởi hầu hết trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nơi đâu cũng có thủy điện. Sở Công Thương Quảng Nam cho hay, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn gồm 32 dự án, tổng công suất trên 450 MW; điện lượng bình quân mỗi năm 1.755 triệu kWh. Hiện 11 công trình đã phát điện với công suất thiết kế 140 MW; 4 công trình đang đầu tư xây dựng với công suất thiết kế trên 147 MW và 14 dự án triển khai trong năm 2017 với công suất khoảng 141 MW. Chưa kể trên địa bàn huyện Nam Trà My đã có thủy điện sông Tranh 2 đã và đang đe dọa cuộc sống của các hộ dân cạnh thủy điện khi liên tiếp xảy ra các trận động đất cường độ cao nhất 3,9 độ richter.

Hiện chưa có báo cáo chính thức các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh cũng cấp điện năng cho toàn tính là bao nhiêu, hòa vào lưới điện quốc gia thế nào, nhưng chỉ nhìn vào 4 thủy điện có công suất chưa đến 80 MW đã phải đánh đổi 60 ha đất rừng các loại thì 32 thủy điện nói trên cộng với thủy điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam mất đi bao nhiêu ha rừng? Theo tính toán của ngành lâm nghiệp, để có một cánh rừng phòng hộ người ta phải trồng vài chục năm thậm chí cả trăm năm, hay đối với rừng sản xuất cũng vậy, số thời gian cần thiết để cây gỗ phát triển cho khai thác cũng không hề nhỏ. Rừng mất đi kéo theo khả năng chống lũ, chống xói mòn cho đất tăng lên và khả năng ngập úng, rửa trôi đất… là cái kết đau đớn có thể nhìn thấy.

Hẳn chúng ta đều không thể quên những lời hứa của nhà đầu tư trước khi làm thủy điện. Tất cả đều cam kết sẽ trồng lại rừng, nhưng khi thủy điện đã vận hành thì hấu hết các nhà đầu tư đã quên lời hứa.

Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ đã ra nghị quyết không xây mới các dự án thủy điện có công suất dưới 30 MW. Nhưng xem ra, nghị quyết này vẫn chưa đến được với nhiều địa phương trong cả nước, nên mới có chuyện cứ thiếu điện là phải xây ngay thủy điện, thiếu than là phải khai thác triệt để bất chấp quy hoạch, bất chấp nghiên cứu tác động môi trường. Tư duy “ăn xối” giống như một con đỉa đeo bám nền kinh tế, khiến nó trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ. Và thực tế đã chứng minh, nếu chính quyền không đủ sáng suốt, và một tầm nhìn sâu rộng thì hẳn phần thua thiệt sẽ là người dân, và rộng hơn là quốc gia, sẽ phải gánh chịu.

 


Có thể bạn quan tâm