April 23, 2024, 8:25 pm

Đúng nhưng chưa trúng

Kể cũng đã lâu lắm rồi, hễ cứ vào dịp cuối năm, đi cùng với các bản tự kiểm điểm cá nhân của cán bộ, đảng viên là kèm theo việc “kê khai tài sản và thu nhập cá nhân”. Việc làm theo kiểu “nhất niên nhất lệ” ấy xem chừng không mấy kết quả.

Những người thuộc diện kê khai thì chỉ làm hoặc chiếu lệ, hoặc đối phó. Còn dân chúng thì chẳng ai biết họ kê khai những gì và cũng chẳng ai tin cái việc kê khai ấy, bởi qua bao nhiêu năm với bao nhiêu lần kê khai nhưng hình như chưa ai bị phát hiện là kê khai không trung thực. Nói cho công bằng thì cũng đã có người bị phát hiện, nhưng đó là phát hiện sau khi người ấy bị kỷ luật, bị khởi tố điều tra…

Thế là gần đây, một vài địa phương, một vài ban ngành đã nghĩ ra cách “bốc thăm xác minh tài sản”. Xem ra cách làm này có vẻ “đúng”, nhưng mà chưa “trúng”, bởi tuy làm kiểu tưởng chừng “vô tư” và “ngẫu nhiên” ấy nhưng vẫn chẳng “tìm” ra được một ai kê khai không trung thực.

Thực ra chuyện “bốc thăm xác minh tài sản” không phải là “bột phát” của một ai đó, cũng không phải lý do vì “tự kê khai tài sản” đã không đem lại hiệu quả. Công cuộc chống tham nhũng đã đòi hỏi nhiều cách làm với mục tiêu: Sát thực tế, Minh bạch và Công khai, để không chỉ lôi ra ánh sáng những cán bộ đảng viên sai phạm, mà sâu xa là biện pháp ngăn ngừa và răn đe. Qua tìm hiểu, được biết chủ trương “bốc thăm xác minh tài sản” xuất phát từ ý kiến của Thanh tra Chính phủ. Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” có nhiều nội dung rất cụ thể, chỉ ra ngành nào, nơi nào cần tăng cường kê khai và có những giải pháp phù hợp. Căn cứ vào đó cho thấy suy nghĩ về xác minh tài sản cá nhân thông qua việc bốc thăm là thể hiện sự “ngẫu nhiên” trong thanh tra, kiểm tra, không để lọt những cá nhân có dấu hiệu tham ô tham nhũng. Việc chỉ ra ngành nào, nơi nào cần tăng cường kê khai là đã có lựa chọn sát tình hình thực tế bởi những ngành đó, những nơi đó rất “nhạy cảm” nên rất dễ nẩy sinh tham ô tham nhũng.

Cụ thể, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP trên đây quy định việc phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của tỉnh, thành phố. Người cần xác minh được lựa chọn ngẫu nhiên và công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Như vậy, với 20% lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản xem ra rất vô tư, công bằng, minh bạch và không nhằm vào bất cứ một ai đó. Tránh được dị nghị, tránh được dư luận đồn đoán chuyện này chuyện nọ và cũng an toàn cho người đến xác minh. Điều đó cho thấy việc “bốc thăm xác minh tài sản” là chủ trương đúng nhưng vẫn còn chưa trúng bởi cách làm đó vẫn dựa vào yếu tố may rủi, yếu tố mà nói theo cách nói của người dân là “hên xui”. Trong những “lá thăm” may rủi đó sẽ xẩy ra hai tình trạng: Lá thăm được bốc trúng người cần xác minh và lá thăm rơi vào người “chẳng có gì để xác minh” cả. Người bị trúng thì lo lắng và sẽ tìm cách để qua xác minh mình sẽ “trong sạch”. Người bị bốc chưa đúng thì “ức chế”, đôi khi có những lời nói và hành động tiêu cực, chán nản, tổn thương… Thực tế thì đa phần cán bộ đảng viên đều “làm gì mà có gì”, vì mức lương công chức viên chức ăn hàng tháng còn chưa đủ thì lấy đâu ra “của ăn của để”. Nhưng với những cán bộ đảng viên “có điều kiện” (thường là có chức, có quyền) thì họ cũng tính toán chán. Họ đâu dễ dàng khi đang đương chức mà lại đi sắm xe sang hay mua biệt thự. Tôi biết có nhiều “ông to” khi đương chức thì vẫn cứ ở trong ngôi nhà bình thường, cũ kỹ do bố mẹ để lại, chỉ khi về hưu thì thiên hạ mới sững người khi thấy họ đang hoàng sống đủ đầy trong những ngôi biệt thự sang trọng hoặc ở trong những căn hộ cao cấp. Có người còn tính xa, nghĩa là họ mua nhà sắm xe đều đứng tên con cái, vợ hoặc đứng tên họ hàng. Kiểm tra dù là bất ngờ hay “bốc thăm” đều không có gì. Nói chung họ có nhiều cách lắm.

Còn nhớ quãng mấy năm trước, có ông cán bộ cấp trưởng ngành ở tỉnh nọ sừng sững ngôi biệt phủ. Những người có trách nhiệm đến xác minh thì được ông ấy trả lời là để xây dựng ngôi biệt phủ này là tiền tích cóp từ hồi hàn vi, hồi ấy ông ấy đã phải “đi buôn chổi đót” để tích lũy. Câu chuyện “giời ơi tin được không” ấy cuối cùng cũng khép lại, ông buôn chổi đót chỉ bị thuyên chuyển công tác từ đầu ngành cấp tỉnh lên làm chuyên viên ở một cơ quan cao hơn. Hoặc như ở tỉnh nọ, khi tiến hành xác minh nguồn tài chính để xây dựng một ngôi biệt thự nguy nga vào loại nhất tỉnh, thì ông chủ nhà là cựu quan chức cấp cao vừa nghỉ hưu tuyên bố đó là “tiền do vợ tôi vay mượn anh em bạn bè”. Liệu ai tin vợ ông cán bộ to này có nhiều anh em bạn bè tốt đến mức cho mượn cả một “đống tiền”. Và cứ tạm cho là vợ ông ta đi vay thật, thì vợ ông ấy sẽ phải trả món nợ cỡ hàng chục tỉ này như thế nào? Ấy thế mà rồi việc xác minh cũng hoàn thành và ông cán bộ cũng ấy hoàn toàn… trong sạch (!) Lại có ông cũng cán bộ cỡ ấy, khi về hưu cũng xây một biệt thự nguy nga không kém cái ông kể trên, nhưng bằng tiền của bà mẹ chắt bóp bán rau. Tất nhiên chẳng ai tin nhưng rồi cũng chẳng ai làm gì được ông ấy…

Đã đành, xác minh tài sản thông qua tự kê khai là việc khó và càng khó hơn nếu làm sâu, làm rộng, làm kỹ tới từng trường hợp; bởi những người “trong diện phải xác minh” đều đã trù tính hết mọi đường đi nước bước. Trông vào “tính trung thực” của cán bộ đảng viên ư? Còn lâu nhé! Trông vào “sự thẳng thắn nghiêm minh” ư? Cũng còn lâu nhé! Bởi một khi có ai đó qua xác minh phát hiện ra dấu hiệu tham ô tham nhũng thì họ đã có cách, đó là “chạy”. Mà chạy đến những ai thì thiên hạ lâu nay cũng đều biết cả, nhưng chỉ vì không “bắt tận tay, day tận mặt” nên họ vẫn thoát được. Câu chuyện ông cựu phó Tổng Thanh tra Chính phủ, có hẳn một va li tiền bỏ quên trên máy bay, một dạo khiến dư luận xôn xao. Mới đây là vụ ông Thiếu tướng cựu Giám đốc Công an thành phố phố Hải Phòng, nhận hơn 35 tỷ tiền chi cho chạy án mới thấy cái giá chạy án nó “khủng” đến mức nào. Cho nên cách làm “bốc thăm xác minh tài sản” thoạt nhìn cứ tưởng sẽ phát hiện được dấu hiệu “không bình thường” về kinh tế của cán bộ đảng viên, nhưng về thực chất vẫn ít tác dụng, kém hiệu quả và vô hình chung đã bỏ lọt nhiều đối tượng “cộm cán” cần xác minh tài sản.

Nói vậy, chẳng lẽ thôi không xác minh tài sản cá nhân nữa? Theo thiển nghĩ của tôi thì việc xác minh tài sản cá nhân phải đi kèm với việc xác minh những đối tượng liên đới: Con cái học hành còn chưa xong thì lấy tiền đâu để sắm xe sang, để mua nhà nhiều tỉ đồng? Vợ cũng công việc hưởng lương công chức thì làm gì “có của để” mà mua nhà? Và anh em họ hàng nữa, họ “đương yên đương lành” bỗng có nhà cao cửa rộng đứng tên mình. Rõ ràng xác minh những đối tượng liên đới như thế sẽ tìm ra ngay ai là người “giàu lên bất thường”. Thêm nữa, một khi cán bộ đảng viên có con đi du học ở nước ngoài thi tiền ở đâu ra? Việc xác minh tài sản cá nhân của cán bộ đảng viên hãy bắt đầu từ những việc không bình thường như trên, kể cả những cán bộ đảng viên đã “hạ cánh an toàn”.

Thông tin mới nhất là mới đây một số tỉnh, thành phố và ngành, như: Tp Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Trị, Tổng cục Thuế, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ... đã tiến hành “bốc thăm xác minh tài sản”. Gần đây nhất, ngày 18/2/2023, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành bốc thăm ở 12 cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước đối với 470 người, trong đó có 310 người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và 160 người không giữ chức vụ, quản lý. Bốc thăm đã ngẫu nhiên chọn ra 67 người. Theo thiển nghĩ của cá nhân tôi, thì nên công khai danh sách người được “bốc thăm” để có thêm thông tin từ dư luận từ quần chúng, từ đó có thể phân loại đối tượng nhằm tránh “oan sai” và “bỏ lọt”. Đặc biệt là tránh việc xác minh bị “vô hiệu hóa”.

Đồng thời, cần sớm thông tin kết quả xác minh một cách công khai, đúng luật, có sự giám sát của quần chúng để việc làm này không là “chiếu lệ”; tránh tình trạng sau xác minh thì tất cả lại “chìm vào im lặng”, “Đánh trống bỏ dùi”…

Nhà văn Nguyễn Trọng Văn

Nguồn Văn nghệ số 14/2023


Có thể bạn quan tâm